Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần 5

thuộc tính Luật

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần 5
Lĩnh vực: Giao thông
Loại dự thảo:Luật
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công an
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Dự kiến thông qua tại:Kì họp đang cập nhật - Khóa đang cập nhật

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

QUỐC HỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số:…../……/QH…..

DỰ THẢO 5

Ngày 03/9/2020

-------------

 

LUẬT

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

Quốc hội ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người được chở trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

2. Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

3. Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới.

4. Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

5. Đường không ưu tiên là đường giao cùng mức với đường ưu tiên.

6. Phần đường xe chạy là phần mặt của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông đi lại.

7. Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đi lại.

8. Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đi lại.

9. Làn đường xe chạy là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường xe chạy.

10. Nơi đường giao nhau cùng mức là nơi hai hay nhiều đường bộ hoặc đường bộ và đường sắt gặp nhau trên cùng một mặt bằng.

11. Tốc độ tối đa là tốc độ lớn nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường.

12. Tốc độ tối thiểu là tốc độ nhỏ nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường.

13. Xe ưu tiên là xe được quyền ưu tiên theo quy định của Luật này.

14. Người điều khiển giao thông là người có trách nhiệm quyết định quyền và thứ tự lưu thông của các đối tượng tham gia giao thông, gồm Cảnh sát giao thông và các lực lượng khác được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông tại nơi phức tạp về trật tự giao thông, nơi có sự cố giao thông, nơi thi công, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.

15. Ùn tắc giao thông là tình trạng phương tiện giao thông di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được do mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt quá khả năng lưu thông của đường bộ hoặc do điều kiện bất khả kháng như: tai nạn giao thông, sự cố, tình huống về an ninh, trật tự, gây cản trở hoạt động giao thông.

16. Tai nạn giao thông đường bộ là sự việc bất ngờ xảy ra khi người và phương tiện tham gia giao thông đang hoạt động trên đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc gặp phải sự cố bất ngờ không kịp phòng tránh, gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc tài sản.

17. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hệ thống phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Bảo đảm hoạt động giao thông trật tự, an toàn, thông suốt; chủ động phòng ngừa tai nạn, vi phạm và ùn tắc giao thông; bảo vệ quyền con người; góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Bộ Công an chịu trách nhiệm chính.

3. Người tham gia giao thông phải tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, có trách nhiệm giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác; được pháp luật bảo vệ khi tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

4. Mọi hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Mọi hậu quả do vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

5. Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Điều 5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là việc làm quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

1. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

a) Quy tắc giao thông; người điều khiển giao thông; hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ;

b) Điều kiện an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; những hành vi bị cấm;

c) Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nghĩa vụ tôn trọng và chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

d) Văn hóa khi tham gia giao thông; các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông; kỹ năng lái xe an toàn; nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông;

đ) Hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và chế tài xử lý;

e) Các nội dung cần thiết khác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Hình thức tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

a) Họp báo, thông cáo báo chí;

b) Phổ biến, hướng dẫn pháp luật trực tiếp; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật;

c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; mạng internet;

d) Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật;

đ) Thông qua giải quyết công việc có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

e) Thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở;

g) Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân;

h) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

2. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

3. Điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định.

4. Điều khiển xe đi ngược chiều, quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc và trong hầm đường bộ, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

5. Điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp buông cả hai tay hoặc dùng chân điều khiển.

6. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

7. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

8. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

9. Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

10. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

11. Rú ga liên tục trong đô thị và khu đông dân cư.

12. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép; lạng lách, đánh võng.

13. Điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sử dụng giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

14. Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có giấy đăng ký xe tham gia giao thông đường bộ hoặc có nhưng đã hết niên hạn sử dụng.

15. Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

16. Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.

17. Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe.

18. Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

19. Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, giấy đăng ký xe.

20. Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, trừ trường hợp mua, bán biển số xe trúng đấu giá.

21. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn, bộ phận giảm thanh không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; gắn biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không đúng vị trí hoặc che, dán toàn bộ hoặc một phần biển số khi tham gia giao thông.

22. Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

23. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm.

24. Thay đổi, xóa dấu vết, tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông.

25. Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

26. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

27. Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở giao thông, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

28. Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.

29. Đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông.

30. Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.

31. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép; tụ tập đông người trái phép gây cản trở giao thông; họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; thả rông súc vật trên đường bộ; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường.

32. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

33. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

 

Chương II

QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 7. Quy tắc chung

1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ.

2. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp, trẻ em, người già và người khuyết tật.

3. Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

4. Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

5. Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Điều 8. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông được quy định như sau:

1. Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại.

2. Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi.

3. Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

Điều 9. Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ

1. Người tham gia giao thông phải chấp hành theo thứ tự như sau:

a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

b) Tín hiệu đèn giao thông;

c) Biển báo hiệu;

d) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

2. Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, quy định như sau:

a) Tín hiện xanh được đi;

b) Tín hiệu đỏ cấm đi;

c) Tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng trừ trường hợp đã vượt quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy được đi nhưng phải giảm tốc độ chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Điều 10. Người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông

1. Người đi bộ:

a) Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường;

b) Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ;

c) Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải chú ý quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường;

d) Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

2. Người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông:

a) Người khuyết tật sử dụng xe lăn có hoặc không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ;

b) Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị;

c) Người mắc bệnh tâm thần, những người hạn chế về mặt trí tuệ khi tham gia giao thông cần có người giám hộ dẫn dắt;

d) Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt;

đ) Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Điều 11. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác

1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.

Người điều khiển xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật này.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) phải đội đúng loại mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và cài quai đúng quy cách.

3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe.

4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

Điều 12. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi trên đường bộ

1. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

Khi dừng trên lòng đường không được gây cản trở cho các phương tiện khác đang tham gia giao thông.

2. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

3. Không được thả súc vật trên đường.

Điều 13. Người lái xe, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

1. Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

a) Chở người bệnh đi cấp cứu;

b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Trẻ em dưới 14 tuổi;

d) Người già yếu, người khuyết tật.

2. Người lái xe, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm đúng loại cho người đi mô tô, xe máy và cài quai đúng quy cách.

3. Người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;

đ) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh;

b) Sử dụng ô (dù);

c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Điều 14. Chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ

1. Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe liền trước trên cùng làn đường hoặc phần đường.

2. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông.

3. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau:

a) Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;

b) Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;

c) Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận;

d) Qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;

đ) Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung đông người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông;

e) Có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường;

g) Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;

h) Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;

i) Gặp xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ; gặp xe siêu trường, xe siêu trọng, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ;

k) Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;

l) Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực đang tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khu vực trạm thu phí.

4. Tốc độ lưu hành trên đường bộ

a) Tốc độ lưu hành trên đường bộ là giới hạn tốc độ (tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu) cho phép phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả tuyến đường;

b) Tốc độ lưu hành trên đường bộ được xác định trên cơ sở tốc độ thiết kế của tuyến đường bộ, hiện trạng kỹ thuật của đường bộ, điều kiện thời tiết, khí hậu, lưu lượng, chủng loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ;

c) Đối với đường đôi, giá trị giới hạn tốc độ cho từng chiều đường có thể khác nhau; trên cùng một chiều đường có nhiều làn đường, giá trị giới hạn tốc độ của các làn đường có thể khác nhau.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể giới hạn tốc độ lưu hành và khoảng cách an toàn của phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ.

Điều 15. Sử dụng làn đường

1. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

2. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước bằng đèn hoặc bằng tay đối với xe thô sơ và phải bảo đảm an toàn.

3. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

4. Các phương tiện di chuyển trên các làn đường cùng chiều của các đường có từ hai làn đường trở lên mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau và phải chấp hành quy định về tốc độ, quy định về làn đường dành riêng cho một hoặc một số loại phương tiện.

5. Trên làn đường dành riêng cho một loại phương tiện, người điều khiển loại phương tiện khác không được đi vào làn đường đó.

Ở những nơi có làn đường dành cho xe ưu tiên, chỉ xe ưu tiên mới được đi vào làn đường này.

6. Trên đường hai chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại.

Điều 16. Vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt

1. Khi vượt, các xe phải vượt về phía bên trái của xe bị vượt theo chiều di chuyển, trừ các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này thì được vượt về bên phải.

2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

3. Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây cản trở đối với xe xin vượt.

Trường hợp người điều khiển phương tiện phía trước quan sát phần đường phía trước có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì bật tín hiệu chuyển hướng sang trái hoặc đưa tay trái ra hiệu cho xe phía sau biết là chưa vượt được.

4. Khi đã vượt qua, người điều khiển phương tiện phải bật tín hiệu chuyển hướng sang phải, đi vào đúng làn đường của mình.

5. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, xe ở một làn chạy nhanh hơn xe ở làn khác thì không phải là vượt.

6. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn. Xe thô sơ không có còi hoặc đèn thì người điều khiển phương tiện xin vượt bằng tay.

7. Các trường hợp được phép vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

8. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế; trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;

g) Nơi có biển báo cấm vượt;

h) Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

i) Ở gầm cầu hoặc đường hầm.

Điều 17. Chuyển hướng xe

1. Chuyển hướng xe là tình huống giao thông mà phương tiện rẽ trái hoặc rẽ phải hoặc quay đầu xe.

2. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ bằng đèn hoặc bằng tay đối với xe thô sơ. Tín hiệu báo hướng rẽ được sử dụng liên tục trong quá trình chuyển hướng và phải kết thúc sau khi chuyển hướng xong.

3. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

4. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau hoặc nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

5. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất; nơi có biển báo cấm quay đầu; trên đường một chiều, trừ khi có sự chỉ huy, điều khiển của Cảnh sát giao thông hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Điều 18. Lùi xe

1. Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

2. Không được lùi xe ở đường một chiều, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.

Điều 19. Tránh xe đi ngược chiều

1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:

a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;

b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;

c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.

Điều 20. Dừng xe, đỗ xe

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng xe, đỗ xe;

b) Khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo phanh tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn;

c) Trường hợp phương tiện gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe và có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp;

d) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường;

đ) Việc dừng, đỗ xe không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông.

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố (dưới 40 mét trên đường bộ) đối với đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;

e) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

g) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

h) Nơi dừng của xe buýt;

i) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào;

k) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;

l) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

m) Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;

n) Trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, hè phố trái quy định.

5. Trên đường bộ, người điều khiển phương tiện dừng, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

6. Trên đường phố, người điều khiển phương tiện ngoài phải tuân theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau:

a) Tại nơi có quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

b) Dừng, đỗ xe phải sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.

Điều 21. Mở cửa xe

1. Trước khi mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau và bên phía mở cửa xe, khi thấy an toàn mới được mở cửa.

2. Không được mở cửa, để cửa mở khi phương tiện đang di chuyển.

Điều 22. Sử dụng đèn

1. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm hoặc khi có sương mù, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:

a) Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; đèn sương mù trong điều kiện sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất);

b) Đèn chiếu hậu;

c) Đèn định vị được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

2. Người điều khiển phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:

a) Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;

b) Khi gặp xe đi ngược chiều.

3. Người lái xe ô tô chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu vàng gắn trên nóc xe để cảnh báo cho người tham gia giao thông.

Điều 23. Sử dụng tín hiệu còi

1. Tín hiệu còi của phương tiện chỉ sử dụng khi:

a) Báo hiệu tránh tai nạn giao thông;

b) Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.

2. Không được sử dụng còi liên tục, không được sử dụng còi từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Điều 24. Nhường đường tại nơi đường giao nhau

Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

1. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới hoặc dừng lại quan sát chỉ khi bảo đảm an toàn mới nhập vào đường chính hoặc đường ưu tiên.

2. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải.

3. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái.

Điều 25. Qua phà, qua cầu phao

1. Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.

2. Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật.

3. Xe cơ giới phải xuống phà trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống phà sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

4. Thứ tự ưu tiên qua phà, qua cầu phao quy định như sau:

a) Các xe được quyền ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này;

b) Xe chở thư báo;

c) Xe chở thực phẩm tươi sống;

d) Xe chở khách công cộng.

Trong trường hợp các xe cùng loại ưu tiên đến bến phà, cầu phao thì xe nào đến trước được qua trước.

Điều 26. Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt

1. Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.

2. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

3. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

4. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại, quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

5. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

6. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

Điều 27. Giao thông trên đường cao tốc

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc;

b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấpphần lề đường;

d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy; trường hợp không thể di chuyển được, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, nhanh chóng báo cho cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.

Điều 28. Giao thông trong hầm đường bộ

Người điều khiển phương tiện trong hầm đường bộ ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải bật đèn chiếu gần; xe thô sơ phải bật đèn hoặc có vật phát sáng báo hiệu.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ, trừ nơi có bố trí điểm dừng, đỗ xe khẩn cấp.

Trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải đưa xe vào vị trí điểm dừng, đỗ xe khẩn cấp; trường hợp không thể di chuyển được, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe, nhanh chóng báo cho cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý hầm đường bộ.

Điều 29. Quyền ưu tiên và tín hiệu ưu tiên của một số loại xe

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Tín hiệu ưu tiên:

a) Tín hiệu của xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ: Xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên;

b) Tín hiệu của xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp: Xe ô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên;

c) Tín hiệu của xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát dẫn đường: Xe ô tô, mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh và đỏ, có còi phát tín hiệu ưu tiên; riêng xe Cảnh sát dẫn đường có thêm cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái;

d) Tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu: Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên;

đ) Tín hiệu của xe hộ đê đi làm nhiệm vụ, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật: Xe có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh có biển hiệu riêng theo quy định của pháp luật.

3. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, đèn theo quy định, riêng xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe Cảnh sát dẫn đường có thêm cờ hiệu; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

4. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, trạm thu phí đường bộ phải thông trạm, không gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

5. Chính phủ quy định cụ thể về quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Điều 30. Trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng

1. Chỉ được chở người trên xe ô tô chở hàng trong các trường hợp sau đây:

a) Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu;

b) Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn;

c) Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

2. Xe ô tô chở người trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải có thùng cố định, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Điều 31. Xe kéo xe và xe kéo rơ moóc

1. Một xe ô tô chỉ được kéo theo một xe ô tô hoặc xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;

b) Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng;

c) Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu; có đèn cảnh báo dạng chớp phát sáng màu vàng vào ban đêm.

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xe kéo rơ moóc, xe kéo sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác;

b) Chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển;

c) Kéo theo xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô.

Điều 32. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ

1. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải thống nhất phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với cơ quan Công an trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan Công an thông báo công khai phương án phân luồng giao thông và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

3. Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

 

Chương III

PHƯƠNG TIỆN VÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN

THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Mục 1

PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 33. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Được cấp đăng ký và gắn biển số theo quy định tại Điều 34 Luật này.

3. Có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ

1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đường bộ phải đăng ký và cấp biển số.

2. Điều kiện đăng ký, cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

a) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật; bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

b) Thông tin, giấy tờ của tổ chức, cá nhân, người đến đăng ký xe theo quy định của pháp luật;

c) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe;

d) Thực hiện đầy đủ các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật.

3. Những trường hợp không được cấp đăng ký và biển số xe

a) Hồ sơ không đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tranh chấp dân sự đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật;

c) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền bị cắt hàn số máy, số khung hoặc chỉ cắt hàn số máy hoặc số khung hoặc xe đục số máy, số khung hoặc đục số máy hoặc đục số khung;

d) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tự ý thay đổi màu sơn, kẻ vẽ, quảng cáo, lắp đặt thiết bị lên xe, tính năng sử dụng của xe không đúng quy định.

4. Các hình thức cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng

a) Cấp biển số bằng hình thức ngẫu nhiên xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe;

b) Cấp biển số xe thông qua đấu giá.

5. Cấp đăng ký, biển số tạm thời đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: Xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông; xe đăng ký ở nước ngoài được cơ quan thẩm quyền cho phép vào Việt Nam; xe phục vụ các sự kiện đặc biệt quan trọng; xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam và xe có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng.

6. Biển số xe gồm tổ hợp số, chữ số Ả rập và chữ cái La tinh viết hoa; chữ và số trên biển số đăng ký phải được gắn vào phía trước và phía sau xe ô tô theo quy định; các xe khác gắn ít nhất một biển số vào phía sau xe.

7. Giấy chứng nhận đăng ký xe có các trường thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh: Biển số xe; họ và tên, địa chỉ chủ xe; nhãn hiệu, số loại, màu sơn; số khung, số máy; trọng tải, số người cho phép chở (đối với xe ô tô), công suất động cơ (đối với xe máy chuyên dùng).

8. Thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới (trừ biển số xe ô tô trúng đấu giá), xe máy chuyên dùng

a) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng hỏng không sử dụng được hoặc xe bị phá huỷ do nguyên nhân khách quan;

b) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tháo máy, khung để thay thế cho xe khác;

c) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam;

d) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được miễn thuế nhập khẩu, nay chuyển nhượng sang mục đích khác;

đ) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam;

e) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe;

g) Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có giấy chứng nhận đăng ký xe hết thời hạn sử dụng; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có kết luận của cơ quan thẩm quyền bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung;

h) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu;

i) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định.

9. Chính phủ quy định đấu giá biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Quy định lộ trình sử dụng biển số xe điện tử phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và công nghệ.

10. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sử dụng vào mục đích quốc phòng và hình thức cấp biển số các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Điều 35. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe

1. Thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cập nhật thông tin khai báo của chủ xe khi thay đổi địa chỉ; xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được, xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan, xe mất cắp để làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe theo quy định.

3. Thông báo xe hết niên hạn sử dụng, xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật cho chủ xe biết, thực hiện thu hồi đăng ký, biển số xe và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý hồ sơ, dữ liệu đăng ký xe cơ giới, xe máy chuyên dùng

Điều 36. Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký xe và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe, hồ sơ đăng ký xe; chứng minh quyền sở hữu phương tiện.

2. Cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe chịu trách nhiệm nếu xe đó vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trừ trường hợp chứng minh hoặc giải trình người khác điều khiển xe vào thời điểm vi phạm.

3. Làm thủ tục đăng ký lại sau khi xe được cải tạo, thay đổi màu sơn theo quy định hoặc thay đổi tên chủ xe.

4. Khai báo khi thay đổi địa chỉ đối với chủ xe là cơ quan, tổ chức.

5. Khi hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe (trừ biển số xe ô tô thông qua đấu giá) cho cơ quan đăng ký xe.

6. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.

7. Nộp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe khi xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được, xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan, xe mất cắp để cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe.

Điều 37. Quản lý xe ô tô không người lái, phương tiện giao thông đa tính năng

1. Xe ô tô không người lái, phương tiện giao thông đa tính năng chỉ được hoạt động trong phạm vi quy định và phải bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông, an ninh, trật tự.

2. Chính phủ quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe ô tô không người lái, phương tiện giao thông đa tính năng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và công nghệ.

 

Mục 2

NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN

THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 38. Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn;

b) Có giấy phép lái xe còn hiệu lực phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (đối với người điều khiển xe cơ giới);chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng và có một trong các hạng giấy phép lái xe còn hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng);

c) Đủ độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật này (đối với người điều khiển xe gắn máy);

d) Phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ (đối với người điều khiển xe thô sơ).

2. Người tập lái xe ô tô, người dự sát hạch lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái, xe sát hạch trên tuyến đường tập lái, tuyến đường sát hạch, có giáo viên hoặc sát hạch viên bảo trợ tay lái theo quy định của pháp luật.

3. Các giấy tờ người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo khi tham gia giao thông:

a) Giấy phép lái xe, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng;

b) Giấy đăng ký xe;

c) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

d) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với loại xe có quy định phải kiểm định.

Điều 39. Giấy phép lái xe

1. Giấy phép lái xe gồm các trường thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh như sau:

a) Họ, tên, tên gọi khác;

b) Ngày sinh; nơi sinh;

c) Ngày cấp; ngày hết hạn giấy phép;

d) Tên, dấu, chữ ký của cơ quan cấp giấy phép;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Số giấy phép lái xe;

g) Ảnh của người được cấp giấy phép;

h) Chữ ký của người được cấp;

i) Các loại phương tiện mà hạng giấy phép lái xe có hiệu lực.

Các thông tin về nơi cư trú của người có giấy phép lái xe, ngày cấp phép cho từng loại phương tiện, cơ sở đào tạo lái xe, cơ quan sát hạch cấp giấy phép lái xe, điểm của giấy phép lái xe và các thông tin khác được mã hóa bằng thông tin điện tử trong giấy phép lái xe và phần mềm quản lý giấy phép lái xe.

2. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, khối lượng và công dụng của xe, giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A01 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3đến 175 cm3 hoặc động cơ điện có công suất định mức liên tục tương đương;

b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 175 cm3 trở lên hoặc động cơ điện có công suất định mức liên tục tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A01;

c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A01;

d) Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg;

đ) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B;

e) Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B, C;

g) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B, C, D2;

h) Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;

i) Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc;

k) Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;

l) Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.

3. Người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật.

4. Trường hợp xe được bố trí số chỗ ít hơn xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương thì hạng giấy phép lái xe được tính theo xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương.

5. Người có giấy phép lái xe ô tô được điều khiển xe ô tô chuyên dùng có trọng tải và số chỗ tương ứng được quy định theo hạng giấy phép lái xe.

6. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

a) Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp;

b) Giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Viên) cấp đối với người nước ngoài;

c) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau theo nguyên tắc có đi có lại;

d) Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cùng là thành viên cấp.

7. Giấy phép lái xe không có hiệu lực trong các trường hợp:

a) Giấy phép lái xe đang trong thời gian bị áp dụng các hình thức xử phạt tước quyền sử dụng;

b) Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng;

c) Giấy phép lái xe có Quyết định thu hồi theo quy định tại khoản 4 Điều 43 của Luật này.

8. Thời hạn của giấy phép lái xe:

a) Giấy phép lái xe hạng A01, A2, A3 không thời hạn;

b) Giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;

c) Giấy phép lái xe hạng C, D2, D, BE, CE, D2E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

9. Giấy phép lái xe quốc tế

a) Giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất; có thời hạn không quá 3 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia;

b) Người có giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp khi lái xe tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại;

c) Người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi lái xe tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam;

d) Người có giấy phép lái xe quốc tế vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam mà bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe quốc tế có thời hạn thì thời hạn bị tước không quá thời gian người lái xe được phép cư trú tại lãnh thổ Việt Nam.

Điều 40. Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, xe máy điện;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A01, A2, A3, B;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D2, CE;

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D2E, DE;

e) Tuổi tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với từng hạng giấy phép lái xe.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe, cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin liên quan đến sức khỏe người lái xe.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về độ tuổi người lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 41. Đào tạo lái xe

1. Nguyên tắc đào tạo lái xe:

a) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo lái xe phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, đào tạo lái xe;

b) Công khai kết quả đào tạo lái xe;

c) Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe;

d) Người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu.

2. Người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết thúc khoá học, người học lái xe được cơ sở đào tạo kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo.

3. Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho những trường hợp sau đây:

a) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B lên hạng C hoặc lên hạng D2;

b) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D2 hoặc lên hạng D;

c) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D2 lên hạng D;

d) Nâng hạng giấy phép lái xe từ các hạng B, C, D2, D lên các hạng giấy phép lái các xe tương ứng BE, CE, D2E, DE.

4. Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 3 Điều này phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe; người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D2, D tối thiểu phải có trình độ văn hóa trung học cơ sở.

5. Việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng D2, D và hạng BE, CE, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng với các điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Cơ sở đào tạo lái xe là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe, được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ cơ sở đào tạo lái xe phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

a) Cơ sở đào tạo lái xe phải có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật; con người và cơ chế vận hành;

b) Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình đào tạo quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.

7. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục để cấp giấy phép cho cơ sở đào tạo lái xe ô tô, xe tập lái, giáo viên dạy lái xe. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo lái xe, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về đào tạo lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 42. Sát hạch lái xe

1. Nguyên tắc sát hạch lái xe:

a) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác sát hạch lái xe phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sát hạch lái xe;

b) Bảo đảm chính xác, công khai quá trình tổ chức sát hạch và kết quả sát hạch lái xe;

c) Sử dụng công nghệ thông tin để quản lý.

2. Người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch.

3. Nội dung sát hạch gồm: Kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi lái xe, các vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông trên sa hình và điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

4. Người sát hạch lái xe phải có thẻ sát hạch viên theo quy định và phải chịu trách nhiệm về kết quả sát hạch của mình.

5. Trung tâm sát hạch lái xe được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trung tâm sát hạch lái xe phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

6. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe được thực hiện tại các Trung tâm sát hạch lái xe. Đối với sát hạch lái xe mô tô có thể thực hiện tại các sân tập lái đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

7. Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, cấp phép cho Trung tâm sát hạch lái xe. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sát hạch lái xe, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 43. Cấp, cấp lại, đổi và thu hồi giấy phép lái xe

1. Người tham dự kỳ thi sát hạch nếu đạt yêu cầu sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã được sát hạch.

2. Giấy phép lái xe được cấp lại trong những trường hợp sau:

a) Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng;

b) Giấy phép lái xe bị mất.

3. Giấy phép lái xe được đổi trong các trường hợp sau:

a) Giấy phép lái xe bị hỏng;

b) Giấy phép lái xe có thay đổi hoặc sai lệch về thông tin ghi trên giấy phép lái xe;

c) Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng cấp mà người lái xe không còn phục vụ trong lực lượng quân đội.

4. Giấy phép lái xe bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế đối với từng hạng giấy phép lái xe;

b) Có hành vi gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới và sử dụng giấy phép lái xe;

c) Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

d) Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng.

 6. Chính phủ quy định việc đổi giấy phép lái xe của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Điều 44. Điểm của giấy phép lái xe; trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe

1. Giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới.

2. Trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe

a) Trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính) được áp dụng đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại;

c) Giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

3. Chính phủ quy định về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục, trừ, phục hồi điểm của giấy phép lái xe.

 

Chương IV

TỔ CHỨC AN TOÀN, CHỈ HUY, ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

VÀ GIẢI QUYẾT ÙN TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 45. Tổ chức an toàn giao thông

1. Chỉ huy, điều khiển giao thông; vận hành hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, đèn và hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

2. Tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông đường bộ khi có tình huống ùn tắc, tai nạn giao thông đường bộ, thiên tai, hỏa hoạn hoặc các tình huống đột xuất khác.

3. Quy định người, phương tiện giao thông đường bộ đi lại khu vực cấm, đường cấm hoặc hạn chế, cấm phương tiện giao thông đường bộ hoạt động tại một khu vực, tuyến đường trong một khoảng thời gian nhất định.

4. Bảo đảm an toàn giao thông các sự kiện trên đường bộ.

5. Bảo đảm an toàn các phương tiện siêu trường, siêu trọng tham gia giao thông trên đường bộ.

6. Kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên đường bộ đang khai thác, sử dụng.

7. Phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông.

Điều 46. Chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Chỉ huy, điều khiển giao thông được thực hiện thông qua:

a) Người điều khiển giao thông;

b) Đèn, hệ thống đèn tín hiệu giao thông;

c) Các biển báo hiệu, tín hiệu tạm thời.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hoạt động chỉ huy, điều khiển giao thông của lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng khác được huy động để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về hướng dẫn giao thông đối với người được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông tại bến phà, nơi thi công công trình đường bộ.

Điều 47. Bảo đảm an toàn giao thông các sự kiện trên đường bộ

1. Thông báo công khai phương án phân luồng giao thông để người tham gia giao thông biết, chấp hành.

2. Tổ chức thực hiện việc phân luồng, phân tuyến, cấm đường tạm thời, hạn chế đi lại trên một số tuyến đường nơi tổ chức các sự kiện.

3. Giải quyết các tình huống xảy ra trên đường bộ làm mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.

Điều 48. Bảo đảm an toàn giao thông phương tiện siêu trường, siêu trọng tham gia giao thông đường bộ

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành cho phương tiện siêu trường, siêu trọng tham gia giao thông trên đường bộ phải thông báo cho cơ quan Công an.

2. Cơ quan Công an phối hợp bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện siêu trường, siêu trọng và người, phương tiện khác tham giao thông. Trường hợp cần thiết, cơ quan Công an yêu cầu phương tiện siêu trường, siêu trọng đi theo tuyến đường, thời gian, tốc độ phù hợp để bảo đảm an toàn.

Điều 49. Kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên đường bộ đang khai thác, sử dụng

1. Những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên đường bộ gồm:

a) Hạ tầng giao thông bị hư hỏng;

b) Phân làn, phân luồng, phân tuyến chưa phù hợp;

c) Hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định về tốc độ bất hợp lý;

d) Tuyến đường, đoạn tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài;

đ) Vị trí thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông;

e) Sử dụng đường bộ không đúng chức năng, mục đích;

g) Những bất hợp lý về tổ chức giao thông khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông.

2. Trách nhiệm giải quyết:

a) Cơ quan Công an tiến hành ghi nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân những bất hợp lý về tổ chức giao thông và kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Tạm thời đình chỉ hoạt động giao thông khu vực không bảo đảm an toàn giao thông và đề nghị cơ quan quản lý đường bộ phải lắp đặt biển báo cấm tạm thời;

b) Cơ quan quản lý, khai thác, vận hành đường bộ khi tiếp nhận kiến nghị của cơ quan Công an phải tổ chức kiểm tra, khắc phục kịp thời những bất hợp lý về tổ chức giao thông (nếu có) và thông báo kết quả khắc phục.

Điều 50. Giải quyết ùn tắc giao thông

1. Giải quyết ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên

Đánh giá nguyên nhân, tính chất, quy mô, mức độ các vụ ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên để thực hiện một hoặc các biện pháp sau đây:

a) Bố trí lực lượng, phương tiện phân luồng, hướng dẫn, chỉ huy điều khiển giao thông tại các điểm phức tạp về trật tự, an toàn giao thông;

b) Tổ chức phân lại luồng, phân lại làn phương tiện giao thông, bố trí các điểm đỗ xe hợp lý và khoa học;

c) Điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu giao thông phù hợp với tình hình và lưu lượng phương tiện giao thông;

d) Xử lý các hành vi vi phạm gây cản trở giao thông theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

đ) Công bố khung giờ cao điểm để áp dụng các biện pháp kinh tế, hành chính, kỹ thuật phù hợp;

e) Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong điều hành, hướng dẫn giao thông; vận hành trung tâm chỉ huy giao thông hợp lý, khoa học;

g) Thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng lưu lượng phương tiện giao thông thực tế;

h) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Giải quyết ùn tắc giao thông do các sự cố đột xuất

a) Trách nhiệm của cơ quan Công an: Khi tiếp nhận thông tin về ùn tắc giao thông phải nhanh chóng tiếp cận nơi xảy ra ùn tắc, bố trí lực lượng triển khai các biện pháp chỉ huy, điều khiển giao thông phù hợp quy mô, mức độ ùn tắc giao thông; cung cấp tình hình ùn tắc giao thông; phối hợp với các đơn vị, lực lượng liên quan triển khai các biện pháp khắc phục ùn tắc giao thông.

b) Trách nhiệm của cơ quan quản lý, khai thác, vận hành đường bộ: khi phát hiện ùn tắc giao thông, thông báo ngay cho cơ quan Công an; phối hợp thực hiện các biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông.

3. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành cải tạo, nâng cấp hoặc thi công, sửa chữa các công trình trên đường bộ đang khai thác, sử dụng phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt và gửi cơ quan Công an trước khi thực hiện.

 

Chương V

GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 51. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện không gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và thông báo cho cơ quan Công an theo số điện thoại 113, gọi cấp cứu 115;

b) Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc quay trở lại hiện trường.

c) Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông và thông tin xác thực của vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan Công an, Y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ, quản lý tài sản của người bị nạn;

đ) Ghi lại biển số xe, đặc điểm của xe liên quan đến vụ tai nạn giao thông (nếu có), cung cấp thông tin, hình ảnh xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông.

3. Trường hợp sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa nạn nhân đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân trên hiện trường, tránh làm thay đổi, biến mất những dấu vết hữu ích đối với việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

4. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, trừ xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

Điều 52. Trách nhiệm của cơ quan y tế

1. Tiếp nhận và tổ chức cấp cứu người có liên quan đến tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật. Mọi trường hợp cấp cứu ban đầu về tai nạn giao thông đều phải được kiểm tra nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng theo quy định của pháp luật

2. Bố trí, phân công người, phương tiện sẵn sàng cho việc sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu nạn nhân sau khi tiếp nhận thông tin.

3. Nhanh chóng có mặt tại hiện trường, sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu nạn nhân sau khi tiếp nhận thông tin.

4. Cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của nạn nhân cho cơ quan Công an phục vụ công tác giải quyết tai nạn giao thông.

5. Cung cấp thông tin về họ tên, tình trạng thương tật của người bị nạn cho cơ quan Công an khi họ khai báo bị nạn do tai nạn giao thông để kiểm tra, xác minh.

6. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động hệ thống cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ và báo cáo, thống kê về trường hợp tai nạn giao thông đến cấp cứu, khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 53. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi giải quyết tai nạn giao thông

1. Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với cơ quan Công an, Y tế để xử lý, giải quyết vụ tai nạn giao thông; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất, sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất.

Điều 54. Trách nhiệm của cơ quan Công an

1. Tiếp nhận, xử lý tin báo về vụ tai nạn giao thông; cử người tới ngay hiện trường để phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ hiện trường, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

2. Tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật. Kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông phải có đủ các yếu tố liên quan trực tiếp (người điều khiển phương tiện; an toàn kỹ thuật phương tiện; cơ sở hạ tầng giao thông, các yếu tố bất ngờ), xác định hậu quả thiệt hại. Căn cứ vào nguyên nhân và hậu quả thiệt hại, tổ chức cho các bên hòa giải đền bù thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra hoặc hướng dẫn ra tòa án dân sự trong trường hợp các bên không tự hòa giải được.

3. Thống kê, tổng hợp về tai nạn giao thông; kiến nghị các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, trừ trường hợp quy định tại Điều 55 luật này.

Điều 55. Trách nhiệm của cơ quan Quân đội

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm do người, phương tiện Quân đội quản lý gây ra hoặc vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm do người ngoài Quân đội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người do Quân đội quản lý hoặc gây thiệt hại đến tài sản Quân đội.

Điều 56. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, khai thác, vận hành đường bộ và cơ quan, đơn vị kiểm định

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, khai thác, vận hành đường bộ

a) Phối hợp với cơ quan Công an để tổ chức cứu nạn, cứu hộ, điều tiết, hướng dẫn giao thông;

b) Cung cấp hồ sơ, tài liệu tại khu vực nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông khi xác định nguyên nhân có liên quan đến hạ tầng giao thông;

c) Phối hợp với cơ quan chức năng để tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường, hầm đường bộ, liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm định

a) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông trong việc khám nghiệm phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn giao thông khi có yêu cầu;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình kiểm định của phương tiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông.

Điều 57. Trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm

1. Khi được thông báo về vụ tai nạn giao thông, phải cử nhân viên bảo hiểm tới ngay hiện trường, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông.

2. Có trách nhiệm trong việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra theo đúng quy định; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông.

 

Chương VI

THỰC THI PHÁP LUẬT TRONG PHÁT HIỆN, XỬ LÝ VI PHẠM

 VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 58. Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Cảnh sát giao thông là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vi phạm pháp luật khác của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

a) Phục vụ, giúp đỡ người tham gia giao thông đường bộ được thuận lợi, thông suốt và an toàn; hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, để kiểm soát người và phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

c) Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các vi phạm pháp luật khác theo quy định. Được sử dụng các biện pháp trực tiếp điều khiển, cẩu, kéo hoặc thuê tổ chức, cá nhân điều khiển, cẩu, kéo đưa phương tiện giao thông đường bộ vi phạm theo quy định phải bị tạm giữ hoặc vi phạm dừng, đỗ gây ùn tắc, cản trở giao thông về nơi tạm giữ trong trường hợp người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành việc tạm giữ phương tiện; người điều khiển phương tiện vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc thuê đưa phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;

d) Được yêu cầu tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự, xã hội.

Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông được huy động phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản;

đ) Chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ; tham gia phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

e) Được trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ

a) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Thực hiện kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; điều kiện tham gia giao thông của phương tiện, người điều khiển phương tiện; việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

c) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;

d) Có tin báo, tố cáo của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông và huy động các lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết.

Điều 59. Hình thức phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông

1. Thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

2. Thông qua trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và an ninh, trật tự.

3. Sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp.

4. Thông qua kiểm tra, xác minh tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 60. Xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN

GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 61. Nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

 1. Xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

4. Trật tự, an toàn phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

6. Tổ chức an toàn, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ.

7. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

8. Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quản lý, vận hành trung tâm chỉ huy, giám sát, điều khiển giao thông đường bộ.

10. Thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông đường bộ.

11. Hợp tác quốc tế về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 62. Trách nhiệm của Chính phủ

Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 63. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; báo cáo về tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ với Chính phủ.

2. Cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

3. Tổ chức kiểm định xe cơ giới của Công an sử dụng vào mục đích an ninh.

4. Quản lý đào tạo, sát hạch; cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe.

5. Chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ.

6. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thông báo tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ hoặc đột xuất.

8. Ban hành tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiêu chuẩn cơ sở ngành trong lĩnh vực an ninh theo quy định.

9. Trang bị phương tiện giao thông đường bộ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho Cảnh sát giao thông, các lực lượng Cảnh sát khác Công an xã để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

10. Thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đăng ký xe, xử lý vi phạm và quản lý người lái xe; kết nối, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

11. Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

12. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý an toàn giao thông trong xây dựng kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ; tiếp nhận chia sẻ, kết nối thông tin của hệ thống giao thông. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

13. Phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các vụ tai nạn giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng quy định của Luật này.

14. Chủ trì tham mưu với Chính phủ thực hiện hợp tác quốc tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này.

Điều 64. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Căn cứ các quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; phát triển phương tiện giao thông đường bộ; quản lý vận tải đường bộ.

2. Phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng, ban hành quy tắc giao thông đường bộ, chương trình, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Điều 65. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan

1. Bộ Quốc phòng:

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Quản lý, cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng;

b) Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng, lực lượng có liên quan kiểm tra, kiểm soát phương tiện quân sự và người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các vụ tai nạn giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng quy định tại Luật này.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào trong các môn học thuộc chương trình chính khóa phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, mục tiêu giáo dục, ngành đào tạo. Đối với học sinh đủ 15 tuổi phải được trang bị kiến thức cơ bản về an toàn giao thông đường bộ;

b) Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên;

3. Bộ Y tế:

a) Quản lý điều kiện về sức khỏe của người lái xe tham gia giao thông; phối hợp với Bộ Công an trong việc kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;

b) Xây dựng và triển khai các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ, cao tốc theo lộ trình Chính phủ quy định;

c) Cung cấp cho cơ quan Công an thông tin về người bị cấp cứu trong vụ tai nạn giao thông đường bộ.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thường xuyên, liên tục, rộng rãi đến toàn dân.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Ban hành tiêu chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô và xe máy;

b) Phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.

6. Bộ Tài chính:

 Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí liên quan theo quy định của Luật này; quy định kinh phí xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng khi cấp cứu ban đầu về tai nạn giao thông.

7. Bộ Xây dựng:

Chỉ đạo các cơ quan thuộc ngành xây dựng thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong công tác quy hoạch xây dựng, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng.

8. Bộ Công Thương:

Quản lý việc sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các linh kiện, phụ tùng, thiết bị của các phương tiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tạo lái xe.

Điều 66. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại địa phương.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý; tổ chức giao thông theo thứ tự ưu tiên cho người đi bộ, người điều khiển xe thô sơ, phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị; triển khai hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em tại các đô thị loại I trở lên;

b) Quy định người, phương tiện đi lại khu vực cấm, đường cấm trong một khoảng thời gian nhất định;

c) Quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác;

d) Chỉ đạo giải quyết ùn tắc giao thông thuộc phạm vi địa phương;

đ) Quy định điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương.

Điều 67. Trung tâm chỉ huy giao thông

1. Trung tâm chỉ huy giao thông gồm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hệ thống thông tin liên lạc; chỉ huy điều hành giao thông và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành.

2. Trung tâm chỉ huy giao thông phải được kết nối với các cơ sở dữ liệu sau:

a) Đèn và hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera điều hành giao thông;

b) Dữ liệu từ camera quan sát của các tổ chức, cá nhân khác để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự.

3. Đèn và hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera điều hành giao thông sau khi được đầu tư, xây dựng, hoàn thành phải chuyển giao vận hành cho cơ quan Công an.

4. Trung tâm chỉ huy giao thông do Bộ Công an quản lý và vận hành.

Điều 68. Cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và các công tác quản lý nhà nước khác có liên quan. Cơ sở dữ liệu dùng chung gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông;

b) Cơ sở dữ liệu về người điều khiển phương tiện giao thông;

c) Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới;

d) Cơ sở dữ liệu về tổ chức giao thông;

đ) Cơ sở dữ liệu về vi phạm hành chính;

e) Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.

2. Thông tin dữ liệu của xe ô tô kinh doanh vận tải, hệ thống quản lý điều hành giao thông được kết nối, chia sẻ, cung cấp cho Bộ Công an để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự.

3. Chính phủ quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 69. Kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 70. Hợp tác quốc tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia với các nước; khuyến khích các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 71. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày …….tháng……….. năm ………

2. Luật này thay thế Luật.....

Điều 72. Quy định chuyển tiếp

1. Giấy phép lái xe hạng A2, A3 giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng khi có nhu cầu.

2. Giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được đổi, cấp lại như sau:

a) Giấy phép lái xe hạng A01 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A1;

b) Giấy phép lái xe hạng B đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A4, B1, B2;

c) Giấy phép lái xe hạng C đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng C;

d) Giấy phép lái xe hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng hạng D;

đ) Giấy phép lái xe hạng D đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng E;

e) Giấy phép lái xe hạng BE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FB2;

g) Giấy phép lái xe hạng CE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe FC;

h) Giấy phép lái xe hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FD;

i) Giấy phép lái xe hạng DE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FE.

3. Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực và có giá trị tương đương với giấy phép lái xe các hạng B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE theo quy định của Luật này.

 

-----------------------

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa….., kỳ họp thứ….. thông qua ngày…..tháng…..năm…..

 

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY