Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm các bên ký kết trừ khi có thỏa thuận khác.
Trong đó, thời điểm giao kết được quy định như sau:
- Thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận ký kết;
- Thời điểm cuối cùng của sự im lặng khi hai bên thỏa thuận im lặng là chấp nhận ký kết;
- Thời điểm hai bên thỏa thuận nội dung hợp đồng bằng lời nói;
- Thời điểm hai bên cùng ký tên vào hợp đồng để thực hiện thỏa thuận;…
Tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong nội dung hợp đồng.
Theo đó, hiệu lực của một số loại hợp đồng được quy định cụ thể như sau:
- Do hai bên thỏa thuận;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ (Điều 24 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được đăng ký vào sổ địa chính và có hiệu lực tại thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. (Điều 188 Luật Đất đai 2013).
- Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng (Điều 122 Luật Nhà ở 2014)…
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng công chứng (Ảnh minh họa)
Hợp đồng công chứng bắt buộc phải đóng dấu?
Thông thường, các giao dịch, hợp đồng của công ty thường được đóng dấu đầy đủ gồm cả giáp lai các trang của hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, không phải mọi trường hợp đều phải đóng dấu vào Hợp đồng.
Theo đó, chỉ có 03 trường hợp sau đây công ty bắt buộc phải đóng dấu:
- Theo Điều lệ của công ty;
- Pháp luật quy định bắt buộc phải đóng dấu;
- Theo thỏa thuận của các bên.
Xem thêm: Hợp đồng không đóng dấu, chỉ có chữ ký có giá trị không?
Trong đó, theo Luật Công chứng 2014, các loại hợp đồng đã qua công chứng thì chỉ có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Lúc này, hợp đồng công chứng sẽ có giá trị chứng cứ. Những tình tiết, sự kiện đã được công chứng trong hợp đồng thì không phải chứng minh trừ khi bị tuyên vô hiệu.
Bởi vậy, hợp đồng công chứng là loại hợp đồng được pháp luật yêu cầu bắt buộc phải đóng dấu thì mới có hiệu lực pháp luật.
Hợp đồng công chứng bắt buộc phải đóng dấu và có mặt hai bên? (Ảnh minh họa)
02 trường hợp công chứng hợp đồng không phải có mặt hai bên
Theo quy định tại Điều 48 Luật Công chứng 2014, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Tuy nhiên, có 02 trường hợp sau đây, khi công chứng hợp đồng không cần phải có mặt cả hai bên tham gia hợp đồng, giao dịch:
Trường hợp 1: Khi giao dịch, hợp đồng được thực hiện bằng hình thức ủy quyền
Theo đó, Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định, khi công chứng hợp đồng ủy quyền, nếu 02 bên không thể đến cùng một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền có thể công chứng ở tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú trước.
Sau đó, bên nhận ủy quyền sẽ công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này và hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Trường hợp 2: Đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng.
Quy định này được nêu tại Điều 48 Luật Công chứng 2014. Theo đó, nếu người có thẩm quyền ký hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người này có thể ký trước vào hợp đồng.
Lúc này, công chứng viên sẽ đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
Như vậy, không phải lúc nào cũng bắt buộc phải có mặt cả hai bên khi ký vào hợp đồng công chứng. Trong 02 trường hợp nêu trên, dù không có đủ cả hai bên thì hợp đồng công chứng vẫn có hiệu lực pháp luật.
>> Luật Công chứng: 8 điểm đáng chú ý nhất
Nguyễn Hương