Ít ai biết: Đèn đỏ được rẽ phải, rẽ trái, đi thẳng trong các trường hợp sau

Hầu hết người tham gia giao thông đều mặc định rằng cứ thấy đèn đỏ thì phải dừng lại trước vạch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, dù gặp đèn đỏ, bạn vẫn được phép đi thẳng, rẽ phải hoặc rẽ trái.


1. 5 trường hợp đèn đỏ được phép rẽ phải

(1) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:

2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Cùng với đó, Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT cũng nêu rõ, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành loại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đầu tiên.

Như vậy, nếu có hiệu lệnh của lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng cho phép rẽ phải thì kể cả khi đèn tín hiệu chuyển màu đỏ, người điều khiển phương tiện có thể yên tâm rẽ phải mà không lo bị phạt.

(2) Có biển báo phụ cho phép rẽ phải.

Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu. Biển này có nền màu xanh chữ viết màu trắng với nội dung như: “Đèn đỏ các phương tiện được rẽ phải”, có thể có kèm dòng chữ “Chú ý nhường đường cho người đi bộ”.

Nếu biển báo phụ cho phép rẽ phải thì khi gặp đèn đỏ, người tham gia giao thông hoàn toàn có quyền rẽ phải để tiếp tục hành trình của mình.

Lưu ý, lúc này các phương tiện phải bật đèn xi nhan và nhường đường cho người đi bộ.

(3) Có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp kèm theo.

Đèn tín hiệu phụ được lắp ngay cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường. Đèn phụ có hình mũi tên xanh (đỏ).

Khi đèn tín hiệu mũi tên chuyển xanh, người điều khiển phương tiện sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng vẫn phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi.

(4) Có vạch mắt võng.

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch kẻ kiểu mắt võng có màu vàng, được đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường đi.

Vạch này được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Trong khu vực vạch này mà có kèm mũi tên rẽ phải, các phương tiện đi trên đường bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.

(5) Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

Nếu có tiểu đảo phân luồng, người điều khiển phương tiện được phép rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.


2. 2 trường hợp đèn đỏ được phép rẽ trái

(1) Có biển báo phụ cho phép rẽ trái.

Tương tự như biển báo phụ cho phép rẽ phải, biển phụ cho phép rẽ trái cũng có dạng hình chữ nhật, nền xanh, chữ màu trắng.

Tuy nhiên nội dung của biển này sẽ ghi “Đèn đỏ các phương tiện được rẽ trái”, có thể có kèm dòng chữ “Chú ý nhường đường cho người đi bộ”

Nếu có biển báo này thì dù gặp đèn đỏ, các phương tiện được quyền rẽ trái để tiếp tục hành trình. 

(2) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông luôn được ưu tiên chấp hành hàng đầu. Như vậy, nếu Cảnh sát giao thông ra dấu bằng tay bằng tay, còi, cờ, gậy... cho phép rẽ trái thì người tham gia giao thông có thể yên tâm rẽ trái. 


3. 3 trường hợp đèn đỏ được đi thẳng

(1) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Mặc dù tín hiệu đèn đỏ yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe trước vạch nhưng khi có hiệu lệnh cho phép đi thẳng của các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phân luồng thì người này vẫn được đi tiếp.

Bởi theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, ngay cả khi hiệu lệnh của người điều khiển giao thông trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường thì người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh đó.

(2) Xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ.

Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ sẽ không bị hạn chế tốc độ, được phép tiếp tục di chuyển kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ.

(3) Biển báo phụ cho phép đi thẳng khi đèn đỏ.

Tại những con đường cắt nhau không thành hình tạo ngã ba giao lộ, nếu hướng đối diện các phương tiện không lưu thông thì biển phụ “Đèn đỏ được đi thẳng” sẽ được lắp đặt để đảm bảo giao thông được thông suốt, tránh tình trạng ùn tắc.

Nếu gặp biển báo này, dù đèn tín hiệu chuyển đỏ, người điều khiển phương tiện vẫn được phép đi thẳng.

Trên đây là các trường hợp đèn đỏ được rẽ phải, rẽ trái, đi thẳng. Nếu thuộc các trường hợp trên mà bị phạt vi phạm, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

>> Gặp đèn đỏ có được quay đầu xe?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Dự kiến: Năm 2025, tăng nặng mức phạt khi vượt đèn đỏ!

Mới đây, Bộ Công an đã công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng.