- 1. Bỏ cấp huyện, cơ sở giáo dục y tế sắp xếp thế nào?
- 1.1 Phương án sắp xếp với các cơ sở giáo dục trực thuộc
- 1.2 Phương án sắp xếp với các cơ sở y tế trực thuộc
- 2. Sẽ giải thể đơn vụ sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả
- 3. Phương án sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức cấp xã mới sau sáp nhập
1. Bỏ cấp huyện, cơ sở giáo dục y tế sắp xếp thế nào?
Tại Mục 2 Phần II Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 về định hướng tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp có nêu rõ:
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị này để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo định hướng tại Kết luận 137-KL/TW và hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực sự nghiệp.
Theo đó, sau khi chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động, phương án sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục thuộc UBND cấp huyện sau sáp nhập được Ban Chỉ đạo của Chính phủ định hướng như sau:
1.1 Phương án sắp xếp với các cơ sở giáo dục trực thuộc
- Trường THCS, Tiểu học, mầm non công lập: Chuyển giao cho xã quản lý.
- Trung tâm giao dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên: Chuyển về Sở giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
1.2 Phương án sắp xếp với các cơ sở y tế trực thuộc
- Các trạm Y tế xã, phường hiện có: Vẫn tiếp tục duy trì để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
- Tùy thuộc vào diện tích và quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã mới mà UBND tỉnh có thể tổ chức lại thành 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện các nhiệm vụ về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
- Các trung tâm y tế, bệnh viện thuộc UBND huyện: Chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
2. Sẽ giải thể đơn vụ sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả
Công văn của Ban Chỉ đạo nêu rõ, UBND cấp xã sẽ sắp xếp, tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập để cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn, bao gồm các lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...
Đồng thời, bố trí một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban Quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng và các nội dung có liên quan.
Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh được phép thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý dự án cấp tỉnh nhằm cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo khu vực liên xã, phường.
Ban Chỉ đạo Chính phủ cũng giao UBND cấp tỉnh thực hiện việc cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, đồng thời thực hiện mục tiêu giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
3. Phương án sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức cấp xã mới sau sáp nhập
Tại Mục 2 Phần III Công văn số 03/CV-BCĐ năm 2025, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã nêu rõ định hướng về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập như sau:
- Trên cơ sở điều kiện thực tiễn và căn cứ vào tiêu chuẩn, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã hiện hành, Ban Thường vụ và UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, bố trí nhân sự theo phân cấp quản lý.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức được bố trí vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tại đơn vị hành chính cấp xã mới, tiếp tục được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm; sau thời gian này sẽ thực hiện chế độ phụ cấp theo quy định mới của Chính phủ.
- Trường hợp công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì tạm thời chưa áp dụng mức phụ cấp chức vụ cho đến khi Chính phủ ban hành quy định cụ thể về hệ số phụ cấp tương ứng.
Như vậy, dự kiến Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã mới theo phân cấp quản lý dựa trên điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện nay.
Cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã khi được bố trí vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tại ĐVHC cấp xã mới tiếp tục giữ phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày có quyết định; sau đó thực hiện theo quy định mới nhất.
Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề "Bỏ cấp huyện, cơ sở giáo dục y tế sắp xếp thế nào?"