1. Hồ sơ bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ 01/01/2025
1.1. Hồ sơ bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ gồm những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT, hồ sơ quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ sẽ gần giống với hồ sơ bảo trì công trình xây dựng, cụ thể như sau:
- Các tài liệu quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, bao gồm:
Các tài liệu phục vụ công tác bảo trì công trình xây dựng, gồm 02 tài liệu:
(i) Các tài liệu phục vụ công tác bảo trì bao gồm: quy trình bảo trì công trình xây dựng, bản vẽ hoàn công, lý lịch thiết bị lắp đặt vào công trình và các hồ sơ, tài liệu cần thiết khắc phục vụ cho bảo trì công trình xây dựng.(ii) Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao các tài liệu phục vụ bảo trì công trình xây dựng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng.
Kế hoạch bảo trì;
Kết quả kiểm tra công trình thường xuyên và định kỳ;
Kết quả bảo dưỡng, sửa chữa công trình;
Kết quả quan trắc, kết quả kiểm định chất lượng công trình (nếu có)
Kết quả đánh giá an toàn chịu lực và vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng (nếu có)
- Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.
- Các quy định về giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện.
1.2. Lập quy trình bảo trì công trình đường bộ như thế nào?
Về quy trình bảo trì công trình được bộ, tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT đã quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.
Theo đó, quy trình này được hoàn thiện trong bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công trừ trường hợp kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được lập và phê duyệt hàng năm theo quy định.
Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung quy trình bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ đã đưa vào khai thác, căn cứ lập bao gồm các quy định sau:
Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; quy trình bảo trì đang áp dụng;
Quy mô và tình trạng kỹ thuật công trình đang khai thác.
Kết quả: kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, quan trắc, kiểm định chất lượng, đánh giá an toàn chịu lực và vận hành khai thác, sử dụng công trình.
Các thông tin, dữ liệu về kết quả đếm xe, công trình kiểm soát tải trọng xe và tình hình giao thông trên tuyến, các dữ liệu địa chất, thuỷ văn, địa hình ảnh hưởng đến công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, việc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ tuân thủ theo quy định sau:
(i) Quy trình bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ: thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
(ii) Đối với quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ và các kết cấu hạ tầng đường bộ là tài sản công: Bộ Giao thông vận tải quản lý, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình.
2. Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ
Căn cứ Điều 9 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT, kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được lập và phê duyệt hàng năm theo quy định của mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, các công việc trong kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung sau:
- Bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, công trình chuyển tiếp năm trước sang năm sau, kiểm định chất lượng, quan trắc công trình, đánh giá an toàn.
- Quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình đường bộ, hệ thống chiếu sáng trên đường bộ và các hạng mục, bộ phận, thiết bị gắn với đường bộ.
- Quản lý, vận hành các hệ thống: quản lý cầu; cơ sở dữ liệu đường bộ và sửa chữa phần mềm; công trình kiểm soát tải trọng xe.
- Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức; quy trình bảo trì, quy trình vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ.
- Điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian khai thác, sử dụng công trình đường bộ.
- Hỗ trợ giá; sửa chữa, thay thế, bổ sung phà, phương tiện, thiết bị vượt sông; mua sắm bổ sung thiết bị, vật tư dự phòng cho phà và phương tiện thiết bị vượt sông;
- Mua sắm trang phục tuần kiểm; hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông;
- Mua sắm bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng phục vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý, bảo vệ và bảo dưỡng kho vật tư dự phòng phục vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai;
- Quản lý, khai thác, bảo trì đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
- Các công việc để phục vụ cho việc lập kế hoạch và dự toán bảo trì công trình đường bộ hàng năm; các công việc khác để chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình đường bộ tổ chức.
Cũng theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT, chủ đầu tư và doanh nghiệp cần lưu ý về việc lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ khi thuộc các trường hợp sau:
Nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận quyền chuyển nhượng, cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
- Doanh nghiệp được nhà nước giao quản lý, khai thác, sử dụng đường bộ, doanh nghiệp đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng đường chuyên dùng.