Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 62/BGTVT-VPBCĐ của Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 62/BGTVT-VPBCĐ
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 62/BGTVT-VPBCĐ | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Hồ Nghĩa Dũng |
Ngày ban hành: | 05/01/2009 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giao thông |
tải Công văn 62/BGTVT-VPBCĐ
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/BGTVT-VPBCĐ | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2009 |
BÁO CÁO QUÝ IV/2008
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Kính gửi: | - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. |
Đồng kính gửi: | - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT. |
Thực hiện quy định tại Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT ban hành kèm theo quyết định số 3605/QĐ-BCĐ ngày 17 tháng 11 năm 2008, Bộ GTVT báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành GTVT trong quý IV/2008 như sau:
I. THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC (THÔNG BÁO SỐ 308/TB-VPCP NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 2008).
Ngay sau khi có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản số 8110/BGTVT-VPBCĐ ngày 05/11/2008 giao nhiệm vụ cho các cơ quan giúp việc Bộ trưởng triển khai kết luận của Phó Thủ tướng.
Kết quả thực hiện cụ thể như sau:
1. Bộ GTVT đã trình Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký quyết định số 3605/QĐ-BCĐ ngày 27/11/2008 về việc ban hành “Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT”.
2. Bộ GTVT đã có văn bản số 8494/BGTVT-QLXD ngày 20/11/2008 trình Thủ tướng Chính phủ “về việc báo cáo rà soát và đề xuất giải quyết các nội dung tại văn bản số 6714/BGTVT-QLXD ngày 11/9/2008 của Bộ GTVT về tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư xây dựng giao thông”. Đến nay, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời, cơ bản nhất trí với các đề xuất của Bộ GTVT (văn bản số 9068/BKH&ĐT ngày 12/12/2008 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư; số 2480/BXD-HĐXD ngày 12/12/2008 của Bộ Xây dựng; số 15361/BTC-ĐT ngày 16/12/2008 của Bộ Tài chính).
3. Bộ GTVT đang chỉ đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ xây dựng các đề án:
- Xây dựng kế hoạch và phương thức thu hút, tạo nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm ngành GTVT.
- Hoàn thiện về tổ chức và quản lý đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm ngành GTVT.
- Cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án trọng điểm.
Dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo các đề án nêu trên trong quý I/2009 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
4. Bộ GTVT đã giao Văn phòng Ban chỉ đạo làm việc với Văn phòng JICA Hà Nội và có bản ghi nhớ về các nội dung phối hợp, trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo Bộ GTVT và Văn phòng JICA Hà Nội vào tuần thứ ba tháng cuối hàng quý. Tới đây, Bộ GTVT sẽ duy trì chế độ phối hợp trao đổi thông tin này.
5. Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức đoàn công tác kiểm tra dự án đường Láng – Hoà Lạc do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang chủ trì, có báo cáo Phó Thủ tướng kết quả kiểm tra. Phó Thủ tướng đã có văn bản số 2176/TTg-KTN ngày 10/12/2008 chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan về các nội dung thực hiện dự án.
II. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GTVT ĐẾN CUỐI QUÝ IV/2008:
Đánh giá chung trong quí IV/2008 Bộ GTVT đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Căn cứ báo cáo và kết quả làm việc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT tóm tắt tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT đến cuối quý IV/2008 như sau:
A. CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG BỘ:
1. Dự án cầu Thanh Trì (Ban QLDA Thăng Long đại diện chủ đầu tư):
- Gói thầu số 2 (đường dẫn phía Gia Lâm và nút Sài Đồng): cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác trước Tết 2009.
- Gói thầu số 3 (đường dẫn phía Thanh Trì): do công tác GPMB kết thúc chậm (đầu tháng 7/2008) và yêu cầu thời gian gia tải chờ lún sau khi đã xử lý nền đất yếu nên Bộ GTVT đã chỉ đạo việc thi công xong và đưa vào khai thác phần đường gom trái để tránh ùn tắc giao thông, hiện đang thi công phần đường gom phải còn lại. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hoàn thành toàn bộ gói thầu này vào tháng 9/2009.
2. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (do Công ty đường cao tốc Việt Nam – VEC làm chủ đầu tư):
Trung tuần tháng 11/2008, Bộ trưởng Bộ GTVT đã nghe báo cáo và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân dự án nên tình hình thực hiện dự án có những chuyển biến tích cực. Hiện tại, Bộ đang tiếp tục giải quyết một số đề xuất của chủ đầu tư về việc:
- Cho phép áp dụng một trong hai biện pháp điều chỉnh giá (theo công thức trượt giá hoặc theo phương pháp bù trừ trực tiếp) đối với một gói thầu (hợp đồng) của dự án. Trong cùng dự án, có thể áp dụng một trong 2 biện pháp trên đối với các gói thầu khác nhau.
- Quyết định danh mục vật liệu được bù trừ chênh lệch giá ngoài 13 loại nguyên nhiên vật liệu đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Phối hợp và đôn đốc các địa phương trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng thi công.
Đồng thời, Bộ GTVT đang chỉ đạo VEC rà soát, đề xuất những điều chỉnh phù hợp về Quy chế hoạt động, trong đó có các quy chế về huy động và tạo nguồn vốn nhằm tạo điều kiện xây dựng và phát triển VEC thành “doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam” theo chỉ đạo tại Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam số 1734/QĐ-TTg ngày 01/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về vấn đề này.
3. Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hoà Lạc (Ban QLDA Thăng Long là đại diện chủ đầu tư):
Đến nay, dự án đã thi công được khoảng 40% khối lượng. Các nội dung kỹ thuật, tổ chức quản lý và thực hiện dự án đều không còn vướng mắc. Tổng thầu Vinaconex và các nhà thầu đã có sự tập trung cao dành lại tiến độ đã mất do ảnh hưởng đợt mưa lớn cuối tháng 10 đầu tháng 11/2008 vừa qua.
Những vướng mắc chính cần được giải quyết đối với dự án là:
- Công tác GPMB còn nhiều vướng mắc: đến nay mới có mặt bằng 82% dự án. Còn vướng 3,448km trên đường cao tốc; 5,134km trên đường gom trái; 6,2km trên đường gom phải và một số vị trí trên các đường nhánh nút giao. Tập trung vướng nhiều nhất là ở cuối tuyến (nút Hoà Lạc) thuộc địa phận Hà Tây cũ.
- Hạng mục khống chế tiến độ dự án hiện nay là thi công hầm chui đường sắt, nút Hoà Lạc. Về hầm chui đường sắt, Vinaconex đã ổn định biện pháp tổ chức xây dựng và triển khai thi công. Nút Hoà Lạc thì phải chờ bàn giao mặt bằng.
Do những vướng mắc nêu trên, tổng thầu Vinaconex có kiến nghị về thời gian hoàn thành cơ bản dự án vào tháng 6/2010 và hoàn thiện, thông xe toàn tuyến vào tháng 9/2010 đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản số 2176/TTg-KTN ngày 10/12/2008 chỉ đạo Bộ GTVT, UBND Tp. Hà Nội và Vinaconex về những nội dung thực hiện dự án này.
4. Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (giai đoạn 1) – Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC làm chủ đầu tư:
Dự án được phê duyệt đầu tư bằng quyết định số 3415/QĐ-BGTVT ngày 05/11/2007 và quyết định điều chỉnh tại văn bản số 5052/BGTVT-KHĐT ngày 04/7/2008. Chiều dài toàn dự án 264km, có TMĐT giai đoạn 1 là 19.984 tỷ đồng, tương đương 1.249 triệu USD. Dự kiến khởi công quý I/2009, hoàn thành 2012.
Hiện tại VEC đã hoàn thành việc quyết định phê duyệt TKKT và sơ tuyển 8/8 gói thầu xây lắp chính, đang tổ chức đấu thầu 02 gói (A1 và A2) để phục vụ khởi công quý I/2009.
Công tác GPMB trên địa bàn trên địa bàn 04 tỉnh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) đang được triển khai và sẽ gặp những khó khăn chung, trong đó có những khó khăn do chính sách GPMB tái định cư của ADB và Việt Nam còn nhiều điểm khác biệt.
Hiện Bộ GTVT đang yêu cầu VEC rà soát, cập nhật và báo cáo về TMĐT điều chỉnh (dự kiến sẽ tăng khoảng 30 – 40%) so với TMĐT được duyệt ban đầu.
Bộ GTVT cũng sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế huy động vốn của VEC theo quy định hiện nay khó đảm bảo nguồn vốn cho tiến trình thực hiện dự án trong nội dung “đề xuất điều chỉnh cơ chế hoạt động của VEC – Công ty chủ lực đầu tư phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam”.
5. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (do Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam – VIDIFI làm chủ đầu tư):
Ngày 26/11/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì việc kiểm tra hiện trường và làm việc với các Bộ, ngành, địa phương tại UBND Tp. Hải Phòng, có ý kiến kết luận tại thông báo số 329/TB-VPCP ngày 05/12/2008 về tình hình triển khai dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và giải quyết những vướng mắc của dự án, trong đó có các nội dung quan trọng:
- Đồng ý cho chi trả kinh phí hỗ trợ chênh lệch giá đền bù diện tích đất ở và giá diện tích tái định cư. Kinh phí này được tính vào TMĐT của dự án.
- Giao Bộ GTVT chủ trì rà soát các đề xuất điều chỉnh thiết kế cơ sở, cao độ đường đỏ của chủ đầu tư để đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, giải quyết tốt các nội dung kinh tế - kỹ thuật của dự án và đảm bảo an sinh xã hội, môi trường.
Hiện chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đang triển khai thực hiện các nội dung liên quan và phấn đấu khởi công toàn tuyến vào tháng 4/2009 theo yêu cầu.
Về việc tiếp tục giải quyết các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư: Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và VIDIFI có các đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài Chính:
- Văn bản số 4178/NHPT-TĐ ngày 05/12/2008 của VDB gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo một số nội dung đề nghị sửa đổi quyết định số 1621/QĐ-TTG ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm triển khai thực hiện dự án.
- Văn bản số 1392/TCT-KHTH ngày 16/12/2008 của VIDIFI gửi Bộ Tài chính về việc xin được vay từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ cho dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung đề xuất nêu trên.
6. Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội – Thái Nguyên (do Ban QLDA2 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư):
Theo quyết định phê duyệt dự án số 3900/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2008, dự án QL3 giai đoạn 1 có tổng chiều dài 62,9km gồm 02 gói thầu xây lắp chính PK1 (Hà Nội – Sóc Sơn, L = 26,9km) và PK2 (Sóc Sơn – Thái Nguyên, L = 36km), có TMĐT là 8.104 tỷ đồng.
Đến nay, dự án đã thực hiện một số nội dung sau:
a) Công tác đấu thầu:
- Gói thầu PK1 mở thầu ngày 15/8/2008. Giá bỏ thầu của nhà thầu thấp nhất CSYIC (Trung Quốc) là 5.392 tỷ đồng, vượt giá gói thầu được duyệt trên 2.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đã xem xét, có thoả thuận của JICA về việc huỷ kết quả đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại.
- Gói thầu PK2: đã có kết quả sơ tuyển chấp thuận 05 nhà thầu qua sơ tuyển. Hiện đang xem xét, phê duyệt dự toán gói thầu. Trở ngại hiện nay là hiện mới ký Hiệp định vay vốn số 1 với JBIC với số tiền 12,469 tỷ yên (tương đương 1.745 tỷ đồng), chưa ký được Hiệp định vay vốn bổ sung cho dự án khoảng 28 tỷ yên.
b) Về công tác GPMB:
Hiện các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đang tiến hành công tác GPMB tương đối đáp ứng tiến độ yêu cầu. Dự kiến bàn giao cơ bản đất nông nghiệp đạt 90% trong quý I/2009. Cần tiếp tục phối hợp, đôn đốc.
c) Những nội dung cần đề xuất, báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết:
- Chỉ đạo và thúc đẩy việc ký hiệp định vay vốn bổ sung (28 tỷ yên) cho dự án để đảm bảo điều kiện khởi công gói thầu PK2.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết đề xuất của một số địa phương khó khăn trong việc xin được tạm vay hoặc tạm ứng vốn đối ứng của dự án để xây dựng tái định cư sau đó hoàn trả theo qui định.
7. Dự án đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương (Ban QLDA Mỹ Thuận là đại diện chủ đầu tư):
a) Phần đường cao tốc 44,2km: Tiến độ thi công khả quan. Hiện đã thi công xong 22,5km móng cấp phối đá dăm, rải bê tông nhựa 7,5km. Còn tồn tại 0,9km trên 6 đoạn do công tác GPMB chậm dự kiến đến tháng 02/2009 mới dỡ tải. Do vậy, tiến độ hoàn thành thông xe phần đường cao tốc (bao gồm các nút giao thông trừ nút Bình Thuận đến nay vẫn chưa được bàn giao xong mặt bằng) dự kiến vào tháng 6/2009.
b) Các đường nối và nút giao Bình Thuận:
Tỉnh Tiền Giang vừa qua đã có nhiều nỗ lực bàn giao toàn bộ mặt bằng nên 02 tuyến đường nối từ nút Thân Cửu Nghĩa với Quốc lộ 1, đương nối Tân Tạo - Chợ Đệm sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tháng 6/2009 cùng với đường cao tốc.
Riêng đường nối Bình Thuận - Chợ Đệm và nút giao Bình Thuận đến nay chưa bàn giao xong mặt bằng. Về kỹ thuật, nền đường đắp trên nền đất yếu nên phải chờ lún, dự kiến thông xe tháng 12/2009.
c) Trung tâm điều hành đường cao tốc: Ngày 08/12/2008, Bộ GTVT đã có văn bản đăng ký dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ về việc dùng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc xây dựng hạng mục này. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để sớm triển khai.
d) Các nội dung cần báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét giải quyết:
Về vốn cho dự án: TMĐT điều chỉnh là 9.884 tỷ đồng, dự án đã được ghi vốn 6.555 tỷ đồng, còn thiếu 3.329 tỷ đồng. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 9292/BC-BKH ngày 22/12/2008 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn cho dự án 2.800 tỷ đồng bằng vốn kích cầu 2009. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
8. Dự án đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây (do Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC làm chủ đầu tư):
Bằng quyết định số 344/QĐ-BGTVT ngày 13/02/2007 và quyết định điều chỉnh số 2445/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2008, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án có chiều dài 54,983km trong đó có 4,514km từ An Phú đến vành đai II do Tp HCM đầu tư xây dựng, từ vành đai II đến Dầu Giây chiều dài khoảng 54,44km do VEC làm chủ đầu tư có TMĐT (đã điều chỉnh) là 15.011 tỷ VNĐ, tương đương 938,2 triệu USD. Dự kiến khởi công quí II/2009, hoàn thành năm 2012.
Theo hiệp định vay vốn, ADB sẽ tài trợ phần kinh phí GPMB dự án.
Hiện tại, VEC đã hoàn thành việc phê duyệt TKKT dự toán và tổ chức đấu thầu gói thầu số 1A phục vụ khởi công dự án và đang tiếp tục phê duyệt, tổ chức đấu thầu các gói thầu còn lại.
Đối với dự án này, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết một số nội dung như sau:
- Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong công tác GPMB, công bố các chính sách GPMB tương đối phù hợp với chính sách của nhà tài trợ (ADB) để đảm bảo sớm có đủ 80% mặt bằng sạch bàn giao khởi công các gói thầu theo qui định của Bộ GTVT.
- Xem xét các đề xuất về điều chỉnh cơ chế hoạt động của VEC, trong đó cơ chế huy động và tạo vốn để thực hiện dự án tương tự như đã nêu ở các mục trên (mục II.A.2).
9. Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2:
a) Đến cuối năm 2008, toàn bộ dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn Hoà Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với tổng chiều dài 1350km đường, 300 cầu lớn các loại, 02 hầm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó đoạn Thạch Quảng (Thanh Hoá) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) chiều dài 1212km đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu. Công tác quyết toán đang được đẩy mạnh để hoàn thành trong năm 2009.
b) Giai đoạn 2 của dự án được thực hiện từ năm 2007-2010, đến nay đang triển khai các nội dung chính như sau:
- 15 dự án thành phần đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng với TMĐT khoảng 11.680 tỷ đồng nhưng hiện mới được bố trí vốn 6.240tỷ đồng. Trong đó có 07 dự án thành phần đang triển khai thi công, 01 dự án thành phần đã nghiệm thu khai thác, 03 dự án thành phần khởi công tháng 1/2009 và 04 dự án thành phần đang phê duyệt TKKT, dự toán hoặc tổ chức đấu thầu.
- 11 dự án thành phần đang lập dự án đầu tư xây dựng trình Bộ phê duyệt và tiếp tục chuẩn bị TKKT, dự toán để có thể khởi công trong năm 2009 nếu bố trí được vốn.
- Đang trình Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư một số dự án thành phần khác và chuẩn bị cho báo cáo đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 3 (cao tốc) trình Quốc Hội vào năm 2010 theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo số 269/TB-VPCP ngày 12/10/2008.
Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án thành phần giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh đạt yêu cầu.
c) Trở ngại chính:
Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết việc bố trí tiếp vốn cho dự án vì đến nay, chỉ đối với 15 dự án thành phần đầu tiên đã đủ điều kiện triển khai thi công đồng loạt vốn còn thiếu khoảng 5.400 tỷ đồng.
B. CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT:
1. Dự án đường sắt Yên Viên-Hạ Long-Cái Lân:
- Đoạn Hạ Long – Cái Lân: Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tưóng Hoàng Trung Hải. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh cơ bản giải phóng và bàn giao hết mặt bằng trước ngày 31/12/2008, trừ phần nhà ga sang quí I/2009. Đoạn này sẽ hoàn thành theo tiến độ yêu cầu
- Đối với các đoạn khác: đang đẩy mạnh tiến độ bàn giao mặt bằng và thi công. Không có các trở ngại lớn.
2. Đường sắt cao tốc Bắc Nam
- Ngày 25/12/2008 Bộ GTVT đã nghe báo cáo giữa kỳ, hoàn thành báo cáo cuối kỳ tháng 1/2009.
- Dự án qui mô lớn, phức tạp nên Bộ GTVT sẽ có báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo và các thủ tục tiếp theo (thẩm tra, thẩm định dự án và thủ tục trình Quốc hội theo qui định và vai trò của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đối với dự án).
3. Dự án đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1) do Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư:
- Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án (QĐ số 3304/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2008).
- Hiện đang tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn, dự kiến huy động tháng 5/2009, thời gian hoàn thành tư vấn là 27 tháng (tháng 8/2011). Sau đó đấu thầu, khởi công xây dựng vào khoảng đầu năm 2012.
- Công tác GPMB: chủ đầu tư (Tổng công ty ĐSVN) đang lập phương án chung GPMB, 6/7 quận huyện của Hà Nội đã thông qua (còn quận Thanh Xuân).
- Khối lượng tái định cư khoảng 1900 hộ hiện chưa có phương án. Vì vậy, UBND Tp Hà Nội cần đôn đốc và chỉ đạo khẩn trương việc thực hiện tiểu dự án GPMB cho dự án.
4. Dự án đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng (trong chương trình hợp tác 2 hành lang 1 vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc) do Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư:
Bộ GTVT đã có quyết định cho phép lập báo cáo đầu tư xây dựng và giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư (QĐ số 2646/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2007). Hiện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đang khẩn trương triển khai.
5. Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông (do Cục đường sắt Việt Nam làm Chủ đầu tư):
- TMĐT ban đầu của dự án (năm 2005) là 5.329 tỷ, tương đương 340,5triệu USD. TMĐT này đã được điều chỉnh, cập nhật theo đơn giá quí II/2008 là 8.770 tỷ, tương đương 522,9 triệu USD (tăng 1,7 lần) và đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chấp thuận cho sử dụng thêm 100 triệu USD trong khoản 500 triệu USD tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này. Phía Trung Quốc cũng đã đồng ý với đề xuất này của Việt Nam.
- Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội: Tuyến Cát Linh – Hà Đông” (Quyết định số 3135/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008).
- Cục ĐSVN đang triển khai thủ tục và các công việc chính:
+ Thủ tục chỉ định thầu EPC là nhà thầu Trung Quốc.
+ Xin chỉ định thầu tư vấn thẩm tra Trung Quốc và sử dụng vốn vay bổ sung của Trung Quốc để thực hiện việc thẩm tra.
+ Chuẩn bị khởi công depot trong quý I/2009.
+ Làm việc với Hà Nội về công tác GPMB.
6. Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Tp. Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội (do UBND Tp Hà Nội quyết định và thực hiện đầu tư):
Tình hình thực hiện dự án:
- Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 67/TTg-CN ngày 12/01/2006 thông qua nghiên cứu tiền khả thi.
- UBND Tp. Hà Nội đang chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng. Tháng 11/2008, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã trình sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thẩm định dự án với TMĐT 19.058 tỷ đồng (tương đương 855,55 tr Euro). Dự kiến phê duyệt dự án vào quý I/2009.
- Hiện đang triển khai dự án thành phần xây dựng depot tại Từ Liêm từ tháng 12/2006, đến nay đã có mặt bằng san nền 14,2/15,1 ha (92%).
7. Các tuyến đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh (do UBND Tp Hồ Chí Minh quyết định và thực hiện đầu tư):
Hệ thống đường sắt đô thị Tp HCM gồm 6 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến xe điện mặt đất.
Hiện nay đang thực hiện dự án tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chiều dài 19,7km. Gói thầu san lấp mặt bằng depot đã khởi công 21/02/2008. Hiện đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu 3 gói thầu chính EPC (đã tổ chức mở thầu sơ tuyển đầu tháng 9/2008) và thúc đẩy việc GPMB.
Vướng mắc chính của dự án cần báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ là:
- Tiến độ di dời Xí nghiệp liên hiệp Ba Son thuộc Bộ Quốc phòng: JICA và thành phố đều có ý kiến chính thức về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để có sự phối hợp với Bộ Quốc phòng đảm bảo bàn giao mặt bằng khoảng tháng 9/2010.
- Về sự tăng mạnh của TMĐT: TMĐT đã được phê duyệt theo quyết định số 2721/QĐ-UBND của UBND Tp. Hồ Chí Minh là 17.388 tỷ đồng tương đương 126,583 tỷ Yên. Nay theo tính toán lại của Tư vấn chung là 38.453 tỷ đồng, tương đương 249,937 tỷ Yên. Tính theo giá trị đồng Yên thì TMĐT tăng 197% và đã vượt quá 20.000 tỷ đồng. Theo quy định tại Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 09/6/2006 của Quốc hội thì đối với dự án này Chính phủ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, dự kiến việc đấu thầu sẽ hoàn thành và phê duyệt kết quả đấu thầu tháng 9/2009 và ký kết hợp đồng tháng 12/2009, khởi công đầu năm 2010.
- UBND Tp. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị một số nội dung:
i) Cho phép một trong hai Tp Hà Nội hoặc Tp HCM chủ trì xây dựng quy chế và quy định riêng cho việc quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác, vận hành hệ thống metro. Quy chế này sẽ quy định về trình tự thủ tục, thẩm quyền, chế độ chính sách phù hợp với tính chất đặc thù của dự án metro trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
ii) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về thẩm quyền quyết định đầu tư khi dự án có TMĐT lớn và vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng (phải trình Quốc Hội quyết định theo Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 09/6/2006 của Quốc Hội).
iii) Về vốn: Do nhu cầu vốn của các dự án metro lớn, đề nghị Chính phủ hỗ trợ Thành phố tìm nguồn vốn đầu tư, vận động ODA và cấp phát toàn bộ (không cho vay lại) cho thành phố để tổ chức thực hiện.
iv) Đề nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của metro và có hướng dẫn kịp thời để các địa phương có cơ sở thực hiện.
v) Do tính chất phức tạp và quy mô lớn của các dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thực hiện công tác giám sát quá trình thực hiện và nghiệm thu cấp nhà nước đối với dự án theo qui định.
C. CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG BIỂN:
1. Hai bến khởi động cảng Vân Phong tỉnh Khánh Hoà (do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư):
a) Theo báo cáo của Vinalines, cho đến nay Tổng công ty đã triển khai thực hiện 9/20 gói thầu của dự án, gồm có các gói thầu khảo sát thiết kế, thẩm tra, giám sát, bảo hiểm, tôn tạo bãi và xây kè trên cạn bảo vệ khu đất của cảng. Hiện đang xét thầu gói số 6b “Tôn tạo bãi, xây dựng kè dưới nước bảo vệ khu đất cảng, xây dựng cầu tàu, tường chắn sau bến” và gói số 8a "Tư vấn giám sát các hạng mục của gói thầu 6b.
b) Trong quá trình đấu thầu gói 6b đã xảy ra tình huống:
- Dự toán được duyệt của gói thầu là 3.505 tỷ đồng, tăng 3,267 lần so với giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu (được xác định theo dự án đầu tư được duyệt) là 1.073 tỷ đồng.
- Khi đấu thầu có 05 nhà thầu trúng sơ tuyển và cả 05 nhà thầu đến mua hồ sơ dự thầu nhưng chỉ có 01 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu với giá đề nghị trúng thầu là 4.777 tỷ đồng, tăng 1.272 tỷ đồng so với dự toán được duyệt.
c) Vinalines đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7696/VPCP-KTN ngày 10/11/2008 giao Bộ GTVT xem xét, xử lý đề nghị của Vinalines về tình huống nêu trên. Bộ GTVT đã có ý kiến chỉ đạo Vinalines giải quyết bằng văn bản số 8703/BGTVT-CQLXD ngày 28/11/2008. Hiện nay, Vinalines đang xử lý tình huống theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
d) Ngày 31/12/2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị giải quyết những nội dung liên quan đến dự án. Hiện VPCP đang thảo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng để các bên liên quan thực hiện.
2. Dự án cảng Lạch Huyện:
a) Theo báo cáo của Vinalines, cho đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 2231/QĐ-BTNMT ngày 31/10/2008 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Bộ GTVT đã có quyết định duyệt dự án đầu tư giai đoạn khởi động của Dự án (Quyết định số 3793/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2008).
b) Thời gian qua, tuy chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện dự án nhưng với nhận thức về tầm quan trọng của dự án đối với khu vực cảng Hải Phòng - Lạch Huyện, Vinalines đã chủ động thực hiện một số công tác chuẩn bị như khảo sát thu thập số liệu điều kiện tự nhiên phục vụ công tác lập thiết kế kỹ thuật cho dự án, đã xin cơ chế chỉ định thầu đối với công tác tư vấn nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 143/TTg-CN ngày 23/10/2008).
c) Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án 02 bến khởi động, Vinalines đã chủ động tiếp xúc với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét một số đề xuất cụ thể, trong đó có việc đề nghị được tiếp nhận và sử dụng khoản vốn dư khoảng 8 triệu USD từ dự án cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn II để thuê tư vấn Nhật Bản rà soát, cập nhật dự án đầu tư xây dựng, khảo sát phục vụ lập thiết kế kỹ thuật dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng ký danh mục ưu tiên sử dụng vốn ODA Nhật Bản và thúc đẩy quá trình giải quyết các thủ tục sớm bố trí vốn cho dự án này.
d) Đồng thời với việc Vinalines với trách nhiệm được giao khẩn trương tập trung vào dự án xây dựng hai bến khởi động. Cần sớm triển khai thực hiện đồng bộ dự án cơ sở hạ tầng liên quan bao gồm kè bờ, đê chắn cát, chắn sóng, hệ thống đường vào cảng. Kiến nghị Bộ GTVT sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án thực hiện các dự án phối hợp đồng bộ nêu trên.
e) Đối với dự án này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị ngày 21/12/2008 như đã nêu ở mục C.1.d.
3. Cảng Cái Mép - Thị Vải (Do Ban QLDA 85 làm đại diện chủ đầu tư):
- Các gói thầu số 1 (xây dựng cảng container Cái Mép), gói số 2 (xây dựng cảng tổng hợp Thị Vải) đang triển khai cơ bản đúng tiến độ yêu cầu.
- Gói số 5 (xây dựng đường nối cảng với QL51): yêu cầu giảm tiến độ từ 36 còn 24 tháng. Hiện Ban QLDA 85 đang tích cực triển khai nhưng vướng mặt bằng (từ Km0 ÷Km3) nên khó đảm bảo tiến độ. Bộ GTVT giao Ban QLDA 85 rà soát, đề xuất báo cáo Bộ giải quyết các vướng mắc để đảm bảo tiến độ dự án.
4. Xây dựng luồng cho tàu biển vào cảng sông Hậu (do Cục Hàng hải Việt Nam làm Chủ đầu tư):
a) Dự án kênh Quan Chánh Bố:
- Hiện đang thực hiện khảo sát thiết kế kỹ thuật, trong đó có việc cập nhật bổ sung các nội dung kỹ thuật trong thiết kế cơ sở gồm: giải pháp kỹ thuật kè cửa vào kênh Quan Chánh Bố và đê chắn cát, chắn sóng cửa ra kênh Quan Chánh Bố; đánh giá ảnh hưởng bồi lấp cửa Định An khi mở luồng kênh Quan Chánh Bố và đánh giá tác động môi trường chi tiết (ĐTM chi tiết).
- Cục Hàng hải Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công sớm.
b) Dự án nạo vét luồng Định An: Bộ GTVT đã có quyết định chuẩn bị đầu tư. Hiện Cục Hàng hải Việt Nam đang chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng.
D. CÁC DỰ ÁN HÀNG KHÔNG:
1. Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (do Tổng công ty cảng hàng không phía Nam làm chủ đầu tư): đang triển khai công tác GPMB và thi công gói thầu san lấp nền (khởi công 23/11/2008), các gói thầu khác dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2009.
2. Dự án cảng hàng không quốc tế T2 - Nội Bài (do Tổng công ty cảng hàng không phía Bắc làm chủ đầu tư):
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2238/TTg-KTN ngày 22/12/2008 chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý của Hội kiến trúc sư Việt Nam trên cơ sở phương án 1 để nghiên cứu, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng trong tháng 01/2009.
Về bố trí nguồn vốn cho dự án: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản nêu trên, Bộ GTVT hiện đang chỉ đạo Chủ đầu tư (Công ty cảng hàng không miền Bắc) xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, cung ứng dịch vụ hàng không và phi hàng không tại nhà ga khách T2.
III. BÁO CÁO THỦ TƯỚNG, PHÓ THỦ TƯỚNG VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TIẾP TỤC CẦN ĐƯỢC XỬ LÝ:
Tổng hợp các kết quả thực hiện và những vướng mắc trên một số dự án trọng điểm ngành GTVT trong thời gian qua, Bộ GTVT đang tiếp tục xử lý và báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ một số nội dung chính như sau:
1. Kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ xem xem giải quyết các đề xuất đối với một số dự án cụ thể đã nêu ở mục II.
2. Trong quá trình thực hiện dự án vừa qua có hiện tượng một số gói thầu có giá dự thầu vượt dự toán được duyệt, hoặc một số dự án vượt TMĐT được duyệt. Bộ GTVT đã xử lý kịp thời các phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quyết định các nội dung vượt thẩm quyền, nhờ đó không ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ GTVT giao các chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu rà soát, xác định các nguyên nhân làm tăng TMĐT để có biện pháp chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và nâng cao hơn nữa chất lượng lập dự án trong đó có việc xác định TMĐT nhằm hạn chế các vấn đề phát sinh tương tự.
3. Đối với dự án đường sắt nội đô Tp. Hồ Chí Minh tuyến số 1 do UBND Tp. Hồ Chí Minh quyết định đầu tư có TMĐT tăng gần gấp hai lần và vượt quá 20.000 tỷ đồng. UBND Tp. Hồ Chí Minh đang có báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vấn đề này như đã nêu ở mục II.C.6.
4. Về các dự án đường bộ thực hiện theo hình thức BOT: Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan đại diện có thẩm quyền quản lý việc thực hiện các dự án BOT thì hầu hết các dự án đều chậm so với tiến độ yêu cầu. Bộ GTVT đang giao các cơ quan chức năng đánh giá, xác định nguyên nhân trong đó có việc rà soát các quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT để đề xuất các biện pháp tổ chức, cơ chế nhằm tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư trực tiếp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
5. Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thành đơn vị chủ lực trong việc đầu tư, phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam, vừa qua Bộ GTVT đã tổ chức đoàn thị sát và làm việc tại 3 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Malayxia để tìm hiểu các mô hình quản lý và xây dựng, phát triển hệ thống đường cao tốc. Bộ GTVT đang chỉ đạo VEC và các đơn vị liên quan cập nhật, đề xuất điều chỉnh phù hợp cơ chế hoạt động và huy động, tạo nguồn vốn của VEC trong Quí I/2009 và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sau khi hoàn thành các nghiên cứu đề xuất nêu trên.
6. Kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm xem xét, tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đối với văn bản đề xuất số 8494/BGTVT-QLXD ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ GTVT về việc tháo gỡ vướng mắc trong dự án xây dựng giao thông, có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để Bộ GTVT thực hiện tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục trình tự giải quyết các vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng giao thông.
Trên đây là nội dung báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành GTVT Quí IV/2008. Bộ GTVT kính báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo để tiếp tục thúc đẩy tiến trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ đuợc giao.
Phụ lục kèm theo: Tóm tắt tình hình chuẩn bị và thực hiện các dự án trọng điểm ngành GTVT.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT |