Trong một số trường hợp, ngoài việc phải nộp phạt vi phạm giao thông, người vi phạm còn có thể bị tạm giữ phương tiện. Trong đó, có những lỗi vi phạm khiến xe đạp bị tạm giữ.
Trường hợp nào bị tạm giữ phương tiện?
Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, cụ thể trong 3 trường hợp sau:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định về xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
+ Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Lưu ý:
- Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản.
Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm.
Trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.
- Việc tạm giữ tang vật, phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
- Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Những lỗi vi phạm khiến xe đạp bị tạm giữ
Căn cứ Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, những lỗi vi phạm sau sẽ bị tạm giữ xe đạp:
1- Điều khiển xe trên đường có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở;
2- Điều khiển xe trên đường có nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/1 lít khí thở;
3- Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
4- Điều khiển xe trên đường có nồng độ cồn vượt quá 80 mg /100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở;
5- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Trên đây là những lỗi khiến xe đạp bị tạm giữ, nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Những lỗi vi phạm bị tạm giữ xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP