Quyết định 01/2019/QĐ-UBND Hà Nam về Quy chế xử lý vi phạm về bảo vệ hạ tầng giao thông
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 01/2019/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 01/2019/QĐ-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Trương Quốc Huy |
Ngày ban hành: | 27/02/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Giao thông |
tải Quyết định 01/2019/QĐ-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 01/2019/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nam, ngày 27 tháng 02 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25/11/2014;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ số quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010;
Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
Căn cứ Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020;
Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BCA ngày 21/3/2011 của Bộ Công an quy định lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (tại Tờ trình số 2180/TTr-SGTVT ngày 10 tháng 12 năm 2018); Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp (tại Văn bản số 59/BCTĐ-STP ngày 04 tháng 12 năm 2018),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2019.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhận dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm và cơ chế phối hợp hoạt động giữa Cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ I), Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT trên đường đang khai thác, Nhà thầu thực hiện công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) lực lượng công an và các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống đường bộ trong địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ I, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT các tuyến đường bộ đang khai thác, nhà thầu thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, lực lượng công an và các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường bộ trong địa phận tỉnh Hà Nam.
Điều 3. Mục đích của hoạt động phối hợp
1. Phối hợp hoạt động giữa các bên nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức chấp hành quy định pháp luật của nhân dân. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thuận lợi theo quy định của pháp luật.
2. Là cơ sở để thực hiện thành công Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Nội dung và Nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tập trung vào các nội dung chính sau:
a) Các hành vi bị cấm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật;
b) Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định số 46/2016/CP-NĐ ngày 26/5/2016 của Chính phủ, tập trung vào các điều sau:
- Điều 12 - Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ,
- Điều 13 - Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
- Điều 15 - Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
c) Trên cơ sở đó, vận động đối tượng vi phạm tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông.
2. Nếu đối tượng vi phạm không khắc phục kịp thời, tiến hành xử lý, lập biên bản, xử phạt, cưỡng chế, thu hồi, khôi phục hiện trạng đối với các hành vi vi phạm:
a) Nhóm hành vi vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ (bao gồm phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đắt dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ):
- Sử dụng trái phép đất của đường bộ để: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông;
- Phơi thóc, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ;
- Trồng cây làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
- Đổ rác thải, phế liệu, vật liệu xây dựng, xả nước ra đường;
- Sử dụng đường bộ trái phép để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội;
- Các hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ như: Dựng cổng chào, tường rào các loại hoặc các vật che chắn khác trái quy định; treo băng rôn, biểu ngữ trái phép, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo.
- Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trông giữ xe,...;
- Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;
- Dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trên phần đất của đường bộ, tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt;
- Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ;
- Xây dựng nhà ở, tường rào, công trình kiên cố khác trái phép trên đất của đường bộ;
- Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính;
- Các hành vi gây hư hỏng, mất tác dụng của công trình đường bộ, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn toàn giao thông như: cầu, cống, rãnh thoát nước, nền mặt đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, …;
- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
b) Nhóm các hành vi vi phạm trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ:
- Trồng cây làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
- Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ;
- Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ;
- Sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, rác thải, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;
- Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
- Xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trong hành lang an toàn đường bộ;
- Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.
- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật
3 . Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện trong phạm vi địa phương. Cơ quan quản lý đường bộ, Nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện.
4. Đối với công tác quản lý bảo vệ công trình đường bộ và phần đất của đường bộ đã đền bù, thu hồi: Cơ quan quản lý đường bộ chịu trách nhiệm chính, Ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng công an có trách nhiệm phối hợp thực hiện, xử lý vi phạm;
5. Đối với công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và phần đất của đường bộ chưa được đền bù, thu hồi: Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương; cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm, lập biên bản, xử phạt, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để xử lý vi phạm.
Điều 5. Nguyên tắc chung trong hoạt động phối hợp
1. Hoạt động phối hợp giữa các bên phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo đúng nguyên tắc và yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn của mỗi bên. Trong phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của các bên phụ trách phải có nội dung, yêu cầu, kế hoạch cụ thể được cấp lãnh đạo có thẩm quyền của các bên phệ duyệt cụ thể. Việc phối hợp phải đồng bộ, kịp thời, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị phối hợp để thực hiện đúng các quy định hiện hành.
3. Các vướng mắc, phát sinh trong quá trình phối hợp sẽ được bàn bạc thống nhất giải quyết theo yêu cầu nghiệp vụ của mỗi bên.
4. Việc phối hợp phải đảm bảo ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quai đến công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường bộ trên địa bàn.
5. Các thông tin báo chí, phản ánh của người dân cần phối hợp xem xét, xác minh để xử lý kịp thời và đúng quy định.
Chương II. NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 6. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ I)
Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng các quốc lộ, tỉnh lộ được giao hoặc ủy quyền quản lý với các nội dung chính sau đây:
1. Chỉ đạo nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ:
a) Dọn dẹp rác thải, vệ sinh sạch sẽ mặt đường, lề đường; tổ chức cắt xén cây, cành ảnh hưởng đến tầm nhìn và vi phạm Tiêu chuẩn cơ sở 07:2013/TCĐBVN, công việc này cần yêu cầu Nhà thầu bố trí nhân lực, phương tiện thiết bị phù hợp với nội dung công việc cần thực hiện;
b) Bố trí và tổ chức lực lượng tuần đường đầy đủ, đúng quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải, phát hiện kịp thời vi phạm ngay từ lúc đầu; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quy định của pháp luật, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông.
c) Trường hợp đối tượng cố tình vi phạm, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ báo cáo Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương (UBND cấp xã) phối hợp thực hiện biện pháp ngăn chặn những hành vi xâm hại đến công trình giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ; cung cấp nhân lực, xe máy phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế hành vi vi phạm.
d) Trong quá trình thực hiện, nếu nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ không tổ chức lực lượng tuần đường theo quy định, không phát hiện kịp thời hoặc không báo cáo các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc không thực hiện đầy đủ các điều kiện hợp đồng, Sở Giao thông vận tải căn cứ điều kiện hợp đồng để khấu trừ kinh phí, trường hợp cố tình không thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên.
2. Chỉ đạo đơn vị trực thuộc Sở:
a) Phối hợp chặt chẽ với nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ để xử lý vi phạm ngay từ lúc phát hiện, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quy định của pháp luật, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông;
b) Trường hợp vi phạm, lập biên bản, xử phạt theo quy định; tổ chức cưỡng chế giải tỏa hoặc phối hợp cưỡng chế giải tỏa:
- Đối với các hành vi vi phạm công trình đường bộ và phần đất của đường bộ đã được đền bù, thu hồi: chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để tổ chức cưỡng chế giải tỏa;
- Đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ và phần đất của đường bộ chưa được đền bù, thu hồi: lập biên bản, xử phạt yêu cầu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, nếu đối tượng không chấp hành, hoàn thiện hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương cưỡng chế, giải tỏa theo quy định; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong quá trình cưỡng chế giải tỏa;
c) Thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được giao quản lý;
3. Đối với các tuyến đường quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT đã đưa vào khai thác:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Nhà đầu tư, Doanh nghiệp BOT tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên tăng cường công tác tuần đường theo Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT; phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với công trình đường bộ, đất của đường bộ và hành lang an toan đường bộ;
b) Chỉ đạo các Chi cục thuộc Cục quản lý đường bộ I, các bộ phận nghiệp vụ trực thuộc Sở Giao thông vận tải tăng cường tuần kiểm để kiểm tra Nhà đầu tư, Doanh nghiệp BOT, đơn vị bảo dưỡng trong việc tuần đường, kiểm tra trên đường để phát hiện sớm các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kịp thời ngăn chặn, xử lý, lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm;
c) Chủ trì xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trên các tuyến đường BOT;
d) Đối với trường hợp cần tổ chức cưỡng chế thì thực hiện như điểm b Khoản 2 Điều này.
Điều 7. Trách nhiệm của Công an tình
1. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng trong ngành thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư số 39/2011/TT-BCA ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an;
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ I, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lập phương án phối hợp bảo vệ các công trình đường bộ, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại công trình đường bộ hoặc các hành vi làm mất an toàn giao thông theo quy định;
3. Chỉ đạo công an huyện phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch cưỡng chế, xử lý các hành vi vi phạm về lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất dành cho hành lang an toàn đường bộ, các hành vi vi phạm gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...
Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan
1. Sở Kế hoạch Đầu tư: Có trách nhiệm thẩm định quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Thẩm định các dự án đầu tư xây dựng các công trình, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên quan đến đất dành cho đường bộ phải thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và quy chế này; phối hợp với các sở ngành liên quan cùng giám sát và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi liên quan đến công trình đường bộ; hướng dẫn xây dựng cải tạo các công trình giao thông có liên quan đến đê điều, hướng dẫn việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ để canh tác nông nghiệp, bảo đảm kỹ thuật và an toàn công trình đường bộ
3. Sở Xây dựng: Chỉ đạo, hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác lập và thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
4. Sở Tài Nguyên và Môi trường: phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc quy hoạch và sử dụng đất dành cho đường bộ; quy định về bảo vệ môi trường do tác động của giao thông đường bộ gây ra.
5. Sở Công thương: Tham mưu các cơ chế chính sách phát triển mạng lưới các cửa hàng xăng dầu dọc theo các tuyến đường bộ và có quy chế khai thác riêng phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Giao thông vận tải xác định vị trí điểm đấu nối từ cửa hàng xăng dầu bán lẻ vào các tuyến đường bộ đảm bảo theo quy định
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đài phát thanh truyền hình các huyện, thành phố, đài phát thanh các xã tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lập kế hoạch lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2014-2020, phê phán các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ... gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ.
7. Sở Tài Chính: Cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ đối với các công việc thực hiện theo lộ trình.
8. Các cơ quan, đơn vị có liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
2. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật;
3 . Bố trí bộ phận chuyên môn phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, tiếp nhận thông tin, chủ trì xử lý các vi phạm đối với hành lang an toàn đường bộ và phần đất của đường bộ chưa được đền bù thu hồi, cụ thể:
- Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quy định của pháp luật, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông;
- Nếu đối tượng không tự tháo dỡ ra quyết định cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế theo thẩm quyền và tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm;
4. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
2. Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của công trình đường bộ.
3. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép thuộc hành lang an toàn đường bộ; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang an toàn đường bộ;
4. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Các Nhà đầu tư và Doanh nghiệp BOT có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau
1. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên thực hiện công tác tuần đường theo đúng quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT; phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý vi phạm đối với công trình đường bộ, đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
2. Chấp hành chỉ đạo và thường xuyên báo cáo cơ quan quản lý đường bộ, đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở giai đoạn kinh doanh khai thác về các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và các vi phạm khác quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; các vi phạm Điều 12, Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
3. Phối hợp với các lực lượng chức năng của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý, xử phạt hành chính, cưỡng chế vi phạm nêu tại văn bản này; bố trí phương tiện, lực lượng tham gia xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Điều 12. Trách nhiệm của các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên:
1. Thực hiện công tác tuần đường theo đúng quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT; phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý vi phạm đối với công trình đường bộ, đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
2. Chấp hành chỉ đạo và thường xuyên báo cáo cơ quan quản lý đường bộ, về các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và các vi phạm khác quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; Các vi phạm Điều 12, Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
3. Phối hợp với các lực lượng chức năng của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý, xử phạt hành chính, cưỡng chế vi phạm quy định tại Quy chế này; Bố trí phương tiện, lực lượng tham gia xử lý vi phạm, cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Chương III. PHƯƠNG TIỆN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
Điều 13. Phương tiện và kinh phí thực hiện
1. Cơ quan, đơn vị nào sử dụng phương tiện được trang bị của cơ quan, đơn vị đó trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
2. Phương tiện, nhân lực và kinh phí phục vụ công tác giải tỏa vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ các tuyến đường do Cơ quan quản lý đường bộ quản lý được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; UBND cấp huyện, cấp xã bố trí nhân lực để phối hợp thực hiện trên cơ sở Kế hoạch giải tỏa.
3. Phương tiện, nhân lực và kinh phí phục vụ công tác giải tỏa vi phạm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ và đất của đường bộ chưa đền bù, thu hồi chủ yếu do UBND cấp huyện, cấp xã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện; Cơ quan quản lý đường bộ bố trí nhân lực để phối hợp thực hiện trên cơ sở Kế hoạch giải tỏa.
4. Trong quá trình thực hiện phối hợp, cơ quan, đơn vị nào cử người tham gia thì cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm thanh toán chế độ công tác phí hoặc phụ cấp cho cán bộ, công chức, người lao động thuộc đơn vị mình quản lý theo quy định.
Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Công tác sơ kết, tổng kết và kiểm tra
1. Công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Quy chế
Thực hiện sơ kết 01 năm/lần; tổng kết 02 năm/lần, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bên liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan kết quả thực hiện.
2. Công tác kiểm tra
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế của các phòng, ban, đơn vị cơ sở.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai trong cơ quan, đơn vị mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện trường hợp các văn bản pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó.
3. Quá trình thực hiện nếu có những quy định chưa phù hợp với quy định mới của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì các Cơ quan, đơn vị phối hợp có ý kiến phản ánh bằng văn bản về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây