Dự thảo Thông tư về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông lần 2
Lĩnh vực: Giao thông Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; những việc Công an nhân dân phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; những việc nhân dân tham gia ý kiến và trách nhiệm tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; những việc nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ CÔNG AN

Số:         /2019/TT-BCA

DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------

Hà Nội, ngày       tháng       năm 2019

 

THÔNG TƯ

Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác

bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

 

Căn cứ Luật Tiếp cận thông tin 2016;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.


Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; những việc Công an nhân dân phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; những việc Nhân dân tham gia ý kiến và trách nhiệm tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân (sau đây viết gọn là Công an nhân dân);

b) Công an các đơn vị, địa phương (sau đây viết gọn là cơ quan Công an); 

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Thực hiện dân chủ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện dân chủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì Nhân dân phục vụ.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an; quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, bảo đảm dân chủ đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương.            

2. Các đường lối, chính sách và quy định về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.                                               

3. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cản trở, chống người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các mặt công tác: Tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; đăng ký, cấp biển số xe; chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết tai nạn giao thông.  

 

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 5. Những việc phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ Công an nhân dân);

b) Các trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính;

c) Tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính;

d) Tuyến đường, địa bàn, đối tượng và hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Trang phục và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ theo quy định;  

e) Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

g) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi Công an nhân dân thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

2. Công tác đăng ký, cấp biển số xe:

a) Văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đăng ký, cấp biển số xe (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ Công an nhân dân);

b) Tên, địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch làm việc, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

c) Trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký, cấp biển số xe;

d) Lệ phí đăng ký xe;

đ) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số xe.

3. Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông:

a) Văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác chỉ huy, điều khiển giao thông (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ Công an nhân dân);

b) Trang phục và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; 

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông;

d) Thời gian, tuyến đường hạn chế hoặc cấm phương tiện, loại phương tiện giao thông khi có yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

đ) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia giao thông.

4. Công tác giải quyết tai nạn giao thông:

a) Văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác giải quyết tai nạn giao thông (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ Công an nhân dân);

b) Trình tự, thủ tục giải quyết tai nạn giao thông;

c) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan Công an có nhiệm vụ giải quyết tai nạn giao thông;

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân khi giải quyết tai nạn giao thông;

đ) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

Điều 6. Hình thức công khai của Công an nhân dân

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

1. Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

2. Đăng Công báo.

3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Panô, áp phích.

6. Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

7. Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan Công an có trách nhiệm công khai theo quy định.

Điều 7. Những việc Nhân dân tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Tham gia ý kiến về chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của Nhân dân theo quy định pháp luật).

3. Tham gia ý kiến về lề lối, thái độ, tác phong khi làm nhiệm vụ của Công an nhân dân.

4. Đề nghị biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt; phản ánh, kiến nghị xử lý theo quy định các trường hợp Công an nhân dân thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ.

Điều 8. Hình thức tham gia ý kiến của Nhân dân

Căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung tham gia ý kiến, các cơ quan, đơn vị, cá nhân áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức tham gia ý kiến sau đây:

1. Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an.

2. Thông qua điện thoại, đường dây nóng, hòm thư góp ý.

3. Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập.

4. Thông qua các cuộc điều tra xã hội học;

5. Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.

Điều 9. Trách nhiệm tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Nhân dân

1. Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

2. Tham gia cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông.

3. Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo an toàn hoặc người có hành vi đe dọa, gây mất an toàn giao thông thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

5. Thông báo các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất độc, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh Công an nhân dân, chống lại Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ và các hành vi khác vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

6. Tham gia và hưởng ứng các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông.

7. Giúp đỡ, ủng hộ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ.

Điều 10. Những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Việc chấp hành Điều lệnh, thái độ, tác phong của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ.

3. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật.

Điều 11. Hình thức giám sát của Nhân dân

Căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung giám sát, các cơ quan, đơn vị, cá nhân áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức sau đây:

1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với Công an nhân dân.

4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2019 và thay thế Thông tư số 54/2009/TT-BCA ngày 02 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Thông tư này đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và tổ chức thực hiện. Thông tư này được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Công an địa phương để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện.

2. Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, đề xuất, lập kế hoạch giúp Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ cơ sở của Bộ Công an tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Hằng năm, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này và báo cáo kết quả bằng văn bản về Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp) để được hướng dẫn, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Các đồng chí Thứ trưởng;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an;

- Công an các tỉnh, tp trực thuộc Trung ương;

- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp;

- Công báo;

- Cổng TTĐT Chính phủ; Cổng TTĐT Bộ Công an;

- Lưu: VT, C08.

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

Đại tướng Tô Lâm

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi