Hợp đồng vận tải hành khách là gì?
Theo Điều 522 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách như sau:
Điều 522. Hợp đồng vận chuyển hành khách
Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Như vậy, “hợp đồng vận chuyển hành khách” được hiểu là sự thỏa thuận giữa bên vận chuyển và hành khách, bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã thỏa thuận và hành khách có nghĩa vụ thanh toán cước phí.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 17 Nghị định 158/2024/NĐ-CP đã đưa ra quy định chi tiết hơn về hợp đồng vận tải hành khách. Theo đó, hợp đồng vận tải hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng.
Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách hoặc người thuê vận tải phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Hợp đồng vận hành khách được lập thành văn bản giấy hoặc thể hiện dưới dạng hợp đồng điện tử.
Quy định về hợp đồng vận tải hành khách từ 01/01/2025
- Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng: tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng (tên, số định danh cá nhân (số căn cước công dân);
- Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải (tổ chức hoặc cá nhân): tên, số định danh cá nhân (số căn cước công dân), địa chỉ, số điện thoại;
- Thông tin về thực hiện hợp đồng, bao gồm:
Thời gian bắt đầu thực hiện (ngày, giờ) và kết thúc hợp đồng
Địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển
Cự ly của hành trình vận chuyển (km)
Số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa vận chuyển)
- Thông tin về giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;
- Quy định về trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện hợp đồng vận chuyển, trong đó thể hiện các nội dung sau:
Việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước
Quyền, nghĩa vụ của bên vận chuyển, hành khách hoặc người thuê vận tải
Số điện thoại liên hệ tiếp nhận giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của hành khách
Cam kết trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù thiệt hại cho người thuê vận tải, hành khách.
Nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải hành khách được sử dụng nhằm mục đích quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, cung cấp cho lực lượng chức năng có thẩm quyền.
Hợp đồng vận tải hành khách phải luôn có sẵn để cung cấp cho cơ quan quản lý giá, cơ quan Thuế, Công an, Thanh tra đường bộ khi có yêu cầu.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 158/2024/NĐ-CP đã có quy định mới hướng dẫn về hợp đồng vận tải được lập dưới dạng điện tử. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng vận tải bằng hợp đồng điện tử phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
Có giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách hoặc người thuê vận tải. Trong đó, bao gồm đầy đủ các thông tin về tên hoặc biểu trưng (logo), số điện thoại để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp của đơn vị kinh doanh vận tải.
Phải gửi nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải hành khách, hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách, người thuê vận tải và cơ quan Thuế theo quy định.
Thực hiện lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử tối thiểu 03 năm.