1. Thẻ Căn cước
Đây là một loại giấy tờ mới hoàn toàn và là một trong các giấy tờ có in mã QR đáng chú ý, sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 01/7/2024. Trong đó, theo khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước số 26/2023/QH15 định nghĩa thẻ Căn cước như sau:
11. Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Do đây là Luật mới, Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư về mẫu thẻ Căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước.
Theo đó, mẫu thẻ Căn cước đang được đề xuất có hai mẫu: Mẫu dành cho trẻ em từ 06 tuổi trở lên và dành cho trẻ dưới 06 tuổi.
Trong đó, mã QR theo khoản 4 Điều 3 dự thảo được gắn ở mặt sau của thẻ Căn cước, và gồm các thông tin như sau:
4. Mã QR: kích thước 11mm x 11mm, bao gồm những thông tin: Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số Chứng minh nhân dân 9 số của người được cấp thẻ (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).
Ngoài thẻ Căn cước thì giấy chứng nhận căn cước cũng có mã QR code với kích thước 18x18mm.
2. Thẻ Căn cước công dân
Từ tháng 01/2021, thẻ Căn cước công dân cũng có mã QR nằm ở mặt trước của thẻ theo mẫu nêu tại Thông tư 06/2021/TT-BCA, thay thế cho mẫu thẻ Căn cước mã vạch trước đây:
Mã QRcode có màu đen và khi quét sẽ hiện ra các thông tin:
- Số Căn cước công dân gắn chip, số Chứng minh nhân dân cũ
- Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính
- Địa chỉ thường trú.
Đặc biệt, công dân hoàn toàn có thể quét mã Qrcode trên thẻ Căn cước công dân bằng các ứng dụng cho quét mã như Zalo hoặc ứng dụng chụp ảnh của điện thoại…
Do đó, với tính năng này của mã QR trên thẻ Căn cước công dân, người dân khi đi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hồ sơ.
Đồng thời, đây chỉ là những thông tin cơ bản của cá nhân, để truy cập được nhiều thông tin hơn, chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra.
3. Thẻ Bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế là giấy tờ đã được tích hợp mã Qrcode từ rất lâu trước đây. Tuy nhiên, để quét được thông tin trên mã QR của thẻ bảo hiểm y tế, cán bộ y tế phải sử dụng thiết bị chuyên dụng.
Mã QR trên thẻ Bảo hiểm y tế được in trực tiếp lên mặt trước của thẻ. Khi sử dụng thiết bị chuyên ngành, nhân viên y tế sẽ quét được các nội dung:
- Thông tin về người tham gia bảo hiểm y tế: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ.
- Thông tin của thẻ bảo hiểm y tế: Số thẻ bảo hiểm y tế, hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế.
4. Sắp tới, Sổ đỏ sẽ có mã QR code
Căn cứ dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất mẫu Sổ đỏ mới theo quy định của Luật Đất đai 2024 như sau:
Đáng chú ý, trên mẫu Sổ đỏ mới có mã QR code. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 dự thảo, mã QR được in trên mặt trước của trang 1, ở góc bên phải. Đây được coi là một cải tiến vô cùng lớn khi sử dụng mã QR thay thế cho mã vạch trước đây.
Mã QR trên Sổ đỏ được sử dụng để tra cứu thông tin được in trên Sổ dỏ và thông tin phản hồi là như nhau nhằm chống làm giả giấy tờ:
Điều 17. Mã QR của Giấy chứng nhận
Mã QR của Giấy chứng nhận do cơ quan cấp Giấy chứng nhận in, để các đối tượng có liên quan tra cứu thông tin được in trên Giấy chứng nhận và thông tin phản hồi là như nhau, nhằm chống làm giả Giấy chứng nhận.
5. Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử
Mẫu giấy kết hôn, giấy khai sinh điện tử có mã QR được ban hành từ năm 2022 theo Thông tư 01/2022/TT-BTP và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2023/TT-BTP.
Theo đó, mã QR code được in ở dưới cùng của các loại giấy tờ này, là địa chỉ internet để dẫn tới dữ liệu, định dạng ảnh của các giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…
Mã QR của các loại giấy tờ này có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của các loại giấy tờ này trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gồm các nội dung:
- Thời hạn sử dụng.
- Thông tin cập nhật của giấy tờ điện tử.
Đặc biệt, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong Qrcode phải bảo vệ dữ liệu cá nhân.
6. Giấy phép lái xe, đăng ký xe
Giấy phép lái xe và đăng ký xe cũng là hai trong số các loại giấy tờ có gắn mã QR theo quy định hiện nay. Cụ thể:
- Giấy phép lái xe: Giấy này được quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT như sau:
Ngay từ năm 2019 khi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định tất cả giấy phép lái xe được cấp sau 01/6/2020 sẽ có in mã QR vào mặt sau của giấy phép lái xe.
Đồng thời, theo quy định mới nhất tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 38 ở trên, giấy phép lái xe phải có mã QR để đọc, giải mã nhanh các thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.
Với những loại giấy phép lái xe khác còn hạn sử dụng thì người dân vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn này.
- Đăng ký xe: Căn cứ Thông tư 24/2023/TT-BCA, giấy chứng nhận đăng ký xe có mã QR, kích thước 85,6 x 53,98 mm, nền màu vàng, hoa văn hình công an hiệu.
Mã QR sẽ được mã hóa các thông tin về số khung, số máy, thông số kỹ thuật khác của xe. Qua đó, khi kiểm tra, giám sát thì cảnh sát giao thông sẽ dễ dàng thực hiện hơn và có thể phần nào hạn chế tình trạng làm giả chứng nhận đăng ký xe.
Trên đây là thông tin tổng hợp về các loại giấy tờ có in mã QRcode gắn liền với mỗi công dân Việt Nam không thể bỏ qua.