Khi người vi phạm giao thông bị tạm giữ giấy phép lái xe qua VNeID từ 01/7/2024 thì làm thế nào để kiểm tra thông tin này. Cùng theo dõi bài viết về cách xem GPLX bị tạm giữ trên VNeID dưới đây để biết nhé.
1. Cách xem GPLX bị tạm giữ trên VNeID đơn giản trên điện thoại
Trước hết để hiểu cách xem GPLX bị tạm giữ trên VNeID thì tài khoản định danh điện tử phải có mức 2 và đã tích hợp thông tin giấy phép lái xe trên VNeID. Khi đó, người tham gia giao thông thực hiện kiểm tra thông tin GPLX có bị tạm giữ hay bị tước trên VNeID như sau:
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VNeID. Sau khi đăng nhập, người dùng chọn “Ví điện tử”
Bước 2: Chọn “Giấy phép lái xe” trên màn hình ứng dụng VNeID sau đó xác thực passcode.
Bước 3: Xem thông tin giấy tờ. Nếu giấy tờ bị tạm giữ hoặc bị tước thì thông tin sẽ được hiện ở đây.
2. CSGT tạm giữ giấy phép lái xe trên VNeID từ 01/7/2024
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư số 28/2024/TT-BCA, khi cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ đã được tích hợp trên VNeID thì thực hiện kiểm tra giấy tờ thông qua ứng dụng VNeID.
Đồng thời, khoản 5 Điều 1 Thông tư 28 này cũng nêu rõ, nếu tạm giữ GPLX thì cảnh sát giao thông có thể thực hiện tạm giữ trên môi trường điện tử và cập nhật thông tin về việc tạm giữ đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính và đồng bộ với VNeID.
Do đó, khi người vi phạm giao thông bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID thì đồng thời sẽ có các hậu quả dưới đây:
2.1 Không thể sử dụng bản giấy thay cho bản điện tử đã bị tạm giữ
Bởi việc kiểm tra, kiểm soát thông tin giấy phép lái xe trên VNeID có giá trị như kiểm tra, kiểm soát trực tiếp giấy tờ đó.
Đồng thời, khi thực hiện tạm giữ GPLX thì cảnh sát giao thông đã thực hiện đồng bộ thông tin tạm giữ trên hệ thống xử phạt vi phạm hành chính cũng như VNeID.
Khi thực hiện kiểm tra giấy tờ mà người vi phạm xuất trình bản giấy thì cảnh sát giao thông phải thực hiện thủ tục tra cứu thông tin liên quan đến giấy tờ đó trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu khác (căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA).
Do đó, khi đã có thông tin vi phạm hành chính thì đương nhiên giấy tờ bản giấy cũng sẽ không được chấp nhận là giấy tờ hợp lệ khi tham gia giao thông.
2.2 Bị xử phạt vi phạm hành chính
Tương đương với việc bị tạm giữ giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt vi phạm hành chính tương đương với mức phạt của hành vi bị tước GPLX.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có thể kể đến các hành vi sau đây:
- Với xe ô tô:
- Lái xe mà trong máu/hơi thở có nồng độ cồn ≤ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở;
- Đi xe ngược chiều trên cao tốc; lùi xe trên cao tốc trừ xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông…
- Với xe máy:
- Đi xe vào cao tốc trừ xe phục vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu/hơi thở có nồng độ cồn ≤ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở
- Điều khiển xe mà buông cả hai tay, dùng chân lái xe, ngồi 01 bên lái xe, nằm trên yên lái xe…
- Lạng lách, đánh võng trên đường bộ trong và ngoài đô thị…
2.3 Bị tạm giữ nhưng vẫn lái xe thì bị phạt tiền
Theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu bị tạm giữ GPLX mà quá hạn không đến giải quyết mà vẫn tiếp tục điều khiển xe tham gia giao thông thì sẽ bị phạt như không có giấy tờ với mức phạt:
- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng: Lái xe mô tô hai bánh dung tích xi lanh dưới 175cm3
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng: Lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên
- Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng: Điều khiển xe ô tô mf không có giấy phép lái xe…
Trên đây là hướng dẫn cách xem giấy phép lái xe bị tạm giữ trên VNeID.