Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư Quy chuẩn về đèn chiếu sáng phía trước phương tiện giao thông
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Giao thông | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Giao thông Vận tải | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
DỰ THẢO
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
QCVN 35:2023/BGTVT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ ĐÈN CHIẾU SÁNG PHÍA TRƯỚC CỦA PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG
CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
National technical regulation of road vehicle headlamps
HÀ NỘI - 2023
Lời nói đầu
QCVN 35:2023/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo thông tư số …../2023/TT-BGTVT ngày … tháng … năm 2023.
QCVN 35:2023/BGTVT thay thế QCVN 35:2017/BGTVT.
QCVN 35:2023/BGTVT được biên soạn trên cơ sở QCVN 35:2017/BGTVT và ECE R149 revision 03, Amendment 03, Supplement 03.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ ĐÈN CHIẾU SÁNG PHÍA TRƯỚC CỦA PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
National technical regulation of road vehicle headlamps
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định về kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước (sau đây được gọi chung là đèn) của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đèn, sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với đèn.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong quy chuẩn kỹ thuật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Đèn chiếu gần (Passing beam/ Low beam) là thiết bị được sử dụng phát ra chùm sáng chiếu gần để chiếu sáng phần đường phía trước xe không gây chói mắt hoặc khó chịu cho người lái xe ngược chiều và người tham gia giao thông khác.
1.3.2. Đèn chiếu xa (Driving beam/ High beam) là thiết bị được sử dụng phát ra chùm sáng chiếu xa để chiếu sáng trên một khoảng cách xa ở phần đường phía trước xe.
1.3.3. Đèn độc lập có nghĩa là đèn có các bộ phận chiếu sáng có bề mặt rõ ràng theo hướng trục tham chiếu, nguồn sáng riêng biệt và thân đèn riêng biệt.
1.3.4. Đèn theo nhóm có nghĩa là đèn có các bộ phận chiếu sáng có bề mặt rõ ràng riêng biệt theo hướng trục tham chiếu, nguồn sáng riêng biệt, nhưng thân đèn chung.
1.3.5 Đèn “liền khối” là toàn bộ các bộ phận của một tổng thể nguyên vẹn gồm có gương phản xạ, kính đèn và một hoặc nhiều nguồn sáng bằng điện được làm kín trong quá trình sản xuất và không thể tháo rời được mà không làm hư hỏng đèn.
1.3.6. Kính đèn là chi tiết phía ngoài cùng của đèn, có chức năng truyền ánh sáng thông qua bề mặt chiếu sáng của đèn.
1.3.7. Lớp phủ là một hoặc nhiều lớp vật liệu dùng để phủ một hoặc nhiều lớp lên bề mặt ngoài hoặc mặt trong của kính đèn.
1.3.8. Các kiểu loại đèn khác nhau là các đèn khác nhau về một trong những đặc điểm cơ bản sau:
1.3.8.1. Tên thương mại hoặc nhãn hiệu;
1.3.8.2. Kết cấu của hệ thống quang học;
1.3.8.3. Đặc tính quang học;
1.3.8.4. Loại chùm sáng được phát ra (Chùm sáng chiếu gần, chùm sáng chiếu xa hoặc cả hai chùm sáng);
1.3.8.5. Vật liệu làm kính đèn và lớp phủ (nếu có);
1.3.8.6. Nguồn sáng.
1.3.9 Đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) là một thiết bị chiếu sáng, tạo các chùm sáng với những đặc điểm khác nhau để tự động thích ứng với các điều kiện sử dụng khác nhau của chùm sáng chiếu gần và chùm sáng chiếu xa (nếu có). Đèn này bao gồm hệ thống điều khiển, một hoặc nhiều thiết bị hỗ trợ vận hành nếu có, và các bộ phận lắp đặt lên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
1.3.10 Trạng thái trung gian của hệ thống chiếu sáng phía trước thích ứng nghĩa là trạng thái khi ở chế độ chùm sáng chiếu gần loại C hoặc chùm sáng chiếu xa (nếu có), được tạo ra trong điều kiện vận hành tối đa và không sử dụng tín hiệu điều khiển AFS;
1.3.11 Bộ tạo tín hiệu có nghĩa là một thiết bị, tái tạo một hoặc nhiều tín hiệu để thử nghiệm hệ thống chiếu sáng;
1.3.12 Thiết bị cung cấp và vận hành có nghĩa là một hoặc nhiều bộ phận của hệ thống chiếu sáng cung cấp nguồn điện cho một hoặc nhiều bộ phận của hệ thống, bao gồm bộ điều khiển nguồn và/hoặc điện áp cho một hoặc nhiều nguồn sáng;
1.3.13 Tâm đèn chiếu gần, tâm đèn chiếu xa là điểm trên mẫu thử để căn chỉnh khi thực hiện các hạng mục thử nghiệm bằng thiết bị đo. Điểm này được xác định trong tài liệu kỹ thuật mà cơ sở đăng ký thử nghiệm (có thể là các ký hiệu trên mẫu thử, ký hiệu trên đồ gá chuyên dụng của mẫu thử). Nếu không, nó được xác định bằng hình học là tâm của nguồn sáng, hoặc tâm trung bình của (các) gương phản xạ. Khi thử nghiệm các phép đo theo quy chuẩn kỹ thuật này, việc gá lắp mẫu thử trên thiết bị được thực hiện theo tâm đèn chiếu gần (trừ trường hợp mẫu thử là đèn chiếu xa độc lập, không có đèn chiếu gần thì việc gá lắp mẫu thử trên thiết bị được thực hiện theo tâm đèn chiếu xa).
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Đèn chiếu sáng phía trước của xe gắn máy
Đèn chiếu sáng phía trước của xe gắn máy đạt yêu cầu khi kiểm tra phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
2.1.1. Yêu cầu kết cấu
Kết cấu của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 1 của một trong các Phụ lục từ A đến L.
2.1.2. Yêu cầu đặc tính quang học
Đặc tính quang học của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 2 của một trong các Phụ lục từ A đến L.
Đối với đèn độc lập như định nghĩa tại mục 1.3.3, đặc tính quang học đèn chiếu gần độc lập phải thỏa mãn mục 2.2 của một trong các phụ lục từ A đến L, đặc tính quang học đèn chiếu xa độc lập phải thỏa mãn mục 2.3 của một trong các phụ lục từ A đến H.
Đối với những đèn kiểm tra theo mục 2 của một trong các phụ lục A đến H phải thử nghiệm thêm hạng mục tính ổn định đặc tính quang học của đèn trong quá trình hoạt động (phụ lục M).
2.1.3. Yêu cầu về màu sắc ánh sáng
Màu sắc ánh sáng của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 3 của một trong các Phụ lục từ A đến L.
2.2. Đèn chiếu sáng phía trước của xe mô tô
Đèn chiếu sáng phía trước của xe mô tô đạt yêu cầu khi kiểm tra phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
2.2.1. Yêu cầu kết cấu
Kết cấu của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 1 của một trong các Phụ lục từ A đến H.
2.2.2. Yêu cầu đặc tính quang học
Đặc tính quang học của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 2 của một trong các Phụ lục từ A đến H.
Đối với đèn độc lập như định nghĩa tại mục 1.3.3, đặc tính quang học đèn chiếu gần độc lập phải thỏa mãn mục 2.2 của một trong các phụ lục từ A đến H, đặc tính quang học đèn chiếu xa độc lập phải thỏa mãn mục 2.3 của một trong các phụ lục từ A đến H.
2.2.3. Yêu cầu về màu sắc ánh sáng
Màu sắc ánh sáng của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 3 của một trong các Phụ lục từ A đến H.
2.2.4. Yêu cầu tính ổn định đặc tính quang học của đèn trong quá trình hoạt động
Tính ổn định đặc tính quang học của đèn trong quá trình hoạt động được kiểm tra phải thỏa mãn Phụ lục M.
2.3. Đèn chiếu sáng phía trước của xe ô tô
Đèn chiếu sáng phía trước của xe ô tô đạt yêu cầu khi kiểm tra phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
2.3.1. Yêu cầu kết cấu
Kết cấu của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 1 của một trong các Phụ lục từ C đến G.
2.3.2. Yêu cầu đặc tính quang học
Đặc tính quang học của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 2 của một trong các Phụ lục từ C đến G.
Đối với đèn độc lập như định nghĩa tại mục 1.3.3, đặc tính quang học đèn chiếu gần độc lập phải thỏa mãn mục 2.2 của một trong các phụ lục từ C đến G, đặc tính quang học đèn chiếu xa độc lập phải thỏa mãn mục 2.3 của một trong các phụ lục từ C đến G.
2.3.3. Yêu cầu về màu sắc ánh sáng
Màu sắc ánh sáng của đèn được kiểm tra phải thỏa mãn mục 3 của một trong các Phụ lục từ C đến G.
2.3.4. Yêu cầu tính ổn định đặc tính quang học của đèn trong quá trình hoạt động
Tính ổn định đặc tính quang học của đèn trong quá trình hoạt động được kiểm tra phải thỏa mãn Phụ lục M.
2.4. Yêu cầu đối với đèn sản xuất hàng loạt
Đèn sản xuất hàng loạt được kiểm tra phải thỏa mãn Phụ lục N của Quy chuẩn kỹ thuật này.
2.5. Yêu cầu đối với đèn có nguồn sáng LED
Đèn có nguồn sáng LED được thử nghiệm phải thỏa mãn theo phụ lục G hoặc phụ lục H, và được thử nghiệm phải thỏa mãn theo phụ lục R.
2.6. Yêu cầu đối với đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS)
Đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) chỉ yêu cầu thử nghiệm khi kích hoạt ở trạng thái trung gian.
3. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ
3.1. Phương thức kiểm tra, thử nghiệm
Đèn sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại các nghị định tương ứng số: 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ khoa học và công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Đèn sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại các Thông tư tương ứng số: 44/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư số 45/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp xe cơ giới; Thông tư số 54/2014/TT-BGTVT ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới; Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu và Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Thông tư số 25/2019/TT-BGTVT ngày 05 tháng 07 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô.
Đèn sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để chứng nhận chất lượng kiểu loại phải được kiểm tra thỏa mãn các yêu cầu tại phần 2 quy định kỹ thuật.
3.2. Tài liệu kỹ thuật và mẫu thử
Khi có nhu cầu thử nghiệm, cơ sở sản xuất, tổ chức hoặc cá nhân sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đèn phải cung cấp cho cơ sở thử nghiệm tài liệu kỹ thuật và mẫu thử theo yêu cầu nêu tại mục 3.2.1 và 3.2.2 dưới đây.
3.2.1. Yêu cầu về tài liệu kỹ thuật
Tài liệu kỹ thuật của đèn phải gồm các thông tin sau đây:
- Đèn dùng để chiếu gần và chiếu xa hay chỉ một trong hai chức năng này;
- Đèn được thiết kế phù hợp với luật giao bên phải, trái hay cả hai;
- Công suất danh định của bóng đèn;
- Điện áp danh định của bóng đèn;
- Điện áp thử nghiệm;
- Chùm sáng chiếu gần đối xứng hay không đối xứng;
- Loại đèn khi thử nghiệm theo Phụ lục H (A hoặc B hoặc C hoặc D ; E);
- Loại đèn khi thử nghiệm theo Phụ lục G (A, B);
- Các bản vẽ đủ chi tiết để nhận biết được kiểu loại đèn.
3.2.2. Yêu cầu về mẫu thử:
3.2.2.1. Số lượng mẫu thử:
- 03 mẫu thử cho mỗi kiểu loại đèn cần thử nghiệm để chứng nhận chất lượng kiểu loại trong đó:
- Thử nghiệm đặc tính quang học, màu sắc ánh sáng và thử nghiệm theo phụ lục R (nếu có): 01 mẫu đèn hoàn chỉnh;
- Thử nghiệm tính ổn định đặc tính quang học: 02 mẫu đèn hoàn chỉnh.
3.2.2.2 Yêu cầu kỹ thuật về mẫu thử:
- Đèn mới 100%, phải nguyên bản đúng theo thiết kế của cơ sở sản xuất, không được phép can thiệp chỉnh sửa các bộ phận của đèn bao gồm cả bóng đèn.
- Ánh sáng của đèn phát ra không được là màu đỏ, bao gồm cả các loại đèn khác được lắp trên cùng thân đèn chiếu sáng phía trước.
- Phụ kiện kèm theo để đảm bảo đèn hoạt động ổn định, bao gồm cả đồ gá thử nghiệm đèn nếu cần thiết.
- Nếu là Đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) hoặc Đèn không thể kích hoạt chức năng sáng bằng nguồn điện thông thường thì phải bao gồm Bộ tạo tín hiệu và/hoặc thiết bị cung cấp và vận hành được nêu ở mục 1.3.11, 1.3.12.
3.3. Báo cáo thử nghiệm
Cơ sở thử nghiệm phải lập báo cáo kết quả thử nghiệm có các nội dung ít nhất bao gồm các mục quy định trong quy chuẩn kỹ thuật này tương ứng với từng kiểu loại đèn.
3.4. Áp dụng quy định
Trong trường hợp các văn bản, tài liệu được viện dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định trong văn bản mới.
4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1. Lộ trình áp dụng
- Áp dụng sau 06 tháng khi Quy chuẩn kỹ thuật này ban hành.
- Đối với đèn đã được thử nghiệm và chứng nhận theo QCVN 35:2017/BGTVT mà không phát sinh thêm hạng mục thử nghiệm mới theo QCVN 35:2023/BGTVT thì không phải thử nghiệm và chứng nhận lại.
- Với loại đèn phải thử theo phụ lục R: thử nghiệm từ ngày quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực đối với các kiểu loại xe mới lần đầu tiên được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và từ ngày 01/04/2022 đối với các kiểu loại xe đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại mà chưa thử nghiệm theo phụ lục R. Đèn đã thử nghiệm thỏa mãn theo phụ lục R của QCVN 35:2017/BGTVT thì không phải thử nghiệm lại.
4.2. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.
Để xem đầy đủ, chi tiết nội dung dự thảo, độc giả có thể tải tại đây!
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!