Sửa Luật Giao thông: 20 thay đổi quan trọng người dân cần biết

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất. Luật này không chỉ kế thừa mà còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Sau đây là tổng hợp 20 thay đổi quan trọng tại Luật Giao thông sửa đổi.


1. Không cần mang giấy tờ xe khi đi đường nếu đã tích hợp VNeID

Tương tự như quy định hiện hành, Điều 38 dự thảo luật mới cũng ghi nhận khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ xe như:

- Chứng nhận đăng ký xe.

- Giấy phép lái xe.

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Tuy nhiên dự thảo mới còn bổ sung thêm quy định, trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo.

Theo đó, nếu các giấy tờ xe đã được tích hợp trên tài khoản VNeID thì người điều khiển phương tiện sẽ không cần mang bản giấy khi đi đường.


2. CSGT kiểm tra giấy tờ, được xuất trình thông tin trên VNeID

Khoản 5 Điều 54 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền dừng phương tiện để kiểm soát giấy tờ của phương tiện và người điều khiển nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.

Do đó, nếu đã tích hợp toàn bộ thông tin giấy tờ trên VNeID, người điều khiển phương tiện chỉ cần mở ứng dụng VNeID cho CSGT kiểm tra thông tin.

Sử dụng VNeID thay cho giấy tờ xe
Sử dụng VNeID thay cho giấy tờ xe (Ảnh minh họa)

3. Thêm trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm soát

Căn cứ Điều 55 dự thảo Luật mới, CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát nêu có một trong các căn cứ sau đây:

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.

2. Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được (quy định mới).

3. Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay quy định về trường hợp này là có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.


4. Người ngồi hàng ghế sau ô tô cũng phải thắt dây an toàn

Hiện nay Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định, xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.

Nhưng tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, quy định này đã có sự thay đổi. Theo đó, người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Do đó, tại tất cả các vị trí ngồi có dây an toàn, người ngồi trên xe ô tô đều phải thắt dây này, dù ngồi trước hay ngồi phía sau.

Thay đổi quan trọng tại Luật Giao thông sửa đổi: Ngồi ghế sau phải thắt dây an toàn
Thay đổi quan trọng tại Luật Giao thông sửa đổi: Ngồi ghế sau phải thắt dây an toàn (Ảnh minh họa)

5. Trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô

Thêm một thay đổi quan trọng tại Luật Giao thông sửa đổi là trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi hàng ghế trước của ô tô.

Quy định hiện hành chỉ yêu cầu người ngồi hàng ghế trước phải thắt dây an toàn chứ không giới hạn về độ tuổi của người ngồi.

Để bảo vệ an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đã bổ sung thêm quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp chở trẻ em dưới 04 tuổi trên xe ô tô thì phải chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.


6. Thêm trường hợp xe máy “kẹp 3” không bị phạt

Hiện nay Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định 03 trường hợp đi xe máy được phép chở tối đa 02 người bao gồm:

- Chở người bệnh đi cấp cứu.

- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật

- Trẻ em dưới 14 tuổi.

Không chỉ kế thừa quy định trên, dự thảo luật mới còn bổ sung thêm 01 trường hợp xe máy “kẹp 3: mà không bị phạt đó là trường hợp chở người già yếu hoặc người khuyết tật.

>> Gọi ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn, giải đáp thắc mắc về các quy định giao thông.


7. Bỏ giấy phép lái xe hạng A1, B1, B2, E và các hạng F

Theo Điều 59 Luật Giao thông đường bộ, các hạng giấy phép lái xe tại Việt Nam bao gồm: Giấy phép lái xe không có thời hạn (hạng A1, A2, A3) và giấy phép lái xe có thời hạn (hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE).

Tại dự thảo Luật mới, Bộ Công an đang đề xuất thay đổi các hạng giấy phép lái xe. Trong đó, bỏ quy định về giấy phép lái xe hạng A1, B1, B2, E và các hạng F, thay vào đó là các hạng bằng lái mới bao gồm: Hạng A2, A, A3, B, C1, C, D2, D, BE, C1E, CE, D2E, DE.


8. Đổi, cấp lại bằng lái xe theo phân hạng mới

Theo Điều 62 dự thảo Luật mới, giấy phép lái xe đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vẫn được tiếp tục sử dụng nhưng khi làm thủ tục cấp đổi, cấp lại các loại giấy phép lái xe đó có thể sẽ được đổi theo phân hạng mới.

Cụ thể:

- Giấy phép lái xe hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng.

- Giấy phép lái xe hạng A2 đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng A1.

- Giấy phép lái xe hạng A đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng A2.

- Giấy phép lái xe hạng B đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng B1, B2.

- Giấy phép lái xe hạng D2 đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng D.

- Giấy phép lái xe hạng D đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng E.

- Giấy phép lái xe hạng BE đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng FB2.

- Giấy phép lái xe hạng CE đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe FC.

- Giấy phép lái xe hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FD.

- Giấy phép lái xe hạng DE đổi, cấp lại cho người có giấy phép lái xe hạng FE.


9. Thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Điều 8 dự thảo sửa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đã bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

- Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế, quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở quá số người quy định; chở hàng hóa trên xe có quy định phải chằng buộc nhưng không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định

- Tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy, thay đổi màu sơn, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

- Điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gắn biển số giả, gắn biển số không đúng vị trí, gắn biển số bị bẻ cong, bị che, lấp; làm thay đổi chữ, số, màu của biển số.

- Khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.

- Kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe, dịch vụ sát hạch lái xe không đủ điều kiện theo quy định.

- Khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

- Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.

- Khai báo gian dối hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đúng sự thật để trốn tránh trách nhiệm khi phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.


10. Thêm trường hợp cấm vượt xe

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung thêm một số trường hợp không được vượt xe bao gồm:

- Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế;

- Nơi có biển báo cấm vượt;

- Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

- Khi có người đi bộ qua đường;

- Ở gầm cầu hoặc đường hầm.

Đồng thời vẫn cấm vượt xe tại các trường hợp như: Không bảo đảm các điều kiện vượt xe, trên cầu hẹp có một làn xe, khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn,…

Thêm trường hợp bị cấm vượt xe
Thêm trường hợp bị cấm vượt xe (Ảnh minh họa)

11. Bổ sung các vị trí cấm dừng, đỗ xe

Để đảm bảo an toàn giao thông, Điều 17 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định thêm một số vị trí không được dừng, đỗ xe bao gồm:

- Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố, dưới 40 mét trên đường bộ đối với đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;

- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường

- Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

- Che khuất đèn tín hiệu giao thông;

- Trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, hè phố trái quy định.


12. Đề xuất mới về việc sử dụng đèn xe

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất, người lái xe tham gia giao thông khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng các loại đèn sau:

(1) Đèn chiếu sáng phía trước là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần;

(2) Đèn soi biển số sau;

(3) Đèn vị trí được trang bị theo thiết kế của xe.

Bên cạnh đó, dự thảo này cũng yêu cầu lái xe phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần để tránh gây lóa cho người tham gia giao thông khác trong các trường hợp như:

(1) Khi gặp người đi bộ qua đường.

(2) Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động.

(3) Khi gặp xe đi ngược chiều.

(4) Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.


13. Bổ sung quy định về sử dụng làn đường

So với quy định hiện hành, Điều 12 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm 02 nội dung mới liên quan đến việc sử dụng làn đường. Cụ thể:

- Trên làn đường dành riêng cho một loại phương tiện, người điều khiển loại phương tiện khác không được đi vào làn đường đó. Nơi có làn đường dành cho xe ưu tiên, chỉ xe ưu tiên mới được đi vào làn đường ưu tiên.

- Trên đường hai chiều có từ hai làn xe trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại.


14. Không sử dụng còi trong khu vực bệnh viện

Không chỉ kế thừa quy định hiện nay tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ trong đô thị, khu đông dân cư, dự thảo mới còn đề xuất thêm việc không được sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ tại các khu vực khác: Cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu.

Quy định này không áp dụng đối với các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.


15. Hướng dẫn nhường đường tại vòng xuyến

Nhằm điều tiết giao thông cũng như hướng dẫn người tham gia giao thông đi đường an toàn hơn, Điều 21 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã hướng dẫn cụ thể quy tắc nhường đường tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến.

Thứ tự nhường đường như sau: (1) Xe đã đi vào nút giao; (2) Xe ưu tiên;  (3) Xe đi trên đường ưu tiên; (4) Xe đi đến từ bên phải; (5) Xe rẽ phải; (6) Xe đi thẳng.

Hướng dẫn nhường đường tại vòng xuyến
Hướng dẫn nhường đường tại vòng xuyến (Ảnh minh họa)

16. Bổ sung quy định đối với người yếu thế tham gia giao thông

Nhằm tạo thuận lợi cho người khuyết tật, người già yếu, phụ nữ mang thai khi tham gia giao thông, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng đưa ra một số đề xuất mới như:

- Khi xe xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, người lái xe, điều khiển xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu, phụ nữ mang thai và người khuyết tật không phải xuống xe (theo khoản 3 Điều 22 dự thảo mới).

- Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết là người khiếm thị (theo khoản 2 Điều 29 dự thảo mới).

- Người mắc bệnh tâm thần khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt (theo khoản 2 Điều 29 dự thảo mới).

- Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, già yếu, mắc bệnh tâm thần, trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai khi đi qua đường (theo khoản 2 Điều 29 dự thảo mới).


17. Hướng dẫn dừng, đỗ khẩn cấp trên cao tốc

Điều 24 dự thảo mới đã hướng dẫn cụ thể cách dừng, đỗ xe trên cao tốc trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác như sau:

- Người lái xe phải đưa xe vào làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường.

- Nếu xe không thể di chuyển được, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét.

- Sau đó, nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc để xử lý tình huống, tránh ùn tắc giao thông.


18. Hướng dẫn dừng khẩn cấp trong hầm đường bộ

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng bổ sung thêm hướng dẫn liên quan đến việc dừng, đỗ xe trong hầm đường bộ  khi gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác.

Theo Điều 25 của dự thảo, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải đưa xe vào vị trí dừng, đỗ xe khẩn cấp. Nếu xe không di chuyển được thì phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển báo hoặc đèn cảnh báo về phía trước và phía sau xe.

Sau đó, nhanh chóng báo cho cơ quan CSGT hoặc cơ quan quản lý hầm đường bộ để xử lý.

Hướng dẫn dừng khẩn cấp tại hầm đường bộ
Hướng dẫn dừng khẩn cấp tại hầm đường bộ (Ảnh minh họa)

19. Quy ước về màu đèn tín hiệu khi làm nhiệm vụ ưu tiên

Theo đề xuất mới của Bộ Công an, xe ưu tiên khi làm nhiệm vụ phải lắp đặt còi, đèn ưu tiên. Trong đó, màu của tín hiệu đèn được quy ước như sau:

- Đèn nhấp nháy màu đỏ: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu.

- Đèn nhấp nháy màu xanh và đỏ: Xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.

- Đèn nhấp nháy màu xanh: Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.


20. Bổ sung quy định cấm người đi xe máy thực hiện

Điều 31 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung các hành vi cấm lái xe bao gồm:

- Chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;

- Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy.

Lưu ý: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Trên đây là 20 thay đổi quan trọng tại Luật Giao thông sửa đổi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục