Với mức giá hấp dẫn, nhiều người đã lựa chọn mua xe cũ để làm phương tiện di chuyển cá nhân. Tuy nhiên, nếu mua xe cũ, người mua buộc phải làm ba việc sau đây để tránh gặp phải rủi ro pháp lý.
1. Yêu cầu cung cấp giấy tờ mua bán với chủ cũ
Theo khoản 3 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu chỉ được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.
Như vậy, hiện nay, nếu không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu hợp pháp từ người đứng tên trên giấy đăng ký xe thì cơ quan đăng ký xe sẽ không giải quyết sang tên cho người mua.
Theo đó, khi mua xe cũ qua nhiều đời chủ, người mua cần yêu cầu bên bán cung cấp giấy tờ mua bán, tặng cho hợp pháp giữa họ và các chủ cũ của xe.
Yêu cầu này không chỉ khiến người mua có thể dễ dàng sang tên xe sau này mà còn giúp xác định chính xác nguồn gốc của xe, tránh tình trạng mua phải xe do phạm tội mà có.
2. Lập hợp đồng có công chứng, chứng thực với bên bán
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA, giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe là một trong những giấy tờ quan trọng để làm thủ tục sang tên xe.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 8 Thông tư 58 cũng quy định về giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, gồm:
a) Hoá đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật;
b) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Như vậy, giữa các cá nhân mua bán xe với nhau thì phải có giấy tờ mua bán được công chứng hoặc chứng thực.
Theo đó, người mua cần tiến hành lập hợp đồng với bên bán và phải đến Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng để công chứng hợp đồng hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp xã để chứng thực hợp đồng mua bán xe.
Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng, các bên cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng.
- Dự thảo hợp đồng mua bán xe (nếu có).
- Giấy tờ tùy thân của bên mua và bên bán: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu có)…
- Giấy tờ xe: Đăng ký xe, đăng kiểm xe (áp dụng với ô tô)…
Xem thêm: Mẫu Hợp đồng mua bán xe máy, ô tô cũ mới nhất
3. Phải sang tên xe trong 30 ngày kể từ khi có hợp đồng
Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã quy định rõ trách nhiệm của chủ xe sau khi mua xe như sau:
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Như vậy, sau khi ký hợp đồng mua bán, người mua xe phải tiến hành đăng ký xe trong thời hạn 30 ngày. Nếu đi đăng ký xe muộn, chủ xe sẽ bị xử phạt vi phạm về lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định sau khi mua từ người khác.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cụ thể đối với từng loại phương tiện như sau:
Phương tiện |
Mức phạt |
Căn cứ |
Xe máy |
Cá nhân: 400.000 - 600.000 đồng Tổ chức: 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng |
Điểm a khoản 4 Điều 30 |
Ô tô |
Cá nhân: 02 - 04 triệu đồng Tổ chức: 04 - 08 triệu đồng |
Điểm l khoản 7 Điều 30 |
Trên đây là 03 lưu ý khi mua xe cũ giá rẻ mà bất kì ai cũng nên biết. Nếu còn vướng mắc trong quá trình mua và làm thủ tục sang tên, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.
>> Thủ tục sang tên xe máy: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z