3 điều đặc biệt đối với trẻ sinh từ ngày 01/7/2024

Trẻ được sinh ra từ thời điểm 01/7/2024 sẽ đón nhận những điều đặc biệt ngay từ khi mới lọt lòng. Cùng tìm hiểu xem đó là những điều đặc biệt nào?

1. Trẻ sơ sinh được cấp thẻ Căn cước và tài khoản định danh

Đối với thẻ Căn cước

Căn cứ theo Điều 19 Luật Căn cước, số 26/2023/QH15 thì những người dưới đây được cấp thẻ Căn cước:

Một, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

Hai là, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Và thứ ba là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

Công dân dưới 14 tuổi ở đây bao gồm cả trẻ sơ sinh. Như vậy, trẻ sinh từ thời điểm 01/7/2024 có thể làm thẻ Căn cước nếu cha mẹ trẻ có nhu cầu. Bởi đây không phải là đối tượng bắt buộc phải làm thẻ Căn cước.

Quy định cũ chỉ thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Đối với tài khoản định danh

Điều 7, Nghị định 69/2024/NĐ-CP về phân loại, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử có quy

“1. Đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02.

Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu.

Như vậy, công dân Việt Nam dưới 6 tuổi (bao gồm cả trẻ sơ sinh) đã được cấp thẻ Căn cước thì được cấp tài khoản định danh mức độ 01 nếu có nhu cầu.

Quy định cũ chỉ cho phép trẻ dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ đăng ký tài khoản định danh điện tử theo tài khoản của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

3-dieu-dac-biet-doi-voi-tre-sinh-tu-ngay-01-7-2024-1
Một trong 3 điều đặc biệt đối với trẻ sinh từ ngày 01/7/2024 là trẻ được cấp Căn cước nếu cha mẹ có nhu cầu. (Ảnh minh họa)

2. Được thực hiện liên thông điện tử các thủ tục đăng ký khai sinh, hộ khẩu, cấp thẻ BHYT

Nội dung này được đề cập tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, để thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, nhập khẩu, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Sau đó, truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại website dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNeID. Kế tiếp, lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.

Về thời gian giải quyết nhóm thủ tục hành chính liên thông này là không quá 03 ngày làm việc kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhận đầy đủ hồ sơ.

Trong trường hợp phải xác minh thì không quá 05 ngày làm việc. Nếu tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ thì thời gian được tính bắt đầu từ ngày làm việc tiếp theo.

3. Mẹ được hưởng trợ cấp thai sản một lần, tiền dưỡng sức cao hơn

Trẻ được sinh ra từ ngày 01/7/2024 cũng là thời điểm lương cơ sở được tăng từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên mức 2,34 triệu đồng/tháng.

Do vậy, các khoản trợ cấp, phụ cấp tính theo lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng theo. Trong đó bao gồm cả tiền trợ cấp thai sản một lần và tiền dưỡng sức sau sinh. Cụ thể:

Trợ cấp thai sản một lần:

Theo Điều 38  Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì:

“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Như vậy, trợ cấp một lần khi sinh con được tính với công thức:

Trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

Do đó, trợ cấp một lần khi sinh con đối với mẹ sinh con từ 01/7/2024 hoặc trường hợp vợ sinh con mà chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội có sự thay đổi đáng kể như sau:

Trước 01/7/2024

Từ 01/7/2024

2 x 1.800.000 = 3.600.000 đồng

2 x 2.340,000 = 4.680.000 đồng

Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014,

“3. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản được tính theo công thức:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Do vậy, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản của mẹ sinh con từ thời điểm 01/7/2024 có sự thay đổi so với trước đó như sau:

Trước 01/7/2024

Từ 01/7/2024

30% x 1.800.000 = 540.000 đồng/ngày

30% x 2.340.000 = 702.000 đồng/ngày

Như vậy, có thể thấy trẻ sinh từ thời điểm 01/7/2024 được "hưởng lợi" hơn so với trẻ được sinh ở thời điểm trước, đây cũng được xem là những điều đặc biệt chưa từng có.

Trên đây là những thông tin liên quan đến 03 điều đặc biệt đối với trẻ sinh từ ngày 01/7/2024.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục