Chậm trả kết quả chứng thực, phạt đến tiền triệu!

Không ít người khi đi chứng thực giấy tờ… bị kéo dài thời gian giải quyết gây khó khăn, cản trở công việc. Theo đó, nếu chậm trả kết quả chứng thực, người thực hiện chứng thực sẽ bị phạt nặng.

Thời hạn giải quyết yêu cầu chứng thực

Theo Điều 7 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15h. Trừ các trường hợp sau:

- Cùng một lúc yêu cầu chứng thực bản sao từ nhiều loại bản chính; bản chính có nhiều trang; yêu cầu số lượng nhiều bản sao; nội dung giấy tờ, văn bản phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu thì kéo dài thêm không quá 02 ngày làm việc hoặc theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực;

- Thời hạn chứng thực chữ ký người dịch có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

- Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

Như vậy, yêu cầu chứng thực phải được giải quyết trong ngày hoặc trong ngày làm việc tiếp theo nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15h hoặc không quá 02 ngày làm việc trong một số trường hợp. Nếu kéo dài hơn thì phải thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

Chậm trả kết quả chứng thực, phạt đến tiền triệu! (Ảnh minh họa)

Chậm chứng thực, phạt đến 3 triệu đồng

Hiện nay, hoạt động chứng thực bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký gồm cả chứng thực chữ ký người dịch và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Việc chứng thực được thực hiện bởi:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã);

- Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Phòng Tư pháp);

- Công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng;

- Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Người thực hiện chứng thực sẽ bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng theo điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 110/2013 được bổ sung tại Nghị định 67/2015 nếu yêu cầu chứng thực không được thực hiện:

- Ngay trong ngày hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận sau 15h hoặc;

- Quá 02 ngày làm việc đối với trường hợp cùng một lúc yêu cầu chứng thực nhiều loại bản chính; bản chính có nhiều trang; yêu cầu số lượng nhiều bản sao; nội dung giấy tờ phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu hoặc;

- Không có thỏa thuận bằng văn bản về thời gian với người yêu cầu chứng thực.

Do đó, nếu chậm trả kết quả chứng thực, người thực hiện chứng thực có thể bị phạt đến tiền triệu.

>> Giá trị pháp lý của bản sao chứng thực và bản sao từ sổ gốc

Hậu Nguyễn

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục