Thông báo 295/TB-VPCP của Văn phòng chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2011 và triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012

thuộc tính Thông báo 295/TB-VPCP

Thông báo 295/TB-VPCP của Văn phòng chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2011 và triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012
Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:295/TB-VPCP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông báo
Người ký:Văn Trọng Lý
Ngày ban hành:06/12/2011
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giao thông
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------------------
Số: 295/TB-VPCP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2011
 
 
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2011 VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2012
 
 
Ngày 28 tháng 11 năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2011 và triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các thành viên Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Quốc hội và một số Ủy ban của Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân - Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 10 tháng đầu năm 2011, tình hình thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ và Kế hoạch hành động “Năm an toàn giao thông - 2012” của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia; ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an và ý kiến tham luận của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ KHẮC PHỤC ÙN TẮC GIAO THÔNG NĂM 2011
Từ nhiều năm nay, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân cả nước để kiềm chế, giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, do đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được những kết quả nhất định. Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đã được kiềm chế; số vụ tai nạn giao thông, số người chết vì tai nạn giao thông có giảm; có một số vụ ùn tắc giao thông kéo dài, số điểm ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có giảm so với trước đây.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp và đã trở thành vấn nạn, nỗi bức xúc của toàn xã hội. Kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông chưa bền  vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra nhiều; ùn tắc giao thông kéo dài vẫn còn xảy ra ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên một số tuyến quốc lộ huyết mạch. Đó thực sự là những thách thức, nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với trật tự, an sinh xã hội và cũng có thể coi là quốc nạn, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân phải có những hành động quyết liệt, cụ thể, đồng bộ và thiết thực để ngăn chặn.
Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập đó là:
1. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tế của nhiệm vụ này, dẫn đến việc thực hiện các giải pháp chưa quyết liệt, đồng bộ, chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp chưa chặt chẽ; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội;
2. Việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn của công tác này;
3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa duy trì thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với đặc điểm từng đối tượng nên hiệu quả còn hạn chế; công tác giáo dục an toàn giao thông, đặc biệt cho thế hệ trẻ, học sinh các cấp học chưa đạt kết quả như mong đợi, chưa thực sự hình thành văn hóa giao thông;
4. Công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe ở một số nơi chưa thật sự nghiêm túc, vẫn còn xảy ra hiện tượng cắt xén nội dung, chương trình đào tạo;
5. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông có nơi có lúc chưa thực hiện đúng quy định (vẫn còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh), chưa bao quát địa bàn và chưa khép kín thời gian trong ngày, nhiều hành vi vi phạm chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, hiện tượng uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông còn phổ biến, chế tài xử lý vi phạm đua xe còn chưa đủ răn đe, giáo dục;
6. Ý thức chấp hành của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa quan tâm, chú trọng đúng mức đến các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông và việc quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông vẫn còn xảy ra khá phổ biến;
7. Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông ở nhiều địa phương thực hiện chưa thường xuyên, triệt để, hiệu quả chưa cao, nhất là tình trạng xe dù bến cóc, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, điểm đỗ ôtô, giữ môtô, xe gắn máy vẫn rất phổ biến và gây cản trở giao thông … Nhiều nơi, chính quyền địa phương cấp cơ sở còn thờ ơ đối với công tác này;
8. Tổ chức giao thông trên một số tuyến đường bộ chưa khoa học, còn nhiều bất cập, chủ yếu là giao thông hỗn hợp, nút giao đồng mức gây xung đột dòng phương tiện dẫn đến ùn tắc giao thông (đặc biệt là tại các đô thị lớn);
9. Triển khai đầu tư các dự án vận tải hành khách đô thị khối lượng lớn quá chậm, thêm vào đó việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong khi đó ôtô cá nhân, taxi phát triển quá nhanh;
10. Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông … còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn của phát triển; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa tốt dẫn đến phá vỡ quy hoạch, chưa bố trí đủ quỹ đất dành cho giao thông (đặc biệt là tại các đô thị lớn);
11. Việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như cho duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông chưa tương xứng với mức độ phát triển kinh tế xã hội cũng như tốc độ gia tăng phương tiện giao thông;
12. Việc triển khai di dời các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các trụ sở cơ quan hành chính, bệnh viện .. ra khỏi trung tâm thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa được thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Mục tiêu
a) Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu để có các hành động quyết liệt, cụ thể và thiết thực trong công tác chỉ đạo, điều hành.
b) Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và của toàn xã hội, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.
c) Tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí, hàng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông. Trong đó nhiều địa phương cần phấn đấu giảm từ 10% cả 03 tiêu chí trên.
d) Lấy “Năm an toàn giao thông - 2012” là năm “Thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và xây dựng văn hóa giao thông đến từng phường, xã, khu dân cư.
2. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu trên, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ và văn bản số 1702/TTg-KTN ngày 24 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và trong chương trình hành động “Năm an toàn giao thông - 2012”. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài sau:
a) Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước:
- Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông một cách thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ và bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong xã hội.
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông bảo đảm tính đồng bộ và có các chế tài mạnh, đủ tính răn đe và khả thi để pháp luật được thực thi nghiêm minh; hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đảm bảo phát triển đồng bộ, hài hòa giữa quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và chiến lược, chính sách phát triển phương tiện giao thông vận tải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng tại đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ban hành quy định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm; xây dựng và triển khai các Đề án nhằm giảm tải phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1, tổ chức kết nối các phương thức vận chuyển giữa đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa để giảm tải việc vận chuyển bằng phương tiện đường bộ.
- Quy hoạch các khu đô thị phải bảo đảm quỹ đất dành cho giao thông theo Luật Giao thông đường bộ từ 16% đến 26%; quy hoạch xây dựng các khu chung cư cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ phải bảo đảm diện tích để môtô, xe gắn máy, ô tô; thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ra khỏi khu vực trung tâm thành phố; quy hoạch và xây dựng hệ thống bến xe; xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng tại khu vực nội thành và các đường vành đai đô thị.
- Quy định trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và người thực thi công vụ, nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông; tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh chống tiêu cực trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn. Cương quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, đơn vị vi phạm các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe, lái tàu; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án đổi mới quản lý Giấy phép lái xe bảo đảm kết nối thông tin giữa ngành giao thông vận tải và ngành công an, thông qua đó tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đối tượng tham gia giao thông.
b) Tăng cường và nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật:
- Đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý và áp dụng các biện pháp mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép, xử phạt mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, các hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải truy tố trước pháp luật); tăng cường sử dụng hình ảnh của hệ thống giám sát giao thông để xử phạt đối với các hành vi vi phạm; bổ sung nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho Thanh tra giao thông và các lực lượng Cảnh sát làm công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát.
- Tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; đầu tư hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên các tuyến quốc lộ và đường đô thị; giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
c) Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật:
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa công tác tuyên truyền an toàn giao thông về đến cụm dân cư, làng, xã, khu phố. Chú trọng tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm, vận động người dân mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi phương tiện thủy;
- Thực hiện phổ cập giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trong hệ thống giáo dục.
d) Về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông:
- Đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ trọng yếu, triển khai dự án mở rộng tuyến quốc lộ 1; đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam; xây dựng hệ thống đường gom trên các tuyến quốc lộ; xây dựng các nút giao khác mức và cầu vượt giữa đường bộ với đường sắt; xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ phục vụ vận tải đường bộ và trạm kiểm tra tải trọng xe trên phạm vi toàn quốc.
- Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời những “điểm đen” về tai nạn giao thông, khôi phục hoạt động của một số trạm kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.
đ) Thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị:
- Giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông; huy động các lực lượng của phường, xã, Đoàn thanh niên phối hợp cùng lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng của ngành Công an thực hiện xử lý tất cả các hành vi vi phạm chiếm dụng lòng đường, hè phố.
- Tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị; tổ chức phân làn giao thông một chiều; phân tách làn phương tiện, bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt; giảm xung đột tại một số nút giao thông chính bằng việc xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện có tải trọng nhẹ và môtô, xe gắn máy; cấm xe taxi, xe ôtô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố (cả ngày hoặc trong giờ cao điểm). Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai sớm việc bố trí lệch giờ làm việc, học tập và kinh doanh từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
- Sớm triển khai xây dựng hệ thống vận tải đô thị khối lượng lớn tại các đô thị đặc biệt như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị và khẩn trương triển khai các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT); phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng tần suất lượt xe giờ cao điểm, bổ sung phương tiện xe buýt, tăng số tuyến xe buýt đến các vùng ngoại thành thành phố tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hiện đại hóa Trung tâm điều hành giao thông công cộng tại các thành phố lớn; xây dựng và thực hiện đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; quy hoạch số lượng xe taxi.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Chính phủ cùng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài nêu trên. Đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện Kế hoạch hành động “Năm an toàn giao thông” từ đầu tháng 01 năm 2012.
Trong tháng 12 năm 2011, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh huy động lực lượng của phường, xã, Đoàn thanh niên phối hợp cùng Thanh tra giao thông và các lực lượng của ngành Công an ra quân lập lại trật tự, kỷ cương đường phố (giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông); tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực ùn tắc vào giờ cao điểm. Cương quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm: chiếm dụng lòng đường, hè phố, dừng đỗ xe trái quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy định về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe không có Giấy phép lái xe, đón trả khách không đúng quy định. Thực hiện việc thông báo vi phạm về nơi công tác, học tập, cư trú để phối hợp giáo dục.
2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tập trung tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy định về: xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; hướng dẫn chi tiết Điều 36 Luật Giao thông đường bộ về các trường hợp đặc biệt được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không mục đích giao thông.
3. Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, tập trung tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy định về: phí và lệ phí; lệ phí trước bạ; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở; tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Bộ Công an huy động các lực lượng Cảnh sát đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc tổ chức, hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc giao thông;
5. Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của ngành, đề xuất phân bổ nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, đặc biệt là việc xóa “điểm đen” về tai nạn giao thông; chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Đề án thu phí lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ trong quý I năm 2012.
6. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế đặc thù ưu đãi cho đầu tư phát triển vận tải bằng xe buýt, phương tiện buýt đường thủy nội địa; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng các loại phí, lệ phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong hệ thống giáo dục ở các cấp học.
8. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp cấp bách và lâu dài đã nêu trên. Thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tổ chức giao thông; điều chỉnh thời gian làm việc, học tập và kinh doanh; xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện có tải trọng nhẹ tại một số nút giao thông chính của thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu cho phép thí điểm hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy theo hình thức buýt thủy nội địa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn.
9. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát động mạnh mẽ cuộc vận động toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, có các biện pháp giáo dục hội viên, đoàn viên của mình gương mẫu chấp hành và đấu tranh với những người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
10. Các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 nêu tại Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
11. Các phương tiện thông tin đại chúng tập trung phổ biến tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo dư luận xã hội ủng hộ các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông do Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Kịp thời nêu gương người tốt đi đôi với phê phán nghiêm khắc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
12. Giao Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện, báo cáo kết quả tại các kỳ họp của Ủy ban và định kỳ 03 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các Ủy viên Ủy ban, thành viên Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
 

 Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của QH;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Tổng Liên đoàn Lao động VN;
- Các PCT, Ủy viên Ủy ban, thành viên Ban Thường trực Ủy ban ATGTQG;
- Ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng UBATGTQG;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TCCV, KTTH, NC, KGVX, ĐP, PL, KNTN, TH;
- Lưu: VT, KTN (5b)
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất