Chú ý: 10+ quy định mới về kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông từ 15/9

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA với nhiều quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9/2023. Sau đây là những nội dung mới đáng chú ý.


1. Thêm trường hợp CSGT được dừng xe

Kế thừa quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA vẫn tiếp tục ghi nhận 04 trường hợp Cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng phương tiện để tuần tra, kiểm soát nhưng đã có sự điểu chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.

(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

So với quy định cũ: Thông tư 32/2023/TT-BCA đã bổ sung thêm trường hợp có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ

(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.


2. Thông tin giấy tờ trên VNeID có giá trị như bản giấy

Đây được đánh giá là một trong những quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9 đáng chú ý nhất.

Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT có quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.

Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

Như vậy, nếu tài khoản VNeID đã được tích hợp đầy đủ thông tin giấy tờ của người điều khiển cũng như giấy tờ xe thì thông tin trên đó sẽ có giá trị như bản giấy.

Thay vì kiểm tra bản giấy, CSGT có thể kiểm tra thông tin giấy tờ trên tài khoản VNeID của người điểu khiển phương tiện

Quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9: Dùng VNeID thay giấy tờ xe
Quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9: Dùng VNeID thay giấy tờ xe (Ảnh minh họa)

3. Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID thay cho bản giấy

Điều này được khẳng định tại điểm b khoản 3 Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA. Theo đó, người điều khiển phương tiện được phép cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử VNeID để CSGT kiểm tra, đối chiếu thông tin.

Trong quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì CSGT mới đề nghị xuất trình các giấy tờ bản giấy để thực hiện xử lý theo quy định.


4. Thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông

Điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông như sau:

(1) Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

(2) Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính).

(3) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (xe phải kiểm định)

(4) Giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt.

CSGT chỉ được giữ một trong các loại giấy tờ kể trên. Riêng trường hợp các giấy tờ có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan.

>> Gọi ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, tư vấn khi bị CSGT giữ giấy tờ.


5. CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa

Thêm một quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9 đó là CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa trên xe.

Đây là hướng dẫn mới về nội dung kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Quy định này khẳng định, CSGT được kiểm soát tính hợp pháp của hàng hoá, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.

CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa
CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa (Ảnh minh họa)

6. Người vi phạm không ký biên bản, chỉ cần 1 người làm chứng

Theo Điểm c khoản 2 Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ CSGT tiến hành mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản đó.

Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì CSGT phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Trước đó: Khoản 1 Điều 20 Thông tư 65/2020/TT-BCA yêu cầu trường hợp này phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản.


7. Không nộp phạt giao thông bị gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm

Khoản 4 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hoặc văn bản thông báo mà chủ phương tiện, người vi phạm chưa đến giải quyết, xử lý thì với các phương tiện phải kiểm định, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định.

Theo đó, nếu người vi phạm không nộp phạt vi phạm giao thông trong thời hạn quy định, phía CSGT sẽ gửi thông báo về phương tiện vi phạm tới cơ quan đăng kiểm. Điều này sẽ khiến phương tiện gặp rất nhiều bất tiện trong quá trình đi đăng kiểm.


8. Không có CSGT đi cùng, công an xã vẫn được dừng xe xử phạt

Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại điểm c khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BCA. Theo đó, trường hợp không có lực lượng CSGT đi cùng thì Công an xã vẫn được thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt, sau đó phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng CSGT.

Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý.

Cũng theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, công an xã được dừng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ để xử phạt các lỗi bao gồm:

- Không đội mũ bảo hiểm theo quy định;

- Chở quá số người quy định;

- Chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định;

- Dừng, đỗ xe không đúng quy định;

- Phóng nhanh, lạng lách, đánh võng;

- Không có gương chiếu hậu ở bên trái;

- Sử dụng ô (dù);

- Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, nếu hát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội mà không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì cũng được xử lý theo quy định.

Trong quá trình xử lý vi phạm, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì công an xã lập biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa
CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa (Ảnh minh họa)

9. CSGT mặc thường phục được dừng xe ngăn chặn vi phạm

Quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9 tại Thông tư 32/2023/TT-BCA

Căn cứ Điều 11 Thông tư 32/2023/T-BCA, Tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, bộ phận hoá trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

CSGT mặc thường phục có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ giám sát giao thông, phát hiện vi phạm.

Nếu phát hiện vi phạm thì phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng xe xử lý theo quy định.

Đặc biệt, khi phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì CSGT mặc thường phục được sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Sau đó, thông báo và phối hợp với CSGT thuộc bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở Công an gần nhất để giải quyết.

Theo đó, CSGT mặc thường phục cũng có thể dừng xe để ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng về giao thông có khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm nếu không ngăn chặn chịp thời.

Tuy nhiên, chiến sĩ CSGT không được trực tiếp xử phạt vi phạm mà phải phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để xử lý người vi phạm.


10. Điều kiện khi CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai

Điều 10 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định, khi CSGT tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các điều kiện sau:

- Sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.

- Sử dụng phương tiện giao thông bao gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công;

- Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác.


11. Hướng dẫn giải quyết các sự cố về giao thông

Điều 23 Thông tư 32/2023/TT-BCA hướng dẫn giải quyết xử lý tai nạn giao thông; ùn tắc giao thông; sự cố về đường bộ; sự cố cháy nổ xe trên đường bộ như sau:

* Giải quyết ùn tắc giao thông:

- Ùn tắc không nghiêm trọng, phạm vi hẹp: CSGT hướng dẫn, điều hoà, chỉ huy giao thông để giải toả ùn tắc.

- Ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phạm vi rộng: Tổ trưởng Tổ CSGT sơ bộ xác định nguyên nhân ùn tắc, phân công CSGT hướng dẫn, điều hoà, chỉ huy giao thông để làm giảm mức độ ùn tắc; thông báo và phối hợp với địa phương có liên quan tổ chức phân luồng, điều hoà giao thông từ xa; kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, chính quyền địa phương sở tại để huy động, tăng cường lực lượng.

Quy định về giải quyết sự cố, ùn tắc giao thông
Quy định về giải quyết sự cố, ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa)

* Giải quyết sự cố về đường bộ:

-  Đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đối ngoại); bố trí cán bộ hướng dẫn điều tiết giao thông;

- Thông báo cho đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ khắc phục, sửa chữa bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn;

- Thông báo và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phân luồng, điều tiết giao thông từ xa.


12. Các sự cố giao thông cũng phải được ghi nhận trong nhật ký tuần tra

Trước đó, theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT khi giải quyết xong từng vụ việc vi phạm phải ghi ngay vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông.

Nhưng từ 15/9/2023, khi Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực, CSGT còn phải ghi ngay các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hoạt động tội phạm và các vụ việc khác sau khi giải quyết xong vào vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra.

Trong đó ghi rõ thời gian (giờ, phút, ngày), địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn) xảy ra vụ việc; tóm tắt vụ việc; kết quả giải quyết; lực lượng phối hợp (nếu có).


13. CSGT trực 24/24 để quản lý Hệ thống camera giám sát

Theo Điều 9 Thông tư 32/2023/TT-BCA, đơn vị CSGT được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống liên tục, thông suốt.

Điều này giúp cho việc giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyền đường có lắp đặt hệ thống giám sát được liên tục, từ đó kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Trên đây là 13 quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Từ 01/01/2025 mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ tăng nặng. Người điều khiển phương tiện cũng cẩn thận, “dè chừng” hơn khi lưu thông. Một trong những vướng mắc nhiều người gửi về LuatVietnam đó là vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị phạt?