Cách dùng i và y đúng chuẩn trong văn bản, hợp đồng
Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cách viết i và y đúng chuẩn trong văn bản tại Điều 9 Quyết định số 1989 ngày 25/5/2018.
Theo đó, tại Điều 9 của Quyết định 1989 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn như sau:
Cách viết âm i
- Âm i đứng ngay sau phụ âm đầu: Chữ i được viết thành i
Ví dụ như: Hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ…
- Âm tiết chứa âm i là tên riêng: Viết đúng tên riêng đó, không phân biệt là i hay là y
Ví dụ: Vi Văn Định, Đường Song Vi, Nguyễn Văn Vỹ…
Cách viết âm y
Vẫn theo quy định trên, y sẽ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- Ngoài các trường hợp viết âm i ở trên thì có thể sử dụng y trong việc soạn thảo văn bản, hợp đồng.
Ví dụ: Quy định, tuỷ sống, chung thuỷ, huỷ hợp đồng…
- Âm tiết chứa âm y là tên riêng: Không phân biệt là i hay là y
Ví dụ: Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc…
Ngoài ra, căn cứ vào kinh nghiệm trong thực tế sử dụng hai từ y và i thì có thể đưa ra một số nguyên tắc kết hợp dùng từ giữa i và y sau đây:
- Nếu đứng một mình thì thường viết là y. Ví dụ như y tế, ý nghĩa…
- Nếu đứng sau âm đệm (âm đứng ở giữa âm đầu và âm chính của âm tiết) u thì viết là y ví dụ như suy nghĩ, quy định…
- Nếu khi đứng ở đầu tiếng thì viết là i ví dụ như in ấn, im lặng…
- Nếu viết ở vị trí cuối cùng của tiếng (âm đứng ở vị trí kết thúc của âm tiết) thì viết là i ví dụ như chui lủi, hoa nhài… nhưng trừ những âm đôi như uy, ay, ây...
- Nếu nguyên âm đôi iê đứng đầu tiếng thì i sẽ được viết thành y ví dụ như yên ả, yêu thương…
Cách viết những từ tiếng VIệt chưa rõ chính tả
Mặc dù quy tắc viết tiếng Việt trong các văn bản quy định là thế nhưng thực tế, có nhiều trường hợp không thể xác định được chính xác cách viết hoặc do thói quen mà viết nhầm, viết sai.
Căn cứ Quyết định 240 ngày 05/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với những từ tiếng Việt mà hiện nay chưa rõ chuẩn chính tả thế này thì nguyên tắc tại Quyết định này quy định nên chọn giải pháp chuẩn hoá sau đây:
- Tuỳ từng trường hợp mà căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau để sử dụng thích hợp như tiêu chí về phát âm hay về từ nguyên. Có thể kể đến một số tiêu chí cụ thể sau đây:
- Thói quen phát âm của đa số người trong xã hội dù cho thói quen này có khác với từ nguyên là gốc Việt hoặc gốc Hán. Ví dụ như chỏng gọng mặc dù theo từ nguyên thì từ này phải là chổng gọng.
- Nếu thói quen chưa rõ thì có thể dùng tiêu chí từ nguyên.
- Nếu trong thực tế mà có hai hình thức chưa xác định được một chuẩn duy nhất thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức cho đến khi xuất hiện một chuẩn duy nhất thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai cho đến khi thói quen nghiêng hẳn về một phía.
- Phải nghiêm túc thực hiện theo chuẩn chính tả và nên dựa vào chuẩn chính tả này để phát âm.
- Nếu vẫn không xác định được chuẩn chính tả thì có thể chấp nhận sử dụng biến thể.
Trên đây là thông tin về cách dùng i và y đúng chuẩn trong văn bản, hợp đồng. Có thể hấy, chính tả trong tiếng Việt cần được thống nhất và chuẩn hoá để đạt được hiệu quả tốt trong biên soạn. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được tư vấn, giải đáp chi tiết.