CMND còn hạn sử dụng có nên đổi sang CCCD gắn chip?

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều người sử dụng Chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân. Vậy nếu CMND còn hạn sử dụng thì có nên đổi sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip?

1. Hạn sử dụng của CMND là bao nhiêu năm?

CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để xác nhận các thông tin cơ bản, đặc điểm nhận dạng và lai lịch của một người.

CMND lần đầu tiên được cấp vào năm năm 1957. Sau nhiều lần sửa đổi, nước ta có tới 02 loại CMND đang được sử dụng là Giấy CMND 9 số và Thẻ CMND 12 số.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP, cả hai loại CMND 9 số và 12 số đều có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Mặc dù hiện tại Việt Nam đã ngừng cấp CMND, tuy nhiên nếu chưa đủ 15 năm kể từ ngày cấp mà CMND còn nguyên vẹn, chưa bị hỏng, rách, nát thì người dân vẫn được sử dụng loại giấy tờ này để thực hiện các giao dịch, thủ tục.

2. CMND còn hạn sử dụng có nên đổi sang CCCD gắn chip?

Do hạn sử dụng của CMND khá dài nên hiện tại, vẫn còn rất nhiều người sử dụng CMND là giấy tờ tùy thân. Việc lựa chọn đổi sang CCCD gắn chip hay tiếp tục dùng CMND cũ đều có những ưu, nhược điểm riêng.

2.1. Ưu điểm khi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip

Lưu trữ nhiều thông tin quan trọng

CCCD gắn chip chứa được rất nhiều thông tin quan trọng của cá nhân như: Mã định danh cá nhân; số CMND cũ; họ và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; địa chỉ thường trú; quê quán; vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhân dạng…

Độ bảo mật cao

Chỉ các cơ quan chức năng mới được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng để trích xuất thông tin trên thẻ CCCD. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm rằng, nếu như có bị mất Căn cước công dân gắn chip, thì người nhặt được cũng khó có thể đọc được thông tin của người mất mà chip trên thẻ đang lưu giữ.

Dễ dàng xác thực danh tính, quản lý thông tin công dân

Con chip trên thẻ CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu dân cư. Đồng thời, thông qua các thiết bị đọc chip, cơ quan có thẩm quyền có thể dễ dàng xác thực ngay danh tính của công dân.

Tích hợp nhiều giấy tờ cá nhân trong tương lai      

Hiện nay nước ta đã và đang từng bước thay thế giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD khi tham gia thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg, Chính phủ đang tập trung thực hiện ngay việc tích hợp CCCD với một số giấy tờ quan trọng như: Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, y tế...

Bên cạnh đó, Đề án này còn đề ra mục tiêu tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, chứng khoán, thanh toán không dùng tiền mặt... lên mã QR của thẻ CCCD gắn chip.

CMND còn hạn sử dụng có nên đổi sang CCCD gắn chip?

2.2. Một số khó khăn có thể gặp khi đổi sang CCCD gắn chip

Phải cập nhật/sửa đổi một số giấy tờ

CCCD gắn chip hiện nay sử dụng thống nhất với 12 chữ số. Vì vậy, một trong những rắc rối thường gặp nhất đối với người dùng CMND 9 số khi đổi sang CCCD gắn chip là số thẻ của người dân sẽ thay đổi.

Người dân có thể dùng Giấy xác nhận số CMND hoặc quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip để chứng minh nhân thân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thuận tiện trong các thủ tục sau này, người dân cần cập nhật/sửa đổi một số loại giấy tờ như:

- Thông tin tài khoản ngân hàng

- Hộ chiếu

- Sổ bảo hiểm xã hội

- Sổ đỏ…

Mã QR có thể không chứa số CMND cũ

Qua thực tế, vẫn có một số ít trường hợp người dân không có thông tin số CMND 9 số cũ khi quét mã QR trên CCCD gắn chip. Nguyên nhân có thể do sai sót khi thu thập thông tin khi cấp CCCD nên trong Cơ sở dữ liệu dân cư không có thông tin này.

Nếu chẳng may thuộc trường hợp trên, người dân có thể sử dụng giấy xác nhận số CMND khi cần hoặc liên hệ trực tiếp với công an nơi đã làm thủ tục cấp CCCD gắn chip để tiến hành bổ sung, cập nhật thông tin.

Tóm lại: Người dân có CMND còn hạn sử dụng không bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip. Tuy nhiên, người dân cũng nên cân nhắc về những ưu điểm mà CCCD gắn chip đem lại để có sự lựa chọn phù hợp với bản thân.

3. Trường hợp nào bắt buộc phải đổi CMND sang CCCD gắn chip?

Đối với người đang sử dụng CMND, Căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999, có 06 trường hợp bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip là:

- CMND hết thời hạn sử dụng;

- CMND hư hỏng không sử dụng được;

- Công dân thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

- Công dân thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Công dân thay đổi đặc điểm nhận dạng;

- Bị mất CMND đang sử dụng.

Trên đây là giải đáp về: CMND còn hạn sử dụng có nên đổi sang CCCD gắn chip? Nếu gặp vướng mắc liên quan, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.