Chắc ai cũng biết đến khẩu hiệu “đã uống rượu, bia thì không lái xe” nhưng “Nồng độ cồn bao nhiêu thì bị phạt?” thì không mấy người trả lời được. Để biết chính xác đáp án, cùng theo dõi bài viết sau đây của LuatVietnam.
Nồng độ cồn bao nhiêu thì bị xử phạt vi phạm?
Theo quy định hiện hành, chỉ cần phát hiện trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm. Nói cách khác nếu dụng cụ đo cho chỉ số nồng độ cồn > 0 thì các lái xe đều bị xử phạt.
Nhận định này xuất phát từ các quy định sau đây:
Thứ nhất, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, được sửa bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, người tham gia giao thông bị nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Do đó, chỉ cần có nồng độ cồn khi sử dụng phương tiện ô tô, xe máy, máy kéo, xe đạp,… tham gia giao thông, người tham gia giao thông đều bị coi là vi phạm quy định cấm nêu trên.
Thứ hai, mức phạt cụ thể đối vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP được quy định như sau:
Nồng độ cồn | Mức phạt | |||
Ô tô | Xe máy | Máy kéo, xe máy chuyên dùng | Xe đạp | |
Có nhưng chưa vướt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở | 06 - 8 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng | 02 - 03 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng | 03 - 05 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông từ 10 - 12 tháng | 80.000 - 100.000 đồng |
> 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc > 0,25 đến 0,4 mg/l khí thở | 16 - 18 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng | 04 - 05 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng | 06 - 08 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông từ 16 - 18 tháng | 200.000 - 300.000 đồng |
> 80 mg/100 ml máu hoặc > 0,4 mg/l khí thở | 30 - 40 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng | 06 - 08 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng | 16 - 18 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 22 - 24 tháng | 400.000 - 600.000 đồng |
Theo quy định này, chỉ cần kiểm tra mà thấy có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì người điều khiển phương tiện đều bị phạt vi phạm giao thông.
Ăn hoa quả, thực phẩm lên men có bị thổi phạt nồng độ cồn?
Thực tế, không chỉ có rượu, bia mà một số thực phẩm như nho, sầu riêng, chuối, trái cây lên men, siro cảm cúm... cũng có khả năng để lại nồng độ cồn trong cơ thể. Tuy nhiên lượng cồn này thường rất nhỏ và rất khó phát hiện bằng máy đo nồng độ cồn.
Tuy nhiên do cơ địa, bệnh tật, do mắc hội chứng tự lên men rượu tại ruột cũng có một vài trường hợp hiện nồng độ cồn sau khi sử dụng các thực phẩm lên men.
Dẫu vậy, người tham gia giao thông cũng không cần quá lo lắng về việc bị phạt nồng độ cồn sau khi ăn hoa quả, thực phẩm lên men. Bởi về nguyên tắc, Cảnh sát giao thông chỉ xử phạt vi phạm đối với trường hợp có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở do uống rượu, bia.
Trong nội bộ lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã có sự quán triệt, với những trường hợp xác định là vô tình có nồng độ cồn không phải do uống rượu bia, khi đó người vi phạm có thể ngồi nghỉ, đợi thổi lại nồng độ cồn trong khí thở hoặc có thể đề nghị chuyển sang đo nồng độ cồn trong máu.
Phía Cảnh sát giao thông cũng cho biết, công dân có quyền giải trình về hành vi của mình. Do đó, nếu không uống rượu, bia mà bị phát hiện có nồng độ cồn, tài xế cần giải thích lý do và xin nghỉ ngơi thêm 10 đến 15 phút sau đó thổi nồng độ cồn cồn lần hai hoặc xin đổi sang hình thức xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Độ cồn gây ra bởi thực phẩm lên men sau khi ăn vốn đã ít lại được chuyển hóa nhanh trong cơ thể nên chỉ cần ngồi nghỉ ngơi một lát rồi thổi lại nồng độ cồn thì sẽ cho chỉ số bằng 0.
Hay như với lựa chọn xét nghiệm máu, do lượng cồn từ hoa quả lên men rất thấp nên kết quả xét nghiệm máu thường cũng sẽ cho chỉ số bằng 0. Nhờ đó, tài xế sẽ không bị xử phạt.
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Nồng độ cồn bao nhiêu thì bị phạt?” Nếu còn thắc mắc xung quanh vấn đề phạt nồng độ cồn, bạn đọc gọi ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ sớm nhất.