Từ nay, ra đường không cần mang giấy tờ xe?

Quy trình kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông hiện đã được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư 32/2023/TT-BCA với nhiều thay đổi đáng chú ý. Trong đó, nổi bật phải kể đến việc người dân từ nay ra đường không cần mang theo giấy tờ xe. 


1. Trường hợp nào ra đường không cần mang giấy tờ xe?

Ngày 15/8/2023, Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông của CSGT đã được đưa vào áp dụng.

Khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA nêu rõ, CSGT có quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.

Nếu như trước đây thực hiện kiểm soát đối với giấy tờ là bản giấy thì từ 15/8/2023, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ liên quan đến người và phương tiện thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử cũng có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ (theo điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA).

Nội dung này cũng được tiếp tục khẳng định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA. Theo đó, sau khi thông báo cho người điều khiển phương tiện biết lý do dừng xe kiểm soát thì CSGT đề nghị lái xe xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử để kiểm soát.

Như vậy, nếu các giấy tờ xe đã được tích hợp đầy đủ trên tài khoản định danh điện tử VNeID thì lái xe không cần mang theo giấy tờ xe bản giấy. Khi CSGT dừng xe kiểm tra giấy tờ, bạn chỉ việc mở tài khoản VNeID, cung cấp thông tin của các giấy tờ xe trên đó cho CSGT kiểm tra mà không lo bị xử phạt hành chính.

Ngược lại, nếu chưa đăng ký tài khoản VNeID hoặc đã đăng ký tài khoản VNeID nhưng chưa tích hợp giấy tờ xe trên đó thì lái xe vẫn phải mang theo giấy tờ liên quan đến người và phương tiện (bản giấy).

Lưu ý: Trong quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì CSGT vẫn có quyền yêu cầu xuất trình các giấy tờ xe bản giấy.

Có đúng từ nay ra đường không cần mang giấy tờ xe?
Có đúng từ nay ra đường không cần mang giấy tờ xe? (Ảnh minh họa)

2. Những loại giấy tờ phải xuất trình khi CSGT kiểm tra?

Căn cứ khoản a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, khi CSGT yêu cầu kiểm tra hành chính, người tham gia giao thông phải xuất trình các loại giấy tờ sau đây:

- Giấy phép lái xe (đối với ô tô, xe máy, máy kéo) hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng (đối với xe máy chuyên dùng).

- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực của Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (nếu tổ chức tín dụng đang giữ bản chính Giấy đăng ký xe);

- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (còn gọi là giấy đăng kiểm) hoặc Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với các xe phải kiểm định;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (còn gọi bắt là bảo hiểm ô tô, xe máy bắt buộc);

- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan.

Nếu các giấy tờ trên đã được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử, lái xe chỉ việc mở ứng dụng VNeID, vào phần ví giấy tờ và cung cấp thông tin cho CSGT kiểm tra mà không cần đem theo bản giấy khi đi đường.

Những giấy tờ phải xuất trình khi CSGT kiểm tra?
Những giấy tờ phải xuất trình khi CSGT kiểm tra? (Ảnh minh họa)

3. Không xuất trình được giấy tờ có bị tạm giữ xe không?

Theo khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tại thời điểm CSGT kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ theo quy định thì sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ, đồng thời cũng bị lập biên bản về các lỗi vi phạm giao thông khác và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Như vậy, nếu không xuất trình được giấy tờ xe, tài xế sẽ bị tạm giữ xe. Thời hạn tạm giữ xe là không quá 07 ngày làm việc, trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ là không quá 10 ngày làm việc (theo khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Khi bị tạm giữ xe, chủ phương tiện còn phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ.

Trên đây là thông tin về việc từ nay ra đường không cần mang giấy tờ giấy tờ xe. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có bao nhiêu chương, điều? Có hiệu lực ngày nào?

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có bao nhiêu chương, điều? Có hiệu lực ngày nào?

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có bao nhiêu chương, điều? Có hiệu lực ngày nào?

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 27/06/2024 với nhiều quy định đáng chú ý. Trong nội dung hôm nay cùng tìm hiểu Luật này có bao nhiêu chương, điều? Hiệu lực khi nào?

Quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt từ 01/01/2025

Quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt từ 01/01/2025

Quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt từ 01/01/2025

Ngày 15/11/2024, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 36/2024/TT-BGTVT về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ. Dưới đây là quy định liên quan về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt từ 01/01/2025.