Xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng, có được bồi thường?

Tạm giữ xe là một trong những biện pháp cưỡng chế xử phạt thường được áp dụng khi người tham gia giao thông vi phạm lỗi. Tuy nhiên, sau khi nộp phạt và nhận xe về, nếu phát hiện xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng có được bồi thường hay không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. 

1. Xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng có được bồi thường?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP, trong trường hợp xe bị hư hỏng, mất phụ tùng, cảnh sát giao thông (CSGT) ra quyết định tạm giữ xe phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

CSGT ra quyết định tạm giữ xe vi phạm phải có trách nhiệm quản lý và bảo quản nguyên hiện trạng xe cho đến khi xe được chủ lấy lại.

Bên cạnh đó, người lập biên bản tạm giữ và người chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề cũng phải bồi thường thiệt hại.

Các phương tiện bị tạm giữ hoặc bị tịch thu phải được CSGT ra quyết định tạm giữ đảm bảo xe được nguyên vẹn, không tính đến những phần bị thiệt hại do các yếu tố khách quan như thời tiết, độ ẩm và hao mòn theo thời gian cùng các nguyên nhân khác từ thời điểm bắt đầu tạm giữ cho đến khi giao lại phương tiện.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong trước mặt người vi phạm hoặc đại diện gia đình/tổ chức/chính quyền/người chứng kiến nếu người vi phạm vắng mặt.

Việc tạm giữ xe phải có quyết định bằng văn bản kèm biên bản tạm giữ và giao cho cá nhân/tổ chức vi phạm 01 bản.

Xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng có được bồi thường.

2. Xe bị hỏng hóc, mất phụ tùng được đền bù như thế nào?

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, người bị tạm giữ xe nếu phát hiện xe bị hỏng hóc, mất phụ tùng thì có quyền:

  • Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hoặc phản ánh hành vi của người thực hiện việc tạm giữ xe/giấy phép/chứng chỉ hành nghề.

  • Kiểm tra xe, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trước khi hết thời hạn tạm giữ.

  • Yêu cầu người thực hiện quản lý, tạm giữ, tịch thu xe/bằng lái/chứng chỉ hành nghề phải lập biên bản về việc tài sản bị hỏng hóc, mất mát và bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, khi xảy ra thiệt hại, hai bên có thể thỏa thuận về hình thức và mức bồi thường (bằng tiền hoặc hiện vật). Tuy nhiên, nếu trước đó xe bị tạm giữ đã bị hư hỏng (và được ghi nhận trong biên bản ghi nhận tình trạng xe) hoặc do các yếu tố khách quan khiến hao mòn tự nhiên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Như vậy, để khiếu nại cơ quan công an làm hỏng hóc, mất mát tài sản bị tạm giữ, người dân có thể làm đơn yêu cầu được bồi thường những khoản bị thiệt hại. Bao gồm:

  • Tiền sửa chữa, khôi phục xe về lại tình trạng trước khi xe bị tạm giữ.

  • Khoản thu nhập bị giảm sút trong khoảng thời gian xe bị mang đi sửa.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi và có căn cứ khởi kiện yêu cầu bồi thường, người dân nên yêu cầu cán bộ thực hiện việc tạm giữ lập biên bản mô tả tình trạng xe. Trường hợp thực hiện khởi kiện, người dân phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thông qua biên bản ghi nhận tình trạng xe lúc bị tạm giữ và tình trạng xe khi nhận lại.

Cơ quan giải quyết: Tòa án địa phương nơi có cơ quan tạm giữ phương tiện.

3. Trường hợp nào người vi phạm giao thông bị tạm giữ xe?

Trường hợp nào người vi phạm giao thông bị tạm giữ xe? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người tham gia giao thông sẽ bị tạm giữ xe khi không xuất trình được giấy tờ xe theo quy định như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe hoặc bảo hiểm xe.

Theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc tạm giữ xe được thực hiện nhằm đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt khi người dân không mang các giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông đường bộ. CSGT thường sẽ tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe - giấy phép lưu hành - giấy tờ liên quan tới phương tiện.

Trường hợp không thể xuất trình được các giấy tờ nói trên, người có thẩm quyền có quyền tạm giữ phương tiện tham gia giao thông của người vi phạm.

Bên cạnh đó, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định một số trường hợp cũng sẽ bị tạm giữ phương tiện hoặc giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Bao gồm:

- Khi xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì sẽ không có căn cứ ra quyết định xử phạt.

- Ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính mà nếu không thực hiện việc tạm giữ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Người dân sẽ được nhận lại phương tiện tạm giữ khi thực hiện nộp phạt đầy đủ cho cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng có được bồi thường?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Dự kiến: Năm 2025, tăng nặng mức phạt khi vượt đèn đỏ!

Mới đây, Bộ Công an đã công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng.