Quy định mới về việc dạy thêm trong nhà trường
Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường với một số điểm mới như sau:
Chỉ dạy thêm cho học sinh chưa đạt hoặc học sinh giỏi
Theo quy định mới, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng trên viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp.
Trong khi trước đây, khoản 1 Điều 5 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cho phép tất cả học sinh có nguyện vọng đều được học thêm trong trường nếu viết đơn xin học thêm có chữ ký và cam kết của cha mẹ gửi cho nhà trường.
Mỗi lớp có tối đa 45 học sinh, dạy không quá 02 tiết/tuần
Điều 5 Thông tư 29 quy định, căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các yêu cầu hoàn toàn mới như sau:
- Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh;
- Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
- Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định về việc xếp lớp và giới hạn số học sinh, số lượng tiết dạy trong tuần.
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29
Điều 3 Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm phải đảm bảo các nguyên tắc:
- Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
- Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.
- Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
- Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Lưu ý: Điều 4 Thông tư này quy định có 03 trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm:
- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Trên đây là 2 quy định mới về dạy thêm trong nhà trường theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.