1. Công chứng giấy ra viện là gì?
Công chứng giấy ra viện là cách gọi thông thường của nhiều người dân khi muốn nói đến việc chứng thực bản sao từ bản chính giấy ra viện bởi thực tế có rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này.
Công chứng là loại thủ tục được áp dụng với giao dịch, hợp đồng về tính chính xác, không trái đạo đức của hợp đồng, giao dịch hoặc của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại (căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014).
Trong khi đó, chứng thực bảo sao từ bản chính là việc căn cứ vào bản chính để người có thẩm quyền chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Do đó, chứng thực bản sao từ bản chính không giới hạn trong việc hợp đồng, giao dịch mà áp dụng chung cho tất cả các giấy tờ, văn bản có xác nhận, đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, công chứng giấy ra viện hay chính xác hơn là chứng thực bản sao từ bản chính giấy ra viện. Đây là một trong những yêu cầu về giấy tờ để chứng minh bệnh nhân đã khỏi bệnh và được cơ sở y tế cho xuất viện.
Căn cứ vào giấy ra viện, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chi trả một số chế độ bảo hiểm như:
- Chế độ ốm đau (bản sao giấy ra viện của người lao động/con của người lao động) nếu điều trị nội trú.
- Chế độ thai sản (nếu lao động nữ khám thai, sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý hoặc khi con chết ngay sau khi sinh) nếu điều trị nội trú hoặc phải điều trị thêm sau thời gian điều trị nội trú. Trường hợp này cũng chỉ cần bản sao giấy ra viện.
Xem chi tiết: Mẫu Giấy ra viện mới nhất và hướng dẫn cách ghi đúng chuẩn
2. Công chứng giấy ra viện ở đâu?
Công chứng giấy ra viện hay chính là thủ tục chứng thực giấy ra viện. Do đó, căn cứ Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người có yêu cầu chứng thực giấy ra viện có thể đến một trong những địa điểm dưới đây để thực hiện:
- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với người có thẩm quyền chứng thực là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp.
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn với người có thẩm quyền chứng thực là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện) với người có thẩm quyền thực hiện là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.
- Tổ chức hành nghề công chứng gồm văn phòng công chứng, phòng công chứng với người có thẩm quyền thực hiện chứng thực là công chứng viên.
Người có yêu cầu có thể lựa chọn một trong các địa điểm nêu trên để thực hiện công chứng giấy ra viện. Khi đi, người yêu cầu công chứng có thể photo trước giấy ra viện (dự phòng cho trường hợp nơi thực hiện chứng thực không có máy photo) và mang theo bản chính giấy ra viện để thực hiện chứng thực.
Khi đó, người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính để người có thẩm quyền ở trên đối chiếu, xác minh tính chính xác của bản chính và bản photo và thực hiện ký tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền vào bản photo chứng thực.
Người yêu cầu chứng thực giấy ra viện chứng thực phải nộp lệ phí chứng thực là 2.000 đồng/trang. Nếu có từ trang thứ ba trở lên thì phí chứng thực là 1.000 đồng/trang và mức phí cao nhất là 200.000 đồng/trường hợp.
3. Giấy ra viện công chứng có hiệu lực bao lâu?
Hiện các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể về hiệu lực sử dụng của bản chứng thực từ bản chính. Do đó, có thể hiểu, văn bản chứng thực không bị giới hạn về thời gian có hiệu lực.
Tuy nhiên, với giấy ra viện thì chỉ áp dụng với lần ra viện được ghi trong giấy ra viện đó. Nên khi bản chính giấy ra viện chỉ có giá trị sử dụng trong khoảng thời gian nhất định thì giấy ra viện chứng thực cũng sẽ chi có giá trị trong khoảng thời gian tương ứng với thời hạn của bản chính này.
Trên đây là thông tin chi tiết về: Công chứng giấy ra viện. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.