Chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 9/2023

Dưới đây là những thông tin đáng chú ý về các chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 9/2023 được tổng hợp từ các văn bản như: Thông tư 19/2023/TT-BGTVT, Quyết định 32/2023/QĐ-UBND của TP. HCM, Thông tư 15/2023/TT-BGTVT,…


1. Quy định mới về bồi thường khi chuyến bay bị delay, hủy chuyến

Thông tư 19/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 01/9/2023) đã sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không.

Trong đó, đáng chú ý phải kể đến quy định về nghĩa vụ của các hãng hàng không khi chuyến bay bị delay, bị hủy được nêu tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 19/2023/TT-BGTVT. Cụ thể:

* Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của hãng hàng không:

- Hãng hàng không xin lỗi; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi.

- Chuyến bay chậm từ 02 giờ trở lên: Hãng hàng không đổi chuyến bay cho khách, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi chuyến bay và phụ thu.

- Chuyến bay chậm từ 05 giờ trở lên: Hành khách có thể yêu cầu hoàn trả tiền vé.

- Chuyến bay chậm kéo dài: Hãng hàng không phải bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách.

* Trường hợp chuyến bay bị hủy:

- Hãng hàng không bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay.

- Hãng hàng không đổi chuyến bay cho khách, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi chuyến bay và phụ thu.

- Khách từ chối đổi chuyển: Hãng hàng không hoàn trả tiền vé.

- Khách từ chối đổi chuyển và hoàn vé: Hãng hàng không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận.

Quy định mới về bồi thường khi hủy, delay chuyến bay
Quy định mới về bồi thường khi hủy, delay chuyến bay (Ảnh minh họa)

2. 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường tại TP.HCM

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/9/2023, Điều 9 Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND đã quy định cụ thể 03 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường:

(1) Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa.

Thực hiện theo giấy phép của Sở Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

(2) Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường

Thời gian từ 22 giờ 00 đêm hôm trước đến 06 giờ 00 sáng hôm sau. Tại các vị trí, tuyến đường có lòng đường đủ điều kiện bố trí điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt thuộc danh mục do Sở Giao thông vận tải ban hành.

(3) Bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.

Thực hiện theo giấy phép của Sở Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí tại các tuyến đường có lòng đường đủ điều kiện thuộc danh mục do Sở Giao thông vận tải ban hành.


3. Thêm cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái tàu

Đây cũng là một trong những nội dung nổi bật của chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 9/2023.

Theo Điều 29 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 01/9/2023), cơ quan cấp giấy phép lái tàu bao gồm:

(1) Cục Đường sắt Việt Nam: Thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trừ các trường hợp  thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

(2) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị: Thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

Trước đây: Thẩm quyền cấp giấy phép lái tài chỉ thuộc về Cục Đường sắt Việt Nam (theo Thông tư 25/2021/TT-BGTVT).

Chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 9/2023 về giấy phép lái tàu
Chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 9/2023 về giấy phép lái tàu (Ảnh minh họa)

4. Các giấy tờ cần có khi qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường thủy

Theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 13/2023TT-BGTVT, khi qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường thủy từ ngày 01/9/2023, thuyền viên, nhân viên phục vụ và hành khách phải mang theo các giấy tờ sau:

- Đối với thuyền viên:

+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (thuyền viên của phương tiện thủy); hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và sổ thuyền viên (thuyền viên tàu biển quá cảnh);

+ Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn.

- Đối với hành khách và nhân viên phục vụ: Phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.


5. 3 trường hợp đặc biệt cho phép di chuyển phương tiện trên đường sắt

Thông tư 14/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực thi hành từ 01/9/2023) đã sửa quy định về các trường hợp đặc biệt khi di chuyển phương tiện trên đường sắt.

Theo Điều 14 Thông tư 14/2023, phương tiện chưa đáp ứng điều kiện tham gia giao thông đường sắt vẫn được phép di chuyển trong 03 trường hợp đặc biệt sau:

(1) Di chuyển để kiểm tra, thử nghiệm các tính năng kỹ thuật của phương tiện trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, vận dụng.

(2) Di chuyển từ vị trí tập kết này đến vị trí tập kết khác để cất giữ, bảo quản.

(3) Di chuyển phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu (Trước đây quy định “Phương tiện di chuyển trên đường sắt thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu”).

Trên đây là 05 chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 9/2023 nổi bật. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục