Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực bao lâu?

Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính về giao thông, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực bao lâu?

Các trường hợp phải lập biên bản vi phạm giao thông

Người tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị lập biên bản vi phạm giao thông:

- Tại thời điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông không có hoặc không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ gồm Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (theo khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019);

- Vi phạm giao thông không thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (theo khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

- Vi phạm giao thông khác được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ (theo khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Lưu ý:

- Biên bản vi phạm giao thông phải được lập thành ít nhất 02 bản và phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký;

- Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản.

Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực bao lâu? (Ảnh minh họa)

Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực bao lâu?

Biên bản vi phạm giao thông là cơ sở để ra quyết định xử phạt giao thông nên thời hạn có hiệu lực của biên bản sẽ phụ thuộc vào thời gian có hiệu lực của quyết định xử phạt.

Cụ thể, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Như vậy, thời hạn có hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông thông thường là 07 ngày, tối đa là 30 ngày đối với những vụ việc có tình tiết phức tạp, tối đa 60 ngày đối với những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt và quyết định này có hiệu lực, biên bản vi phạm giao thông sẽ hết hiệu lực.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Biên bản vi phạm giao thông có cần đóng dấu không?

>> Không ký biên bản vi phạm giao thông không phải nộp phạt?

>> Không lập biên bản, CSGT có được tạm giữ xe không?
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục