1. Chỉ tạm trú có đăng ký kết hôn được không?
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn được quy định cụ thể tại Luật Hộ tịch năm 2014. Theo đó:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam không liên quan đến yếu tố nước ngoài.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa:
Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
Công dân Việt Nam cư trú trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
- Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Căn cứ Điều 17, 37 Luật Hộ tịch
Nơi cư trú của cá nhân được Luật Dân sự giải thích là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trong đó, Luật Cư trú 2020 quy định nơi cư trú bao gồm cả nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Như vậy, công dân Việt Nam có thể đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tạm trú nếu kết hôn có yếu tố nước ngoài.
2. Thủ tục đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú thực hiện như thế nào?
2.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
* Kết hôn trong nước
Theo Điều 10 Nghị định 123 năm 2015, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;
- Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh đang còn thời hạn sử dụng;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cấp.
- Nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn thì có thêm Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực.
* Kết hôn có yếu tố nước ngoài
Điều 30 Nghị định 123 năm 2015, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn giá trị sử dụng, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thể hiện nội dung: Hiện tại người nước ngoài này không có vợ hoặc không có chồng.
Nếu nước đó không cấp thì thay bằng giấy tờ khác xác định người này đủ điều kiện đăng ký kết hôn.
- Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (do cơ quan y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận).
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
2.3. Thời gian cấp đăng ký kết hôn
Điều 18 Nghị định 123 năm 2015 quy định, Giấy chứng nhận kết hôn được cấp ngay sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và xét thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định. Cụ thể:
Nếu có đủ điều kiện kết hôn, cán bộ tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam nữ ký tên vào Sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp cần xác minh thêm các điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn cấp Giấy chứng nhận kết hôn không quá 05 ngày làm việc.
Riêng trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, việc trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký theo quy định tại Điều 32 Nghị định 123.
Lưu ý: Nếu trong 60 ngày kể từ ngày ký mà hai bên không thể có mặt để nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Giấy này sẽ bị hủy. Nếu hai bên vẫn muốn kết hôn thì phải thực hiện thủ tục lại từ đầu.
2.4. Lệ phí đăng ký kết hôn
Thủ tục đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước được miễn lệ phí theo quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch.
Trên đây là giải đáp về: Chỉ có tạm trú có đăng ký kết hôn được không? Mọi vấn đề vướng mắc về thủ tục đăng ký kết hôn vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.