VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 107/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI HAI DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI
Ngày 04 tháng 02 năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì đoàn công tác đi kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi kiểm tra công trường, nghe Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo và ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan về tình hình thực hiện hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Những năm qua, cùng với quá trình phát triển của đất nước, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng. Quy mô đô thị được mở rộng, chất lượng đô thị ngày được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do xu hướng tập trung hóa đô thị dẫn đến gia tăng dân số cơ học ở các đô thị lớn, đặc biệt là dân số tăng mạnh tại Thủ đô Hà Nội; trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Bên cạnh việc tăng nhanh phương tiện giao thông ô tô cá nhân, thì các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu; giao thông công cộng mới chỉ đảm nhiệm được dưới 10%; diện tích đất dành cho giao thông hạn chế, thiếu giao thông ngầm, giao thông trên cao và giao thông tĩnh; do đó thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Gần đây, Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giảm ùn tắc giao thông như phân luồng, tổ chức lại giao thông, đầu tư xây dựng cấp bách các công trình hạ tầng (cầu vượt, nút giao...), quản lý tốt trật tự an toàn giao thông. Nhưng tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh các biện pháp đã và đang thực hiện, giải pháp quan trọng và lâu dài là phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các phương thức vận tải hành khách, hàng hóa hợp lý cùng hệ thống đường tránh, đường vành đai phù hợp; trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng. Giải pháp này cần rất nhiều kinh phí nên thực sự là thách thức trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn; vì vậy, cần có cơ chế đột phá để triển khai thực hiện.
Trên địa bàn Hà Nội, hiện đang thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Đây là hai dự án đường sắt đô thị đầu tiên được triển khai, là hai công trình quan trọng của Hà Nội và cả nước, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô.
Qua kiểm tra việc thực hiện hai dự án, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các nhà thầu và người lao động đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện dự án, cơ bản bảo đảm yêu cầu. Cụ thể, đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm các hạng mục thiết bị), trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành (hoàn thành 100% trụ cầu khu gian (419 trụ), 100% công tác đúc và lao lắp dầm cầu (400 nhịp dầm giản đơn và 31 nhịp dầm liên tục); hoàn thành cơ bản kết cấu chính của 12/12 nhà ga). Công tác mua sắm thiết bị (đoàn tàu và thiết bị chuyên ngành khác thuộc các khu Depot), đào tạo và chuyển giao công nghệ, công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường, công tác giải ngân... được bảo đảm đúng kế hoạch. Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội: đây là dự án đường sắt đô thị thí điểm với 4km đường ngầm, gặp nhiều khó khăn trong các công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tư vấn, bố trí vốn đối ứng, giải ngân vốn ODA...; đến nay đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng xây lắp và tiến độ dự án đang chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, do pháp luật đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của Việt Nam chưa hoàn thiện, đặc biệt là pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Việc đánh giá, định giá các gói thầu chưa chính xác, khiến giá thành bị tăng lên nhiều so với giá trị hợp đồng EPC ban đầu. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý dự án ban đầu còn nhiều hạn chế, nhất là cả hai dự án đều liên quan đến pháp luật nước ngoài và yêu cầu của nhà tài trợ. Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng trong nội đô Thủ đô thực sự phức tạp; công tác thi công xây dựng công trình tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn... Vì vậy, về tiến độ, dù đã nhiều lần được điều chỉnh nhưng cả hai dự án đều chậm so với yêu cầu nên ảnh hưởng đến việc giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội.
Để bảo đảm chất lượng, an toàn và tiến độ triển khai dự án, sớm đưa hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội vào hoạt động, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, yêu cầu các Bộ, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động; đặc biệt bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Không để xảy ra các sự cố liên quan đến an toàn môi trường, cháy nổ. Trong quá trình thi công, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy gắn với bảo đảm chất lượng công trình.
2. Về đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vướng mắc của hai dự án:
a) Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải:
- Yêu cầu phía Trung Quốc: sớm cung cấp quy trình vận hành, khai thác và quy trình bảo dưỡng; thực hiện chuyển giao công nghệ theo đúng hợp đồng.
- Chỉ đạo tuyển chọn tư vấn nước ngoài độc lập, có đủ năng lực đánh giá an toàn hệ thống trước và trong quá trình vận hành chạy thử. Thực hiện tổng kiểm tra toàn bộ công trình trước khi chạy thử để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện tốt công tác đào tạo; tạo điều kiện để các nhân sự tiếp cận các công việc liên quan đến vận hành hệ thống ngay từ giai đoạn lắp đặt, chạy thử.
- Thống nhất ngay với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kế hoạch bàn giao công trình.
- Tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; bảo đảm: phần xây lắp, trang trí kiến trúc khu Depot hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2017; phần lắp đặt thiết bị hoàn thành trước ngày 31 tháng 7 năm 2017; đóng điện toàn tuyến trước ngày 01 tháng 9 năm 2017; vận hành thử nghiệm toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông theo đúng kế hoạch vào ngày 30 tháng 9 năm 2017.
- Trong quá trình triển khai Dự án, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
- Chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Đặc biệt, đối với 4km đường ngầm, cần tập trung giải quyết triệt để các vướng mắc để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại 04 ga ngầm; chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn và tiến độ theo đúng kế hoạch. Trường hợp vượt thẩm quyền, chủ động đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn nhân lực thực sự chuyên nghiệp về vận hành và về văn hóa phục vụ nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đường sắt đô thị và sự hài lòng của hành khách. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong việc tiếp nhận, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
3. Về bảo đảm chất lượng công trình: Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức dự toán xây dựng phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án đường sắt đô thị. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra chất lượng và công tác quản lý chất lượng, đảm bảo công trình được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế; thực hiện nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư, các nhà thầu theo đúng quy định pháp luật.
4. Về kiến trúc công trình: Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý chất lượng kiến trúc công trình; đặc biệt, phải coi công trình nhà ga đường sắt đô thị là công trình văn hóa, cần bảo đảm thẩm mỹ, văn hóa và tiện lợi nhất cho hành khách.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí đủ vốn theo kế hoạch để triển khai hai dự án nêu trên. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chủ động nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong nước hoặc nước ngoài thông qua các hình thức đối tác công - tư để triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai dự án, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí xây dựng, phát triển năng lực doanh nghiệp trong nước.
III. VỀ KIẾN NGHỊ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
1. Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông:
- Bộ Tài chính chủ trì làm việc với Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc để gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và ký kết Hiệp định vay vốn bổ sung sử dụng nguồn vốn ưu đãi, đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện Dự án.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bổ sung kế hoạch vốn khi Hiệp định vay bổ sung được ký kết và có hiệu lực.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để tiếp nhận Dự án ngay sau khi hoàn thành, bảo đảm kịp thời đưa vào khai thác có hiệu quả.
2. Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bộ Xây dựng khẩn trương có ý kiến đối với kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thiết kế, vị trí giếng gió tại ga S9 Kim Mã của Dự án.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các PTTg CP; - Các Bộ: GTVT, KHĐT, TC, XD, TNMT; - UBND TP Hà Nội; - Ban Quản lý dự án Đường sắt; - Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHQT, QHĐP, TH; - Lưu: VT, CN(3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |