Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10850:2015 Hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10850:2015
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10850:2015 Hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc
Số hiệu: | TCVN 10850:2015 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Giao thông |
Ngày ban hành: | 23/10/2015 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10850 : 2015
HỆ THỐNG GIÁM SÁT, ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC
Traffic Management Systems for Expressways
Lời nói đầu
TCVN 10850:2015 do Ban soạn thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống giám sát điều hành giao thông trên đường cao tốc biên soạn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và công nghệ công bố.
HỆ THỐNG GIÁM SÁT, ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC
Traffic Management Systems for Expressways
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về chức năng, cấu trúc thành phần và phương thức vận hành của hệ thống giám sát, quản lý điều hành giao thông trên đường cao tốc. Tiêu chuẩn này được áp dụng để đảm bảo sự hoạt động thống nhất của các hệ thống công nghệ thành phần khác nhau trong cùng một hệ thống tổng thể.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là rất cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi (nếu có).
TCVN 8665:2011 Tiêu chuẩn quốc gia về Sợi quang dùng cho mạng viễn thông - Yêu cầu kỹ thuật chung
TCVN 8698:2011 Tiêu chuẩn quốc gia về Mạng viễn thông - Cáp sợi đồng thông tin CAT.5, CAT.5E - Yêu cầu kỹ thuật
TCVN 5729:2012 Tiêu chuẩn quốc gia về Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Thiết bị dò xe
Thiết bị cho phép đo đếm lưu lượng, tốc độ lưu thông và độ chiếm dụng mặt đường của các phương tiện tại các vị trí trên đường cao tốc để thực hiện phân tích tình trạng giao thông đang diễn ra.
3.2. Lưu lượng xe
Số xe đếm được đi qua một điểm cố định trong khoảng thời gian chu kì đếm xe T. Số liệu đếm xe cần được thống kê theo làn, theo phân loại xe trong các chu kì đếm xe.
3.3. Tốc độ lưu thông
Giá trị trung bình của tốc độ các xe đo được trong chu kì đếm xe.
3.4. Độ chiếm dụng mặt đường
Tỷ lệ giữa tổng thời gian bộ dò xe xác định có phương tiện trong vùng đo với thời gian của chu kì đếm xe.
3.5. Sự kiện
Tình huống diễn ra có ảnh hưởng đến hoạt động giao thông bao gồm các sự cố, thời tiết nguy hiểm, tình trạng ùn tắc, tình trạng cần bảo trì/ bảo dưỡng đường và các quy định hạn chế giao thông.
3.6. Sự cố
Một sự kiện bất thường và không biết trước gây ảnh hưởng hoặc cản trở giao thông, ví dụ như tai nạn giao thông, xe hỏng, chướng ngại vật, xe đi ngược nhiều, hành động phá hoại và thiên tai xảy ra trên đường...
3.7. Thiết bị tự động phát hiện sự kiện
Thiết bị cho phép tự động phát hiện và đưa ra cảnh báo về các hành vi, tác động gây mất an toàn giao thông trên đường cao tốc gồm các lỗi vi phạm giao thông, các tai nạn, sự cố xảy ra.
3.8. Thiết bị phát hiện định danh phương tiện
Thiết bị cho phép xác định tự động định danh của một phương tiện thông qua nhận dạng biển số xe hoặc qua giao tiếp với thiết bị định danh điện tử được gắn trên các phương tiện.
3.9. Thiết bị định danh điện tử
Thiết bị gắn trên xe lưu trữ một mã số định danh của phương tiện để nhận biết tự động bởi một đầu đọc thông qua giao tiếp sóng vô tuyến.
3.10. Thiết bị dò xe bằng hình ảnh
Thiết bị sử dụng camera cùng với bộ xử lý hình ảnh để có thể thực hiện được các chức năng của thiết bị dò xe, đồng thời có thể kèm theo các chức năng nhận dạng quang học biển số xe và phát hiện sự kiện tự động.
3.11. Biển báo giao thông điện tử
Là biển báo điện tử có nội dung thông tin thay đổi để thể hiện thông tin chỉ dẫn giao thông hoặc điều khiển giao thông.
3.12. Đài thông tin giao thông FM
Đài phát sóng radio cung cấp thông tin giao thông cho người lái xe trên một tần số FM được phủ sóng tại khu vực có đường cao tốc.
3.13. Loa phát thanh
Hệ thống loa được lắp đặt tại các công trình giao thông đường cao tốc như cổng trạm thu phí, nhà trạm dịch vụ để tuyên truyền, phổ biến thông tin giao thông bằng giọng nói cho người lái xe.
3.14. Cảm biến thời tiết
Thiết bị được lắp đặt bên đường dùng để đo các tham số thông tin thời tiết gồm lượng mưa, tốc độ gió, tầm nhìn và nhiệt độ môi trường.
3.15. Phương thức thu phí kín
Phương thức thu phí mà các phương tiện được xác nhận điểm vào và điểm ra đường cao tốc để tính mức phí phải trả dựa trên loại phương tiện và quãng đường đã di chuyển trên tuyến đường thu phí.
3.16. Trạm thu phí
Bao gồm cổng trạm, hệ thống thiết bị và nhà điều hành được xây dựng để kiểm soát việc thu phí giao thông đường bộ đối với các phương tiện khi vào hoặc ra đường cao tốc.
4. Ký hiệu và thuật ngữ viết tắt
TCVN | Tiêu chuẩn quốc gia (theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) |
GSĐHGT | Giám sát, điều hành giao thông |
QLĐHGT | Quản lý điều hành giao thông |
CSDL | Cơ sở dữ liệu |
PTZ | Pan Tilt Zoom (Quay, quét, thu phóng) |
IP | Internet Protocol (Giao thức mạng Internet) |
MTBF | Mean Time Between Failures (thời gian trung bình lỗi hoạt động) |
MTTR | Mean Time To Repair (thời gian trung bình để sửa chữa) |
VMS | Variable Message Sign (Biển báo thông tin điện tử) |
QoS | Quality of Service (Đảm bảo chất lượng dịch vụ) |
UPS | Uninterruptible Power Supply (hệ thống nguồn cung cấp liên tục hay bộ lưu trữ điện dự phòng) |
5. Cấu trúc của hệ thống GSĐHGT
5.1. Hệ thống GSĐHGT được thiết lập để hỗ trợ công tác quản lý, giám sát điều hành giao thông, vận hành khai thác và bảo trì các đoạn tuyến đường cao tốc khi đưa vào khai thác. Hệ thống có chức năng thu thập, xử lý, quyết định và truyền đạt thông tin, mệnh lệnh điều khiển tới các bộ phận quản lý và người tham gia giao thông nhằm nắm bắt kịp thời trạng thái vận hành, phối hợp xử lý đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành đường cao tốc.
5.2. Cấu trúc của hệ thống GSĐHGT được xác định dựa trên các nhóm dịch vụ người dùng cần thiết nằm trong kiến trúc tham chiếu của hệ thống giao thông thông minh (ISO 14813-1:2007) bao gồm các hệ thống thành phần sau:
a) Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số: Bảo đảm truyền thông tin từ các thiết bị lắp đặt bên đường về trung tâm quản lý điều hành giao thông và kết nối giữa các trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến/khu vực với nhau.
b) Hệ thống camera giám sát giao thông: Hỗ trợ người vận hành quan sát hình ảnh giao thông từ xa trên các màn hình hoặc lưới màn hành hình khổ lớn tại trung tâm quản lý điều hành giao thông; cung cấp hình ảnh video giao thông cho các tổ chức và công chúng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Hệ thống dò xe: Thu thập, phân tích, báo cáo và lưu trữ thống kê các dữ liệu mô tả tình trạng và hiệu suất khai thác của hệ thống đường bộ; phát hiện tắc nghẽn hay các sự cố giao thông để tự động đưa ra cảnh báo cho người vận hành.
d) Hệ thống quản lý sự kiện: Hỗ trợ người vận hành quản lý theo dõi các sự kiện giao thông diễn ra trên đường cao tốc, đồng thời cung cấp các công cụ tự động tổng hợp dữ liệu từ các hệ thống dò xe, hệ thống kiểm tra tải trọng xe, hệ thống thông tin thời tiết để đưa ra các dữ liệu phục vụ cho việc tự động cảnh báo cho người vận hành các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường cao tốc.
e) Hệ thống kiểm tra tải trọng xe: Sử dụng hệ thống cân tải trọng động để kiểm soát các xe quá tải, quá khổ vào ra đường cao tốc; tự động đưa ra cảnh báo cho người vận hành khi phát hiện có xe vi phạm quy định về tải trọng để có các biện pháp xử lý theo quy định.
f) Hệ thống cung cấp thông tin giao thông: Cung cấp thông tin về điều kiện đường bộ và tình trạng lưu thông cho người sử dụng đường cao tốc thông qua các biển báo giao thông điện tử, đài phát sóng radio (FM) hoặc trên mạng thông tin di động, Internet.
g) Hệ thống báo hiệu điều khiển giao thông: Sử dụng các biển báo giao thông điện tử để điều khiển linh hoạt tốc độ giới hạn các làn xe; báo hiệu phân làn; đóng hoặc mở các làn đường, đoạn tuyến trên đường cao tốc.
h) Hệ thống thông tin thời tiết: Thực hiện đo đạc/thu thập thông tin về trạng thái thời tiết và dự báo biến động thời tiết trong phạm vi đoạn đường nhằm mục đích cảnh báo cho người tham gia giao thông/người quản lý khi có điều kiện thời tiết xấu.
i) Hệ thống thông tin liên lạc: Kết nối thông tin giữa các bộ phận tham gia quản lý, vận hành đường cao tốc bằng điện thoại hữu tuyến hoặc vô tuyến.
j) Hệ thống điện thoại khẩn cấp: Bố trí hệ thống điện thoại để tiếp nhận và trả lời các cuộc gọi khẩn cấp của các cá nhân và tổ chức; ghi lại cuộc gọi và chuyển thông tin kịp thời tới các bộ phận để xử lý trong các trường hợp cố tai nạn, sự cố trên đường.
k) Hệ thống giám sát thiết bị: Giám sát tự động hoạt động của toàn bộ hệ thống các thiết bị phục vụ giám sát, điều hành giao thông bao gồm cả các nguồn điện; đưa ra cảnh báo khi có sự cố bất thường hoặc hư hỏng và ghi lại các diễn biến sửa chữa hoặc thay thế thiết bị.
l) Trung tâm quản lý điều hành giao thông: Thực hiện công việc thu thập, xử lý, khai thác và lưu trữ dữ liệu tập trung; cung cấp giao tiếp người dùng để thực thi công tác quản lý, điều hành và kiểm soát giao thông tại các trung tâm QLĐHGT tuyến hoặc trung tâm QLĐHGT khu vực.
m) Hệ thống thu phí: Triển khai công tác thu phí đường bộ được nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo việc thống kê, kiểm soát tài chính và an ninh thu phí nhằm mục đích hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc.
n) Hệ thống đèn tín hiệu tại lối vào đường cao tốc: Tại các vị trí đường dẫn truy cập vào những đoạn tuyến cao tốc có mật độ lưu lượng giao thông lớn và không có trạm thu phí, có thể lắp đặt thêm hệ thống đèn tín hiệu để kiểm soát xe trước khi truy cập vào đường cao tốc nhằm làm giảm nguy cơ xung đột và ùn tắc tại các điểm nhập dòng đường cao tốc.
5.3. Không bắt buộc phải đưa vào lắp đặt và vận hành tất cả các hệ thống thành phần được quy định tại mục 5.2. Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống thành phần cần căn cứ trên các yêu cầu quản lý cụ thể với từng tuyến đường cao tốc và theo mức độ ưu tiên đối với từng hệ thống thành phần quy định trong Bảng 1.
Bảng 1. Mức độ ưu tiên/cần thiết đối với các hệ thống thành phần
Hệ thống thành phần | Mức độ ưu tiên/cần thiết |
Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số | Phải có đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống camera giám sát giao thông | Rất cần thiết đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống dò xe | Rất cần thiết đối với các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống quản lý sự kiện | Phải có đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống kiểm tra tải trọng xe | Cần thiết để kiểm soát các xe quá tải trọng vào đường cao tốc theo yêu cầu quản lý |
Hệ thống cung cấp thông tin giao thông | Rất cần thiết đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống báo hiệu điều khiển giao thông | Cần thiết đối với các tuyến có yêu cầu hoặc quy định thay đổi điều khiển làn xe trong quy trình quản lý vận hành đường cao tốc |
Hệ thống thông tin thời tiết | Cần thiết đối với các tuyến đường cao tốc tại khu vực thường xuyên có thời tiết nguy hiểm |
Hệ thống thông tin liên lạc | Phải có đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống điện thoại khẩn cấp | Phải có đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống giám sát thiết bị | Rất cần thiết để đảm bảo duy trì vận hành hoạt động liên tục của các thiết bị |
Trung tâm quản lý điều hành giao thông | Phải có đối với tất cả các tuyến đường cao tốc |
Hệ thống thu phí | Rất cần thiết đối với các tuyến đường cao tốc có thu phí hoàn vốn |
Hệ thống đèn tín hiệu tại lối vào đường cao tốc | Cần thiết đối với các tuyến đường cao tốc mà không có trạm thu phí khi xe vào |
5.4. Cấu trúc cơ bản kết nối các hệ thống thành phần tích hợp trong một hệ thống GSĐHGT đường cao tốc chung được thể hiện trong sơ đồ Hình 1.
Trên cơ sở cấu trúc cơ bản này, hệ thống GSĐHGT đường cao tốc được thiết kế cụ thể, phù hợp theo yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác của từng tuyến đường cao tốc.
Hình 1. Sơ đồ cấu trúc các thành phần trong hệ thống giám sát điều hành giao thông đường cao tốc
6. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống
6.1. Giám sát, điều khiển giao thông
6.1.1. Việc quản lý vận hành và kiểm soát giao thông đường cao tốc được thực hiện với sự trợ giúp của hệ thống GSĐHGT theo quy trình cơ bản gồm 3 bước:
a) Giám sát thu thập thông tin theo các phương thức thủ công hoặc kết hợp với sự trợ giúp của thiết bị thông qua các hoạt động/phương tiện kỹ thuật sau:
- Tuần tra, tuần đường, tuần kiểm trên đường cao tốc;
- Giám sát thủ công tại các trạm thu phí, nút giao cắt vào ra đường cao tốc;
- Tiếp nhận thông tin sự cố tại Trung tâm QLĐHGT từ mọi nguồn liên lạc gọi khẩn cấp;
- Theo dõi bằng mắt hình ảnh giao thông qua hệ thống camera và màn hình hiển thị;
- Dò phát hiện sự kiện tự động qua hình ảnh;
- Dò đếm lưu lượng xe, phân tích tình trạng giao thông;
- Quan trắc/cảm biến thời tiết trên đường;
- Các hình thức khác.
b) Xử lý thông tin thu thập để thiết lập dữ liệu sự kiện như khi phát hiện có sự cố xe (tai nạn, hỏng xe), sự cố đường (có chướng ngại vật, đường sụt lún,...), ùn tắc giao thông, thời tiết nguy hiểm (mưa to, gió mạnh, sương mù,...) hoặc có kế hoạch thi công bảo trì/bảo dưỡng đường.
c) Khai thác các thông tin thu thập để dùng vào các hoạt động điều hành giao thông, gồm:
- Công bố các thông tin sự kiện hoặc hướng dẫn giao thông qua các biển báo giao thông điện tử, đài phát thanh FM và qua các phương tiện khác (nếu có);
- Thông tin liên lạc với các đơn vị phối hợp để thực hiện cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp có sự cố, tai nạn;
- Điều khiển hạn chế giao thông trên tuyến đường cao tốc như đóng đường, đóng làn, thay đổi tốc độ giới hạn cho phép.
6.1.2. Lưu đồ cơ bản về quy trình giám sát, điều khiển giao thông như trình bày trong Hình 2.
6.1.3. Hệ thống phải được phân quyền bảo mật để chỉ những người có quyền hạn, trách nhiệm mới được phép thiết lập hoặc dỡ bỏ các quy định hạn chế giao thông trong phạm vi thẩm quyền cho phép.
Hình 2. Quy trình giám sát, điều khiển giao thông
6.2. Thu thập, xử lý dữ liệu tự động
6.2.1. Việc thu thập dữ liệu giao thông được thiết lập tại các điểm cố định trên đường cao tốc để liên tục ghi tại sự thay đổi của lưu lượng xe, tốc độ lưu thông, độ chiếm dụng mặt đường trong khoảng thời gian rời rạc (5 phút 15 phút, từng giờ, trong ngày, các ngày trong tuần, từng tháng và hàng năm). Thiết bị xử lý tại trung tâm tự động phân tích số liệu thu thập và đưa ra các cảnh báo sự kiện về tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trên từng đoạn tuyến.
6.2.2. Hệ thống quản lý sự kiện thu thập dữ liệu từ hệ thống kiểm soát tải trọng xe, hệ thống dò xe, hệ thống thông tin thời tiết để tự động đưa ra các cảnh báo sự kiện về ùn tắc, thời tiết xấu và các hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc. Hình ảnh các phương tiện vi phạm giao thông được chụp, nhận dạng biển số và lưu trữ tự động để chuyển cho bộ phận chức năng xử lý theo quy định.
6.2.3. Quá trình thu thập, xử lý dữ liệu giao thông và sự kiện được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn. Trong trường hợp có sự cố về thiết bị, nguồn số liệu bị thiếu có thể được tính toán bổ sung thay thế bằng nguồn dữ liệu tương quan. Các số liệu giao thông thu thập được lưu trữ và cung cấp cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm khai thác để tạo ra các số liệu thống kê, báo cáo quy hoạch tuyến đường, các chính sách vận hành và phân luồng giao thông, xử lý ngăn chặn giảm thiểu tai nạn, ùn tắc trên đường cao tốc.
6.3. Hỗ trợ theo dõi bảo trì và bảo dưỡng thiết bị
6.3.1. Tất cả các thiết bị cảm biến, xử lý thông tin và cấp nguồn trong hệ thống giám sát, điều hành giao thông được quản lý bởi hệ thống giám sát thiết bị để đảm bảo trạng thái vận hành liên tục và kịp thời được khắc phục khi có xảy ra sự cố.
6.3.2. Hệ thống giám sát thiết bị thu thập dữ liệu giám sát hoạt động của thiết bị và nguồn điện để quản lý tập trung tại một CSDL trung tâm. Các phần mềm giám sát thực hiện xử lý dữ liệu, tự động đánh giá để phát hiện và đưa ra cảnh báo trục trặc hoặc khả năng dẫn tới hoạt động không bình thường của các thiết bị được giám sát theo dõi.
6.3.3. Các thiết bị của hệ thống phải được theo dõi trạng thái hoạt động liên tục và được tự động ghi nhật kí tình trạng vận hành để có thể tra cứu xem lại khi cần thiết.
7. Yêu cầu kỹ thuật đối với các hệ thống thành phần
7.1. Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số
7.1.1. Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số được xây dựng để đảm bảo hạ tầng truyền thông kết nối giữa các thiết bị bên đường, trong nhà trạm thu phí, nhà dịch vụ và Trung tâm QLĐHGT. Hệ thống sử dụng các phương thức truyền dẫn cáp quang cho khoảng cách xa, cáp xoắn đôi cho thiết bị ở khoảng cách gần hoặc truyền dẫn vô tuyến tại các vị trí đặc thù.
7.1.2. Mạng kết nối thiết bị trong hệ thống truyền dẫn kĩ thuật số phải được xây dựng trên nền tảng hỗ trợ giao thức Ethernet.
7.1.3. Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số được thiết kế theo cấu trúc phân lớp bao gồm:
a) Lớp đường trục dùng để kết nối giữa các nhà trạm trên tuyến, các Trung tâm QLĐHGT tuyến/khu vực. Băng thông thiết kế cho lớp đường trục cần có tính dự phòng và đảm bảo mức tối thiểu ³ 10 Gbps.
b) Lớp biên dùng để kết nối giữa các nhóm thiết bị đặt bên đường, tại nhà trạm hoặc trung tâm. Băng thông thiết kế cho lớp biên cần đảm bảo mức tối thiểu ³ 1000 Mbps.
c) Lớp truy cập dùng để kết nối các thiết bị cục bộ trong một phòng hoặc tại một điểm lắp đặt thiết bị bên đường.
7.1.4. Khi thiết kế hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số khuyến khích áp dụng các dạng mạch vòng có tính dự phòng để có thể tự động phục hồi khi xảy ra sự cố đứt cáp tại một điểm kết nối trên mạch.
7.1.5. Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số cần được lắp đặt cùng với phần mềm quản trị mạng, kiểm soát chất lượng dịch vụ đường truyền (QoS), phần mềm giám sát thiết bị.
7.1.6. Hạ tầng xây dựng cho các tuyến cáp của hệ thống truyền dẫn đáp ứng các quy định tiêu chuẩn chung đối với hạ tầng mạng viễn thông và thiết kế đường cao tốc. Trong đó các cáp sợi quang sử dụng phải tuân thủ các quy định theo TCVN 8665:2011 và cáp xoắn đôi đạt tiêu chuẩn tối thiểu Cat5 theo TCVN 8698:2011.
7.1.7. Dữ liệu trao đổi qua hệ thống truyền dẫn kĩ thuật số sẽ phải được mã hóa, bảo mật theo các quy định cụ thể riêng đối với từng hệ thống thành phần con của hệ thống GSĐHGT.
7.2. Hệ thống camera giám sát giao thông
7.2.1. Hệ thống cung cấp hình ảnh trực quan về tình hình tuyến đường và lưu thông trên tuyến xung quanh vị trí đặt camera giúp cho người vận hành nắm rõ tình hình giao thông trên tuyến đường. Các camera giám sát giao thông được sử dụng với các mục đích:
a) Quan sát trực quan dòng lưu thông và phát hiện các tai nạn, sự cố khi xảy ra trên tuyến;
b) Phát hiện bằng mắt những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết khi có sương mù, mưa lớn, gió bão, lũ lụt, sạt lở để đưa ra các cảnh báo cho người lái xe đề phòng tai nạn;
c) Thu thập dữ liệu hình ảnh dùng để xử lý tự động bởi bộ phân tích hình ảnh của hệ thống dò xe.
7.2.2. Các vị trí cần bao phủ theo dõi của hệ thống camera gồm:
a) Các điểm vào/ra, các điểm giao cắt của tuyến đường cao tốc với các tuyến khác;
b) Những đoạn đường có nguy cơ xảy ra sự cố và tắc nghẽn giao thông cao, điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt hoặc sạt lở;
c) Dọc các đoạn, tuyến đường cao tốc huyết mạch từ cấp 100 trở lên theo quy định trong TCVN 5729:2012.
7.2.3. Cấu trúc thiết kế hệ thống camera
a) Camera theo dõi được lắp đặt tại các điểm vào/ra, các điểm giao cắt lập thể, các điểm thường có nguy cơ xảy ra sự cố, các đoạn trên dọc tuyến chính cần dùng loại quan sát toàn cảnh có khả năng điều khiển quay quét từ xa (PTZ).
b) Camera được lắp đặt vừa để giám sát giao thông vừa để phục vụ mục đích dò xe bằng hình ảnh cần dùng loại có góc nhìn cố định.
c) Thiết bị camera được lắp đặt bên đường trên các kết cấu cơ khí (cột tay vươn hoặc giá long môn) cho phép quan sát được hình ảnh giao thông tối ưu nhất, liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Tại vị trí lắp đặt cần có thiết kế bảo đảm nguồn điện chính và điện dự phòng, mạng truyền dẫn dữ liệu hình ảnh của camera về Trung tâm QLĐHGT.
d) Tại Trung tâm QLĐHGT, các dữ liệu hình ảnh truyền về được tự động ghi lưu, giải mã, hiển thị trên các màn hình theo dõi và đồng thời có thể được tự động xử lý để đưa ra các dữ liệu dò xe theo yêu cầu.
e) Các thiết bị chính của hệ thống điều khiển camera có thể được lắp đặt gồm: Thiết bị giải mã; Thiết bị chuyển mạch; Bộ điều khiển trung tâm; Thiết bị ghi hình; Máy chủ video, quản lý camera; Các thiết bị phụ trợ khác.
f) Hình ảnh của các camera giám sát giao thông phải được ghi hình liên tục 24/24 giờ trong ngày. Dung lượng bộ nhớ lưu trữ cần được tính toán thiết kế để đảm bảo việc lưu giữ hình ảnh trong thời gian tối thiểu 30 ngày.
g) Sử dụng các camera IP để có thể theo dõi hình ảnh và điều khiển từ xa qua hệ thống mạng truyền dẫn kỹ thuật số với giao thức tiêu chuẩn của cộng đồng công nghiệp mở ONVIF.
7.3. Hệ thống dò xe
7.3.1. Hệ thống dò xe được lắp đặt để có thể thu thập tự động dữ liệu giao thông tối thiểu với các thông số sau:
a) Lưu lượng xe được phân loại theo kích thước chiều dài xe (L) gồm
- Xe nhỏ bao gồm các loại xe con, xe khách loại nhỏ và xe tải nhẹ có chiều dài: L £ 6 m;
- Xe lớn bao gồm các loại xe khách lớn, xe tải có chiều dài: 6 m < L £ 12 m;
- Xe rất lớn bao gồm các loại xe có chiều dài: L > 12 m.
b) Tốc độ lưu thông trung bình
c) Độ chiếm dụng mặt đường
7.3.2. Chính sách bố trí thiết bị dò xe tùy theo điều kiện cụ thể được thực hiện cho các mục đích:
a) Kiểm soát lưu lượng xe vào/ra tuyến đường cao tốc
Thiết bị dò xe được bố trí tại các vị trí trên đường dẫn vào ra, trên tuyến chính đường cao tốc gần các nút giao cắt để tính toán, kiểm soát được lưu lượng xe vào/ra trên mỗi chặng của đường cao tốc. Đối với các đoạn tuyến có hệ thống thu phí theo quy trình khép kín, có thể sử dụng ngay số liệu đếm xe tại các trạm thu phí vào mục đích kiểm soát lưu lượng xe vào/ra đường cao tốc.
b) Xác định tốc độ lưu thông, tình trạng tắc nghẽn của từng đoạn trên đường cao tốc
Để nắm rõ được trạng thái lưu thông của một đoạn trên tuyến, cần đặt các bộ dò xe theo một số khoảng cách nhất định liên tục trên tuyến chính của đường cao tốc. Mức độ chính xác và thời gian trễ để phát hiện tình trạng tắc nghẽn phụ thuộc vào số lượng và khoảng cách giữa các thiết bị dò xe được lắp đặt bên đường.
c) Tự động phát hiện sự kiện qua hình ảnh
Các hệ thống dò xe bằng hình ảnh cho phép tự động phát hiện qua phân tích video về các hành vi, tác động gây mất an toàn giao thông trên đường cao tốc, các sự cố như có chướng ngại vật, hàng hóa rơi ra khỏi xe để đưa ra các cảnh báo cho người vận hành.
d) Phát hiện định danh phương tiện
Tự động nhận diện định danh của phương tiện đi qua điểm dò xe thông qua nhận dạng quang học biển số xe hoặc sử dụng thiết bị định danh điện tử gắn trên phương tiện.
e) Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh
Thu thập hình ảnh bằng chứng ghi nhận lỗi của phương tiện vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ. Thiết bị camera chụp hình có thể được sử dụng kết hợp cùng với hệ thống thiết bị khác ví dụ như máy đo tốc độ, cân tải trọng xe để cung cấp chính xác các thông số đo kèm theo phương tiện.
7.3.3. Cấu trúc thiết kế hệ thống và công nghệ thiết bị dò xe
a) Hệ thống dò xe được thiết kế gồm có các thiết bị được lắp đặt bên đường tại các vị trí cần thu thập dữ liệu dò xe và thiết bị máy chủ xử lý phân tích dữ liệu dò xe tại Trung tâm QLĐHGT.
b) Công nghệ thiết bị dò xe được ưu tiên sử dụng là loại được lắp đặt bên trên mặt đường, không làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình thi công và vận hành thiết bị.
c) Trong trường hợp áp dụng công nghệ dò xe bằng hình ảnh, thiết bị dò xe phải bao gồm camera được lắp đặt bên đường và bộ xử lý hình ảnh. Tùy theo yêu cầu của thiết kế, bộ xử lý hình ảnh có thể được lắp đặt ngay tại hiện trường hoặc đặt tại Trung tâm QLĐHGT.
7.3.4. Các thiết bị dò xe khi lắp đặt sử dụng phải cho kết quả đo như sau:
a) Lưu lượng xe có sai số ± 5%
b) Tốc độ lưu thông có sai số ± 10%
c) Nhận dạng quang học định danh phương tiện có độ chính xác ³ 90% trong điều kiện hoạt động có đủ ánh sáng để quan sát rõ nét biển số xe qua camera.
7.3.5. Dữ liệu dò xe của tất cả các điểm lắp đặt thiết bị phải được gửi liên tục hoặc theo chu kì lớn nhất là 5 phút/lần về máy chủ dữ liệu dò xe đặt tại trung tâm để xử lý theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tích lũy và tính trung bình: Máy chủ dữ liệu dò xe tự động tính toán tổng hợp tự động dữ liệu tại các thời điểm và chu kỳ đếm khác nhau (5 phút, 15 phút giờ, ngày, tháng, năm). Quá trình tích lũy và tính trung bình phải tính đến các thời điểm gián đoạn không thu thập được dữ liệu từ thiết bị dò xe.
b) Kiểm tra chất lượng dữ liệu: Dữ liệu gửi về từ thiết bị dò xe phải được kiểm tra đánh giá trạng thái lỗi của thiết bị trước khi sử dụng. Các dữ liệu thu được so sánh với ngưỡng giới hạn của các tham số lưu lượng giao thông và các giá trị đo ở thời điểm xung quanh. Nếu thấy có sự đột biến bất thường trong dữ liệu thu được thì thiết bị được đánh dấu cảnh báo để kiểm tra. Quá trình xử lý được khôi phục lại bình thường khi không còn phát hiện thấy dấu hiệu bất thường trong nguồn dữ liệu thu.
c) Lưu trữ dữ liệu: Dữ liệu dò xe sau khi xử lý tổng hợp phải được lưu trữ trong CSDL để phục vụ công tác thống kê. Thời gian lưu trữ cần đảm bảo tối thiểu trong 01 năm.
d) Xác định mức dịch vụ đường cao tốc: Máy chủ trung tâm thực hiện phân tích đánh giá tốc độ xe chạy trung bình và tình trạng tắc nghẽn giao thông dựa trên các thông số dò xe thu thập được từ hiện trường.
7.3.6. Biểu đồ giám sát lưu lượng giao thông là một giao diện đồ họa giúp người vận hành tại trung tâm thực hiện giám sát tổng thể hiện trạng lưu lượng giao thông trên toàn tuyến đường cao tốc với các thông tin gồm:
a) Lưu lượng đếm xe theo phân loại và tốc độ trung bình tại các vị trí đo nằm trên tuyến
b) Trạng thái ùn tắc và thời gian chạy xe trung bình trên các đoạn của tuyến đường cao tốc
c) Thông tin về ngày và thời gian của dữ liệu báo cáo
7.4. Hệ thống quản lý sự kiện
7.4.1. Hệ thống quản lý sự kiện cho phép thu thập và theo dõi tình trạng và diễn biến của các sự kiện diễn ra trên từng vị trí của đường cao tốc. Các sự kiện được phân theo các nhóm:
a) Tình trạng giao thông (có ùn tắc hoặc tắc nghẽn);
b) Thời tiết xấu (mưa to, gió mạnh, sương mù, băng giá);
c) Tai nạn, sự cố (xe, đường);
d) Vi phạm trật tự an toàn giao thông;
e) Công trường thi công;
f) Quy định hạn chế giao thông (đóng đường/làn, hạn chế tốc độ);
g) Các sự kiện khác.
7.4.2. Cấu trúc thiết kế và hoạt động của hệ thống quản lý sự kiện
a) Các sự kiện được thiết lập và lưu trữ trong một thiết bị máy chủ quản lý CSDL sự kiện đặt tại Trung tâm QLĐHGT. Người vận hành hệ thống thực hiện truy xuất, thao tác trên CSDL dữ liệu sự kiện thông qua một phần mềm quản lý giám sát, điều hành giao thông.
b) Các sự kiện được nhập và cập nhật thủ công trên phần mềm bởi người vận hành dựa trên thông tin được thu thập từ các nguồn khác nhau:
- Đơn vị quản lý đường bộ;
- Cảnh sát giao thông;
- Đơn vị thi công, bảo dưỡng đường;
- Khu dịch vụ, trạm thu phí;
- Bộ phận quản lý vận hành đường cao tốc;
- Các cá nhân và tổ chức báo qua hệ thống điện thoại khẩn cấp;
- Những nguồn cung cấp thông tin khác.
c) Máy chủ quản lý sự kiện được cấu hình để thực hiện thu thập tự động dữ liệu sự kiện từ các hệ thống thành phần khác gồm:
- Tình trạng ùn tắc hoặc tắc nghẽn giao thông được phát hiện bởi hệ thống dò xe;
- Các điều kiện thời tiết xấu được phát hiện bởi hệ thống thông tin thời tiết;
- Các tình huống có tai nạn, sự cố hoặc vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện bởi hệ thống dò xe bằng hình ảnh và/hoặc hệ thống kiểm tra tải trọng xe;
- Các sự kiện khác được gửi từ hệ thống kết nối với bên ngoài.
d) Để tăng mức độ tin cậy của một nguồn thu thập dữ liệu sự kiện tự động, hệ thống quản lý sự kiện có thể được cấu hình để chỉ lưu vào CSDL các sự kiện tạo mới sau khi đã có sự xác nhận của người vận hành hệ thống.
e) Tất cả các sự kiện tạo lập đều phải được quản lý theo thời hạn. Các sự kiện cần phải được dỡ bỏ khi hết hiệu lực trong thực tế. Phần mềm quản lý sự kiện cần hiển thị trực quan cho người dùng dễ nhận biết các vị trí và loại sự kiện đang diễn ra trên đường cao tốc.
7.4.3. Hệ thống dò xe bằng hình ảnh có thể được áp dụng để cung cấp cho hệ thống quản lý sự kiện nguồn dữ liệu nhận dạng biển số và phát hiện các sự kiện vi phạm trật tự an toàn giao thông của các phương tiện. Khi đó, hoạt động của hệ thống quản lý sự kiện cần đảm bảo các chức năng sau:
a) Các phương tiện bị phát hiện vi phạm cần được chụp ảnh và nhận dạng biển số và ghi lại trong CSDL để làm bằng chứng phục vụ công tác xử lý hành chính trật tự an toàn giao thông.
b) Biển số của các xe cần sự quan tâm như các xe ưu tiên, xe quá khổ/quá tải, xe chở vật liệu nguy hiểm, xe nằm trong danh sách đen, xe vi phạm quy tắc trật tự an toàn giao thông được lưu trong CSDL xe của máy chủ quản lý sự kiện. Khi biển số của một xe nằm trong CSDL này được phát hiện thông qua hệ thống dò xe bằng hình ảnh thì hệ thống quản lý sự kiện sẽ tự động đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của xe cần theo dõi trên màn hình giám sát.
