Số: 03/2016/CT-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Ninh Bình, ngày 18 tháng 05 năm 2016 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
VÀ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Trong những năm qua, công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của cơ quan chức năng và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ còn có những tồn tại, hạn chế, sai phạm. Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, sai phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 22/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
3. Ban hành các Quyết định xử lý và xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung và thời hạn xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Xây dựng, ban hành kế hoạch thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật. Các Sở, ban, ngành chỉ đạo đơn vị trực thuộc; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Thực hiện công tác tự kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tình hình thi hành pháp thuộc thẩm quyền quản lý.
5.Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị theo Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã.
7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Giao Sở Tư pháp hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: - Bộ Tư pháp; - Cục Quản lý XLVPHC &THTHPL - Bộ Tư pháp; - Các Sở, ban, ngành; - UBND các huyện, thành phố; - Lưu: VT, VP2, VP5, VP6, VP7. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Đinh Chung Phụng |