Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 74:2014/BGTVT Hệ thống chống hà tàu biển

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Quy chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Quy chuẩn Việt Nam QCVN 74:2014/BGTVT

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 74:2014/BGTVT Hệ thống chống hà tàu biển
Số hiệu:QCVN 74:2014/BGTVTLoại văn bản:Quy chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông Vận tảiLĩnh vực: Công nghiệp, Giao thông
Ngày ban hành:30/06/2014Hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

tải Quy chuẩn Việt Nam QCVN 74:2014/BGTVT

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Quy chuẩn Việt Nam QCVN 74:2014/BGTVT DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QCVN 74: 2014/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ HỆ THỐNG CHỐNG HÀ TÀU BIỂN

National Technical Regulation on Anti-Fouling Systems of Sea-going Ships

Lời nói đầu

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển QCVN 74: 2014/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 24/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2014.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ HỆ THỐNG CHỐNG HÀ TÀU BIỂN

National Technical Regulation on Anti-Fouling Systems of Sea-going Ships

 

MỤC LỤC

I QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.2 Tài liệu viện dẫn giải thích từ ngữ

II QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Chương 1 Quy định chung

1.1 Quy định chung

Chương 2 Kiểm tra hệ thống chống hà

2.1 Quy định chung

2.2 Kiểm tra lần đầu trong đóng mới

2.3 Kiểm tra lần đầu đối với tàu không có giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới

2.4 Kiểm tra chu kỳ

2.5 Kiểm tra bất thường

Chương 3 Hệ thống chống hà và lớp chắn

3.1 Quy định chung

3.2 Hệ thống chống hà

3.3 Lớp chắn

III QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

1.1 Quy định chung

1.2 Quy định về giám sát kỹ thuật

1.3 Chứng nhận

IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

1.1 Trách nhiệm của các chủ tàu, công ty khai thác, cơ sở chế tạo mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa hệ thống

1.2 Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1.3 Kiểm tra thực hiện của Bộ Giao thông vận tải

V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

PHỤ LỤC

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ HỆ THỐNG CHỐNG HÀ TÀU BIỂN

National Technical Regulation on Anti fouling systems of Sea-going ships

I QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1.1 Phạm vi điều chỉnh

1 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia này (sau đây gọi tắt là "Quy chuẩn") áp dụng cho việc kiểm tra và chế tạo các hệ thống được sử dụng trên tàu biển do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và phân cấp nhằm hạn chế và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu.

2 Quy chuẩn này không áp dụng cho các hệ thống chống hà trên các tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 m.

1.1.2 Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến hệ thống chống hà trên tàu biển thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 là: Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây viết tắt là "Đăng kiểm"); các chủ tàu; cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu.

1.2 Tài liệu viện dẫn và giải thích từ ngữ

1.2.1 Các tài liệu viện dẫn

1 QCVN 21: 2010/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, ban hành kèm theo Thông tư số 12/2010/TT-BGTVT ngày 21/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2 Thông tư số 32/2011/TT-BGTVT ngày 19/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3 AFS 2001: Công ước quốc tế về quản lý hệ thống chống hà độc hại của tàu (International Convention on the Control of Harmful Anti-Fouling Systems on Ships) được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thông qua vào ngày 05/10/2001.

4 Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về biểu mẫu giấy chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.

1.2.2 Giải thích từ ngữ

Nếu không có quy định nào khác, các thuật ngữ dùng trong Quy chuẩn này được định nghĩa như ở (1) đến (6) dưới đây:

(1) “Hệ thống chống hà” có nghĩa là lớp phủ, sơn, biện pháp xử lý bề mặt, bề mặt, hoặc thiết bị được sử dụng trên tàu nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn các sinh vật không mong muốn bám vào tàu;

(2) “Công ước” là công ước quốc tế về quản lý hệ thống chống hà độc hại của tàu (International Convention on the Control of Harmful Anti-Fouling Systems on Ships), 2001;

(3) “Tàu trong giai đoạn đầu của quá trình đóng mới” là những tàu thỏa mãn định nghĩa được nêu ra ở 1.2.14 Phần 1A QCVN 21: 2010/BGTVT;

(4) “Thay đổi hệ thống chống hà” là việc loại bỏ hoàn toàn hoặc bất cứ phần nào của hệ thống chống hà hiện có mà hệ thống đó không thỏa mãn các yêu cầu ở 3.2, hoặc bất cứ thay đổi nào về kiểu của các hệ thống đó trên tàu;

(5) “Thay thế hệ thống chống hà” là việc sử dụng bất kỳ hệ thống chống hà nào giống hệt hệ thống đã được sử dụng trước đó và thỏa mãn các yêu cầu đưa ra ở 3.2;

(6) “Chiều dài tàu” là chiều dài được định nghĩa ở 1.2.1-8 Phần 11 QCVN 21: 2010/BGTVT.

II QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Quy định chung

1.1.1 Thay thế tương đương

Các hệ thống chống hà không hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu của Quy chuẩn này có thể được chấp nhận nếu Đăng kiểm xác định chúng thỏa mãn các yêu cầu tương đương với các quy định trong Quy chuẩn này.

Chương 2

KIỂM TRA HỆ THỐNG CHỐNG HÀ

2.1 Quy định chung

2.1.1 Các loại kiểm tra

1 Các hệ thống chống trên tàu đã đăng hoặc dự định đăng phi chịu các hình thc kiểm tra dưới đây:

(1) Kiểm tra lần đầu hệ thống chống hà (sau đây gọi tắt là "Kiểm tra lần đầu") (a) Kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới

Kiểm tra lần đầu được tiến hành dựa trên yêu cầu kiểm tra được đưa ra trước khi sử dụng bất kỳ hệ thống chống hà nào cho tàu mà trên tàu đó thì hệ thống chống hà phải được áp dụng trong quá trình kiểm tra phân cấp tàu trong đóng mới.

(b) Kiểm tra lần đầu đối với tàu không được đóng dưới sự giám sát của Đăng kiểm

Là kiểm tra lần đầu mà không giống quy định nêu ở (a) bên trên.

(2) Kiểm tra chu kỳ;

(3) Kiểm tra bất thường.

2.1.2 Thời điểm kiểm tra

1 Thời điểm kiểm tra được quy định từ (1) đến (3) dưới đây.

(1) Kiểm tra lần đầu phải được tiến hành tại thời điểm xin đăng ký;

(2) Kiểm tra chu kỳ phải được tiến hành tại thời điểm kiểm tra trên đà đối với phân cấp tàu (ví dụ tại các thời điểm nêu ra ở 1.1.3-1(3) và (4) Phần 1B QCVN 21: 2010/BGTVT);

(3) Kiểm tra bất thường phải được tiến hành khi xảy ra các trường hợp dưới đây mà không rơi vào thời điểm kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra chu kỳ. Kiểm tra chu kỳ có thể thay thế cho kiểm tra bất thường trong các trường hợp mà nguyên nhân của việc tiến hành kiểm tra bất thường đã được làm rõ tại lần kiểm tra chu kỳ.

(a) Trong trường hợp mà hệ thống chống hà trên tàu bị thay đổi hoặc thay thế. Nếu việc sửa chữa chỉ làm ảnh hưởng đến hệ thống chống hà dưới 25% thì hệ thống chống hà đó không cần phải coi là bị thay đổi hoặc thay thế;

(b) Trong trường hợp tàu có bất kỳ hoán cải lớn nào mà gây ảnh hưởng đến hệ thống chống hà trên tàu. Các hoán cải lớn này gồm có:

(i) Hoán cải làm ảnh hưởng đến các kích thước chủ yếu của tàu (chiều dài, chiều rộng, chiều cao mạn);

(ii) Hoán cải làm thay đổi đáng kể đến kết cấu thân tàu, bao gồm việc thay đổi và sửa chữa các cơ cấu thân tàu cùng với việc thay đổi đáng kể kết cấu thân tàu;

(iii) Các hoán cải khác mà làm thay đổi đáng kể hệ thống chống hà của tàu.

(c) Trong trường hợp chủ tàu đề nghị kiểm tra;

(d) Trong các trường hợp khác mà Đăng kiểm thấy cần thiết phải tiến hành kiểm tra bất thường.

2.1.3 Kiểm tra chu kỳ trước thời hạn và hoãn kiểm tra

Các yêu cầu đối với việc kiểm tra chu kỳ trước thời hạn và hoãn kiểm tra phải phù hợp với các yêu cầu liên quan tới kiểm tra chu kỳ đối với phân cấp tàu (ví dụ: 1.1.4 hoặc 1.1.5, Phần 1B QCVN 21: 2010/BGTVT).

2.1.4 Tàu ngừng hoạt động

Tàu ngừng hoạt động không phải kiểm tra chu kỳ.

2.1.5 Chuẩn bị kiểm tra và các vấn đề liên quan khác

1 Khi cần đưa tàu vào kiểm tra theo yêu cầu của Quy chuẩn này, chủ tàu có trách nhiệm thông báo trước cho Đăng kiểm biết nơi đưa tàu vào kiểm tra, thời gian tiến hành kiểm tra để Đăng kiểm viên có thể thực hiện công việc kiểm tra vào thời điểm thích hợp nhất.

2 Chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu phải có trách nhiệm thực hiện việc chuẩn bị cho quá trình kiểm tra lần đầu, kiểm tra chu kỳ và các hình thức kiểm tra khác quy định trong Chương này.

3 Chủ tàu phải bố trí một giám sát viên nắm vững các hạng mục kiểm tra để chuẩn bị tốt công việc phục vụ kiểm tra và giúp đỡ Đăng kiểm viên khi có yêu cầu trong suốt quá trình kiểm tra.

4 Kiểm tra có thể bị hoãn trong trường hợp không có đầy đủ sự chuẩn bị cần thiết, không có mặt của giám sát viên phù hợp với yêu cầu ở -3 trên, hoặc Đăng kiểm viên thấy rằng việc kiểm tra không được đảm bảo an toàn.

5 Dựa trên kết quả kiểm tra, nếu thấy cần thiết phải sửa chữa, Đăng kiểm viên phải thông báo kết quả kiểm tra của mình cho chủ tàu. Sau khi nhận được thông báo này, chủ tàu phải tiến hành công việc sửa chữa cần thiết và kết quả sửa chữa phải được Đăng kiểm viên kiểm tra xác nhận.

2.2 Kiểm tra lần đầu trong đóng mới

2.2.1 Quy định chung

Đối với việc kiểm tra lần đầu trong đóng mới, các vấn đề liên quan đến hệ thống chống hà trên tàu phải được kiểm tra chi tiết để đảm bảo việc thỏa mãn các yêu cầu liên quan trong Quy chuẩn này.

2.2.2 Các bản vẽ và hồ sơ trình để tham khảo

1 Khi kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới, các bản vẽ và hồ sơ sau phải được trình cho Đăng kiểm. Bản sao của chúng phải được lưu ở trên tàu.

(1) Đơn đặt hàng hệ thống chống hà;

(2) Hóa đơn bán hệ thống chống hà của nhà sản xuất;

(3) Bản vẽ và/hoặc hồ sơ mà trong đó có các thông số kỹ thuật của hệ thống chống hà dùng trên tàu, bao gồm bản vẽ/hồ sơ mà chỉ ra các khu vực áp dụng hệ thống chống hà và các quy trình, bảng thông số an toàn hóa chất (MSDS) cho hệ thống chống hà sử dụng trên tàu;

(4) Bản khai chứng nhận rằng hệ thống chống hà sử dụng trên tàu thỏa mãn các quy định ở 3.2 do nhà sản xuất cấp, trong đó bao gồm cả Số đăng ký hóa chất quốc tế (CAS No.).

2 Đối với tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 400, bản khai được chủ tàu hoặc đại diện chủ tàu ký và Đăng kiểm xem xét thấy phù hợp thì phải được thực hiện ở trên tàu và các bản sao phải được trình Đăng kiểm.

2.2.3 Sự có mặt của Đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên phải có mặt ở những giai đoạn liên quan đến hệ thống chống hà như nêu dưới đây. Tuy nhiên, quy định này có thể được thay đổi khi xem xét đến tình trạng thực tế của phương tiện sản xuất, khả năng công nghệ, và kiểm soát chất lượng tại nơi sản xuất.

(1) Trong trường hợp mà vật liệu, sơn v.v... sử dụng trên tàu được sản xuất xa nơi đóng;

(2) Những dịp thích hợp trong hoặc sau quá trình áp dụng hệ thống chống hà.

2.3 Kiểm tra lần đầu đối với tàu không có giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới

2.3.1 Quy định chung

1 Đối với kiểm tra lần đầu những tàu không có giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới, các vấn đề liên quan đến hệ thống chống hà áp dụng trên tàu nêu ở (1) đến (3) dưới đây phải được kiểm tra để đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu liên quan trong Quy chuẩn. Nếu thấy cần thiết, Đăng kiểm có thể yêu cầu lấy mẫu lớp sơn của bất kỳ hệ thống chống hà hiện có nào để kiểm tra lại sự thỏa mãn.

(1) Trong trường hợp mà hệ thống chống hà thỏa mãn những yêu cầu ở 3.2 đã được sử dụng trên tàu: hệ thống chống hà hiện có và hệ thống chống hà được áp dụng mới và việc áp dụng nó;

(2) Trong trường hợp mà bất kỳ hệ thống chống hà nào không thỏa mãn các yêu cầu ở 3.2 đã được sử dụng trên tàu và hệ thống chống hà thỏa mãn được sử dụng trên tàu sau khi loại bỏ bất kỳ hệ thống chống hà không thỏa mãn nào: việc loại bỏ hệ thống chống hà không thỏa mãn hiện có và áp dụng mới hệ thống chống hà thỏa mãn và việc áp dụng nó;

(3) Trong trường hợp mà bất kỳ hệ thống chống hà nào không thỏa mãn các yêu cầu ở 3.2 đã được sử dụng trên tàu và hệ thống chống hà thỏa mãn được áp dụng lên trên lớp chắn của bất kỳ hệ thống chống hà không thỏa mãn nào hiện có và hệ thống chống hà thỏa mãn đó được áp dụng phù hợp với các quy định ở 3.3: lớp chắn và hệ thống được áp dụng mới và việc áp dụng chúng.

2.3.2 Các bản vẽ và hồ sơ trình để tham khảo

1 Trong trường hợp nêu ở 2.3.1-1(1), phải trình Đăng kiểm các bản vẽ và hồ sơ sau đây. Bản sao của chúng phải được lưu trên tàu.

(1) Đơn đặt hàng hệ thống chống hà;

(2) Hóa đơn của hệ thống chống hà do nhà sản xuất cấp;

(3) Bản vẽ và/hoặc hồ sơ chỉ ra các đặc tính của bất kỳ hệ thống chống hà hiện có được áp dụng trên tàu (bao gồm bất kỳ hệ thống được áp dụng trước đó mà còn lại dưới dạng lớp sơn hiện có), bao gồm các bản vẽ/hồ sơ chỉ ra những khu vực mà hệ thống chống hà được áp dụng và quy trình áp dụng chúng, bản thông số an toàn hóa chất (MSDS) cho bất cứ hệ thống chống hà nào áp dụng trên tàu;

(4) Giấy chứng nhận hoặc bản khai chứng nhận bất kỳ hệ thống chống hà nào sử dụng trên tàu thỏa mãn các quy định nêu ra ở 3.2 do nhà sản xuất cấp, trong đó bao gồm cả Số đăng ký hóa chất quốc tế (CAS No.);

