Công chứng sổ đỏ ở đâu? Chi phí như thế nào?

Sổ đỏ là là đại diện cho một tài sản lớn nên sổ đỏ là giấy tờ được sử dụng nhiều trong các giao dịch. Trong đó, nhiều thủ tục yêu cầu công chứng sổ đỏ. Vậy công chứng sổ đỏ ở đâu? Thủ tục như thế nào?

1. Công chứng sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ chính là cách gọi thông thường của người dân về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, sổ đỏ là giấy tờ làm căn cứ để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.

Do đó, trong các giao dịch, thủ tục hành chính liên quan đến sổ đỏ, bên cạnh bản chính sổ đỏ thì nhiều cơ quan, tổ chức còn có thể yêu cầu bản sao chứng thực sổ đỏ. Và cách mà nhiều người thường gọi chính là sổ đỏ công chứng. Vậy thực hiện công chứng sổ đỏ ở đâu?

2. Công chứng sổ đỏ ở đâu?

Do công chứng sổ đỏ hay chính là chứng thực bản sao từ bản chính sổ đỏ nên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng sổ đỏ được thực hiện theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, căn cứ Điều 5 Nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ, câu trả lời của câu hỏi “công chứng sổ đỏ ở đâu” chính là các cơ quan, tổ chức sau đây:

- Phòng Tư pháp cấp huyện gồm các đơn vị hành chính: Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Ủy ban nhân dân cấp xã gồm các đơn vị hành chính: Xã, phường, thị trấn.

- Cơ quan đại diện gồm có các cơ quan: Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

- Tổ chức hành nghề công chứng gồm: Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.

Người có nhu cầu công chứng sổ đỏ có thể đến một trong các địa chỉ nêu trên - nơi thuận tiện nhất cho mình để thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính sổ đỏ.

Công chứng sổ đỏ ở đâu? Trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? (Ảnh minh hoạ)

3. Thủ tục công chứng sổ đỏ mới nhất

Sau khi xác định được công chứng sổ đỏ ở đâu, người dân cần thực hiện thủ tục này như sau:

3.1 Hồ sơ công chưng sổ đỏ

Giấy tờ duy nhất mà người dân cần mang đến nơi thực hiện công chứng sổ đỏ (một trong những địa chỉ ở trên) chính là bản chính của sổ đỏ.

Nếu trường hợp nơi thực hiện chứng thực nêu trên không có điều kiện để photo bản chính sổ đỏ thì người dân có thể mang thêm bản photo sổ đỏ. Tuy nhiên, khi mang theo bản photo sẵn, người dân cần chuẩn bị thêm 01 bản photo bởi đây sẽ là bản mà tổ chức, cơ quan thực hiện chứng thực lưu trữ tại văn phòng.

3.2 Chi phí công chứng sổ đỏ

Căn cứ Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC, phí chứng thực bản sao từ bản chính sổ đỏ là 2.000 đồng/trang. Nếu từ trang thứ ba trở đi thì tính 1.000 đồng/trang.

Đặc biệt, phí chứng thực cao nhất khi chứng thực bản chính từ bản sao sổ đỏ sẽ là 200.000 đồng/bản.

3.3 Thời gian công chứng sổ đỏ

Thực tế, việc chứng thực bản sao từ bản chính sổ đỏ không mất quá nhiều thời gian. Việc chứng thực được thực hiện theo Điều 7 Nghị định 23/2015/NĐ-CP trong thời hạn là ngay trong ngày làm việc nhận được đầy đủ giấy tờ.

Nếu người yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính sổ đỏ nộp hồ sơ sau 15 giờ thì thời hạn để trả bản sao chứng thực sổ đỏ là ngày làm việc tiếp theo.

Tuy nhiên, thông thường, các cơ quan sẽ thực hiện và trả hồ sơ chứng thực sổ đỏ trong khoảng 30 phút đến 01 giờ đồng hồ kể từ sau khi nhận đầy đủ hồ sơ bởi chứng thực sẽ gồm các bước:

Bước 1: Người có thẩm quyền công chứng sổ đỏ kiểm tra bản chính sổ đỏ và bản photo về nội dung, hình thức đảm bảo bản photo có nội dung đúng như bản chính và bản chính sổ đỏ đủ điều kiện để chứng thực. Nếu không được nộp sẵn bản photo, người có thẩm quyền có thể thực hiện việc photo bản chính.

Bước 2: Người có thẩm quyền thực hiện chứng thực đóng dấu, ký tên vào bản photo của sổ đỏ; ghi số chứng thực, viết số chứng thực vào sổ chứng thực.

Bước 3: Trả hồ sơ và nộp phí chứng thực theo quy định.

3.4 Lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính

Ban hành kèm theo phụ lục Nghị định 23/2015/NĐ-CP là lời chứng chứng thực bản sao đúng với bản chính. Theo đó, mẫu lời chứng cụ thể như sau:

Chứng thực bản sao đúng với bản chính

Số chứng thực ………. quyển số ……- SCT/BS

Ngày … tháng ……. năm …….

Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu

Ngày nay, thực tế nhiều cơ quan, tổ chức đã khắc dấu chứng thực gồm những nội dung này. Người có thẩm quyền chứng thực chỉ cần viết số chứng thực, quyển số, ngày tháng năm sinh và ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chứng thực bản sao đúng với bản chính.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Công chứng sổ đỏ ở đâu? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục