Chụp trộm, quay lén không hề hiếm gặp, đặc biệt là ở thời kỳ điện thoại thông minh và mạng xã hội đang phát triển rầm rộ như hiện nay. Nhiều người vẫn vô tư thực hiện hành vi này rồi chia sẻ lên Facebook mà không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Ai cũng có quyền đối với hình ảnh của mình
Quyền hình ảnh của cá nhân là một trong những quyền được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, Điều 32 của Bộ luật này nêu rõ:
“Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Cũng theo Điều luật này, chỉ trong 02 trường hợp sau mới được phép sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó, gồm:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng (hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác) mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, ai cũng có quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình. Việc tự ý chụp ảnh, quay phim người khác trong khi chưa được đồng ý là hành vi trái pháp luật.
Mức phạt khi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác
Chụp trộm, quay lén không hề hiếm gặp, đặc biệt là ở thời kỳ điện thoại thông minh và mạng xã hội phát triển rầm rộ như hiện nay.
Nhiều người vẫn vô tư thực hiện hành vi này rồi chia sẻ lên Facebook mà không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, phải chịu một mức phạt khá nặng.
Theo Nghị định 174 năm 2013 của Chính phủ, việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng (điểm 3, khoản 3 Điều 66).
Đồng thời, trong trường hợp “sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh […] vu khống, xâm hại danh dự và nhân phẩm của cá nhân” có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng theo điểm c khoản 2 Điều 19 của Nghị định 158 năm 2013 của Chính phủ.