Từ 2025, tăng mức phạt khi đi xe đèo theo chó mèo
Trước đây, căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt khi đi xe đèo theo chó mèo bị 400.000 - 600.000 đồng và có thể bị tước bằng lái từ 02 - 04 tháng.
Tuy nhiên, từ 01/01/2025, theo điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi:
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe.
Trường hợp đèo theo chó mèo vào đường cao tốc mà không có vật dụng đảm bảo an toàn thì còn bị phạt từ 01 - 02 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu đèo theo chó mèo mà gây ra tai nạn thì người vi phạm còn bị phạt từ 10 - 14 triệu đồng theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Lưu ý: Để tránh bị phạt, người dân muốn chở chó, mèo đi bằng xe máy thì cần phải đặt vật nuôi trong lồng hoặc túi đựng chuyên dụng, không cồng kềnh gây mất an toàn cho những người đi tham gia giao thông khác.
Chở chó mèo bằng xe máy gây tai nạn giao thông, bồi thường thiệt hại thế nào?
Chở chó mèo bằng xe máy gây tai nạn giao thông ở đây có thể hiểu là những tình huống gây tai nạn giao thông do chở chó, mèo mà không dùng lồng chuyên dụng hoặc balo vận chuyển chó, mèo; buộc dây an toàn… dẫn tới việc chó mèo bất ngờ nhảy xuống xe, va chạm với các phương tiện khác đang di chuyển... gây tai nạn.
Khi chở chó, mèo mà gây ra tai nạn, bên cạnh việc bị phạt từ 10 - 14 triệu đồng theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người chở chó mèo bằng xe máy gây tai nạn giao thông còn buộc phải bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra.
Hiện nay, khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định:
Điều 66. Quản lý nuôi chó, mèo
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về việc bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra như sau:
Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, khi chở chó, mèo bằng xe máy gây tai nạn giao thông thì chủ của chó, mèo phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề "Từ 2025, tăng mức phạt khi đi xe đèo theo chó mèo!"