Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGTVT năm 2013 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành hợp nhất Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

thuộc tính Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGTVT

Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGTVT năm 2013 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành hợp nhất Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Số hiệu:04/VBHN-BGTVT
Ngày ký xác thực:15/07/2013
Loại văn bản:Văn bản hợp nhất
Cơ quan hợp nhất: Bộ Giao thông Vận tải
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Người ký:Đinh La Thăng
Số công báo:Đang cập nhật
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGTVT

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

Số: 04/VBHN-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ KINH DOANH VÀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,[1]

 

NGHỊ ĐỊNH:

 

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hành khách, hàng hóa có thu tiền.

 

Chương II. KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

Điều 4. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định

1. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến và ngược lại với lịch trình, hành trình phù hợp do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký và được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận.

2. Tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô bao gồm: tuyến liên tỉnh và tuyến nội tỉnh. Tuyến liên tỉnh có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe loại 4 (bốn) trở lên.

3. Nội dung quản lý tuyến

a) Theo dõi, tổng hợp lưu lượng và nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến; tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên tuyến;

b) Xây dựng quy hoạch mạng lưới tuyến, công bố tuyến;

c) [2] Chấp thuận mở tuyến, khai thác trên tuyến, bổ sung hoặc ngừng hoạt động của phương tiện.

4. Khai thác tuyến

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã được đăng ký khai thác trên các tuyến đã công bố;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã được đăng ký mở tuyến mới. Thời gian khai thác thử là 06 (sáu) tháng, kết thúc thời gian khai thác thử doanh nghiệp, hợp tác xã báo cáo cơ quan quản lý tuyến để công bố tuyến;

c) Chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia khai thác thử mới được tiếp tục khai thác trong thời gian 12 (mười hai) tháng tiếp theo kể từ khi công bố tuyến;

d)[3] Cơ quan quản lý tuyến quyết định: Tăng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên tuyến khi hệ số có khách (xuất phát tại hai đầu bến) bình quân trên tuyến đạt trên 50%; tăng tần suất chạy xe trên tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động khi hệ số có khách (xuất phát tại hai đầu bến) bình quân trên tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã đạt trên 50%.

5. Bộ Giao thông vận tải quy định về việc công bố, tổ chức quản lý tuyến vận tải hành khách cố định theo cự ly và phạm vi hoạt động.

Điều 5. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt

1. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng, đón trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành trong phạm vi nội thành, nội thị, phạm vi tỉnh hoặc trong phạm vi giữa 02 tỉnh liền kề; trường hợp điểm đầu hoặc điểm cuối của tuyến xe buýt liền kề thuộc đô thị đặc biệt thì không vượt quá 03 tỉnh, thành phố. Cự ly tuyến xe buýt không quá 60 (sáu mươi) ki lô mét.

a) Biểu đồ vận hành: tần suất tối đa là 30 phút/lượt đối với các tuyến trong nội thành, nội thị; 45 phút/lượt đối với các tuyến khác;

b) Khoảng cách tối đa giữa 2 điểm dừng đón, trả khách liền kề trong nội thành, nội thị là 700 m, ngoài nội thành, nội thị là 3.000 m;

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành quy hoạch mạng lưới tuyến, xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt, công bố tuyến, giá vé, các chính sách ưu đãi của nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn.

Điều 6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi

1. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi.

2. Có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức và quản lý điểm đỗ xe taxi công cộng.

Điều 7. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

1. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải hành khách có lộ trình và thời gian theo yêu cầu của hành khách, có hợp đồng vận tải bằng văn bản.

2. Xe hoạt động phải có hợp đồng vận tải ghi rõ số lượng hành khách; trường hợp xe vận tải hành khách với cự ly từ 100 ki lô mét trở lên phải kèm theo danh sách hành khách; không được đón thêm khách ngoài danh sách theo hợp đồng; không được bán vé cho hành khách đi xe.

Điều 8. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô

1. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch là kinh doanh vận tải khách theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

2. Khi vận chuyển khách du lịch, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành (bản chính hoặc bản phô tô có xác nhận của đơn vị kinh doanh du lịch), chương trình du lịch và danh sách hành khách, không được đón thêm khách ngoài danh sách, không được bán vé cho hành khách đi xe.

