Việc bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP.HCM là tin vui cho rất nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại các thành phố này. Người dân được gì và mất gì khi quy định này chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2021 tới đây?
Không chỉ bỏ điều kiện nhập khẩu tại Hà Nội, TP.HCM
Theo Luật Cư trú năm 2013, một trong những điều kiện để công dân nhập hộ khẩu về thành phố trực thuộc trung ương là có thời gian tạm trú nhất định tại thành phố đó. Trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 02 năm trở lên.
Riêng nội thành Hà Nội, đa số trường hợp nhập hộ khẩu cần đáp ứng điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên.
Tuy nhiên, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 01/7/2021 đã bãi bỏ hết các điều kiện này.
Cụ thể, điều kiện đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 Luật này không còn nhắc đến yêu cầu về thời gian tạm trú khi nhập khẩu. Đồng thời bãi bỏ các điều khoản quy định điều kiện nhập hộ khẩu riêng của Thủ đô Hà Nội tại Luật Thủ đô.
Như vậy, Hà Nội, TP.HCM cùng 03 thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ sẽ được đơn giản hóa điều kiện nhập khẩu từ ngày 01/7/2021.
Đơn giản điều kiện nhập hộ khẩu ảnh hưởng thế nào tới người dân? (Ảnh minh họa)
Đơn giản điều kiện nhập hộ khẩu ảnh hưởng thế nào tới người dân?
Hiện nay, số lượng người ngoại tỉnh đến các thành phố trực thuộc Trung ương là vô cùng lớn. Việc họ bị hạn chế quyền đăng ký thường trú gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống. Vì vậy, nếu bãi bỏ quy định rườm rà trong việc nhập hộ khẩu kể trên đem lại rất nhiều lợi ích cho những người này.
Đầu tiên, phải kể đến việc, người dân dễ dàng làm thủ tục nhập hộ khẩu hơn, không bị yêu cầu xác nhận đăng ký tạm trú (trong khi đó, việc đăng ký tạm trú có quy trình phức tạp như cần được chủ nhà thuê đồng ý…).
Thứ hai, thuận lợi trong việc cải cách hành chính (theo thống kê, năm 2017 có khoảng gần 40 thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu, đến năm 2020, vẫn còn khoảng 25 thủ tục buộc phải có sổ hộ khẩu) như khai sinh, khai tử, làm lý lịch tư pháp … Có hộ khẩu giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính tại nơi mình đang ở mà không cần về quê.
Thứ ba, giảm bớt gánh nặng khi con cái dễ dàng xin học trường công hơn trong khi chi phí trường tư đắt đỏ; hoặc có hộ khẩu sẽ được tách hộ để được mua điện, nước với giá rẻ hơn…
Tuy nhiên, thuận lợi của người này lại là khó khăn với người kia.
Việc nhập hộ khẩu dễ dàng hơn khiến người có hộ khẩu thành phố ngày càng nhiều. Sức ép lên ngành giáo dục, y tế… ngày càng nặng nề.
Chẳng hạn, một trường công lập trước đây chỉ nhận 30 học sinh, nay có đến 50 học sinh có hộ khẩu tại nơi đó. Điều này chắc chắn khiến ngành giáo dục “đau đầu”.
Dẫu vậy, theo ý kiến của nhiều người, việc “siết” điều kiện nhập hộ khẩu thành phố chỉ giảm được nhập khẩu, không giảm được nhập cư. Mặt khác, gây bất bình đẳng về quyền cư trú, gây khó khăn cho người ngoại tỉnh về sinh sống khi phải chịu chi phí tốn kém hơn cho các dịch vụ như điện, nước, thủ tục hành chính, học tập…
Để giảm sức ép dân cư ở thành phố, biện pháp tốt nhất vẫn là quy hoạch đô thị thật tốt như xây dựng các đô thị vệ tinh với mạng lưới giao thông, y tế, giáo dục, thương mại, nhà ở; tổ chức lại về công ăn việc làm, nhà máy, xí nghiệp; di dời các cơ sở giáo dục, bệnh viện, nhà máy ra khỏi nội thành một cách hợp lý…
Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng từ 01/7 tới đây, việc nới điều kiện nhập khẩu thành phố “đã được định đoạt”.
Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến cư trú, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Cập nhật điều kiện đăng ký thường trú trên cả nước từ 01/7/2021