3 khó khăn thường gặp khi dùng Căn cước công dân gắn chip

Hiện nay, rất nhiều người đã nhận được thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip để sử dụng. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích rất rõ ràng, khi dùng CCCD gắn chip cũng phát sinh một số khó khăn nhất định cho người dân.

Mã QR không chứa thông tin số CMND cũ

Theo hướng dẫn của nhiều địa phương, Công an không cấp giấy xác nhận Số Chứng minh nhân dân (CMND) cũ, vì thông tin này đã được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chip, dễ dàng tìm thấy khi sử dụng thiết bị đọc mã QR tại mặt trước thẻ.

Tuy nhiên, không đơn giản như vậy. Thời gian qua, nhiều trường hợp không có thông tin số CMND 9 số trong mã QR Code trên CCCD gắn chip điện tử. Nguyên nhân là do công dân không kê khai thông tin về số CMND 9 số trong phiếu thu thập thông tin dân cư nên trong cơ sở dữ liệu dân cư không có thông tin này.

Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết đối với các trường hợp công dân đang thiếu thông tin về số CMND 9 số, có thể làm theo 02 cách sau:

Cách 1: Sử dụng giấy xác nhận số CMND

Theo Thông tư 07/2016/TT-BCA (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 40/2019/TT-BCA) quy định việc xin cấp giấy xác nhận này như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

Văn bản đề nghị cấp giấy xác nhận số CMND;

- Bản sao thẻ Căn cước công dân;

- Bản sao CMND 9 số (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý căn cước công dân nơi đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Xuất trình bản chính thẻ Căn cước công dân để đối chiếu.

Bước 3: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy hẹn trả kết quả; hồ sơ không hợp lệ thì trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Cách 2: Liên hệ công an nơi đã làm thủ tục cấp CCCD gắn chip để tiến hành bổ sung, cập nhật thông tin.

Ngoài ra, đối với các trường hợp công dân đổi từ CMND 12 số sang thẻ CCCD, các trường hợp đổi, cấp lại thẻ CCCD mà trước đây công dân đã kê khai thông tin số CMND 9 số, trong dữ liệu căn cước công dân có thông tin này, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hiệu chỉnh phần mềm hệ thống để tự động cập nhật, bổ sung thông tin.

kho khan khi dung can cuoc cong dan gan chip
3 khó khăn khi dùng Căn cước công dân gắn chip thường gặp (Ảnh minh họa)

Lo lắng lộ thông tin khi làm mất thẻ CCCD gắn chip

Khi có thẻ CCCD chip, bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị quét mã QR đều có thể quét mã QR ở mặt trước thẻ để kiểm tra thông tin như số Chứng minh nhân dân cũ, thông tin nhân thân của người được cấp.

Khi quét mã, các thông tin xuất hiện lần lượt như sau: số Căn cước công dân gắn chip (số định danh cá nhân); số Chứng minh nhân dân cũ; họ và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; địa chỉ thường trú, ngày cấp thẻ.

Ngoài ra, con chip ở mặt sau thẻ có chứa các thông tin về nhân thân của mỗi công dân, như: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quê quán; vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhân dạng… Đồng thời, trong tương lai gần, chip trên thẻ Căn cước công dân còn chứa thông tin liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe… của người sử dụng.

Vì thế, khi dùng CCCD gắn chip, nhiều người “canh cánh” nỗi lo làm mất thẻ sẽ gặp nhiều rủi ro bởi bị lộ thông tin cá nhân.

Trên thực tế, chỉ những cơ quan chức năng mới được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng để trích xuất thông tin. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm rằng, nếu như có bị mất Căn cước công dân gắn chip, thì người nhặt được cũng khó có thể đọc được thông tin của người mất mà chip trên thẻ đang lưu giữ.

Còn những thông tin trên mã QR không chứa đựng quá nhiều thông tin cần “bảo mật” như trên chip, thậm chí, hầu hết thông tin trong mã QR đã được in trên thẻ (trừ số CMND cũ). Vì thế, người dân không cần quá lo lắng về việc làm mất thẻ.

Phải cập nhật/sửa đổi một số giấy tờ

Khi đổi CMND 9 số sang CCCD 12 số, số thẻ của người dân sẽ thay đổi.

Người dân có thể dùng Giấy xác nhận số CMND hoặc quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip để chứng minh nhân thân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thuận tiện trong các thủ tục sau này, người dân cần cập nhật/sửa đổi một số loại giấy tờ như:

- Thông tin tài khoản ngân hàng

- Hộ chiếu

- Sổ bảo hiểm xã hội

- Sổ đỏ…

Xem thêm: Cần sửa đổi, cập nhật giấy tờ nào khi đổi CMND sang CCCD gắn chip?

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Khi nào bắt buộc phải chuyển hết sang CCCD gắn chip?

>> Xem các Video về Căn cước công dân gắn chip tại đây

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục