Cắt điện không thông báo trước bị phạt thế nào?

Việc cắt điện đột xuất làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và công việc của người dân, nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Vậy cắt điện có phải báo trước không? Trường hợp cắt điện đột xuất không báo trước bị phạt thế nào?

1. Trường hợp nào được cắt điện sinh hoạt?

Theo Điều 14 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện trong các trường hợp sau:

- Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp

Bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức khác;

- Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp:

  • Do sự cố, sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiệm cho người, trang thiết bị; hoặc
  • Do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện

Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.

- Bên mua điện có một trong các hành vi:

  • Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực;
  • Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện;
  • Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện;
  • Trộm cắp điện;
  • Dùng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trừ trường hợp được Nhà nước cấp phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp;
  • Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.

- Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về điện lực, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Như vậy, bên bán điện chỉ được ngừng, giảm mức cung cấp điện nếu thuộc các trường hợp nêu trên. Theo đó, trong trường hợp cắt điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo trước ít nhất 05 ngày cho người dân.

cat-dien-khong-thong-bao-truoc
Bên bán điện phải thông báo trước ít nhất 05 ngày cho người dân nếu cắt điện (Ảnh minh họa)

 

 

2. Phải thông báo trước về việc cắt điện ra sao?

Như đã trình bày ở trên và căn cứ theo Điều 4 Thông tư 22/2020/TT-BCT, mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện, trừ trường hợp trộm cắp điện.

Trong đó, nội dung thông báo phải đảm bảo có các thông tin gồm:

- Địa điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện; mức công suất giảm hoặc khả năng cung cấp tối đa trong trường hợp giảm mức cung cấp điện;

- Lý do ngừng, giảm mức cung cấp điện;

- Thời gian bắt đầu ngừng, giảm mức cung cấp điện;

- Thời điểm dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.

Theo đó, thông báo này sẽ được gửi đến người mua dưới các hình thức:

  • Văn bản, điện báo, điện thoại, fax, tin nhắn (SMS), thư điện tử (email)…
  • Các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức liên lạc khác do hai bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng mua bán điện.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể chủ động kiểm tra lịch cắt điện được hướng dẫn trong bài viết: 3 cách tra cứu lịch cắt điện nhanh chóng, chính xác

3. Cắt điện nhưng không báo trước bị xử lý thế nào?

Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà đơn vị cung cấp điện, người có trách nhiệm cung ứng điện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi cắt điện không thông báo trước.

- Xử phạt hành chính

Trong trường hợp phải thông báo mà Công ty Điện lực không thông báo cho người dân biết sẽ bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng theo điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2013/NĐ-CP, cụ thể:

7. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định;

b) Thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành.

- Xử lý hình sự

Trường hợp người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện mà cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 199 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 với mức phạt tù cao nhất lên tới 07 năm.

Cụ thể, phạm tội thuộc các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 03 - 07 năm:

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Trên đây là giải đáp về Cắt điện không thông báo trước bị phạt thế nào? Mọi vấn đề còn vướng mắc bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục