Dự thảo Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ của Chính phủ
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Thuế-Phí-Lệ phí, Giao thông |
Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Giao thông Vận tải |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, sử dụng, quản lý Quỹ bảo trì đường bộ.
Tải Nghị định
CHÍNH PHỦ DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
NGHỊ ĐỊNH
Quỹ bảo trì đường bộ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Phí và Lệ phí năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Chính phủ ban hành Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ (sau đây gọi tắt là Quỹ).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, sử dụng, quản lý Quỹ.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ
1. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 4. Thành lập Quỹ
1. Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước sử dụng tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải được giao quản lý Quỹ, mở tại Kho bạc Nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ địa phương.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao nhiệm vụ cho các tổ chứctham mưu giúp việc để điều hành, quản lý, sử dụng Quỹ trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho các tổ chức tham mưu giúp việcđể điều hành, quản lý, sử dụng Quỹ địa phương.
Chương 2.
NGUỒN TÀI CHÍNH, QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ
Điều 5. Nguồn hình thành Quỹ
2. Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ: Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương; ngân sách cấp tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ địa phương.
3. Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Nguyên tắc phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ cho Quỹ trung ương và Quỹ địa phương
1. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%.
2. Trên cơ sở kinh phí phân chia cho các Quỹ địa phương quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ trình Quốc hội quyết định số kinh phí bổ sung cho các Quỹ địa phương trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, căn cứ vào chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy tiêu chuẩn đăng kiểm tại địa phương, hệ số khó khăn về nguồn thu của từng địa phương và theo công thức xác định được quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo.
3. Trong trường hợp cần thiết, giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia cho Quỹ trung ương, Quỹ địa phương phù hợp với từng thời kỳ căn cứ đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.
Điều 7. Nội dung chi của Quỹ
Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ; Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Nội dung chi của Quỹ bao gồm:
1. Chi bảo trì công trình đường bộ.
2. Chi cho các nhiệm vụ quản lý công trình đường bộ.
3. Các khoản chi khác có liên quan phục vụ cho công tác bảo trì công trình đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều 8. Quản lý tài chính Quỹ
1. Quy định về lập, giao dự toán thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ.
a. Hàng năm Bộ Giao thông vận tải lập kế hoạch tài chính về thu phí sử dụng đường bộ gửi Bộ Tài chính.
b. Các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải lập kế hoạch chi gửi Bộ Giao thông vận tải (đối với nội dung chi Quỹ trung ương), gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh (đối với nội dung chi Quỹ địa phương). Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét, tổng hợp dự toán chi Quỹ bảo trì đường bộ (trong đó xác định rõ phần ngân sách nhà nước bổ sung) vào dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan mình, gửi Bộ Tài chính.
c. Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
d. Trên cơ sở dự toán chi ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ (bao gồm nguồn thu phí sử dụng đường bộ, ngân sách cấp bổ sung) do Bộ Tài chính giao, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đối với Quỹ trung ương); Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh giao dự toán chi cho Sở Giao thông vận tải địa phương và các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đối với Quỹ địa phương).
2. Các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ có trách nhiệm tổ chức thu, nộp phí sử dụng đường bộ vào ngân sách nhà nước theo quy định và thực hiện chế độ báo cáo quyết toán số thu phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Các đơn vị được giao dự toán chi nguồn kinh phí của Quỹ có trách nhiệm triển khai việc đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện công tác bảo trì, quản lý công trình đường bộ theo quy định. Kho bạc Nhà nước kiểm soát các khoản chi từ Quỹ tương tự như các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
4. Việc quyết toán thu, chi Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ quyết toán năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cuối năm, nguồn phí sử dụng đường bộ thu được vượtso với dự toán giao, được chuyển sang năm sau để giao bổ sung dự toán chi cho bảo trì, quản lý công trình đường bộ.
5. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Quản lý nhà nước về đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
2. Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ trung ương theo quy định.
3. Chủ trì xem xét đề xuất về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ để ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ giữa Quỹ trung ương và Quỹ địa phương quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này cho phù hợp với từng thời kỳ.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Bảo đảm nguồn ngân sách trung ương cấp cho Quỹ trung ương.
2. Bảo đảm việc phân chia và cấp kinh phí cho các Quỹ địa phương.
3. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng Quỹ trung ương theo quy định hiện hành.
4. Hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, quy định đối với xe ô tô. Đề xuất việc phân chia kinh phí cho các Quỹ địa phương báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định.
5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Bảo đảm nguồn ngân sách địa phương cấp cho Quỹ địa phương.
2. Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ địa phương theo quy định.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2019.
2. Nghị định này thay thế các Nghị định sau đây:
a) Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;
b) Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012;
c) Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2014 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ
|