Công chứng vi bằng là gì? Hướng dẫn thủ tục công chứng vi bằng

Công chứng vi bằng là từ khóa được tìm kiếm tương đối nhiều, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì đây là hai khái niệm khác nhau và không phải ai cũng nắm rõ điều này. Trong bài viết này, LuatVietnam sẽ chia sẻ với bạn đọc cụ thể hơn về công chứng vi bằng là gì cũng như cách hiểu đúng về công chứng vi bằng.

1. Công chứng vi bằng là gì?

Công chứng vi bằng là thuật ngữ mà nhiều người hiện nay vẫn còn nhầm lẫn. Theo quy định của pháp luật hiện nay không tồn tại thuật ngữ này bởi công chứng và vi bằng là hai lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể, khoản 2 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP nêu rõ:

Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác

Tóm lại, vi bằng không phải văn bản công chứng và không thay thế văn bản công chứng. Đây là hai loại giấy tờ độc lập, có cách định nghĩa và giá trị pháp lý khác nhau.

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Công chứng vi bằng là gì? (Ảnh minh họa)

2. Phân biệt công chứng và vi bằng thế nào?

Dưới đây là một số tiêu chí để phân biệt công chứng và vi bằng:

Tiêu chí

Văn bản công chứng

Vi bằng

Căn cứ

Luật Công chứng

Nghị định 08/2020/NĐ-CP

Người lập

Công chứng viên

Thừa phát lại

Định nghĩa

Là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được Công chứng viên chứng nhận

Là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức

Giá trị pháp lý

- Có giá trị chứng cứ;

- Tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh trừ trường hợp Tòa án tuyên bố vô hiệu

- Bản dịch có giá trị sử dụng như giấy tờ được dịch

- Là nguồn chứng cứ khi Tòa án xem xét giải quyết vụ việc dân sự, hành chính

- Là căn cứ thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Phạm vi

- Động sản: Toàn quốc

- Bất động sản: Trong phạm vi tỉnh, thành phố Văn phòng/Phòng công chứng đặt trụ sở trừ công chứng:

  • Di chúc;
  • Văn bản từ chối nhận di sản;
  • Văn bản ủy quyền liên quan đến thực hiện quyền với bất động sản

Toàn quốc

3. Xác định tính pháp lý của công chứng vi bằng 

Trong bài viết này, LuatVietnam sẽ làm rõ về giá trị pháp lý của vi bằng. Theo Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

- Văn bản vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực hay bất kỳ văn bản hành chính nào khác.

- Vi bằng là nguồn chứng cứ, làm cơ sở cho tòa án xem xét giải quyết các vấn đề hành chính và dân sự theo những quy định của pháp luật. Vi bằng cũng là căn cứ để các cá nhân, tổ chức, cơ quan thực hiện giao dịch theo pháp luật quy định.

- Vi bằng có giá trị là bằng chứng, là chứng cứ để công nhận hoạt động mua bán, giao dịch tài sản. Vi bằng không phải là một thủ tục hành chính có khả năng đảm bảo giá trị cho tài sản.

Vi bằng được xác định là có giá trị chứng thực cho giao dịch tài sản (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, văn phòng thừa phát lại chỉ ghi nhận các hành vi trao đổi, giao dịch tiền tệ, giao nhận giấy tờ chứ không thực hiện nghĩa vụ chứng thực hoạt động mua bán tài sản. Pháp luật cũng không quy định chức năng giống như công chứng, chứng thực giao dịch mua bán tài sản đối với công chứng vi bằng.

Các chủ thể khi lập vi bằng sẽ đều thực hiện đúng theo quy trình thủ tục cụ thể do nhà nước quy định. Quá trình lập sẽ có sự xác nhận giao dịch giữa các bên ngay tại thời điểm đó. Vi bằng cũng sẽ là cơ sở làm chứng tại tòa nếu có tranh chấp xảy ra giữa hai bên giao dịch.

Dựa vào những quy định và phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ, chứng thực chứ không thể được công nhận giá trị pháp lý trong các hoạt động giao dịch mua bán tài sản.

4. Hướng dẫn các bước công chứng vi bằng

Sau khi hiểu rõ khái niệm công chứng vi bằng là gì, bạn cần nắm được quy trình thủ tục khi tiến hành công chứng vi bằng để tránh những thiếu sót. Công chứng vi bằng sẽ được thực hiện qua các bước sau:

4.1. Yêu cầu lập vi bằng

Đầu tiên, khi có nhu cầu lập công chứng vi bằng, người lập sẽ trực tiếp đến văn phòng Thừa Phát Lại để gửi yêu cầu. Văn phòng công chứng sẽ tiến hành tư vấn hỗ trợ các thông tin cần thiết để thực hiện cho người lập. Sau đó, Thừa phát lại sẽ yêu cầu người lập điền đầy đủ các thông tin vào mẫu theo quy định. Tất cả các giấy tờ đều sẽ được thống nhất theo một khuôn mẫu nhất định.

4.2. Thỏa thuận lập vi bằng

Sau khi yêu cầu lập vi bằng được hoàn thành, văn phòng sẽ thống nhất nội dung thỏa thuận giữa hai bên và tiến hành lập, ký kết văn bản vi bằng. Khi đó, người lập sẽ cung cấp lại cho bên Thừa Phát lại đầy đủ thông tin, địa điểm, ngày giờ,...

4.3. Thực hiện lập vi bằng

Quá trình lập vi bằng phải được Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, thực hiện và chịu trách nhiệm  trước người yêu cầu và trước pháp luật. Việc ghi nhận hành vi, tiến trình trong công chứng vi bằng phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Trong điều kiện cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời bên thứ ba làm chứng về việc lập vi bằng.

Thông tin người yêu cầu cung cấp phải đầy đủ, chính xác, hữu ích và phải có trách nhiệm đảm bảo tính hợp pháp của thông tin và tài liệu mình cung cấp.

Khi lập vi bằng, Thừa phát lại có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của bản vi bằng. Vi bằng phải được ký hoặc chỉ điểm bởi người yêu cầu. Thừa phát lại ký vào từng trang vi bằng, đóng dấu của văn phòng Thừa phát lại và ghi chép vào sổ vi bằng được lập theo mẫu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Sau khi đạt được các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên thì Thừa phát lại sẽ lập vi bằng và chia ra làm 03 bản có giá trị như nhau, bao gồm:

  • 01 bản lưu tại Sở Tư Pháp.

  • 01 bản dành cho người yêu cầu giữ

  • 01 bản dành do văn phòng Thừa phát lại lưu trữ

Vi bằng được lập thành 3 bản có giá trị như nhau (Ảnh minh họa)

4.4. Gửi vi bằng đến Sở Tư pháp

Pháp luật nhà nước ta đã có quy định cụ thể, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ thời điểm kết thúc quá trình lập vi bằng, văn phòng Thừa phát lại sẽ phải có trách nhiệm gửi văn bản vi bằng và các tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp, là nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở, để đưa vi bằng vào sổ đăng ký.

Cùng với đó, cũng theo quy định pháp luật, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được vi bằng từ văn phòng Thừa phát, Sở Tư pháp phải tiến hành vào sổ đăng ký vi bằng.

5.  Nhà vi bằng có làm sổ được không? Có nên mua nhà vi bằng?

Như đã phân tích ở trên thì vi bằng chỉ được sử dụng làm xác nhận có xảy ra sự kiện giao dịch trên thực tế và được xem là chứng cứ để giải quyết mâu thuẫn khi xảy ra các vấn đề tranh chấp. Vi bằng thật sự không có giá trị pháp lý về quan hệ xác lập giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất.

Như vậy, nhà đất vi bằng sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Điều đó đồng nghĩa với việc, nhà đất vi bằng sẽ không được cấp sổ đỏ theo quy định.

Để có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp cần phải thỏa mãn được một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hoặc là chủ thể thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013.

Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp phải có đầy đủ các loại văn bản pháp lý hợp pháp, được thể hiện qua hợp đồng mua bán, cho tặng , thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được công chứng, chứng thực.

Do đó, nếu bạn đang băn khoăn không biết liệu có nên mua nhà vi bằng hay không, thì cần xác định trước, có thể có nhiều rủi ro xảy ra mà bạn khó xử lý được. Bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có mua nhà bằng hình thức này hay không.

Bởi, những căn nhà được giao dịch bằng vi bằng thường sẽ có mức giá thấp hơn so với các căn nhà được cấp sổ đỏ. Nếu không may, gặp những kẻ lừa đảo, bạn có thể mất tiền oan bởi những cái bẫy do chúng thiết lập nên.

Nhà vi bằng không được cấp sổ đỏ (Ảnh minh họa)

Như vậy bài viết đã tổng hợp và phân tích tất cả những thông tin để trả lời cho câu hỏi công chứng vi bằng là gì và những quy định của pháp luật liên quan đến hình thức này. Hy vọng bạn đọc có cơ sở để lựa chọn cho mình những hình thức bất động sản đầu tư thích hợp.

Mọi vấn đề vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.

7 điểm mới tại Luật Công chứng 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Chiều 26/11/2024 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng 2024 với 08 chương, 76 Điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 07 điểm mới đáng chú ý tại Luật Công chứng 2024 ngay trong bài viết dưới đây.