Điều 9. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường (trừ taxi chở hàng) khi chở hàng hóa trên đường, lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải hoặc giấy vận tải.

2. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải

a) Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải dưới 1.500 kg để vận tải hàng hóa; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh;

b) Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe sơn chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.

3. Kinh doanh vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng.

a) Kinh doanh vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để kinh doanh vận chuyển các loại hàng siêu trường, siêu trọng;

b) Khi vận chuyển, lái xe phải mang theo giấy phép sử dụng đường bộ;

c) Đơn vị kinh doanh phải chịu chi phí gia cố cầu đường bộ (nếu có) theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ.

4. Kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm tuân theo Nghị định của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 10. Giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hoá trong việc bồi thường hàng hoá hư hỏng, mất mát, thiếu hụt

1. Việc bồi thường hàng hóa hư hỏng, mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận tải hoặc theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.

2. Trường hợp không có thỏa thuận trong hợp đồng vận tải việc bồi thường hàng hoá hư hỏng, mất mát, thiếu hụt do lỗi của người kinh doanh vận tải hàng hoá thì mức bồi thường không vượt quá 20.000 (hai mươi nghìn) đồng Việt Nam cho một ki lô gam hàng hoá bị tổn thất đối với hàng hoá không đóng trong bao, kiện hoặc không vượt quá 7.000.000 (bảy triệu) đồng Việt Nam cho một bao, kiện hàng hóa bị tổn thất đối với hàng hóa đóng trong bao, kiện.

 

Chương III. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

Điều 11. Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Đơn vị kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh:

a) Có phương án kinh doanh, trong đó bảo đảm thời gian thực hiện hành trình chạy xe, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật của xe;

b) Có đủ số lượng phương tiện thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh hoặc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị kinh doanh đối với xe thuê tài chính của tổ chức cho thuê tài chính, xe thuê của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã phải có cam kết kinh tế giữa xã viên và hợp tác xã, trong đó quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành của hợp tác xã đối với xe ô tô thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã.

Số lượng phương tiện phải phù hợp với phương án kinh doanh.

c) Còn niên hạn sử dụng theo quy định;

d) Được kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định.

3. Phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

4. Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe:

a) Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh; lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật; lái xe taxi, lái xe buýt, nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải khách, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

b)[4] Đơn vị kinh doanh bố trí đủ số lượng lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phù hợp phương án kinh doanh và các quy định của pháp luật; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 30 (ba mươi) chỗ ngồi trở lên phải có nhân viên phục vụ trên xe (trừ xe hợp đồng chuyên đưa đón công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, đưa đón học sinh và sinh viên đi học).

5. Người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã (đảm nhận một trong các chức danh: Giám đốc, Phó Giám đốc; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã; trưởng bộ phận nghiệp vụ điều hành vận tải) phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

a) Có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác;

b) Tham gia công tác quản lý vận tải tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 03 (ba) năm trở lên;

c) Bảo đảm và phải chứng minh có đủ thời gian cần thiết để trực tiếp điều hành hoạt động vận tải.

6. Nơi đỗ xe:

a) Đơn vị kinh doanh vận tải bố trí đủ diện tích đỗ xe theo phương án kinh doanh;

b) Diện tích đỗ xe của đơn vị có thể thuộc quyền sở hữu của đơn vị hoặc hợp đồng thuê địa điểm đỗ xe;

c) Nơi đỗ xe bảo đảm các yêu cầu về trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường.

7. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải có thêm các điều kiện sau:

a) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

b) Đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan quản lý tuyến gồm: chất lượng phương tiện; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên phục vụ; phương án tổ chức vận tải; các quyền lợi của hành khách; các dịch vụ cho hành khách trên hành trình; cam kết thực hiện chất lượng dịch vụ.

Điều 12. Thiết bị giám sát hành trình của xe

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình của xe.

2. Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau đây:

a) Lưu giữ các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe;

b)[5] Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải; đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý tuyến vận tải các thông tin được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đối với tất cả các chuyến xe hoạt động trong thời gian được cấp phù hiệu, biển hiệu và cung cấp cho lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông khi có yêu cầu.

3. Lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình:

a) Đến ngày 01 tháng 7 năm 2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 ki lô mét trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình;

b) Đến ngày 01 tháng 01 năm 2012, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình;

c) Đến ngày 01 tháng 7 năm 2012, các xe ô tô theo quy định tại khoản 1 Điều này phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Điều 13. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định

1. Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này.

2. Xe ô tô có sức chứa từ 10 (mười) chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá quy định sau:

a) Cự ly trên 300 ki lô mét: không quá 15 (mười lăm) năm đối với ô tô sản xuất để chở khách; không quá 12 (mười hai) năm đối với ô tô chuyển đổi công năng t­rước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành ô tô chở khách;

b) Cự ly từ 300 ki lô mét trở xuống: không quá 20 (hai mươi) năm đối với xe ô tô sản xuất để chở khách; không quá 17 (mười bảy) năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành ô tô chở khách.

Điều 14. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt

1. Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này.

2. Xe buýt phải có sức chứa từ 17 (mười bảy) chỗ ngồi trở lên, có diện tích sàn xe dành cho khách đứng và được thiết kế theo quy chuẩn do Bộ Giao thông vận tải quy định.

3. Xe có niên hạn sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định này; có mầu sơn đặc trưng được đăng ký với cơ quan quản lý tuyến.

Điều 15. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi

1. Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này.

2. Xe taxi phải có sức chứa từ 09 (chín) chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe).

3. Xe có niên hạn sử dụng không quá 12 (mười hai) năm.

4.[6] Trên xe có gắn đồng hồ tính tiền theo ki lô mét lăn bánh và thời gian chờ đợi, được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; doanh nghiệp, hợp tác xã phải đăng ký trang trí màu sơn đặc trưng thống nhất trên nền màu sơn đăng ký của phương tiện (không trùng với trang trí màu sơn đã đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã trước đó), biểu trưng (logo) và số điện thoại giao dịch trên phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn cho xe taxi thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện màu sơn theo quy định của thành phố.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trung tâm điều hành, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe.

Điều 16. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch

1. Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này.

2.[7] Xe hợp đồng có niên hạn sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định này.

3. Xe du lịch có niên hạn sử dụng không quá 10 (mười) năm.

4. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch ngoài các quy định tại Nghị định này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan về du lịch.

Điều 17. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng Công-ten-nơ

Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ.

 

Chương IV. CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

Điều 18. Đối tượng cấp và nội dung Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Giấy phép)

1. Đối tượng cấp Giấy phép: các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ.

2. Nội dung Giấy phép gồm:

a) Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp);

c) Người đại diện hợp pháp;

d) Các hình thức kinh doanh;

đ) Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép;

e) Cơ quan cấp phép.

3. Giấy phép có giá trị 07 (bảy) năm.

4.[8] Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải được gắn phù hiệu. Phương tiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch phải được gắn biển hiệu.

5. Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về việc quản lý, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép, mẫu Giấy phép, mẫu và thời hạn có giá trị của phù hiệu, biển hiệu.

Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép[9]

1. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép (hoặc giấy đề nghị thay đổi nội dung Giấy phép) theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải ban hành;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;

d) Phương án kinh doanh;

đ) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi ngoài các quy định tại các điểm a, b, c, khoản 1 Điều 19 còn phải có thêm: Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải (đơn vị đã thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO gửi bản sao chụp giấy chứng nhận);

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ còn phải có thêm văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi an toàn giao thông.

2. Đối với hộ kinh doanh:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép (hoặc giấy đề nghị thay đổi nội dung Giấy phép) theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải ban hành;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 20. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép

1.[10] Tiếp nhận hồ sơ

a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép (01 bộ) được gửi đến cơ quan cấp Giấy phép theo đường bưu điện hoặc người đại diện của đơn vị kinh doanh nộp trực tiếp, cơ quan cấp Giấy phép tiếp nhận hồ sơ và gửi giấy biên nhận cho người nộp;

b) Trường hợp hồ sơ nhận theo đường bưu điện còn thiếu hoặc không đúng quy định, cơ quan cấp Giấy phép thông báo rõ nội dung còn thiếu cần bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ nhận trực tiếp, cán bộ nhận hồ sơ phải kiểm tra và thông báo ngay cho người nộp những nội dung cần bổ sung, sửa đổi.

2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp có thay đổi về điều kiện kinh doanh liên quan đến nội dung trong Giấy phép, đơn vị kinh doanh phải nộp hồ sơ về sự thay đổi đó để được cấp lại Giấy phép.

Điều 21. Thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy phép[11]

1. Đơn vị kinh doanh bị thu hồi Giấy phép khi vi phạm một trong số các trường hợp sau đây:

a) Khi bị phát hiện có sự cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ xin cấp Giấy phép;

b) Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 (sáu) tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 (sáu) tháng liên tục;

c) Kinh doanh không đúng nội dung ghi trong Giấy phép;

d) Phá sản, giải thể.

2. Đơn vị kinh doanh bị tước quyền sử dụng Giấy phép khi vi phạm điều kiện kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ và an toàn vận tải. Cụ thể vi phạm một trong các nội dung sau (tính trong thời gian còn hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu được cấp): Đơn vị kinh doanh vận tải có 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình hoặc có 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định hoặc 10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.

3. Cơ quan cấp Giấy phép được thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy phép do cơ quan mình cấp và thực hiện theo trình tự:

a) Ban hành quyết định thu hồi hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép;

b) Thông báo quyết định thu hồi hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải đến các cơ quan quản lý tuyến;

c) Khi cơ quan quản lý tuyến ban hành quyết định thu hồi hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy phép đã được cấp của đơn vị kinh doanh vận tải sẽ không còn hiệu lực, đơn vị kinh doanh phải nộp lại Giấy phép cho cơ quan đã cấp Giấy phép.

 

Chương V. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

 

Điều 22. Bộ Giao thông vận tải

1. Thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định tại Nghị định này.

2. Ban hành quy định về tính năng kỹ thuật và tổ chức thực hiện việc kiểm định thiết bị giám sát hành trình của xe.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị định này.

4. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác liên quan.

Điều 23. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc thực hiện cước, phí, lệ phí có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 24. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác liên quan.

Điều 25. Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định về tính năng kỹ thuật đối với thiết bị giám sát hành trình của xe.

2. Tổ chức thực hiện việc kiểm định đồng hồ tính tiền trên xe taxi.

Điều 26. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quản lý việc sử dụng tần số vô tuyến điện và sóng thiết bị giám sát hành trình của xe.

Điều 27. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác liên quan.

2. Quy định mức, thu, sử dụng lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cước, phí, lệ phí khác có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3.[12] Quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi; quy định số lượng xe taxi bảo đảm phù hợp với điều kiện giao thông. Các thành phố trực thuộc Trung ương được phép quy định màu sơn xe taxi của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

 

Chương VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[13]

 

Điều 28. Kiểm tra thực hiện điều kiện kinh doanh của đơn vị kinh doanh

1. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu sự kiểm tra về việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;

2. Hình thức kiểm tra:

a) Kiểm tra định kỳ hàng năm;

b) Kiểm tra đột xuất khi có khiếu nại, tố cáo hoặc có dấu hiệu về việc không thực hiện đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của đơn vị kinh doanh.

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2009 và thay thế Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

2.[14] Các xe ô tô buýt hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, được phép hoạt động đến khi hết niên hạn sử dụng theo quy định.

3. Đối với các đơn vị kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này đang kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải hoàn tất các thủ tục để được cấp Giấy phép xong trước ngày 01 tháng 7 năm 2010.

Điều 30. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
(để đăng Công báo);
- Cổng TTĐTCP;
- Trang tin ĐT Bộ GTVT;
- Lưu: VT, PC.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2013

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

 

---------------

[1] Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có căn cứ ban hành như sau:

“ Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”

[2] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[3] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[4] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[5] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[6] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[7] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[8] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[9] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[10] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[11]  Điều này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[12] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

[13] Điều 2 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

2. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.”

[14] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2012.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản tiếng Anh đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất