Mức phạt đối với các trường hợp không bật xi nhan
Đèn xi nhan là một loại đèn báo hiệu xin đường của các phương tiện giao thông. Việc sử dụng đèn xi nhan đúng cách, đúng lúc không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người lái xe, hạn chế va chạm mà còn giúp người lái xe tránh bị xử phạt.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người lái xe không có tín hiệu báo (xi nhan) trong những trường hợp sau sẽ bị xử phạt:
Phương tiện | Lỗi | Mức phạt | Căn cứ |
Xe máy | Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước | 100.000 - 200.000 đồng | Điểm i khoản 1 Điều 6 |
Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) | 400.000 - 600.000 đồng | Điểm a khoản 3 Điều 6 | |
Xe ô tô | Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết | 300.000 - 400.000 đồng | Điểm d khoản 1 Điều 5 |
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước | 400.000 - 600.000 đồng | Điểm a khoản 2 Điều 5 | |
Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) | 800.000 - 01 triệu đồng | Điểm c khoản 3 Điều 5 | |
Lùi xe không có tín hiệu báo trước | 800.000 - 01 triệu đồng | Điểm o khoản 3 Điều 5 | |
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc | 04 - 06 triệu đồng Tước Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng | Điểm g khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5 | |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng | Lùi xe không có tín hiệu báo trước | 300.000 - 400.000 đồng | Điểm b khoản 2 Điều 7 |
Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo trước | 300.000 - 400.000 đồng | Điểm g khoản 2 Điều 7 | |
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc | 800.000 - 01 triệu đồng Tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng giao thông đường bộ 01 - 03 tháng | Điểm d khoản 4 và điểm a khoản 10 Điều 7 |
Các trường hợp phải bật xi nhan để không bị xử phạt! (Ảnh minh họa)
Các trường hợp phải bật xi nhan bắt buộc?
Trước khi Nghị định 100 ra đời, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng đã quy định một số trường hợp lái xe phải sử dụng tín hiệu báo như khi chuyển làn đường; vượt xe; chuyển hướng xe; lùi xe; dừng xe, đỗ xe.
Như vậy, trong các trường hợp sau, lái xe bắt buộc phải bật xi nhan nếu không muốn bị “tuýt còi”:
- Chuyển làn đường;
- Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Riêng với ô tô, trường hợp lùi xe, dừng xe, đỗ xe cũng là những trường hợp bắt buộc phải bật xi nhan. Tài xế điều khiển ô tô nên lưu ý điều này.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Cục Cảnh sát giao thông, tài xế nên bật đèn xi nhan để báo hiệu cho phương tiện khác khi:
- Khi đi qua vòng xuyến;
- Khi đi theo đường cong;
- Khi lùi vào ngõ;
- Khi đi qua ngã ba chữ Y.
Những trường hợp này, người điều khiển phương tiện bật xi nhan sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác. Nếu không bật cũng không bị xử phạt.
>> Quên không tắt đèn pha, phạt đến 1 triệu đồng
Tình Nguyễn