1. Người dân không được tự ý thay đổi kết cấu xe
Kiểu dáng, phụ tùng, cũng như các bộ phận của các loại xe đã được tính toán, thử nghiệm để thiết kế nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mục đích sử dụng. Nếu cải tạo, làm thay đổi cấu tạo, hình dáng, đặc tính kỹ thuật của xe dẫn đến các thông số kỹ thuật của xe không còn phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024:
7. Cải tạo xe (sau đây gọi là cải tạo) là việc thay đổi đặc điểm của xe đã được cấp đăng ký xe, biển số xe hoặc xe đã qua sử dụng được nhập khẩu dẫn đến thay đổi về kiểu loại xe theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Tại khoản 11 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là cải tạo trái phép xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Hành vi cải tạo xe tái phép sẽ dẫn đến việc không đảm bảo an toàn cho chuyển động của xe, thậm chí khi tham gia giao thông còn dễ gây tai nạn... Ngoài ra, thay đổi kết cấu của xe còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt Nghị định 168 đối với xe máy độ pô thế nào?
Khoản 8 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định:
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
- Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số xe, chứng nhận đăng ký xe nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Không làm thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định;
…
Như vậy, nếu độ pô xe máy thì sẽ bị xử phạt như sau:
- 04 - 06 triệu đồng đối với cá nhân
- 08 - 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy
Trước 01/01/2025, mức phạt đối với hành vi này được quy định như sau:
Hành vi độ pô xe máy nhằm tạo âm thanh to hơn so với thiết kế của nhà sản xuất là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo điểm c, khoản 5, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Theo đó, với hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền:
- Cá nhân phạt từ 800.000 đồng - 02 triệu đồng
- Tổ chức bị phạt từ 1,6 triệu - 04 triệu đồng.
3. Độ pô xe máy gây tiếng ồn phạt thế nào?
Hành vi độ pô thay đổi kết cấu xe máy không chỉ xử phạt hành chính với mức phạt nêu trên mà nếu độ pô xe máy gây tiếng ồn ảnh hướng đến người xung quanh còn bị xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
...
Hình phạt bổ sung với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Bên cạnh đó, nếu vi phạm quy định về chuẩn tiếng ồn thì người vi phạm cũng có thể bị xử phạt theo Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đế 160 triệu đồng.
Trên đây là thông tin về Nghị định 168 đối với xe máy độ pô.