Biên bản vi phạm hành chính nói chung, biên bản vi phạm giao thông nói riêng được dùng để ghi nhận lại hành vi vi phạm. Theo đó, biên bản vi phạm giao thông có hủy được không?
Biên bản vi phạm giao thông chỉ được lập 1 lần?
Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định:
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm.
Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới.
Như vậy, một hành vi vi phạm hành chính nói chung, vi phạm giao thông nói riêng thì chỉ bị lập biên bản vi phạm lập một lần.
Biên bản vi phạm giao thông có hủy được không?
Theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.
Đồng thời đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013 nêu trên, có thể thấy, trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã lập, nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện ra những sai sót trong biên bản vi phạm hành chính thì không được hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính đã lập để lập lại biên bản vi phạm hành chính mới.
Do đó, trường hợp vi phạm giao thông đã lập biên bản vi phạm nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện ra sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập thì có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà không được hủy biên bản vi phạm đã lập.
Lưu ý, biên bản xác minh này cũng phải được lập theo đúng thủ tục, trình tự quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan:
Cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm; người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có) và là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính trình người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, đồng thời, lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Đây cũng là quan điểm hướng dẫn của Bộ Tư pháp được nêu tại Công văn số 2659/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 10/8/2016 về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đây là giải đáp về vấn đề biên bản vi phạm giao thông có hủy được không. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực bao lâu?
>> Biên bản vi phạm giao thông có cần đóng dấu không?
>> Không ký biên bản vi phạm giao thông không phải nộp phạt?
>> Người vi phạm có được viết ý kiến vào biên bản vi phạm giao thông?