(5) Hồ sơ hoặc Giấy chứng nhận chỉ ra sự khởi công của hệ thống chống hà hiện có do đơn vị đóng và/hoặc nhà thầu cấp;

(6) Trong trường hợp mà hệ thống chống hà được áp dụng mới lên tàu, các bản khai do nhà sản xuất cấp chứng nhận rằng bất kỳ hệ thống chống hà được sử dụng trên tàu đều thỏa mãn các yêu cầu ở 3.2, trong đó bao gồm cả Số đăng ký hóa chất quốc tế (CAS No.), và hồ sơ hoặc Giấy chứng nhận chỉ ra việc khởi công liên quan đến các hệ thống chống hà đó do đơn vị đóng và/hoặc nhà thầu cấp.

2 Trong trường hợp của 2.3.1-1(2), ngoài các bản vẽ và hồ sơ liệt kê ở -1(1), (2), (5) và (6) bên trên thì phải trình Đăng kiểm các bản vẽ và hồ sơ sau đây. Bản sao của chúng phải được lưu trên tàu.

(1) Bản vẽ và/hoặc hồ sơ chỉ ra các đặc tính của công việc loại bỏ bất kỳ hệ thống chống hà nào hiện có trên tàu;

(2) Hồ sơ hoặc Giấy chứng nhận do đơn vị đóng và/hoặc nhà thầu cấp, chỉ ra sự khởi đầu của bất kỳ công việc nào để loại bỏ hệ thống chống hà hiện có.

3 Trong trường hợp của 2.3.1-1(3), ngoài các bản vẽ và hồ sơ liệt kê ở -1(1), (2), (3), (5) và (6) bên trên thì phải trình Đăng kiểm các bản vẽ và hồ sơ sau đây. Bản sao của chúng phải được lưu trên tàu.

(1) Đơn đặt hàng lớp bọc;

(2) Hóa đơn lớp bọc do nhà sản xuất cấp;

(3) Bản vẽ và/hoặc hồ sơ chỉ ra các đặc tính của các công việc nhằm che phủ tất cả các hệ thống chống hà hiện có trên tàu;

(4) Giấy chứng nhận hoặc bản khai của lớp bọc do nhà sản xuất cấp, trong đó bao gồm cả Số đăng ký hóa chất quốc tế (CAS No.);

(5) Hồ sơ hoặc Giấy chứng nhận do đơn vị đóng và/hoặc nhà thầu cấp, chỉ ra sự khởi đầu của bất kỳ công việc nào để che phủ hệ thống chống hà hiện có trên tàu.

4 Đối với những tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 400, các bản khai do chủ tàu hoặc đại diện được chủ tàu ủy quyền ký và Đăng kiểm thấy phù hợp thì phải được lưu ở trên tàu và phải trình các bản sao cho Đăng kiểm.

2.3.3 Sự có mặt của Đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên buộc phải có mặt ở những bước công việc sau đây mà liên quan đến hệ thống chống hà. Tuy nhiên, quy định này có thể được thay đổi khi xem xét đến tình trạng thực tế về cơ sở vật chất, khả năng về kỹ thuật và kiểm soát chất lượng ở các khu vực sản xuất đó.

(1) Trong các trường hợp mà bất kỳ vật liệu, sơn v.v... được sản xuất xa nơi mà chúng được áp dụng lên tàu đang xem xét;

(2) Trong các trường hợp mà bất kỳ hệ thống chống hà không thỏa mãn hiện có trên tàu bị loại bỏ hoặc được phủ lên bởi lớp chắn, các dịp thích hợp trong và sau khi thực hiện công việc loại bỏ/che phủ đó;

(3) Trong các trường hợp mà bất kỳ hệ thống chống hà thỏa mãn nào được áp dụng mới lên tàu, các dịp thích hợp trong hoặc sau khi thực hiện các công việc đối với hệ thống chống hà đó.

2.4 Kiểm tra chu kỳ

2.4.1 Quy định chung

1 Trong kiểm tra chu kỳ, phải kiểm tra tình trạng quản lý các bản vẽ và hồ sơ nêu ở 2.2.2 hoặc 2.3.2, tùy thuộc trường hợp nào được áp dụng. Nếu Đăng kiểm thấy cần thiết thì có thể yêu cầu lấy mẫu lớp sơn của hệ thống chống hà để kiểm tra lại sự phù hợp đó.

2 Trong bất kỳ đợt kiểm tra chu kỳ nào mà được tiến hành vào thời gian kiểm tra trên đà trong ụ khô hoặc trên triền, ngoài những mục nêu ở -1 trên, thì cũng phải kiểm tra tình trạng của lớp chắn che phủ hệ thống chống hà hiện có. Nếu Đăng kiểm thấy cần thiết thì có thể yêu cầu lấy mẫu lớp sơn của hệ thống chống hà để kiểm tra lại sự phù hợp đó.

3 Không phụ thuộc vào các quy định ở -1 và -2 bên trên, kiểm tra chu kỳ mà thay thế cho kiểm tra bất thường theo quy định ở 2.1.2-1(3) thì phải được tiến hành phù hợp với các quy định nêu ở 2.5.

2.5 Kiểm tra bất thường

2.5.1 Quy định chung

1 Trong trường hợp mà hệ thống chống hà được sửa đổi hoặc thay thế, thì phải tiến hành kiểm tra bất thường và hệ thống chống hà trên tàu đó phải được xác nhận là thỏa mãn các yêu cầu của Quy chuẩn đi đôi với các yêu cầu nêu ở 2.3.

2 Không phụ thuộc vào yêu cầu ở -1 nêu trên, trong các trường hợp mà hệ thống chống hà không bị sửa đổi và tất cả các bản vẽ và hồ sơ liệt kê ở 2.3.2 được trình Đăng kiểm và thông qua các bản vẽ/hồ sơ đó có thể xác nhận được việc hệ thống chống hà đó có phù hợp với Quy chuẩn hay không thì có thể bỏ qua việc kiểm tra tại hiện trường của Đăng kiểm viên.

Chương 3

HỆ THỐNG CHỐNG HÀ VÀ LỚP CHẮN

3.1 Quy định chung

3.1.1 Phạm vi áp dụng

Các yêu cầu của Chương này áp dụng cho hệ thống chống hà trên tất cả các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1 Mục I của Quy chuẩn này.

3.2 Hệ thống chống hà

3.2.1 Quy định chung

Hệ thống chống hà trên tàu phải được kiểm soát để hạn chế bất cứ chất nào có hại đối với môi trường biển được sử dụng trong hệ thống chống hà theo các quy định nêu ở 3.2.2.

3.2.2 Hợp chất hữu cơ có chứa thiếc

Hệ thống chống hà trên tàu không được sử dụng bất cứ hợp chất hữu cơ chứa thiếc nào mà có hàm lượng vượt quá các quy định riêng biệt của Đăng kiểm.

Trong trường hợp hệ thống chống hà sử dụng sơn thì hàm lượng thiếc trong 1 kg sơn khô không được vượt quá 2.500 mg.

3.3 Lớp chắn

3.3.1 Quy định chung

Trong trường hợp hệ thống chống hà không thỏa mãn yêu cầu ở 3.2 đã được áp dụng trên tàu và không thể loại bỏ được, thì hệ thống chống hà hiện có đó phải được phủ bằng lớp bọc thỏa mãn yêu cầu ở (1) và (2) dưới đây, lớp bọc đó sẽ hình thành một lớp chắn ngăn không cho hợp chất có chứa thiếc của hệ thống chống hà mà không thỏa mãn Quy chuẩn nằm bên dưới lớp bọc đó thấm ra ngoài.

(1) Lớp bọc phải là loại sơn được nhà sản xuất khuyến cáo nhằm tạo thành lớp chắn ngăn không cho các hợp chất hữu cơ có chứa thiếc của hệ thống chống hà không thỏa mãn Quy chuẩn ở bên dưới lớp bọc đó thấm ra ngoài;

(2) Màu của lớp bọc phải sao cho có thể phân biệt được so với màu của hệ thống chống hà bên dưới và màu của hệ thống chống hà được áp dụng mới lên trên lớp bọc đó.

III QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

1.1 Quy định chung

1.1.1 Dấu hiệu bổ sung

1 Nếu tàu có hệ thống chống hà thỏa mãn các yêu cầu ở 3.2 Chương 3 Mục II của Quy chuẩn này thì được thêm dấu hiệu bổ sung "AFS" vào trong dấu hiệu phân cấp như được định nghĩa trong Chương 2 Phần 1A Mục II QCVN 21: 2010/BGTVT.

2 Nếu tàu có hệ thống chống hà thỏa mãn các yêu cầu ở 3.3 Chương 3 Mục II của Quy chuẩn này thì được thêm dấu hiệu bổ sung "AFSC" vào trong dấu hiệu phân cấp như được định nghĩa trong Chương 2 Phần 1A Mục II QCVN 21: 2010/BGTVT.

1.2 Quy định về giám sát kỹ thuật

Hệ thống chống hà phải được kiểm tra với nội dung phù hợp với Chương 2 Mục II của Quy chuẩn này.

1.3 Chứng nhận

1.3.1 Giấy chứng nhận

1 Đối với tàu chạy tuyến quốc tế có hệ thống chống hà thỏa mãn các yêu cầu của Quy chuẩn này thì được cấp "Giấy chứng nhận phù hợp cho hệ thống chống hà của tàu" được quy định trong Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT.

2 Đối với tàu không chạy tuyến quốc tế có hệ thống chống hà thỏa mãn các yêu cầu của Quy chuẩn này thì được cấp "Giấy chứng nhận phù hợp cho hệ thống chống hà của tàu" theo mẫu quy định tại Phụ lục của Quy chuẩn này.

3 Giấy chứng nhận nêu ở -1 và -2 trên không có thời hạn với điều kiện hệ thống chống hà của tàu được duy trì phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn này và tự mất hiệu lực nếu hệ thống chống hà của tàu không được duy trì phù hợp với Quy chuẩn này hoặc bị thay đổi, thay thế không được kiểm tra, xác nhận phù hợp.

1.3.2 Thủ tục chứng nhận

Thủ tục chứng nhận hệ thống chống hà được thực hiện theo Điều 9a của Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 32/2011/TT-BGTVT ngày 19/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

1.1 Trách nhiệm của các chủ tàu, công ty khai thác, cơ sở chế tạo mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa hệ thống

1.1.1 Các chủ tàu, công ty khai thác tàu

Thực hiện đầy đủ các quy định nêu trong Quy chuẩn này khi hệ thống được chế tạo mới, hoán cải, phục hồi, khai thác nhằm đảm bảo và duy trì tình trạng kỹ thuật của hệ thống.

1.1.2 Các cơ sở chế tạo mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa hệ thống

1 Phải có đủ năng lực, bao gồm cả trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu chế tạo mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa hệ thống.

2 Phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật khi chế tạo mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa hệ thống.

3 Chịu sự kiểm tra giám sát của Đăng kiểm Việt Nam về chất lượng, an toàn kỹ thuật của hệ thống.

1.2 Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1.2.1 Giám sát

Bố trí các Đăng kiểm viên có năng lực, đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc giám sát trong chế tạo mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác hệ thống phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật nêu trong Quy chuẩn này.

1.2.2 Hướng dẫn thực hiện/áp dụng

Hướng dẫn thực hiện các quy định của Quy chuẩn này đối với các chủ tàu, công ty khai thác, cơ sở chế tạo mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa hệ thống, các đơn vị Đăng kiểm thuộc hệ thống Đăng kiểm Việt Nam trong phạm vi cả nước.

1.2.3 Rà soát và cập nhật Quy chuẩn

Căn cứ yêu cầu thực tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này khi cần thiết hoặc theo thời hạn quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

1.3 Kiểm tra thực hiện của Bộ Giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải (Vụ Khoa học - Công nghệ) có trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc tuân thủ Quy chuẩn này của các đơn vị có hoạt động liên quan.

V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.1 Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát kỹ thuật, phân cấp và đăng ký kỹ thuật hệ thống chống hà trên tàu biển. Tổ chức in ấn, phổ biến Quy chuẩn này cho các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện/áp dụng.

1.2 Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Quy chuẩn này với quy định của Quy phạm, Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật khác liên quan đến hệ thống chống hà thì áp dụng quy định của Quy chuẩn này.

1.3 Trong trường hợp các tài liệu được viện dẫn trong Quy chuẩn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo nội dung đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế có hiệu lực của tài liệu đó.

1.4 Trường hợp Công ước quốc tế có quy định khác với quy định của Quy chuẩn này thì các tàu hoạt động trên tuyến quốc tế phải áp dụng quy định của điều khoản Công ước quốc tế đó.

1.5 Quy chuẩn này cũng như các bổ sung, sửa đổi được áp dụng cho hệ thống chống hà của các tàu biển có giai đoạn đầu của quá trình đóng mới vào hoặc sau ngày Quy chuẩn này có hiệu lực. Đối với các tàu biển có giai đoạn đầu của quá trình đóng mới trước ngày Quy chuẩn này có hiệu lực thì phải áp dụng các quy định của Quy chuẩn này vào đợt kiểm tra trên đà đầu tiên sau ngày Quy chuẩn này có hiệu lực.

 

PHỤ LỤC

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN

 

CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
VIETNAM REGISTER
----------------

 

GIẤY CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP CHO HỆ THỐNG CHỐNG HÀ CỦA TÀU

Cấp theo các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 74: 2014/BGTVT

Số: ……………..

CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM cấp theo các quy định của "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển" (QCVN 74: 2014/BGTVT, sau đây gọi tắt là "Quy chuẩn").

Đặc điểm tàu

Tên tàu

Số đăng ký hoc hô hiu

Cng đăng ký

Tổng dung tích

Số phân cấp

 

 

 

 

 

Hệ thống chống hà được kiểm soát theo Chương 3 Mục II của Quy chuẩn đã không được sử dụng trong quá trình hoặc sau khi đóng tàu này..................................................................... £

Hệ thống chống hà được kiểm soát theo Chương 3 Mục II của Quy chuẩn đã được sử dụng cho tàu trước đây, nhưng đã được loại bỏ

bởi1................................................... vào ngày:...................................................................... £

Hệ thống chống hà được kiểm soát theo Chương 3 Mục II của Quy chuẩn đã được sử dụng cho tàu trước đây, nhưng đã được phủ bằng một lớp bọc

bởi1................................................... vào ngày:........................................................................£

Hệ thống chống hà được kiểm soát theo Chương 3 Mục II của Quy chuẩn đã được sử dụng cho tàu trước ngày2:

nhưng phải được loại bỏ hoặc phủ bằng một lớp bọc trước ngày3:........................................ £

CHỨNG NHẬN RẰNG:

1 Tàu đã được kiểm tra theo Chương 2 Mục II của Quy chuẩn; và

2 Đợt kiểm tra cho thấy hệ thống chống hà của tàu tuân thủ các yêu cầu áp dụng ở Chương 3 Mục II của Quy chuẩn.

Ngày hoàn thành kiểm tra làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận này:......................................

 

 

Cấp tại:…………….. Ngày:………………..
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

Ghi chú:

1 Tên của cơ sở sửa chữa;

2 Ngày có hiệu lực của biện pháp kiểm soát;

3 Ngày hết hạn của bất kỳ giai đoạn áp dụng quy định ở 1.5 Mục V của Quy chuẩn.

 

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
Vui lòng đợi