Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ
Lĩnh vực: Giao thông Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Giao thông Vận tảiTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Số           /2024/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày    tháng    năm 2024

DỰ THẢO

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT

ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thuộc ngành Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ  (sau đây gọi là Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 2 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 như sau:

“1. Trạm kiểm tra tải trọng xe quy định tại Thông tư này gồm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân, Trạm KTTTX lưu động.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

“2. Cơ quan quản lý đường bộ là Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ, Cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là Sở Giao thông vận tải).”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:

“2. Việc kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ được thực hiện thông qua:

a) Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân: là trạm được xây dựng, trang bị hệ thống cân và thiết bị lắp đặt cố định ở hai vùng cân khác nhau (cân tự động ở vùng đo lường sơ cấp, cân không tự động ở vùng đo lường thứ cấp) để theo dõi, phát hiện và xử lý xe vi phạm quá tải trọng và quá khổ giới hạn;

b) Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân: là trạm được trang bị hệ thống thiết bị cân động lắp đặt cố định ở một vùng cân để tự động đo lường xác định khối lượng xe khi đi qua vùng cân;

c) Trạm KTTTX lưu động: là Trạm được trang bị hệ thống cân và thiết bị kiểm tra, theo dõi lưu động, xách tay hoặc lắp đặt trên xe chuyên dụng để kiểm soát và xử lý xe vi phạm quá tải trọng, quá khổ giới hạn tại những vị trí theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

d) Thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới lắp đặt cố định trên đường bộ; vị trí lắp đặt độc lập hoặc kết hợp với Trạm thu phí;

đ) Thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới (cân xách tay) của lực lượng chức năng có thẩm quyền;

e) Hệ thống giám sát, quản lý dữ liệu tải trọng xe do Cơ quan quản lý đường bộ quản lý, vận hành, khai thác;

g) Các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

Điều 4. Yêu cầu của Trạm kiểm tra tải trọng xe khi đưa vào hoạt động

1. Đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm kiểm tra tải trọng xe.

2. Có thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đo lường. Việc kiểm định kỹ thuật hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe phải do tổ chức kiểm định kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền về đo lường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

3. Được cấp có thẩm quyền quyết định đưa vào sử dụng theo quy định.

4. Việc khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo trì hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe được thực hiện theo hồ sơ thiết kế hệ thống kiểm tra tải trọng xe, quy trình quản lý, bảo trì công trình được ban hành phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của nhà sản xuất.

5. Dữ liệu của Trạm kiểm tra tải trọng xe (trừ dữ liệu kết quả của cân xách tay) do cơ quan quản lý trạm kiểm tra tải trọng xe xử lý, lưu trữ và được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe của Cục Đường bộ Việt Nam hoặc truy xuất thông qua địa chỉ, tài khoản, mật khẩu truy cập máy chủ của Trạm kiểm tra tải trọng xe..

4. Bổ sung Điều 4a như sau:

Điều 4a. Quy trình cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân

1. Quy trình cân sơ cấp

a) Các xe thuộc đối tượng bị cân kiểm tra khi đến Trạm kiểm tra tải trọng xe phải tuân thủ hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ hoặc nhân viên hướng dẫn, điều tiết giao thông, di chuyển với tốc độ đều, đúng tốc độ, đúng làn đường hoặc phần đường dành riêng để thiết bị cân sơ cấp kiểm tra tải trọng và kích thước; các xe lần lượt vào vùng cân, duy trì khoảng cách giữa các xe để đảm bảo trong vùng đặt thiết bị cân chỉ cho từng xe vào trên mỗi làn để tránh các xe che khuất biển số của nhau và làm sai lệch kết quả kiểm tra.

b) Hệ thống đo lường cân sơ cấp sẽ tự động nhận dạng biển số xe, xác định các thông số kỹ thuật của xe, đo lường về tải trọng và kích thước của xe, thông báo kết quả đo lường. Trường hợp không có dấu hiệu vi phạm, xe đi qua trạm kiểm tra tải trọng xe, hòa nhập vào dòng xe chung, tiếp tục hành trình. Nếu xe có dấu hiệu vi phạm thì thực hiện quy trình cân thứ cấp.

2. Quy trình cân thứ cấp

a) Khi hệ thống đo lường sơ cấp phát hiện, thông báo xe có dấu hiệu vi phạm, hệ thống báo hiệu tự động hoặc người sử dụng thiết bị cân chỉ dẫn xe đi vào lối dành riêng để tiến hành đo lường thứ cấp, kiểm tra về tải trọng và kích thước xe;

b) Lực lượng chức năng yêu cầu lái xe xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến lái xe và xe, kiểm tra đối chiếu và chuyển giấy tờ cho người sử dụng thiết bị cân để nhập thông tin vào phiếu cân trên máy tính; hướng dẫn lái xe về tốc độ, vị trí đo lường, phát hiệu lệnh cho lái xe điều khiển xe vào vị trí đo lường thứ cấp; tiến hành cân, in và ký vào phiếu cân kiểm tra tải trọng xe; trường hợp xe có vi phạm thì hướng dẫn xe vào vị trí xử lý; nếu không có dấu hiệu vi phạm, xe đi qua trạm kiểm tra tải trọng xe, hòa nhập vào dòng xe chung, tiếp tục hành trình.

3. Trường hợp kết quả cân xe có vi phạm, người sử dụng thiết bị cân chuyển phiếu cân cho lực lượng chức năng để lập biên bản vi phạm hành chính; việc giao, nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe được ghi chép vào sổ theo dõi và ký nhận.

4. Lực lượng chức năng tiếp nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

5. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe hoặc chủ xe tự hạ phần hàng quá tải, tự dỡ phần hàng quá khổ; trường hợp xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng mà phương tiện vận chuyển không đáp ứng về tải trọng và khổ giới hạn theo quy định, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe, chủ xe đến vị trí đỗ đủ điều kiện, bố trí phương tiện đáp ứng về tải trọng và khổ giới hạn theo quy định.”.

5. Bổ sung Điều 4b như sau:

Điều 4b. Quy trình cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân

1. Trước và trong vùng cân, lái xe chú ý quan sát và tuân thủ hệ thống báo hiệu đường bộ, chạy đúng tốc độ cho phép, giữ khoảng cách xe, chuyển làn theo biển báo hiệu đường bộ và vạch sơn, không dừng xe và đỗ xe trái phép.

2. Trong vùng cân, hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe sẽ tự động đo lường (cân) khối lượng từng trục bánh xe, nhận dạng biển số xe, xác định một số thông số kỹ thuật của xe, ghi nhận các trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy tắc giao thông của xe, lưu trữ và truyền dữ liệu về phần mềm xử lý dữ liệu cân.

3. Lái xe đi theo hướng dẫn của biển báo điện tử VMS hoặc nhân viên Trạm kiểm tra tải trọng xe (nếu có).

4. Dữ liệu Trạm kiểm tra tải trọng xe tự động được cơ quan quản lý đường bộ khai thác, xử lý vi phạm hoặc tổ chức được giao quản lý, bảo trì đường bộ khai thác chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.”.

6. Bổ sung Điều 4c như sau:

Điều 4c. Quy trình cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và cân xách tay

1. Lực lượng chức năng lựa chọn vị trí đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị.

2. Lực lượng chức năng dừng phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ theo quy định của pháp luật, hướng dẫn xe vào cân kiểm tra tải trọng.

3. Lực lượng chức năng yêu cầu lái xe xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến lái xe và xe, kiểm tra đối chiếu và chuyển giấy tờ cho người sử dụng thiết bị cân để nhập thông tin vào phiếu cân trên máy tính; hướng dẫn lái xe về tốc độ, vị trí đo lường, phát hiệu lệnh cho lái xe điều khiển xe vào vị trí đo lường; tiến hành cân, in và ký vào phiếu cân kiểm tra tải trọng xe; trường hợp xe có vi phạm thì hướng dẫn xe vào vị trí xử lý; nếu không có dấu hiệu vi phạm, xe đi qua trạm kiểm tra tải trọng xe, hòa nhập vào dòng xe chung, tiếp tục hành trình.

4. Trường hợp kết quả cân xe có vi phạm, người sử dụng thiết bị cân chuyển phiếu cân cho lực lượng chức năng hoặc thanh tra viên được phân công để lập biên bản vi phạm hành chính; việc giao, nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe được ghi chép vào sổ theo dõi và ký nhận.

5. Lực lượng chức năng tiếp nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

6. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe hoặc chủ xe tự hạ phần hàng quá tải, tự dỡ phần hàng quá khổ; trường hợp xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng mà phương tiện vận chuyển không đáp ứng về tải trọng và khổ giới hạn theo quy định, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe, chủ xe đến vị trí đỗ đủ điều kiện, bố trí phương tiện đáp ứng về tải trọng và khổ giới hạn theo quy định.”.

7. Sửa đổi tên Điều 5 như sau:

Điều 5. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân do cơ quan quản lý đường bộ quản lý, vận hành.

8. Sửa đổi tên Điều 6 và bổ sung khoản 4 vào Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi tên của Điều 6 như sau:

Điều 6. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân do tổ chức được giao quản lý, bảo trì đường bộ quản lý, vận hành;

b) Bổ sung khoản 4 vào Điều 6 như sau:

“3. Dữ liệu thu thập được từ Trạm kiểm tra tải trọng xe phải bảo đảm đúng quy định và chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật..

9. Sửa đổi tên Điều 11 và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:

a) Sửa đổi tên Điều 11 như sau:

Điều 11. Trách nhiệm của người trực tiếp vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:

“1. Quản lý, vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. Tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Trạm kiểm tra tải trọng xe và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc đơn vị mình.”.

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

Điều 12. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý đường bộ

1. Cục Đường bộ Việt Nam

a) Tổ chức thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ (bao gồm cả đường cao tốc); phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường địa phương khi được cơ quan quản lý đường bộ tại địa phương đề nghị;

b) Quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe của Cục Đường bộ Việt Nam;

c) Quyết định đưa vào hoạt động đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân trên quốc lộ, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do đơn vị quản lý;

d) Thực hiện tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành khai thác hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân loại 2 theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;

e) Tổng hợp, theo dõi chung về công tác xây dựng và quản lý, khai thác Trạm kiểm tra tải trọng xe theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Khu Quản lý đường bộ

a) Thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ (bao gồm cả đường cao tốc) thuộc phạm vi quản lý hoặc theo chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam; phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường địa phương khi được cơ quan quản lý đường bộ tại địa phương đề nghị;

b) Tổ chức tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Trạm kiểm tra tải trọng xe và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc đơn vị mình;

c) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

3. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đưa vào hoạt động đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bán tự động 2 cấp cân, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân trên hệ thống đường bộ địa phương; quyết định đưa vào hoạt động đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do địa phương quản lý; chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương; chế độ, chính sách cho hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe do địa phương quản lý;

b) Thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ địa phương, hệ thống quốc lộ được phân cấp quản lý; phối hợp với Khu Quản lý đường bộ thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ qua địa bàn địa phương khi được Khu Quản lý đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hoặc Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo;

c) Phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ. Quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe do địa phương quản lý;

d) Tổ chức tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Trạm kiểm tra tải trọng xe và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc đơn vị mình;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.”.

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức được giao quản lý, bảo trì đường bộ

1. Đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng phải bảo đảm thực hiện và duy trì các tiêu chí Trạm kiểm tra tải trọng xe theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe; quản lý, sử dụng, vận hành, bảo trì, kiểm định Trạm kiểm tra tải trọng xe đúng quy định.

2. Duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe và quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe do đơn vị quản lý; cung cấp kết quả thu được từ Trạm kiểm tra tải trọng xe do đơn vị quản lý cho cơ quan quản lý đường bộ, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Cung cấp dữ liệu thu thập được từ Trạm kiểm tra tải trọng xe cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi có yêu cầu.

3. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của tổ chức, cá nhân có liên quan đến kết quả thu được từ Trạm kiểm tra tải trọng xe do đơn vị quản lý.

4. Tổ chức tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Trạm kiểm tra tải trọng xe và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc đơn vị mình.

5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư này..

12. Sửa đổi cụm từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” thành cụm từ “Cục Đường bộ Việt Nam” tại khoản 2 Điều 2; điểm đ khoản 2 Điều 3; khoản 3 Điều 4; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 10; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 12; khoản 2, khoản 4 Điều 13.

13. Sửa đổi cụm từ “Cục Quản lý đường bộ” thành cụm từ “Khu Quản lý đường bộ” tại khoản 2 Điều 2; khoản 1 Điều 6; điểm c khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 10; khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 12.

Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa vào hoạt động, thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới đã lắp đặt cố định trên đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư và thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục hoạt động cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định khác thay thế.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng      năm 2024.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương;
- Bộ trưởng (để b/c);- Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm soát TTHC (VPCP),
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;
- Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông vận tải;
- Lưu: VT, KCHT(Đ.T.Hiếu).

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Văn Thắng

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số        /TT-BGTVT ngày   tháng    năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ...

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

…………, ngày… tháng…năm

BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE

(từ ngày.........đến ngày.                )

Kính gửi: ................................

 

TT

Tên đơn vị

Kết quả kiểm tra

Hình thức xử phạt

Ghi chú

 

 

Số xe kiểm tra

Lũy kế

Số xe vi phạm

Lũy kế

Số GPLX bị tước

Lũy kế

Phạt lái xe (triệu đồng

Phạt chủ xe (triệu đồng)

Tổng số

tiền xử phạt (triệu đồng)

Lũy kế

 

1

Sở GTVT…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

               
 

 

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi