Cảnh sát cơ động là gì? Cảnh sát cơ động được “bắt” lỗi gì?

Là một lực lượng thuộc Công an nhân dân, cảnh sát cơ động đóng vai trò nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Sau đây là những thông tin đáng chú ý liên quan đến lực lương cảnh sát cơ động.


1. Cảnh sát cơ động là gì?

Theo Điều 3 Luật Cảnh sát cơ động năm 2022, cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, đóng vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bao gồm sức mạnh tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng cảnh sát cơ động được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ cùng sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngày truyền thống của cảnh sát cơ động được ấn định là ngày 15/4 hằng năm. Mỗi khi đến dịp kỷ niệm này lực lượng cảnh sát cơ động lại tổ chức rất nhiều hoạt động chào mừng, phát động thi đua.


2. Cảnh sát cơ động có quyền gì?

Căn cứ Điều 10 Luật Cảnh sát cơ động 2022, trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cảnh sát cơ động có được thực hiện các quyền sau:

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ.

- Được mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để:

  • Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.
  • Bảo vệ việc vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
  • Sử dụng tàu bay được huy động riêng để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự

- Ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ tấn công hoặc đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu được cảnh sát cơ động bảo vệ trong phạm vi khu vực cấm bay, hạn chế bay.

- Xử lý vi phạm hành chính.

- Huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện (trừ công trình thuộc Bộ Quốc phòng).

- Được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân nhằm chống khủng bố, giải cứu con tin.

- Quyền hạn khác theo Luật Công an nhân dân và quy định khác liên quan.

Cảnh sát cơ động có những quyền gì? (Ảnh minh họa)

3. Nhiệm vụ của cảnh sát cơ động bao gồm những gì?

Theo Điều 9 Luật Cảnh sát cơ động 2022, cảnh sát cơ động được giao thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Tham mưu biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội với Bộ trưởng Bộ Công an; xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

- Chủ yếu sử dụng biện pháp vũ trang để chống bạo loạn, khủng bố.

- Sử dụng biện pháp vũ trang và biện pháp công tác khác để thực hiện nhiệm vụ:

  • Tấn công, ngăn chặn đối tượng bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức.
  • Giải tán vụ việc có tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự xã hội.
  • Bảo vệ các sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.
  • Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.

- Xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện nhiệm vụ.

- Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố; tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương.

- Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

- Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và sự kiện quan trọng.

- Phối hợp, hỗ trợ các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.


4. Cảnh sát cơ động thực hiện tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự thế nào?

4.1. Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát ở đâu?

Căn cứ Điều 12 Luật Cảnh sát cơ động, cảnh sát cơ động được thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa điểm sau:

(1) Khu vực, tuyến, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự.

(2) Khu vực, tuyến, địa bàn diễn ra kiện chính trị quan trọng.

Việc tuần tra, kiểm soát tại các khu vực này phải tuân thủ quy định của pháp luật, tuân thủ phương án, kế hoạch đã được phê duyệt.

Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cảnh sát cơ động phải sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an; sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 54/2022/TT-BCA).

4.2. Quyền hạn của cảnh sát cơ động khi tuần tra, kiểm soát

Theo Điều 8 Thông tư 54/2022/TT-BCA, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, lực lượng cảnh sát cơ động có những quyền hạn sau đây:

- Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định.

- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công.

- Huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ tuần tra, kiểm soát.

- Thực hiện quyền hạn khác.

4.3. Cảnh sát cơ động được khám người, phương tiện, đồ vật khi nào?

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, cảnh sát cơ động có quyền khám người, phương tiện, đồ vật. Tuy nhiên, theo khoản  4 Điều 12 Luật Cảnh sát cơ động, quyền này chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

- Phát hiện có người phạm tội quả tang, người bị truy nã, bị truy tìm.

- Có căn cứ cho rằng trong người, phương tiện cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.

>> Gọi ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn khi bị cảnh sát cơ động khám người sai quy định.
Cảnh sát cơ động được khám người trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)

5. Cảnh sát cơ động tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông thế nào?

5.1. Cảnh sát cơ động được tuần tra, kiểm soát giao thông khi nào?

Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệ vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện có thể huy động thêm lực lượng cảnh sát cơ động tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông.

Theo Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP, những trường hợp cảnh sát cơ động được huy động để tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông bao gồm:

- Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương.

- Trong các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

- Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại địa bàn nào đó có diễn biến phức tạp.

- Trường hợp khác mà vấn đề trật tự, an toàn giao thông gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

5.2. Nhiệm vụ của cảnh sát cơ động khi tuần tra, kiểm soát giao thông

Theo Điều 9 Nghị định 27/2010/NĐ-CP, khi phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông, cảnh sát cơ động có nhiệm vụ sau:

- Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của cảnh sát giao thông và kế hoạch tuần tra đã được phê duyệt.

- Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được giao khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đi cùng.

- Thống kê, báo cáo vụ việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông; kết quả công tác tuần tra, kiểm soát giao thông theo phân công trong kế hoạch đã được phê duyệt.

5.3. Cảnh sát cơ động được bắt lỗi nào?

Để trả lời cho câu hỏi: “Cảnh sát cơ động được bắt lỗi nào?” cần căn cứ vào thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông được quy định tại khoản 3 Điều 74 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, cảnh sát cơ động có quyền xử phạt các lỗi vi phạm được quy định tại các điểm, khoản và Điều sau:

a) Điểm đ, điểm g khoản 1; điểm g, điểm h khoản 2; điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm k, điểm r, điểm s khoản 3; điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm i khoản 4; điểm b, điểm c khoản 5; điểm b, điểm c khoản 6; điểm b khoản 7; điểm c khoản 8; khoản 9; khoản 10 Điều 5;

b) Điểm g, điểm n khoản 1; điểm a, điểm đ, điểm h, điểm l khoản 2; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm i, điểm k, điểm m, điểm n, điểm o khoản 3; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều 6;

c) Điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 2; điểm b, điểm d khoản 3; điểm b, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm b khoản 7; điểm b khoản 8; khoản 9 Điều 7;

d) Điểm c, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k, điểm 1, điểm m, điểm n, điểm o, điểm p, điểm q khoản 1; khoản 2; khoản 3; khoản 4 Điều 8;

đ) Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 (trừ điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6 Điều 12);

e) Khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 4a, khoản 5 Điều 15;

g) Điều 18, Điều 20;

h) Điểm b khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm k khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c khoản 6; khoản 7a Điều 23;

i) Điều 26, Điều 29;

k) Khoản 4, khoản 5 Điều 31; Điều 32, Điều 34;

l) Điều 47, Điều 49, Điều 51 (trừ điểm d khoản 4 Điều 51), Điều 52, Điều 53 (trừ khoản 4 Điều 53), Điều 72, Điều 73.

Điển hình có thể kể đến một số lỗi vi phạm sau đây:

- Đỗ xe ô tô chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm

- Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau.

- Dừng xe ô tô không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m.

- Dừng xe ô tô trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.

- Rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe

- Dừng, đỗ ô tô không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe

- Dừng, đỗ ô tô trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường

- Chở người ngồi trên xe máy sử dụng ô (dù).

- Xe máy, ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ,…

Cảnh sát cơ động được phạt những lỗi nào? (Ảnh minh họa)

6. Giải đáp một số thắc mắc về cảnh sát cơ động

6.1. Muốn trở thành cảnh sát cơ đông học khối gì?

Hiện nay, các khối tuyển sinh của ngành công an nhân để có thể trở thành cảnh sát cơ động bao gồm:

- Khối A00 (gồm các môn Toán, Hóa, Lý).

- Khối A01 (gồm các môn Toán, Lý, Anh).

- Khối D01 (gồm các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh)

- Khối C03 (gồm các môn Toán, Ngữ Văn, Sử).

6.2. Tiêu chuẩn tuyển chọn cảnh sát cơ động

Căn cứ Điều 26 Luật Cảnh sát cơ động, tiêu chuẩn tuyển chọn cảnh sát cơ động bao gồm:

- Công dân Việt Nam không phân biệt giới tính nam hay nữ.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động.

- Tự nguyện tham gia lực lượng cảnh sát cơ động.

- Ưu tiên tuyển chọn công dân  có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong lực lượng cảnh sát cơ động.

6.3. Mức lương của cảnh sát cơ động hiện nay

Bảng lương của cảnh sát cơ động được thực hiện theo bảng lương của công an nhân dân nói chung và được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Theo đó, mức lương của cảnh sát cơ động được tính theo hệ số lương và mức lương cơ sở.

Năm 2023, do có sự thay đổi về lương cơ sở từ ngày 01/7 (tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng) nên bảng lương cảnh sát cơ động sẽ được xác định như sau:

Đơn vị: đồng/tháng

Cấp bậc quân hàm

Hệ số

Mức lương hết 30/6/2023

Mức lương từ 01/7/2023

Đại tướng

10,4

15,496,000

18,720,000

Thượng tướng

9,8

14,602,000

17,640,000

Trung tướng

9,2

13,708,000

16,560,000

Thiếu tướng

8,6

12,814,000

15,480,000

Đại tá

8,0

11,920,000

14,400,000

Thượng tá

7,3

10,877,000

13,140,000

Trung tá

6,6

9,834,000

11,880,000

Thiếu tá

6,0

8,940,000

10,800,000

Đại úy

5,4

8,046,000

9,720,000

Thượng úy

5,0

7,450,000

9,000,000

Trung úy

4,6

6,854,000

8,280,000

Thiếu úy

4,2

6,258,000

7,560,000

Thượng sĩ

3,8

5,662,000

6,840,000

Trung sĩ

3,5

5,215,000

6,300,000

Hạ sĩ

3,2

4,768,000

5,760,000

Trên đây là những thông tin đáng chú ý về cảnh sát cơ động. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Dự kiến: Năm 2025, tăng nặng mức phạt khi vượt đèn đỏ!

Mới đây, Bộ Công an đã công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng.