Công chứng sơ yếu lý lịch cần gì? Bao nhiêu tiền?

Sơ yếu lý lịch khi nào cần công chứng? Công chứng sơ yếu lý lịch cần gì? Ở đâu? Bao nhiêu tiền? Trình tự công chứng Sơ yếu lý lịch. Tham khảo các thông tin liên quan đến thủ tục công chứng sơ yếu lý lịch thông qua bài viết dưới đây.

1. Sơ yếu lý lịch khi nào cần công chứng?

Khi thực hiện việc xin xác nhận sơ yếu lý lịch chính là thực hiện thủ tục “chứng thực chữ ký” mà không phải thủ tục “công chứng” bởi căn cứ vào các khái niệm dưới đây:

  • Công chứng: “là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

(Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng số 53/2014/QH13)

  • Chứng thực chữ ký: “là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.”

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP

Đồng thời tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP có quy định về thủ tục chứng thực chữ ký tại tờ khai lý lịch.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về trường hợp nào thì cần chứng thực chữ ký đối với sơ yếu lý lịch của cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có yêu cầu người lao động nộp sơ yếu lý lịch có chứng thực, anh/chị có thể tham khảo các thông tin có liên quan đến thủ tục chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch tại các phần sau đây.

Công chứng sơ yếu lý lịch cần gì?
Công chứng sơ yếu lý lịch cần gì? (Ảnh minh họa)

Căn cứ nội dung quy định tại Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực chữ ký Sơ yếu lý lịch cá nhân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Thứ nhất là bản sơ yếu lý lịch cần chứng thực;

- Thứ hai là bản chính/bản sao có chứng thực các loại giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/Hộ chiếu).

Công chứng Sơ yếu lý lịch ở đâu?
Công chứng Sơ yếu lý lịch ở đâu? (Ảnh minh họa)

Căn cứ nội dung quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, khi có nhu cầu chứng thực Sơ yếu lý lịch cá nhân, anh/chị có thể lựa chọn đến 01 trong những nơi sau:

- Thứ nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Thứ hai là Phòng Tư pháp cấp huyện;

- Thứ ba là phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng

- Thứ tư là các cơ quan đại diện lãnh sự/cơ quan đại diện ngoại giao/cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài.

Hiện nay, pháp luật không bắt buộc sơ yếu lý lịch phải được chứng thực chữ ký tại nơi cư trú. Do đó, anh/chị hoàn toàn có thể lựa chọn 1 trong các cơ quan, tổ chức nêu trên tại bất kỳ tỉnh/thành nào để thực hiện thủ tục này.

Địa điểm thực hiện

Mức phí chứng thực

Căn cứ pháp lý

- Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Phòng Tư pháp

- Phòng Công chứng.

10.000 đồng đối với 01 trường hợp. Trong đó, 01 trường hợp được hiểu là khi có một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một tờ Sơ yếu lý lịch.

Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC

Văn phòng công chứng

10.000 đồng đối với 01 trường hợp. Trong đó, 01  trường hợp hiểu là khi có một hoặc nhiều chữ ký trong một tờ Sơ yếu lý lịch.

Khoản 8 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC

Cơ quan đại diện lãnh sự/cơ quan đại diện ngoại giao/cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài.

10 USD/bản

Phụ lục 2 Thông tư số 264/2016/TT-BTC

Như vậy, dù thực hiện chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch tại bất kỳ cơ quan, tổ chức nào được liệt kê như trên thì mức phí quy định đều là 10.000 đồng đối với 01 trường hợp.

Riêng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì mức phí chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch là 10 USD/bản.

Căn cứ Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, khi có nhu cầu xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân, anh/chị có thể tham khảo các bước thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký đối với sơ yếu lý lịch như sau:

Bước 1: Người có yêu cầu chuẩn bị hồ sơ chứng thực bao gồm Bản sơ yếu lý lịch cần chứng thực và bản chính/bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ tùy thân của người yêu cầu.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký.

Bước 3: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra nội dung Sơ yếu lý lịch được yêu cầu chứng thực và tính hợp lệ của loại giấy tờ tùy thân được nộp.

Nếu người tiếp nhận đánh giá thấy hồ sơ đã đầy đủ theo quy định, đồng thời tại thời điểm yêu cầu chứng thực, người yêu cầu có minh mẫn, có nhận thức, làm chủ được hành vi và yêu cầu chứng thực này không thuộc các trường hợp không được chứng thực chữ ký (Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) thì đề nghị người có yêu cầu thực hiện việc ký tên trước mặt.

Sau đó cán bộ thực hiện thủ tục cần ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch; Đồng thời ký & ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan/tổ chức thực hiện chứng thực chữ ký và ghi vào sổ chứng thực của cơ quan/tổ chức.

Lưu ý: Sơ yếu lý lịch mà có từ 02 trang trở lên thì ghi lời chứng ở trang cuối. Nếu sơ yếu lý lịch mà có từ 02 tờ trở lên thì cần đóng dấu giáp lai.

- Nếu người tiếp nhận đánh giá thấy hồ sơ còn thiếu sót hoặc có vấn đề cần làm rõ, thì hướng dẫn người có yêu cầu chứng thực bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Bước 4: Đóng phí chứng thực chữ ký Sơ yếu lý lịch theo quy định.

Bước 5: Nhận Sơ yếu lý lịch đã được chứng thực chữ ký.

Trên đây là thông tin cho câu hỏi công chứng sơ yếu lý lịch cần gì?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.

Không có nơi thường trú, tạm trú, làm sao để được cấp thẻ Căn cước?

Không có nơi thường trú, tạm trú, làm sao để được cấp thẻ Căn cước?

Không có nơi thường trú, tạm trú, làm sao để được cấp thẻ Căn cước?

Từ 01/7/2024, người dân đã có thể làm thẻ Căn cước mới để thay thế cho các giấy tờ tùy thân cũ như Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD) cũ. Vậy làm sao để được cấp thẻ Căn cước khi không có nơi thường trú tạm trú?