7.5. Hệ thống kiểm tra tải trọng xe
7.5.1. Cấu trúc hệ thống
a) Hệ thống cân tải trọng động
- Thiết bị tự động đo tải trọng trục ở trạng thái động (cân động), thiết bị khuếch đại tín hiệu, thiết bị xử lý và ghi số liệu cân;
- Thiết bị đo khoảng cách trục, vận tốc xe, phân loại xe;
- Thiết bị chụp ảnh nhận dạng biển số, ghi hình xe qua cân động;
- Bảng thông tin điện tử thông báo kết quả cân;
- Thiết bị cấp nguồn, chống sét và bảo vệ an ninh an toàn hệ thống cân và các thiết bị phụ trợ khác;
- Thiết bị truyền thông kỹ thuật số về trung tâm.
b) Thiết bị tại trung tâm quản lý điều hành giao thông
- Hệ thống truyền thông kỹ thuật số tiếp nhận thông tin từ hệ thống cân tải trọng động, có khả năng chia sẻ, cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng hoặc các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động/cố định trong khu vực lân cận để phối hợp xử lý các xe quá tải được phát hiện trên tuyến;
- Hệ thống cơ sở dữ liệu ghi lưu dữ liệu kiểm tra tải trọng phục vụ tra cứu và thống kê, báo cáo;
- Phần mềm quản lý vi phạm tải trọng, lập báo cáo chia sẻ thông tin để xử lý theo quy định quản lý.
7.5.2. Hệ thống cân tải trọng động cần cung cấp tự động về trung tâm bản ghi dữ liệu cho mỗi lượt xe đi qua với các thông tin sau:
- Tải trọng trục và cụm trục;
- Tổng trọng lượng phương tiện;
- Vận tốc phương tiện;
- Khoảng cách trục/cụm trục;
- Loại phương tiện (theo hình thái trục);
- Biển số xe;
- Hình ảnh biển số và hình ảnh toàn cảnh xe qua cân động;
- Mã định danh hệ thống cân/vị trí đặt cân;
- Làn và hướng xe qua;
- Thời gian xe qua;
- Mã lỗi của cân động (nếu có).
7.5.3. Cân động có thể được lắp đặt tại làn thu phí (vào/ra) hoặc nằm trên trục chính đường cao tốc. Vị trí lắp đặt cân động, các yêu cầu về đo lường, quy chế vận hành, kiểm tra, xử lý cưỡng chế xe vi phạm được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
7.6. Hệ thống cung cấp thông tin giao thông
7.6.1. Phân loại thông tin được cung cấp
a) Thông tin cần biết khi lái xe: Căn cứ vào đặc điểm của việc điều khiển xe trên đường cao tốc để đưa ra những thông tin nhắc nhở người điều khiển xe phải tuân thủ luật giao thông, tránh lái xe trong trường hợp quá mệt mỏi, đảm bảo an toàn khi điều khiển xe.
b) Thông tin trong các thời điểm đặc thù: Căn cứ vào từng thời điểm đặc thù, ví dụ như vào lúc xế chiều, sáng sớm, đêm (thời điểm lái xe dễ buồn ngủ), lúc cao điểm giao thông dịp lễ tết, để đưa ra những thông tin nhắc nhở điều khiển xe an toàn.
c) Thông tin về trạng thái đường: Đưa ra thông tin cho người tham gia giao thông trên đường cao tốc về tình hình lưu thông trên đường, những bất thường xảy ra trên đường cao tốc, bao gồm các sự cố giao thông, đoạn có thi công bảo dưỡng đường, dự báo ngập, sạt lở, lún sụt và những thông tin hướng dẫn khắc phục.
d) Thông tin dự báo về tình hình thời tiết: Phát những thông tin về tình hình thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra như gió lớn, mưa, sương, khói mù, bão hoặc băng giá gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
e) Các thông tin khác: Căn cứ vào các đặc điểm khác của đường cao tốc để đưa đến cho người tham gia giao thông các thông tin hữu ích khác.
7.6.2. Quá trình cung cấp thông tin
a) Bao gồm các công việc thu thập và xử lý thông tin dưới dạng sự kiện, thực hiện truyền phát và cập nhật/hủy bỏ thông tin cần công bố cho người tham gia giao thông;
b) Toàn bộ quá trình thu thập, xử lý, truyền phát, cập nhật/hủy bỏ thông tin cung cấp phải được thực hiện bởi các biện pháp quản lý nghiêm ngặt với tiêu chí đạt được là thu thập thông tin trong phạm vi rộng, xử lý thông tin có trật tự đúng quy phạm, các thông tin truyền đi chính xác, kịp thời hủy bỏ và cập nhật thông tin.
7.6.3. Trình tự công bố phát thông tin đi
a) Thông tin phát đi phải được căn cứ vào các thời điểm đang có các sự kiện giao thông diễn ra hoặc các thời điểm đặc thù. Trình tự công bố thông tin tại các thời điểm phải được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý có thẩm quyền.
b) Khi phát các thông tin, đầu tiên nên sử dụng các thông tin tương ứng có lưu trữ trong kho thông tin, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế để biên tập thông tin cần thiết tại thời điểm phát tin.
c) Khi phát các thông tin về những điều cần biết khi điều khiển xe và những thông tin tại các thời điểm đặc thù cần tính đến các yếu tố như vị trí địa lý của nơi đặt màn hình hiển thị, các công trình phụ bên cạnh và hình dáng đường, cũng như vấn đề hiển thị thông tin của các tổ hợp thiết bị cung cấp thông tin.
d) Đối với các thông tin cảnh báo về tình trạng đường và thông tin thời tiết phải căn cứ vào địa điểm, phạm vi của sự kiện để nhanh chóng xác định mã thông tin cần truyền để phát đi những thông tin tương ứng.
e) Khi cùng một lúc có các thông tin trên cần phải truyền đi, các thông tin phải được công bố căn cứ theo trình tự ưu tiên truyền phát như sau:
i. Thông tin về tình trạng đường, ưu tiên các thông tin về sự cố giao thông;
ii. Thông tin về thời tiết;
iii. Thông tin tại các thời điểm đặc thù;
iv. Thông tin cần biết khi lái xe;
v. Các thông tin khác.
7.6.4. Hủy và cập nhập thông tin được công bố
a) Thông tin cần biết khi điều khiển xe và thông tin tại các thời điểm đặc thù thuộc những thông tin được truyền phát thông thường, việc hủy và cập nhật mới được thực hiện theo lịch đặt trước.
b) Đối với các thông tin cho biết về tình trạng đường và thông tin thời tiết, phải chú ý sát sao đến quá trình diễn biến sự việc, để kịp thời tiến hành các công tác hủy và cập nhật thông tin mới khi có sự thay đổi.
7.6.5. Căn cứ vào điều kiện cụ thể và sự cần thiết tại mỗi tuyến đường cao tốc, thông tin thay đổi có thể được cung cấp thông qua các phương tiện sau:
a) Biển báo thông tin điện tử (VMS) được lắp đặt tại các điểm vào, trước lối ra và/hoặc trên tuyến chính của đường cao tốc;
b) Đài thông tin giao thông FM được phủ sóng tại khu vực có tuyến đường cao tốc;
c) Loa phát thanh lắp đặt tại các cổng trạm thu phí, nhà trạm dịch vụ trên đường cao tốc:
d) Các hệ thống thông tin khác (Internet, thiết bị di động...).
7.7. Hệ thống báo hiệu điều khiển giao thông
7.7.1. Dựa trên việc tổ chức giao thông theo thiết kế của đường cao tốc, các biển báo hiệu điều khiển giao thông được bố trí lắp đặt trên các làn xe hoặc bên lề đường và có thể thay đổi nội dung linh hoạt theo các yêu cầu quản lý vận hành:
a) Quy định thay đổi tốc độ giới hạn của các làn xe phụ thuộc điều kiện thời tiết, các sự kiện giao thông đang diễn ra;
b) Đóng/mở, phân làn các phương tiện được phép đi trên mỗi làn đường cao tốc;
c) Quy định hướng xe được phép chạy, đóng/mở các làn đường thuận nghịch.
7.7.2. Quy trình vận hành điều khiển thay đổi nội dung của các biển báo hiệu điều khiển giao thông cần phải phù hợp với các quy định và phương án tổ chức giao thông của tuyến đường cao tốc.
7.8. Hệ thống thông tin thời tiết
7.8.1. Các điểm quan trắc thời tiết được bố trí tại các vị trí bên đường, đại diện thời tiết cho mỗi đoạn tuyến trên đường cao tốc. Tại một điểm quan trắc cần trang bị các cảm biến cho phép đo (không giới hạn) các đại lượng thời tiết sau:
- Lượng mưa tới 200 mm/h;
- Hướng gió và vận tốc gió trong phạm vi 2 m/s ¸ 50 m/s;
- Tầm nhìn xa trong phạm vi 10 m ¸ 2000 m;
- Nhiệt độ môi trường trong phạm vi -10°C ¸ 60°C.
7.8.2. Máy chủ thông tin thời tiết đặt tại Trung tâm QLĐHGT thu thập định kì dữ liệu đo từ các điểm quan trắc thời tiết để xử lý, lưu trữ và đưa ra các cảnh báo về điều kiện thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông gồm:
- Trời mưa to hoặc rất to;
- Có gió bão mạnh;
- Có sương mù gây cản trở tầm nhìn;
- Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.
7.9. Hệ thống thông tin liên lạc
7.9.1. Hệ thống thông tin liên lạc được xây dựng với hai thành phần:
a) Hệ thống điện thoại cố định dùng để kết nối liên lạc nội bộ giữa các phòng, nhà trạm và các điểm liên lạc cố định khác.
b) Hệ thống thông tin vô tuyến lưu động mặt đất dùng để kết nối liên lạc cho các xe nghiệp vụ và các đối tượng di động trên đường cao tốc.
7.9.2. Các thiết bị đầu cuối trong hệ thống thông tin liên lạc được lắp đặt tại các vị trí theo đối tượng sử dụng gồm:
a) Trung tâm QLĐHGT;
b) Nhà trạm và làn thu phí;
c) Khu dịch vụ;
d) Các bộ phận quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc;
e) Trên các phương tiện lưu động của đơn vị tuần đường, cứu hộ, cảnh sát giao thông.
7.9.3. Các thiết bị đầu cuối được phân biệt gồm hai loại theo mục đích sử dụng:
a) Điện thoại mệnh lệnh phục vụ công tác điều hành hoạt động khai thác, bảo trì đường cao tốc:
b) Điện thoại hành chính dùng cho các hoạt động liên lạc thông thường. Mức độ ưu tiên kết nối của điện thoại hành chính luôn thấp hơn các điện thoại mệnh lệnh.
7.9.4. Hệ thống thông tin liên lạc cần được thiết kế liên thông trong toàn hệ thống đảm bảo việc kết nối liên lạc nội bộ giữa Trung tâm quản lý điều hành giao thông với các nhà trạm, khu dịch vụ và các phương tiện lưu động. Hệ thống phải cho phép từ một thiết bị đầu cuối bất kì thực hiện cuộc gọi tới các số điện thoại bên ngoài qua mạng chuyển mạch điện thoại công cộng.
7.9.5. Vùng phủ sóng của hệ thống thông tin vô tuyến lưu động mặt đất cần bao phủ toàn bộ các công trình đường cao tốc bao gồm Trung tâm QLĐHGT tuyến, khu vực trạm thu phí, khu dịch vụ, bãi đỗ xe và các khu vực khác dọc đường cao tốc.
7.10. Hệ thống điện thoại khẩn cấp
7.10.1. Hệ thống điện thoại khẩn cấp được sử dụng với mục đích để tiếp nhận các thông báo về tai nạn, sự cố trên đường cao tốc từ các cá nhân và tổ chức. Hệ thống có cấu thành thiết bị gồm hai phần:
a) Hệ thống biển báo chỉ dẫn số điện thoại khẩn cấp dọc đường hoặc các bốt điện thoại gọi khẩn cấp đặt tại các vùng không được phủ sóng điện thoại di động.
b) Điện thoại tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp tại Trung tâm QLĐHGT để thu thập, xử lý thông tin đảm bảo khi có tai nạn, sự cố thì công tác cứu hộ sẽ được triển khai ngay lập tức và phối hợp thông tin nhanh chóng với các lực lượng tuần đường, cảnh sát giao thông và y tế.
7.10.2. Biển chỉ dẫn số điện thoại khẩn cấp
Các biển chỉ dẫn số điện thoại khẩn cấp được lắp đặt hai bên tuyến đường cao tốc có kích thước và vị trí lắp đặt theo quy định về báo hiệu đường bộ trên đường cao tốc. Khoảng cách lắp đặt giữa các biển chỉ dẫn là 500 m. Thông tin chỉ dẫn trên biển báo phải có số điện thoại gọi khẩn cấp và lý trình đặt biển báo để người báo tin dễ dàng xác định vị trí trên đường cao tốc.
7.10.3. Bốt điện thoại khẩn cấp
Tại các vị trí có khó khăn về phủ sóng thông tin điện thoại di động thì thực hiện bố trí bốt điện thoại khẩn cấp tại hai bên đường cao tốc với khoảng dãn cách tối đa là 1000m. Đường truyền kết nối được thiết lập trực tiếp từ các bốt điện thoại khẩn cấp về điện thoại tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp đặt tại trung tâm.
7.10.4. Điện thoại tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp được bố trí tại các Trung tâm QLĐHGT.
7.11. Hệ thống giám sát thiết bị
7.11.1. Hệ thống giám sát thiết bị thực hiện tích hợp thông tin trợ giúp theo dõi tổng thể hoạt động của tất cả các loại thiết bị có trong hệ thống GSĐHGT gồm:
a) Thiết bị chuyển mạch và mạng của hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số;
b) Thiết bị camera và bộ lưu trữ hình ảnh của hệ thống theo dõi giao thông;
c) Thiết bị đo và bộ xử lý dữ liệu của hệ thống dò xe;
d) Thiết bị cân động của hệ thống kiểm tra tải trọng xe;
e) Biển báo thông tin điện tử (VMS) và các thiết bị khác của hệ thống cung cấp thông tin;
f) Thiết bị biển báo điện tử dùng để điều khiển giao thông;
g) Thiết bị điện thoại, tổng đài, trạm phát sóng của hệ thống thông tin liên lạc;
h) Thiết bị máy chủ dịch vụ xử lý dữ liệu;
i) Thiết bị cấp nguồn (ắc quy UPS, nguồn năng lượng mặt trời);
j) Thiết bị giám sát nguồn điện và môi trường hoạt động;
k) Thiết bị của hệ thống thu phí;
l) Thiết bị của hệ thống thông tin thời tiết;
m) Thiết bị điều khiển của hệ thống đèn tín hiệu vào đường cao tốc;
n) Các thiết bị khác.
7.11.2. Phần mềm giám sát thiết bị
Việc giám sát hoạt động của các thiết bị được thực hiện thông qua giao diện phần mềm tại Trung tâm QLĐHGT. Giao diện này cần được tổ hợp từ phần mềm của nhiều hệ thống bộ phận khác nhau. Vai trò của đơn vị triển khai là phải tích hợp được chức năng quản lý giám sát thiết bị của các hệ thống thành phần trên một giao diện thống nhất, trình bày ngắn gọn tình trạng hệ thống, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người quản trị vận hành hệ thống.
7.11.3. Thông tin giám sát
Thông tin giám sát cần được thu thập theo định kì liên tục nhưng không làm gián đoạn hoạt động của các thiết bị. Việc bố trí trình bày thông tin giám sát được phân theo nhóm với mức độ ưu tiên theo thứ tự như sau:
a) Trạng thái lỗi hoặc sự cố hoạt động của thiết bị được đánh giá theo mức độ nghiêm trọng khác nhau;
b) Cảnh báo về các hiện tượng hoạt động bất thường của thiết bị;
c) Các thông số chi tiết khác mô tả hoạt động của thiết bị.
7.11.4. Kiểm tra và phát tín hiệu báo động
Biện pháp kiểm tra khác nhau tùy vào hệ thống và thiết bị được giám sát. Thông thường, quá trình vận hành bình thường sẽ được xác nhận định kỳ theo hệ thống giám sát bằng cách gửi lệnh yêu cầu. Khoảng thời gian yêu cầu sẽ được điều chỉnh cho từng hệ thống bộ phận và các thiết bị. Tuy nhiên, nếu hệ thống bộ phận phát hiện ra bất kỳ khác biệt nào, tín hiệu báo động sẽ được bật lên ngay trên hệ thống bộ phận và các thiết bị có liên quan để giảm thiểu sự cản trở.
7.11.5. Ghi nhật ký lịch sử hoạt động của thiết bị
Hệ thống giám sát thiết bị sẽ lưu các bản ghi giám sát vận hành thiết bị vào cơ sở dữ liệu để cho phép tra cứu lại lịch sử hoạt động khi cần thiết. Tất cả các sự cố, hỏng hóc, sửa chữa, thay thế thiết bị cũng được ghi vào nhật ký vận hành của các thiết bị. Phần mềm tra cứu thông tin được sử dụng để tìm kiếm và hiển thị thông tin lịch sử vận hành khi cần thiết. Ngoài ra nó cũng cho phép thực hiện tính toán, thống kê các chỉ số MTBF và MTTR về độ tin cậy và chất lượng của thiết bị.
7.11.6. Giám sát nguồn điện và môi trường hoạt động
Tất cả các thiết bị chỉ hoạt động tốt khi có nguồn cấp điện ổn định và môi trường hoạt động đủ tiêu chuẩn. Các thiết bị cảm biến cần được lắp đặt tại các vị trí thích hợp để giám sát nguồn điện và môi trường hoạt động thông qua các giá trị đo như điện áp, dòng điện sử dụng, nhiệt độ môi trường xung quanh thiết bị.
7.12. Trung tâm quản lý điều hành giao thông
7.12.1. Trung tâm QLĐHGT đường cao tốc được tổ chức hoạt động theo hai cấp bao gồm Trung tâm QLĐHGT tuyến và Trung tâm QLĐHGT khu vực.
7.12.2. Trung tâm QLĐHGT tuyến trực tiếp vận hành, giám sát, điều khiển hoạt động của các thiết bị lắp đặt được dùng vào mục đích quản lý, điều hành giao thông trên tuyến. Trung tâm QLĐHGT tuyến hoàn toàn có khả năng hoạt động một cách độc lập; các thông tin, dữ liệu trong hệ thống GSĐHGT được xử lý tại Trung tâm và được kết nối báo cáo lên đơn vị cấp trên.
7.12.3. Trung tâm QLĐHGT khu vực tiếp nhận thông tin, dữ liệu được gửi từ các Trung tâm QLĐHGT tuyến để giám sát, điều hành, tổ chức giao thông đường cao tốc trong phạm vi mạng lưới khu vực. Trung tâm QLĐHGT khu vực thực hiện chức năng chỉ đạo, phối hợp, thống nhất quản lý điều hành giữa các trung tâm QLĐHGT tuyến.
7.13. Hệ thống thu phí
7.13.1. Hệ thống thu phí đường cao tốc được xây dựng để thực hiện theo quy trình thu phí kín. Mức phí thu đối với phương tiện được quyết định bởi khoảng cách xe di chuyển và loại xe tham gia giao thông.
7.13.2. Cấu trúc hệ thống thu phí
a) Các trạm/phân trạm được xây dựng tại nút giao tuyến đường cao tốc với các tuyến đường khác, gồm các cửa làn vào và cửa làn ra đoạn/tuyến đường cao tốc cần thu phí.
b) Trung tâm thu phí đoạn đường đặt trong Trung tâm QLĐHGT tuyến cao tốc, là nơi nối kết dữ liệu các phân trạm khác nhau trong một mạng lưới thu phí đồng bộ.
c) Trung tâm thanh toán bù trừ (trung tâm đối soát) là hệ thống thực hiện tổng hợp và xử lý dữ liệu các giao dịch thanh toán phí giao thông cho các phương tiện có tài khoản thu phí điện tử.
7.13.3. Hai phương thức tổ chức thu phí có thể được lựa chọn áp dụng tại các trạm thu phí đường cao tốc gồm thu phí thủ công (sử dụng tiền mặt) và thu phí điện tử (không dùng tiền mặt).
7.14. Hệ thống đèn tín hiệu vào đường cao tốc
7.14.1. Đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt tại các vị trí đường dẫn trước khi xe nhập vào đường cao tốc nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông, điều tiết lưu lượng xe chạy trên dòng giao thông xung đột với dòng giao thông có nhiều xe chạy với tốc độ cao trên tuyến chính của đường cao tốc.
7.14.2. Phương pháp điều tiết giao thông cho đèn tín hiệu vào đường cao tốc có thể được lựa chọn áp dụng gồm:
a) Sử dụng chương trình điều khiển theo chu kỳ thời gian cố định;
b) Điều khiển thích nghi theo lưu lượng giao thông đo được tại hiện trường.
7.14.3. Không cần thiết phải lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên các đường dẫn nơi đã có cổng trạm thu phí kiểm soát xe khi vào đường cao tốc.
MỤC LỤC
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Ký hiệu và thuật ngữ viết tắt
5. Cấu trúc của hệ thống GSĐHGT
6. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống
6.1. Giám sát, điều khiển giao thông
6.2. Thu thập, xử lý dữ liệu tự động
6.3. Hỗ trợ theo dõi bảo trì và bảo dưỡng thiết bị
7. Yêu cầu kỹ thuật đối với các hệ thống thành phần
7.1. Hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số
7.2. Hệ thống camera giám sát giao thông
7.3. Hệ thống dò xe
7.4. Hệ thống quản lý sự kiện
7.5. Hệ thống kiểm tra tải trọng xe
7.6. Hệ thống cung cấp thông tin giao thông
7.7. Hệ thống báo hiệu điều khiển giao thông
7.8. Hệ thống thông tin thời tiết
7.9. Hệ thống thông tin liên lạc
7.10. Hệ thống điện thoại khẩn cấp
7.11. Hệ thống giám sát thiết bị
7.12. Trung tâm quản lý điều hành giao thông
7.13. Hệ thống thu phí
7.14. Hệ thống đèn tín hiệu vào đường cao tốc
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.