6 thay đổi liên quan đến Bằng lái xe ô tô trong năm 2022

Năm 2022, quy định liên quan đến việc học, thi cấp bằng và sử dụng Bằng lái xe ô tô sẽ có nhiều thay đổi theo hướng quản lý chặt hơn, phạt nặng hơn nếu vi phạm.


1. Tăng mạnh mức phạt với hành vi sử dụng Bằng lái xe quá hạn

Đây là một trong những nội dung mới tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, mức phạt áp dụng đối với hành vi sử dụng Bằng lái xe ô tô quá hạn đã được tăng mạnh. Cụ thể:

- Sử dụng Bằng lái xe hết hạn dưới 03 tháng: Phạt 05 - 07 triệu đồng.

- Sử dụng Bằng lái xe hết hạn từ 03 tháng trở lên: Phạt 10 - 12 triệu đồng.

Cùng với việc tăng mức phạt, thời hạn hết hạn làm căn cứ xử phạt lỗi này cũng có sự thay đổi từ 06 tháng xuống còn 03 tháng.

Trước đây, người điều khiển phương tiện chỉ bị phạt như sau:

- Sử dụng Bằng lái xe hết hạn dưới 06 tháng: Phạt 400.000 - 600.000 đồng.

- Sử dụng Bằng lái xe hết hạn từ 06 tháng trở lên: Phạt 04 - 06 triệu đồng.

So sánh các mức phạt với nhau, có thể thấy, từ năm 2022, hành vi sử dụng Bằng lái xe quá hạn sẽ phải đối mặt với mức phạt cao hơn rất nhiều. Do đó, các bác tài cần hết sức chú ý để đi đổi Bằng lái xe trước khi hết hạn, tránh để quá hạn mà bị phạt tiền.

Xem thêm: Danh sách các loại bằng lái xe và thời hạn sử dụng


2. Quản lý chặt việc học lái xe ô tô nhờ thiết bị giám sát

Theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, yêu cầu trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe ô tô trên đường của học viên tại các cơ sở đào tạo lái xe được đặt ra từ ngày 01/01/2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Thông tư 01/2021/TT-BGTVT đã lùi thời điểm thực hiện yêu cầu này đến ngày 01/01/2022. Khoản 12 Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT ghi nhận:

2. Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31 tháng 12 năm 2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 01 năm 2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. 

Theo đó, bắt đầu từ năm 2022, việc học lái xe ô tô trên đường của học viên sẽ được kiểm soát chặt hơn về cả thời gian và quãng đường học lái xe bởi các thiết bị giám sát.

Do vậy, học viên phải tham gia đầy đủ khóa học thì mới được đăng ký thi sát hạch cấp Bằng lái xe ô tô. 


3. Học lái xe ô tô với cabin mô phỏng từ ngày 01/7/2022

Thêm một điểm mới liên quan đến học Bằng lái xe ô tô được khoản 12 Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT ghi nhận đó là việc thực hiện nội dung học lái xe với ca bin mô phỏng trong chương trình học:

2. Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31 tháng 12 năm 2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 01 năm 2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. 

Theo đó, từ ngày 01/7/2022, học viên sẽ được thực hành trên ca bin học lái xe ô tô. Khoản 9 và khoản 10 Điều 1 Thông tư 38 đã chỉ rõ thời gian học của mỗi học viên đối với nội dung này như sau:

- 03 giờ: Chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2, C.

- 01 giờ: Chương trình đào tạo nâng hạng lái xe (Nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học).

Dù chỉ là thiết bị mô phỏng nhưng ca bin học lái xe lại đem đến cho học viên những trải nghiệm khá chân thực về địa hình và các tình huống giao thông khi điều khiển xe ô tô trên đường.


4. Thêm môn học nhưng giữ nguyên tổng thời gian đào tạo lái xe ô tô

Theo khoản 12 Điều 2 Thông tư 01/2021, trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô, cơ sở đào tạo lái xe phải thiết kế chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo:

a) Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên học lái xe hạng B1, B2, C bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

b) Số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học lái xe nâng hạng bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

c) Số giờ học thực hành lái xe trên 01 xe tập lái, gồm cả thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.

Như vậy, số giờ học đang được thực hiện đã bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và thực hành trên cabin học lái xe.

Do đó, từ ngày 01/7/2022, khi bổ sung thêm nội dung học thực hành trên cabin tập lái thì tổng giờ học đối với chương trình đào tạo lái ô tô cũng sẽ không thay đổi. 

Quy định về Bằng lái xe thay đổi như thế nào trong năm 2022? (Ảnh minh họa)


5. Thêm nội dung thi Bằng lái xe ô tô từ ngày 01/6/2022

Trước đó, Thông tư 38/2019 đặt ra lộ trình sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe là từ ngày 01/5/2021.

Tuy nhiên, lộ trình này đã bị Thông tư 01/2021 thay đổi. Cụ thể khoản 12 Điều 2 Thông tư 01 quy định:

4. Trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.

5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.

Như vậy, từ ngày 01/6/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải cùng Trung tâm sát hạch lái xe sẽ đồng loạt sử dụng phần mềm mô phỏng sát hạch lái xe ô tô các hạng.

Theo đó, học viên sẽ phải thi thêm các nội dung sau:

- Thi sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

- Thi sát hạch trong ca bin ô tô mô phỏng.


6. Thay đổi trình tự công nhận kết quả thi Bằng lái ô tô

Với việc bổ sung nội dung thi sát hạch Bằng lái xe ô tô từ ngày 01/6/2022 thì thứ tự thi cùng trình tự công nhận kết quả thi cũng có sự điều chỉnh.

Theo đó, người thi sát hạch sẽ phải trải qua 04 nội dung thi:

(1) Sát hạch lý thuyết.

(2) Thi phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

(3) Thực hành lái xe trong hình.

(4) Thực hành lái xe trên đường.

Căn cứ khoản 16 Điều 1 Thông tư 38, việc công nhận kết quả thi đối với người thi Bằng lái xe ô tô các hạng được thực hiện như sau:

- Nếu không đạt lý thuyết: Không được thi lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng.

- Nếu không đạt nội dung lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng: Không được thi thực hành trong hình.

- Nếu không đạt nội dung thực hành trong hình: Không được thi sát hạch lái xe trên đường.

- Đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành trong hình nhưng không đạt kết quả nội dung lái xe trên đường: Được bảo lưu kết quả trong 01 năm.

- Đạt cả lý thuyết, lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe (trong hình và trên đường): Được công nhận trúng tuyển và cấp Bằng lái xe.

Trên đây là 06 thay đổi về Bằng lái xe ô tô năm 2022 mà những ai đã có hoặc chuẩn bị học và thi bằng lái xe đều nên biết. Mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề này sẽ được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp qua tổng đài 1900.6199 .

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(12 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Dự kiến: Năm 2025, tăng nặng mức phạt khi vượt đèn đỏ!

Mới đây, Bộ Công an đã công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng.