Công văn 2615/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc giải quyết vướng mắc qui định tại các văn bản hiện hành của các Bộ, Ngành có liên quan đến thủ tục hải quan
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 2615/TCHQ-GSQL
Cơ quan ban hành: | Tổng cục Hải quan |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 2615/TCHQ-GSQL |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Đặng Văn Tạo |
Ngày ban hành: | 26/06/2001 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Hải quan |
tải Công văn 2615/TCHQ-GSQL
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2615/TCHQ-GSQL
NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 2001 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC
QUY ĐỊNH TẠI CÁC VĂN BẢN HIỆN HÀNH CỦA CÁC BỘ, NGÀNH
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC HẢI QUAN
Kính gửi: - Bộ Thương mại
- Bộ Kế hoạch Đầu tư
- Bộ Khoa học, Công nghệ Môi trường
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Bộ Tài chính
- Bộ Công an
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Hải quan có gặp một số khó khăn, vướng mắc do các văn bản hiện hành của các Bộ, Ngành quy định trùng lập, chồng chéo, không rõ ràng, thiếu cụ thể, nội dung khó hiểu.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, trước mắt Tổng cục Hải quan đề nghị các Bộ, Ngành xem xét và xử lý kịp thời những quy định tại các văn bản sau đây:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH KHÔNG RÕ:
1. Bộ Thương mại:
1.1. Quyết định số 0807/1998/QĐ/BTM ngày 15/7/1998 và Quyết định số 0724/1999/QĐ-BTM ngày 8/6/1999 quy định: Cư dân biên giới của Việt Nam, Lào, Campuchia khi mang hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam, Lào, Campuchia đi qua cửa khẩu biên giới đường bộ để trao đổi mua bán tại chợ biên giới được miễn thuế XNK không quá 500.000 VNĐ/lượt người/ngày. Trong thực tế, Hải quan cửa khẩu rất khó theo dõi khi qua cửa khẩu, cư dân có trao đổi, mua bán hàng hoá đó tại chợ biên giới hay không để có cơ sở miễn thuế theo định lượng.
Đề nghị Bộ Thương mại có quy định chung cho cư dân biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia mang hàng hoá do mình sản xuất đi qua các cửa khẩu biên giới đường bộ đều được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế hàng hoá NK 500.000 VNĐ/lượt người/ngày; riêng đối với cư dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn thực hiện theo quy định tại Quy chế tạm thời về trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới ban hành kèm theo Quyết định 0774/1998/QĐ-BTM ngày 4/7/1998.
1.2. Đề nghị Bộ Thương mại sớm có văn bản hướng dẫn việc mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới nằm trong khu kinh tế cửa khẩu. Vì theo quy định tại Điều 4, khoản 1, tiết c - Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối ngoại đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới, Chính phủ đã giao: "Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu các chính sách thương mại dành cho Khu kinh tế cửa khẩu, quy chế chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu được ưu đãi hơn so với chợ biên giới...", nhưng đến nay chưa có hướng dẫn của Bộ Thương mại; Do vậy, Hải quan cửa khẩu chưa biết được yêu cầu quản lý cụ thể như thế nào của Bộ Thương mại để làm thủ tục đối với hàng hoá mua bán, trao đổi tại chợ biên giới nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.
Trong khi chờ Bộ Thương mại hướng dẫn các điều kiện ưu đãi của chợ nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị trước mắt cho phép chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện như quy định tại các Quy chế chợ biên giới do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành áp dụng cho các chợ trên lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc.
2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
2.1. Quyết định 117/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 26/01/2000 ban hành Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng năm 2000, trong đó có mã số của một số mặt hàng không thống nhất với mã số hàng hoá trong biểu thuế XK, NK; Cụ thể:
Mặt hàng | Mã số theo QĐ 117 | Mã số theo biểu thế |
Chất ngọt tổng hợp ASPARTAM | 292410 | 29242900 |
Nitrat Amon | 283410 | 28342900 |
Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm | 230990 | 23099010 |
Dây điện bọc nhựa PVC, PE | 854411 | 854441, 854449, 854451, 854459, 854460 |
Thép hình dùng trong ngành xây dựng | 7216 | Nhóm 7216 không định danh riêng loại "dùng trong xây dựng" |
Dầu nhờn động cơ | 340310 | 340319, 340399, không có mã 340310 |
Chính vì sự khác nhau như minh hoạ tại bảng trên nên đã xảy ra tình trạng hiểu không thống nhất giữa Hải quan với Doanh nghiệp, khi Hải quan yêu cầu Doanh nghiệp phải thực hiện bắt buộc việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với hàng hoá XNK.
Đề nghị Bộ KHCNMT khi ban hành danh mục hàng hóa bắt buộc phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng cần tuân thủ các mã số theo quy định tại Danh mục mã số HS để Hải quan dễ tra cứu.
2.2. Thông tư 02/2001/TT-BKHCNMT ngày 15/02/2001: tại điểm a, mục 3, Chương IV quy định danh mục các thiết bị đã qua sử dụng cấm NK quá chung chung: "thiết bị trong các ngành công nghiệp chế biến dầu khí, điện lực... trong các ngành sản xuất hóa chất cơ bản, phân bón trừ sâu".
Đề nghị Bộ KHCNMT quy định Danh mục các thiết bị cấm nói trên theo Danh mục mã số HS.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
3.1. Tại Quyết định số 214/1999/QĐ-BKHĐT ngày 26/4/1999 về danh mục hàng hóa trong nước đã SX được, trong đó có một số tên của thiết bị, máy móc chưa rõ ràng, khó phân biệt. Ví dụ: trong 01 mặt hàng quy định gồm 2 tiêu chí vậy nếu chỉ thỏa mãn 01 tiêu chí thì xử lý như thế nào? Trong mục 50 thì nồi hơi chứa bao nhiêu áp lực gọi là cao áp, hạ áp và dung tích đến bao nhiêu?
Đề nghị Bộ KH&ĐT cần có hướng dẫn và giải thích thêm về công dụng hay tên gọi khác hoặc máy móc, thiết bị đó sử dụng cho ngành Công nghiệp nào?
3.2. Về vướng mắc liên quan đến vấn đề chuyển đổi lại hình Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm ở ngoài Khu Công nghiệp, Khu chế xuất, xuất khẩu 100% sản phẩm một cách ổn định và xin được hưởng theo quy chế Doanh nghiệp chế xuất, Tổng cục Hải quan đã có kiến nghị tại Công văn số 2611/TCHQ-GSQL ngày 26/6/2001.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH KHÔNG PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ,
CẦN SỬA ĐỔI:
1. Bộ Thương mại:
Hiện nay, việc giải quyết TX-TN phương tiện giao thông, máy móc thiết bị, xuất khẩu vật tư, nguyên liệu, thực phẩm... để phục vụ thi công các công trình đầu tư ở nước ngoài không mang tính chất thương mại, Doanh nghiệp thường xin phép Tổng cục Hải quan, nhưng Tổng cục Hải quan không có cơ sở cấp phép nên đã được Bộ Thương mại xem xét và cấp giấy phép theo như quy định tại Công văn số 2797/TM-ĐT ngày 21/6/2000.
Theo Tổng cục Hải quan việc này Bộ Thương mại nên hướng dẫn các Doanh nghiệp làm thủ tục trực tiếp tại Hải quan cửa khẩu và thực hiện các nghĩa vụ thuế theo luật định (không cần Giấy phép của Bộ Thương mại). Như vậy, vẫn quản lý chặt chẽ việc TX-TN và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục.
2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
2.1. Quyết định số 1091/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 22/6/1999, tại điểm 1.2- Phần 1 quy định: Việc không kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với hành lý ngoại giao, hàng mẫu, triển lãm, hội trợ, nhưng không loại trừ hàng trao đổi theo định lượng của cư dân biên giới.
Đề nghị Bộ KHCNMT có Thông tư mới thay thế Quyết định 1091 nêu trên, vì Quyết định 1091 đã bị bãi bỏ bởi pháp lệnh chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999 có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/7/2000, trong đó có quy định:
- Loại trừ việc áp dụng kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với hàng hoá trao đổi của cư dân biên giới. Vì hầu hết các loại hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới là các đối tượng kinh doanh nhỏ, lẻ, số lượng không nhiều, nếu yêu cầu kiểm tra chất lượng Nhà nước là không khả thi, khó thực hiện, gây ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
- Không kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để gia công cho nước ngoài. Vì đối với hàng gia công nguyên phụ liệu, vật tư do bên nước ngoài cung cấp để sản xuất ra sản phẩm, sau đó xuất trả sản phẩm cho bên đặt gia công, không tiêu thụ tại Việt Nam.
2.2. Quyết định số 2019/1997/BKHCNMT ngày 02/12/1997 có quy định: thiết bị trong ngành dầu khí,... nếu đã qua sử dụng nằm trong Danh mục các thiết bị đã qua sử dụng cấm NK là chưa phù hợp với thực tiễn, vì các thiết bị dầu khí rất đắt tiền, được sử dụng nhiều lần trong thời gian dài, không thể sử dụng vài năm là bỏ.
Đề nghị Bộ KHCNMT sửa đổi Quyết định số 2019 trên, trong đó quy định: các thiết bị dầu khí đã qua sử dụng không bị điều chỉnh bởi Quyết định số 2019, đồng thời giao các Nhà thầu dầu khí kiểm tra và đảm bảo chịu trách nhiệm về mặt chất lượng đối với các thiết bị dầu khí.
2.3. Về các Quyết định số 648/QĐ-BKHCNMT ngày 17/4/1999 quy định loại hình lắp ráp xe 2 bánh gắn máy; Quyết định số 189/TĐC-GĐ ngày 17/8/1995 của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành quy định loại hình lắp ráp tủ lạnh; Quyết định số 275/TĐC-GĐ ngày 25/12/1995 về quy định các loại hình lắp ráp, sản xuất động cơ đốt trong.
Kể từ ngày 01/01/2001, các Doanh nghiệp bắt đầu thực hiện việc tính thuế theo tỉ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm cơ khí - điện - điện tử (trong đó có bộ linh kiện xe 02 bánh gắn máy, tủ lạnh, động cơ đốt trong), Tổng cục Hải quan đề nghị BKHCNMT cho biết các Quyết định nêu trên còn có hiệu lực thực hiện không. Nếu bị bãi bỏ thì Quý Bộ có thông báo chính thức bằng văn bản để Hải quan và Doanh nghiệp thực hiện.
2.4. Theo Công văn số 3971/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 27/12/2000 (cho phép tiếp tục thực hiện Quyết định số 117/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 26/01/2000) thì tất cả các hàng hóa thuộc Danh mục kèm Quyết định số 117 vẫn phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng. Quy định này không phù hợp với Doanh nghiệp có hàng hóa NK thuộc Danh mục phục vụ SX, gia công hàng XK, hay NK để thay thế cho máy móc của Doanh nghiệp với số lượng ít.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có kiến nghị với Bộ KHCNMT:
- Cho miễn kiểm tra đối với hàng NK có số lượng ít, hàng chuyên dùng để thay thế cho máy móc của chính doanh nghiệp.
- Hàng gia công XK, hàng NK phục vụ sản xuất XK: cho phép đăng ký kiểm tra một lần đối với nguyên, phụ liệu NK sản xuất ra sản phẩm để XK và sử dụng kết quả này cho các lần NK sau. Nếu sản phẩm XK không XK hết, Doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký kiểm tra Chất lượng Nhà nước đối với số nguyên, phụ liệu NK nhưng không sản xuất ra sản phẩm để XK.
- Nên quy định trách nhiệm cơ quan kiểm tra chất lượng cần thông báo cho Hải quan biết hàng hoá không đủ điều kiện NK.
2.5. Theo Quyết định 10/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/5/2001 ban hành tạm thời Danh mục các loại phế liệu đã xử lý thành nguyên liệu được phép NK, thì việc xem xét giải quyết thủ tục nhập khẩu các phế liệu nằm trong Danh mục phải thoả mãn 02 điều kiện quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định. Việc căn cứ vào 02 điều này để giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu đối với Cơ quan Hải quan là rất khó thực hiện.
Đề nghị Bộ KHCNMT có hướng dẫn cụ thể Cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi, giải quyết để Doanh nghiệp thực hiện đối với các điều kiện quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định 10/2001/QĐ-BKHCNMT này.
3. Bộ Công an:
Công văn 508/PCCC ngày 16/9/1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc quản lý xuất nhập khẩu phương tiện phòng cháy chữa cháy có quy định những mặt hàng vật tư, thiết bị PCCC nhập khẩu phải có Giấy phép của Cục Cảnh sát PCCC. Mặt khác về cơ quan cấp Giấy phép cũng không rõ ràng: Theo Công văn 508 thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Cục CSPCCC và Phòng CSPCCC tại các địa phương (được Cục CSPCCC uỷ quyền có thời hạn nhất định). Nhưng thực tế tại TP. HCM, Cục CSPCCC vẫn chưa có văn bản nào về việc tiếp tục uỷ quyền cho Phòng CSPCCC tại TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy phép. Cụ thể trong văn bản số 97/PCCC ngày 21/3/2001, Cục CSPCCC đã trả lời cho một Doanh nghiệp vẫn khẳng định Cơ quan cấp Giấy xác nhận NK phương tiện PCCC là Cục CSPCCC.
Đề nghị Bộ Công an cho biết Công văn 508 còn hiệu lực không?, vì theo Quyết định 46/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ có 07 Bộ, Ngành phải công bố danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành, nhưng thực tế hiện nay Cơ quan Cảnh sát PCCC vẫn tiếp tục cấp Giấy phép xác nhận phương tiện PCCC.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
4.1. Thông tư 07/2000/TT-NHNN ngày 28/4/2000 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn việc NK vàng (không phải là vàng tiêu chuẩn ngoại hối), các sản phẩm bằng vàng (đồ trang sức - nữ trang), sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng, sản phẩm mạ vàng để làm quà biếu theo dạng PMD.
Đề nghị Ngân hàng quy định cụ thể đối với việc NK loại hàng hoá nêu trên.
4.2. Tại Quyết định 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005 có quy định: yêu cầu Doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu phải theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhưng hiện nay, Hải quan vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
III. NHỮNG VƯỚNG MẮC DO CHƯA CÓ QUY ĐỊNH CỦA BỘ, NGÀNH LIÊN QUAN, CẦN BỔ SUNG:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tại Thông tư số 02/1999/TT-BKH ngày 24/9/1999 của Bộ KHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về Luật khuyến khích đầu tư trong nước chỉ quy định 02 cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (gồm: Bộ KHĐT, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố), nhưng theo Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo thì UBND tỉnh Khánh Hoà có uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu Công nghiệp Khánh Hoà cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trong nước vào Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Đề nghị Bộ KHĐT cho biết việc uỷ quyền như trên có hợp pháp không?, việc này có thực hiện thống nhất trong cả nước không?; Nếu có, đề nghị Quý Bộ thông báo cho Tổng cục Hải quan để có căn cứ chỉ đạo Hải quan các địa phương thực hiện.
2. Bộ Tài chính:
Tại khoản 3, Điều 9 - Chương II - Quyết định 212/1998/QĐ-TTg ngày 02/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế Kho Ngoại quan quy định: ".... Sau 15 ngày kể từ ngày công bố thông báo mà chủ hàng không trả lời thì Hải quan tổ chức thanh lý theo quy định hiện hành, tiền thanh lý nộp ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí lưu kho, phí dịch vụ (nếu có) và chi phí tổ chức thanh lý theo quy định của Bộ Tài chính", nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn nào về vấn đề này.
Đề nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn để Cơ quan Hải quan có cơ sở thực hiện.
Tổng cục Hải quan xin trao đổi với các Bộ, Ngành về một số vấn đề vướng mắc trên đây có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan và đề nghị các Bộ, Ngành sớm có ý kiến trả lời để Tổng cục Hải quan có cơ sở chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện.
Rất mong được sự hợp tác của các Bộ, Ngành.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây